Thư giản tốt nhất với y, sau lúc cơm trưa xong, nằm dài trên giường và đọc báo. Nhưng phải là tờ báo có đăng thơ. Nhẩn nha đọc vài câu, dù hay, dù dở vẫn cảm thấy như giữa trưa hè oi bức có làn gió mát thổi qua. Thời buổi này, còn có bao nhiêu tờ báo in thơ? Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiếm hoi lắm. Cũng chẳng sao. Bèn huy động những câu thơ đã từng đọc, vẫn còn nguyên trong trí nhớ. Chẳng hạn, “Sống mà phải xã giao nhiều/ Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh”. Thơ Nguyễn Bảo Sinh - một “ca” đặc biệt trong đa số, vô số, hằng hà sa số lớp người làm thơ hiện nay. Nhiều câu thơ đã phổ biến rộng rãi. Có một chút bỡn cợt, tiếu táo, tiếu lâm, tiếu ngạo giang hồ pha lẫn một chút triết lý thiền. Độc đáo. Dễ nhớ.
Hãy dừng lại một chút với “phò phạch”.
Trước hết, là từ phạch. Đã nhắc đến từ phạch, như một lẽ tự nhiên, lại nhớ đến đoạn thơ Vịnh cái quạt của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa/ Nâng niu ướm hỏi người trong trướng/ Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”. Theo Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo: “Phạch: tiếng động của vật gì rộng bản đập xuống mà phát ra: "Đập cái quạt đánh phạch một cái". Phì phạch thì sao? Cứ theo Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Quạt bằng tay một cách chậm rãi, thỉnh thoảng lại đụng quạt xuống giường chiếu hoặc vào vật gì đó: Nóng quá, quạt phì phạch suốt đêm”.
Thử hỏi, có phải phì phạch là “Quạt bằng tay một cách chậm rãi”?
Chậm rãi mà được à. Hãy xem nhà văn Nguyễn Công Hoan miêu tả động tác phì phạch trong truyện ngắn cùng tên: “Bà nằm sấp, chân co, chân duỗi, úp mặt xuống, nhắm mắt sẵn, thỉnh thoảng giục: “Mạnh vào một tí”. Con Đỏ con ngồi thẳng lại như để lấy hết gân sức, để quạt phành phạch vào bà”. Đấy, con Đỏ quạt bằng cách “hết sức hết gân” thì chậm rãi làm sao? Quạt bằng tay một cách chậm rãi, thiết nghĩ chỉ có thể phe phẩy, chứ không là phì phạch. Cha đẻ của Kép Tư Bền viết tiếp: “Ngồi luôn một chỗ và làm một việc trong lúc đêm khuya thanh vắng lại tối đèn, đố ai mà không chán, không mệt, không buồn ngủ? Bởi thế, con Đỏ con như thấy chiếc quạt và đôi mi mắt nặng trĩu. Nó phe phẩy chậm, chậm dần... chậm dần. Rồi nó ngoẹo đầu, cánh tay lả xuống, không cử động nữa”.
Về cái quạt cầm tay, dám nói Vịnh cái quạt của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương vẫn ấn tượng nhất. Đọc và liên tưởng vẩn vơ, tủm tỉm cười. Ấy mới là cái thú. Đọc mà thấy rõ mồn một hình ảnh từ các con chữ đã dựng nên những câu thơ lắt léo: “Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc/ Rộng hẹp dường nào, cắm một cay”. Xin lưu ý, “cay” chứ không phải “cây”. Lâu nay, nào riêng gì trí nhớ tồi tàn của y, ngay cả nhiều bậc thức giả cũng nhớ là cây. Thế, cay là gì? Một từ cũ đã từng quen thuộc ở ngoài Bắc, trong Nam ít nghe thấy chăng? “Cay: Cái phần đuôi dao để cắm vào chuôi: Dao lỏng cay” (Việt Nam tự điển - 1931). Với câu thơ trên, hiểu nôm na là phần đuôi của các nan quạt “mỏng, dày”, xếp “rộng, hẹp” ấy được cắm vào chuôi/ cán quạt. Hiểu vậy, có chính xác?
Và phạch chỉ có thế? Xin thưa, còn có thêm nghĩa khác nữa, chẳng hạn Việt Nam từ điển (1971) xuất bản tại miền Nam: "Phạch: Phành, vạch, banh ra". Kỳ lạ chưa? Phạch này một khi đi chung với phò, trở thành phò phạch thì lại hàm nghĩa hoàn toàn khác nhằm chỉ gái ăn sương, nhảy dù - phụ nữ kiếm sống bằng “vốn tự có”. Dần dà, phạch rơi rụng đi chỉ còn mỗi phò. Không rõ do cơn cớ gì, đã có thời lại xuất hiện từ bò/ bò lạc - để chỉ gái mại dâm tự do. Rồi gì nữa? Theo Nguyễn Bảo Sinh: “Đậm đà bản sắc chân quê/ Thanh lâu xóa sạch, ca ve đầy đường”. Ca ve là vây mượn từ tiếng Pháp cavalière - nhằm chỉ các vũ nữ ở đăng xinh (dancing) vũ trường. Dần dà đã lái qua nghĩa khác.
Mà, hạng phò phạch thời nào cũng có. Nhìn họ bằng cái nhìn thế nào?
Ông Vũ Ngọc Phan hoàn toàn có lý, rất nhân văn khi phê phán nhà văn Trọng Lang lúc viết Hanoi lầm than (1938), xin lưu ý nhan đề tập phóng sự ghi “Hanoi” chứ không phải “Hà Nội” - một cách ghi địa danh phổ biến thời ấy. Ông Phan viết: “Có vài chỗ, tôi không đồng ý với tác giả. Đó là những chỗ tác giả bảo mấy gái hồng lâu là “mấy con bọ bùn sống trong đống rác” và dùng mấy chữ “con lợn sề đang cười” để chỉ một gái thanh lâu. Bọn khốn nạn ấy không khác gì súc vật, nhưng những cảnh lầm than của họ có phải tự cái sức hèn mọn của họ gây ra đâu! Họ phải chìm đắm trong cảnh nhơ nhuốc là lỗi ở xã hội. Trong một xã hội văn minh, có tổ chức, những việc ấy không thể có được. Vậy họ là những người đáng thương hại mà không đáng bỉ” (Nhà văn hiện đại, 1942). Từ “khốn nạn” ở đoạn này, chỉ có nghĩa là “thương hại”, chứ thời ấy nó chưa hàm nghĩa như nay ta đã hiểu là đáng khinh bỉ. Vâng, ông Phan nói đúng lắm. Trách họ thế nào, cái lỗi ấy thuộc về xã hội đấy chứ. Duy chỉ có một điều ông Phan “ngây thơ” khi tin rằng, “Trong một xã hội văn minh, có tổ chức, những việc ấy không thể có được”.
Nghe thế, ắt có tranh cãi? Chẳng nên cãi cọ, tranh cãi, tranh luận làm chi, chuyện của y là bàn về chữ nghĩa. Vậy, hãy cứ tiếp tục. Rằng, ngày xửa ngày xưa, chừng vài trăm năm trước, tiếng Việt đã sử dụng những từ gì chỉ về phò phạch? Trả lời cách tốt nhất, phải cậy đến bửu bối của chú mèo Đôrêmon. Thật ra, chiếc máy quay ngược thời gian ấy, ai ai cũng có thể sắm được, đó chính là sách. “Đọc sách là nói chuyện với những người thành thật nhất của các thế kỷ đã qua” (Descartes). Lần này, y chọn lấy từ điển song ngữ Hán-Việt Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, một quyển sách lưu giữ nhiều nhất dấu tích chữ Nôm và tiếng Việt cổ. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng thuận về năm ra đời của quyển sách giá trị này, chỉ biết có thể được khắc in trước thế kỷ XV.
Đãng tử con bãi đánh kình làm sang
Con chơi là cái nữ nương
Tuyết nhi con bợm dạo đường hát ngao
Đánh kình là cãi vã, đánh lộn; hát ngao là hát rong. Tuyết nhi là con bợm nhưng cũng dùng để chỉ con hát, xướng ca, ca nhi, xướng nhi, kỹ nữ… nói nôm na là nghệ sĩ tài tử, nghệ sĩ tự do khoái đàn ca hát xướng, vượt ra ngoài ràng buộc thông thường. Con chơi, con bợm là từ thuở ấy dùng để chỉ phò phạch như nay ta đã hiểu. Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A. de Rhodes giải thích: “Bợm, con bợm: gái điếm”.
Hiệp tử con bãi
Tuyết nhi là con bợm chơi
Con bãi cũng thuộc hạng như trên. Từ điển Việt-Bồ-La cũng cho biết: “Bải, con bải đĩ bải: Người đàn bà dâm đãng, người đàn bà mãi dâm; Bợm, con bợm: gái điếm”. Nhưng con bãi cũng hàm nghĩa chỉ người hào hiệp, bạt mạng tùy ngữ cảnh. Con bãi, con bợm đến thời của Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ở miền Nam đã mất dấu vết, không còn ghi nhận. Với bợm, chỉ có bợm bãi: “Người xảo quyệt, hay lường gạt”; thằng bãi: “Thường nói về kẻ trộm; đứa có nghề ăn trộm”; làm bợm: “Làm mặt tử tế; làm bộ, làm bề, làm lẽ: Muốn ăn mà còn làm bợm” v.v…
Này, những từ này, có được các văn nhân tài tử đưa vào thơ văn? Muốn trả lời phải có cuộc khảo sát cụ thể từ văn bản, không thể phán bừa. Thiên hạ “ném đá” có ngày. Vì lẽ đó, trước mắt y chỉ dám nói, con tuyết đã xuất hiện trong thơ quốc âm, ít ra là dưới thời Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Cụ thể trong bài thơ Tứ thú tương thoại:
Đêm rượu, ngày rồi họp bốn người,
Cùng bày sở thú bảo nhau chơi.
Con trâu tớ béo, cơm ngươi trắng,
Đon củi ngươi nhiều, cá tớ tươi
Gặp thuở thái bình, người mến mộ
Chứa lòng ưu ái, tớ cùng ngươi
Cắp cầm, con tuyết tình cờ đến,
Bỏ nón, lùi chân khặc khặc cười.
“Cắp cầm” là cầm đàn. Không rõ, “con tuyết” này có liên quan gì đến con Bạch Tuyết trong hát bài chòi hiện nay? Chỉ là sự trùng tên, hay con tuyết của thế kỷ XV đã “biến hóa” ẩn náu trong trò chơi dân gian của Trung bộ: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc đến lòi rún ra”? Xin dành câu trả lời cho các nhà ngôn ngữ học.
Với bài thơ trên, từ những câu thơ có tính chất kể lể, tâm tình, thù tạc theo khuôn phép, bỗng lúc con tuyết xuất hiện thì sinh động, nhốn nháo hẳn lên và tràn đầy sinh lực, sức sống đến lạ lùng. Cô nàng rất tự nhiên, tự tại, thân thiết, tự tin “Bỏ nón, lùi chân khặc khặc cười”. Trải qua lớp sóng hàng trăm năm thừa sức phủ lên lớp bụi thời gian của sự lãng quên, lạ thay, tiếng cười “khặc khặc” ấy vẫn còn vang vọng rất rõ nét đến tận thế kỷ XXI này. Và sẽ còn vang vọng mãi. Thơ Việt Nam thời trung đại, hiếm có câu thơ nào lại tự nhiên, phóng khoáng đến dường ấy.
Khi tìm về chữ nghĩa, đôi khi cũng nên cũng nên tự làm khó mình một chút. Rồi lấy cái cớ đó để tiếp tục mày mò, tìm hiểu thêm. Có thế, mới bõ thời gian ngồi suy nghĩ vẩn vơ giữa bộn bề sách vở. Rằng, thế thì, từ bao giờ các từ đã ghi nhận từ ghi nhận trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa dần dần không còn sử dụng trong lời ăn tiếng nói? Nó đã được thay thế bằng từ khác - một từ “chính danh” rõ ràng ràng mà hiện nay vẫn còn sờ sờ ra đó.
Từ gì vậy Q?
Đĩ.
Cái từ thô tục chăng? Thô kệch chăng? Không hề. Bằng chứng là nó đã hiên ngang đi vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao, thiên hạ vẫn còn nói oang oang đấy thôi. Chẳng gì ngượng miệng. Thí dụ, Đĩ có tông không ai trồng nên đĩ; Nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng; Làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng; Con sâu làm rầu nồi canh/ Một người làm đĩ xấu danh đàn bà; Đĩ lũa được tha, sư già phải ngục; Đĩ dạc lấy chồng quận công, chính tông lấy chồng thợ giác v.v… Xin giải thích đôi từ khó hiểu, chẳng hạn, đĩ lũa là loại thập thành, sành nghề, thành thục; đĩ dạc là loại xơ xác, tồi tàn, mòn sút, hết nước hết cái, chẳng còn xơ múi gì. Với từ đĩ, ngay cả nhà văn hiện thực phê phán, căm thù xã hội nhố nhăng vào hạng bậc nhất của nền văn học Việt Nam là ông Vũ Trọng Phụng đã đặt tựa sách cực kỳ gây sốc: Làm đĩ.
Không chỉ có thế, đĩ còn hàm nghĩa khác, hoàn toàn không thể hiểu theo nghĩa ca ve, phò phạch. Việt Nam tự điển (1931) cho biết: “Đĩ: Tiếng thông thường gọi con gái nhỏ, trái với cu: Thằng cu, con đĩ”. Nhưng nào chỉ có thế, đĩ vẫn còn dùng để chỉ người vợ trẻ, nói như ngôn ngữ thời @ là bỉm sữa. Nhà văn Nam Cao viết: “Chị đĩ Chuột đành dỗ nó: “Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy cho một miếng mà ăn”. Nếu bỉm sữa dùng chỉ cả người chồng trẻ thì đĩ cũng có “chức năng” này chăng? Vâng, tỷ như cha đẻ của Chí Phèo - nhân vật điển hình nổi tiếng nhất văn học Việt Nam viết tiếp: “Nhưng anh đĩ Chuột bảo: “Cho cả nó đi, kẻo nó khóc”.
Những tưởng một khi tìm về chữ nghĩa, ta chỉ tìm thấy lớp vỏ của chữ đã sử dụng, từng sử dụng của một thời. Nào ngờ, qua đó, còn có thể thấu hiểu hiện thực xã hội thời ấy nữa đấy. Với những câu vừa trích, ta thấy thêm tình tiết gì nữa? Chính cái nghèo bức bách, túng quẫn đã đẩy người chồng tự kết thúc cuộc đời bằng sợi dây thừng: “Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn gật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng. Ở ngoài ngõ, mẹ con chị đĩ Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc”.
Buồn quá đỗi. Ôi, chữ với nghĩa.
Muốn khóc.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|