LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.12.2019

48e8de6e1959113d53d5841a132414a4

 

Cứ như theo thông lệ của người chuyện nghiệp viết báo kiếm sống, hễ năm con nào thì viết về con đó. Có thế, mới “hợp thời trang”, chứ năm Tý lại đi bàn chyện bẫy cọp, đánh cọp thì thiệt “dở hơi biết bơi”. Không sao cả. Thích thì viết, miễn bạn đọc thích thì chẳng can cớ gì phải ngần ngại. Mạnh miệng nói thế thôi, chứ y cũng ngại lắm đây. Vậy nên, ta bàn qua chuyện chữ nghĩa cho thiện lành.

Rằng, ca dao Nam Trung Bộ có câu: “Chầu rày hết mía hạ che/ Còn chi lên xuống mà ve thợ đường”. Ve, dễ hiểu quá rồi, cần gì phải giải thích cho rườm tai. Nói tắt một lời, tùy ngữ cảnh, ve còn có những từ tương đương như tán tỉnh, gạ, gạ gẫm, thả thính, dỗ dành, trêu ghẹo, gò, o…

Thế “che” là cái gì mà phải “hạ che”? Chà, rắc rối đấy ư? Không. Dễ ẹt. Cứ tra sách thì rõ. Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Dụng cụ ép mía, gồm hai trục lớn quay tròn khi kéo cần quay, ép mía vào giữa hai trục”. Ta đã hiểu nhưng vẫn chưa rõ lắm.

Đại khái, ngày xưa, đến màu thu hoạch mía, người ra dựng chòi, gọi “chòi mía” ngay giữa bãi mía; ở đó vừa có che, vừa có lò để nấu đường. Che/ bộ che làm bằng hai súc gỗ lim hình tròn, có thể xoay tròn nhờ đầu che đẽo rãnh răng cưa cho khớp nhau, dựng thẳng đứng vững chãi - người làm nghề ép mía lấy nước làm đường gọi bằng cái tên rất oách là “ông che”. Trên đỉnh ông che gắn một đoạn tre gác ra ngoài, gọi là cái cần, cái cần này gắn vào cổ con trâu, hễ con trâu đi vòng quanh thì hai ông che dù khít rịt nhưng luân chuyển, quay đều, cái gì đút vào ắt bị nghiến, dập nát. Để dễ dàng đút cây mía vào đó,  gọi là “chụm che” - người ta khoét rãnh như cái miệng giữa hai ông che, nhờ thế, công việc này không quá nặng nhọc, khó khăn.

Vậy, khi cây mía bị ông che dập nát, nước chảy ra đâu? À, ngay phía dưới ông che có đặt miếng ván dán dày, gọi là “cái mông” và khoét đường mương cho nước chảy vào cái “muống thủy” chôn âm xuống đất tức nơi chứa toàn bộ nước mía, hễ đầy thì múc ra cho vơi, đổ vào thùng gỗ để dành nấu thành đường. Thời buổi này, bộ che được làm bằng sắt, chạy máy nổ để ép mía nên thuận lợi hơn nhiều.

Tóm lại, cách giải thích này, dù nôm na nhưng ít nhiều cũng giúp ta hiểu đại khái về che/ bộ che/ ông che trong nghề lấy nước mía nấu đường ngày trước.

Mà từ nấu đường nhảy qua… chuyện khiến cho một con cọp sa cơ thất thế thì sao? Thì ly kỳ lắm đây. Từ tài liệu sưu tập của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, y đọc lại quyển Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1938-1942 (NXB Trí Thức - 2018). Trong đó, với bút danh Thông Reo ký trên Dân báo ngày 21.7.1941, Phan Khôi kể rằng bữa hôm ấy ở chòi mía: “Vì còn tối trời nên có thắp cái đèn dầu lu ly treo nơi cột. Một con cọp đi kiếm ăn sớm, đến gần chòi, ngồi rình từ bao giờ không ai biết. Vừa lúc con trâu đi qua khỏi tầm mắt nó, con cọp nhảy tới định vồ đứa gái ngồi chụm che. Có lẽ con trâu biết có cọp, đâm sợ vùng chạy lên, nên khi cọp ta nhảy vào thì trâu cũng đã giáp vòng mà trở lại chỗ cũ. Vì cọp vướng phải trâu nên chụp hụt con bé. Con bé lại hoảng hồn té nhào xuống cái muống thủy. Trong đó đã có một ít nước mía, con bé nằm ngửa và đưa hai tay hai chưn lên lơi bơi.

Cái mặt che vẫn láng vì thường có thoa dầu, nhờ có ánh đèn, dọi cái bóng lơi bơi của con bé vào đó. Cọp ta nhìn cái bóng, tưởng là đứa gái ở trong che, bèn đút một cẳng vào để lôi ra. Không ngờ cái cẳng ấy bị che nghiến mất. Con cọp không chịu thôi, đưa một cẳng khác, cũng bị nghiến. Nó đưa cái thứ ba nữa, cũng bị nghiến nốt. Sau cùng bị nghiến đến cái cẳng thứ tư, thế là nó chỉ còn cái thân trơ trọi. Gần sáng, cả làng chạy tới, ai nấy đều nhìn con cọp rồi nhìn nhau mà cười. Còn con bé, sau khi họ vớt ra, hú hồn hú vía mất một chặp lâu mới sống lại. Té ra nó không chết vì con cọp, mà con cọp lại chết vì nó”. Thông Reo kết luận: “Sau khi việc nầy xảy ra, người ta ở chung quanh làng đó cứ nhắc đến “con cọp chòi mía” để làm tượng trưng cho một cái triết lý: Kẻ ác có lắm khi không ai hại nó, trời cũng chẳng hại nó, chính nó tự hại”.

Lại nữa, còn thêm mẩu chuyện khác cũng hấp dẫn nốt. Trước đó, ở Dân báo ra ngày 15.7.1941, Thông Reo còn kể về một loại bẫy cọp, “phải lựa chỗ dốc như là cái bờ khe bờ suối”.

Cái bẫy này ra làm sao?

Thông Reo cho biết: “Bẫy rất là đơn giản, mới xem như chỉ một khúc gỗ để đó, không có gì đáng ngờ cả, cho nên thường bắt được cọp luôn, mười lần không trật một. Một khúc gỗ lim - không lim thì gỗ khác, miễn cho cứng là được - bề dài chừng một thước hai tây, yêu viên (chu vi) chừng 4 - 5 tấc tây lớn tròm trèm cây cột nhà, đục rỗng ở trong từ đầu nầy đến đầu nọ. Đục hoàn thành rồi, xem cũng như cái ống máng nước của thành phố dùng để xây cống các con đường, bằng xi-măng, thứ nhỏ. Thế rồi hai đầu ống làm hai cái hom bằng sắt nhọn, như kiểu cái hom lờ cá mà gắn vào cho thật chắc, đừng để rơi ra được. Trước khi gắn hom, bỏ vào trong ống một con chó hạng thanh niên. Phải nhớ, chung quanh ống, nhứt là phía để hướng lên trời, phải đục nhiều cái lỗ nhỏ cho con chó có thể thò cái giò ra được.

Tất cả cái bẫy chỉ có thế. Làm xong rồi, đem đặt cái ống nằm trên bờ khe, chỗ con cọp hay đi uống nước. Thứ chó còn tơ nó hay kêu lắm; ở trong ống nó lại càng kêu hơn, đôi khi thấy cái lỗ có ánh sáng, nó lại thò giò ra nữa. Cọp ta đi ngang qua, thấy được, thế nào cũng thò tay vào bắt. Thò tay mặt, tức là cái cẳng trước bên hữu của nó, vào trong ống và đã mắc lấy hom rồi, nó sẽ thò tay trái tức cái cẳng bên kia vào sau. Thế là hai cái chưn trước của cọp bị dính cả không thể lấy ra được. Còn hai chưn sau, tất nhiên nó phải vùng vẫy để kiếm cách thoát. Không ngờ vùng một cái, mất thăng bằng, cả con cọp và cái ống sẵn dằm đều lăn xuống khe. Ấy là cọp chịu chết, không tài nào thoát được”.

Những chuyện này, tin hay tin thì tùy, chứ y tin chuyện này mới là… có thiệt. Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam có đôi lần viết về chuyện đánh cọp thời khai hoang lập ấp. Đọc lên du dương, nghe sướng tai lắm. Ông kể: Có anh chàng nọ mới rạng ngày đã đi ra ruộng. Trên đường lờ mờ sáng, chợt thấy con cọp ngồi chống tó phía trước, chỉ cách một sải tay, anh ta sợ khiếp vía đến nổi không nhắc chân lên nổi. Phen này “ngủm củ tỏi” là cái chắc. Anh ta bèn lấy hết thần lực lột cái khăn bị trên đầu rồi chắp hai tay, quỳ xuống mà xá lấy xá để. Dè đâu, con cọp “hộc” lên một tiếng vang động, co chân… chạy tuốt vào rừng! “Cọp đánh nhau với người nhiều trận nên nó cũng hiểu các thế võ, nhưng gặp cái thế “chắp tay quỳ lạy”, nó ngỡ độc chiêu bí hiểm nên co chân chạy bén gót là phải thôi!”. Chưa hết, y còn nghe ngoài Quảng Nam có người kể thêm chiêu "lót lá nằm cho cọp vồ", ấy là trong lúc đánh nhau với cọp, người đó bèn đột ngột lăn ra nằm dài dưới đất như thể cho con cọp tưởng bỡ, đã ngon ăn liền vồ tới. Đúng y chang, nó vồ tới liền, người đó liền tung chân… đá trúng chóc… vào hạ bộ, thế là nó bất tỉnh, nằm lăn queo là “xong phim”.

Đúng là “phong cách” kể chuyện của bác Ba Phi. Thế mới là vui, phải không nào?

Nghe kể rằng, ngày xưa đánh nhau với cọp nhiều người thua cọp vì không lường trước ngón nghề gọi là “trâu vằng” của nó. Vận dụng chi tiết này, y đã dưa vào tiểu thuyết lịch sử Tướng quân Hoàng Hoa Thám (NXB Văn Học, tái bản 2019). Đó là lúc Đề Thám và cọp đang quyết chiến sinh tử, một mất một còn, đột nhiên con cọp bỗng hộc lên một tiếng, nó lăn ra sân nằm đưa chân lên trời.

“Trong ngón nghề đánh cọp, người ta gọi đây là miếng trâu vằng. Con cọp khi đã thành tinh rồi thì mới học được miếng nầy. Nó khôn ngoan giả vờ nằm như thế là để đánh lừa đối thủ. Những tay non nghề tưởng bở, nhảy vào trong lúc nầy thì con cọp bắt ngay vũ khí rồi móc luôn họng địch thủ. Thám đã được nghe nhiều thầy dạy võ nói như thế nên anh chỉ đứng yên. Một lát sau, không thấy động tĩnh gì, con cọp chồm dậy. Hai bên lại tung nhau vào trận đấu. Tiếng cọp gầm lồng lộn, tiếng đòn tre quay vút trong gió đã tạo nên âm thanh rùng rợn.

Khi con cọp nhảy xổm vào người Thám, anh quyết định tung ra đòn cuối cùng. Thám ngồi thụp xuống. Đòn tre nhọn chỉa thẳng lên trời đen. Lấy hết sức bình sinh, anh thọc đòn tre nhọn vào bụng thú dữ. Bị bất ngờ, nó rú lên khủng khiếp rồi dùng hai chân trước quào xuống đầu Thám. Anh né người tránh, nhưng móng vuốt cũng sướt qua vai. Máu tung tóe. Nhưng con cọp càng dãy dụa thì anh càng đâm ngọn tre vào sâu hơn nữa. Mùi máu cọp tanh tưởi chảy xối xả xuống mặt anh. Thám kiệt sức. Anh buông tay ra. Con cọp hộc lên tiếng kêu thảm thiết. Nó nhảy vọt ra khỏi vòng chiến đấu để toan chạy về rừng. Lúc nầy, thấy con cọp đã ngất ngư, mọi người liền xông vào tung roi quyết chiến. Cuối cùng, con cọp nằm yên chịu chết dưới làn mưa roi của dân làng Trũng”.

Về chuyện cọp, nói thế thôi, chứ uy quyền của nó ghê gớm lắm. Mãi sau này, khi đã xuất hiện xe ô tô chạy trên đường lộ, lúc thấy cọp lừng lững xuất hiện, thiên hạ còn sợ té đái, mặt mày xanh lét như tàu lá. Rằng, trong quyển Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ có kể lại vào năm 1924, xe “cam nhông” chở hành khách  trên đường đi Quy Nhơn đã gặp cọp tại Bồng Sơn:

“Anh sốp phơ sang số xe, cho xe từ từ tiến tới, rồi cố vọt lên đèo. Toàn thể hành khách la hét um sùm, lẫn lộn đủ các thứ tiếng: “Ối làng nước ơi! Hù, hú hù hù, hù. Cọp, cọp, cọp. Ối làng nước ơi! Cọp! Cọp!”. Xe gần đến cọp, cọp cứ ngồi yên không nhúc nhích nhưng mắt cọp sáng ngời cứ đăm chiêu nhìn theo xe… Xe càng gần đến cọp, tiếng kêu la hò hét càng to lên, càng ồn ào náo nhiệt. Bỗng cọp “gầm” lên một tiếng vang dậy cả núi rừng khiến cho tất cả mọi người đều khiếp đảm, im lặng hết. Chỉ còn tiếng xe kêu rầm rầm, khói xịt ra mù mịt đen ngồm và tiếng còi xe kêu điếc óc điếc tai. Xe chạy ngay đến chỗ cọp, cọp nhổm dạy toan vồ xe bỗng từ trên mui xe hai cái thùng rớt mạnh xuống kêu: “Phèng! Phèng! Choảng choảng!” ngay trước mũi cọp rồi lăn ra đường cái. Cọp hoảng hốt chạy vọt vào rừng…”.

Thật hú vía. Khiếp quá.

Thời đó, từ trong Nam đi bộ ra Huế ắt phải lội đèo vượt suối ghê gớm, chỉ xin nêu một chi tiết nhỏ khi đi qua khu vực Nam Trung Bộ: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận. Ma Bình Thuận chưa thấy ra sao chớ hồi xưa ở đó, cọp nhiều lắm, có ít người không dám đi qua. Người ta sắm có hằng mấy trăm cây côn bỏ ở hai bên chơn núi để cho hành khách cầm phòng cọp rồi qua chưn núi bên kia lại bỏ đó một đống. Rồi tới phiên người ở bên đó cầm đi, bỏ trở lại bên kia, cứ làm luân chuyển như vậy hoài. Hồi đó hai đầu chưn núi có hai dãy quán, hành khách đến chơn núi nếu có ít người thì phải đợi đông mới dám qua. Phải năm ba chục người mỗi người cầm một cây côn mới đi được”. Chi tiết này, ông Diệp Văn Kỳ kể lại có đăng trên báo Thần chung (tháng 1.1929).

Trở lại với cái vụ nát thần tính lính quýnh thần hồn, dái chạy tọt lên cổ vì đi xe gặp cọp, sau đó, có ông Tú tân thời đầu cúp ca-rê, đội mũ trắng, miệng nhai trầu ngồm ngoàm. đọc bài thơ kể lại chuyện vừa trải qua: “Một chiếc xe xanh, một cọp vàng/ Nhìn nhau bốn mắt sáng choang choang/ Cọp gầm vang động, ôi hồn vía/ Xe hoảng hồn kêu, ối xóm làng/ Máy bết, người run, vô diệu kế/  Đèo cao, đêm vắng, thậm nguy nan/ Kìa đôi thùng thiếc ai quăng đấy/ Cọp nhảy co giò, tưởng sét vang”. Kết thúc có hậu. Ai nấy vỗ tay vang.

Mọi việc trên đời, sau khi đã trải qua, phải chăng điều mong mỏi nhất của ai ai cũng đều mong kết thúc có hậu?

Vâng, y chỉ được cái nói đúng.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment