LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.12.2019


220px-Sn_Tinh

Thánh Tản Viên

 

Chiều. Trời lặng gió. Ngồi yên tĩnh và nghĩ vẩn vơ. Đại khái, vừa đọc lại vài chuyện cổ tích nước Nam, mạo muội nghĩ rằng, không riêng gì người Việt, bất cứ dân tộc nào tồn tại trên trái đất này, mối quan tâm xuyên suốt ngàn đời của họ bao giờ cũng gắn liền với đất. Quê cha đất Tổ. Đất là tờ giấy khai sinh chứng nhận mình đã là công dân của một đất nước. Rất cụ thể. Không trừu tượng. Có thể nhìn thấy sờ sờ như đình làng, cây đa, bến nước…

Không phải ngẫu nhiên, mở đầu cho truyền thuyết của bọc đồng bào ngàn năm sử Việt, thủy tổ của nòi giống Việt đã nói câu đầu tiên có tính chất thiêng liêng nhất, cốt lõi nhất vẫn là lúc Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải”.

Tại sao lại vậy?

Cùng là máu một nguồn, cùng thịt một cội nhưng tại sao lại kẻ đầu non, người cuối bể? Phải chăng đó “mật ngữ” truyền lại cho đời sau, đời sau nữa vẫn là sự giữ đất - phân chia nhau gìn giữ lấy bờ cõi, lãnh thổ, đất nước của dòng giống mình để duy trì, tồn tại mãi mãi? Đúng thế, sử chép bấy giờ vua Hùng trấn tại Phong Châu, nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ và các lạc hầu (tướng văn), lạc tướng (tướng võ) trấn giữ…

Lại nữa, mở đầu cho “Tứ bất tử” biểu tượng cho sự trường tồn, bất diệt của dân tộc Việt, luôn sống mãi trong tâm thức của người Việt từ ngàn xưa đến ngàn sau thì Thánh Tản Viên đứng đầu rồi mới đến Đức Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Về huyền tích Thánh Tản Viên, nói nôm na là gắn liền với cuộc chiến đấu long trời lở đất, không khoan nhượng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Mặc dù trải qua nhiều gian khổ nhưng Sơn Tinh luôn luôn chiến thắng. Điều đó phản ánh ước mơ mà cũng phản ảnh hiện thực. Nói lên ý chí bất khuất, quyết tâm sắt đá của ông cha ta kiên quyết đánh thắng mọi kẻ thù trên mảnh đất đang đứng chân. Phải trụ lại, trụ vững thì mới phát huy hết nội lực vô biên đã có từ đất. Do đó, khi Thủy Tinh dâng nước càng cao, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu, chứ không bỏ đi nơi khác. Cuộc chiến này không một lần mà đã diễn ra dai dẳng, từ thuở hồng hoang dựng nước đến nay - ẩn ý triết lý sâu xa ở đó vẫn là cuộc chiến giữ lấy đất và phải giữ cho bằng được, bằng mọi giá.

Lịch sử của dân tộc Việt là một dòng chảy liên tục, trải dài theo năm tháng, lúc thăng lúc trầm - dù thế nào thì tinh thần ái quốc “Tổ quốc trên hết” bao giờ cũng trường tồn, bền bĩ, không bao giờ mất đi. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên khi đúc kết tư tưởng dựng nước và giữ nước của một đất nước có hơn 4.000 năm văn hiến, nếu tóm tắt trong một từ, y nghĩ chỉ có thể tóm gọn trong từ “đánh”. Đánh vì sự tồn vong của tập thể cư dân luôn yêu chuộng hòa bình; đánh, vì luôn đặt nghĩa lớn vì Tổ quốc lên vị trí cao nhất.

Do đó, đánh giặc ngoại xâm là một phẩm chất cao quý đã làm nên giá trị tinh thần cốt lõi người Việt. Vì lẽ đó, những ai hy sinh, bỏ mình vì Tổ quốc luôn được thế hệ đương thời, lẫn đời sau ngưỡng mộ lẫn nhớ ơn. Còn chuyện tình kén rể, hai rể một nàng chỉ là vỏ bọc bề ngoài, cho dễ nhớ truyền miệng từ đời này qua đời sau mà cũng để kẻ thù không biết được đấy thôi. Ấy là sự tinh tế dịu vợi, thâm trầm kín đáo của ông cha ta nhắn nhủ lại muôn đời sau. Thế thì, đọc sử, có những lúc ta phải đọc giữa hai dòng chữ là thế. Nói trắng ra, lời nhắn nhủ đó vẫn là sự cảnh giác cao độ. Mà sự cảnh giác này không bao giờ thừa; nếu không cảnh giác sẽ mất. Mất đất là mất tất cả, kể cả nguồn gốc, cội nguồn mà mình đã sinh ra.

Mà này, có phải làm nên những dấu ấn vĩ đại cho một nền văn học, nghĩ cho cùng, trang viết đó phải gắn liền với số phận của đất? Ơ hay, theo “nguyên lý văn học” phải là “số phận con người” chứ? Đúng thế, nhưng con người ấy, nhân vật ấy không thể tách khỏi một vùng đất cụ thể.  Đọc lại văn học hiện thực Việt Nam, cho đến nay, sáng giá nhất, thành tựu lớn nhất vẫn là giai đoạn từ 1930 đến trước 1945. Từ mảnh đất ngàn năm Bắc bộ cuộn sóng sông Hồng đến Cửu Long phù sa màu mỡ thì nỗi đau đáu, nỗi đau đời của con dân Việt vẫn là cật lực đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm lấy miếng ăn từ mảnh đất của nơi mình đã sinh ra. Vì thế, bằng mọi cách phải giữ lấy đất. Dù một tấc đất cũng giữ lấy cho mình. Giữ lấy cho đời sau.

Có lẽ Nam Cao chính là một trong những nhà văn đã nghĩ sâu sắc về điều này, ta nhìn thấy và ấn tượng nhất vẫn là truyện ngắn có xuất hiện lão Hạc. Lão ta không mất đi, không bị lớp sóng thời gian vùi lấp, chỉ vì lão tiêu biểu cho tính cách của con dân nước Việt ngàn năm chân lấm tay bùn, dù nghèo rớt mồng tơi, nghèo mạt máu nhưng cũng quyết giữ lấy miếng đất hương hỏa dành lại cho con. “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn: cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào”, Nam Cao viết. Tâm thế của lão Hạc khiến ta rưng rưng nhói đau vẫn là dù đói thì ăn bả chó mà chết, chứ không bán đất, không ăn vào phần đất để dành cho con. Miếng đất ấy, phải tính bằng xương máu một đời, nhiều đời vì thế quyết giữ lấy là thế.

“Đất nước là hình ảnh con trâu/ đi trước cái cày, trước cha, trước mẹ/ là bài đồng dao con chim se sẻ/ nó đẻ mái tranh, tôi ném hòn sành/ là con Rồng cháu Tiên, là gương vỡ lại lành/ là thần thoại nhổ tre mà đuổi giặc”. Thế nhưng, nếu cần, nếu phải vì đại nghĩa, vì công cuộc kháng chiến và kiến thiết đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn thì họ sẵn sàng rời bỏ mảnh đất ấy. Tinh thần ái quốc ấy, thời nào cũng có, nói cách khác, họ là những anh hùng Vô Danh, là những lớp lớp cần lao đã tạo nên huyền thoại vẽ vang cho mảnh đất Việt Nam dọc dài từ Nam chí Bắc. Nhìn về vấn đề này, y gật gù tâm đắc: A! Dù bình dân thất học, dù chữ nghĩa không đầy mít, đựng không đầy vỏ hến nhưng các chân lấm tay bùn thời nào cũng ứng xử như những trí thức tinh hoa của trong một cộng đồng. Ứng xử thế nào? Khi người Pháp đã cắm ngọn cờ Tam tài toàn cõi nước Việt, chúng bảo sẽ trả lại đất, cụ Nguyễn Đình Chiểu khước từ: “Đất vua đã mất, đất tôi sá gì”. Đất đã mất, nước đã mất thì làm gì còn có đất của từng cá thể? Vì thế, giữ đất của mình chính là giữ đất cho nước - chủ quyền đất nước vẹn toàn lãnh thổ là một giá trị bất biến.

“Đất nước quanh tôi với tất cả bình thường/ là bún bò Huế, là tô mì Quảng.../ là phở, là cá lóc canh chua hoặc trái xoài, trái nhãn.../ cưu mang tôi khôn lớn từng ngày/ đất nước là hình ảnh khẩu súng quàng vai/ đứng trang nghiêm trước sơn hà xã tắc/ là câu đánh vần lúc bắt đầu đi học/ là ngôi trường làng mái ngói rêu phong”. Tình yêu về mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên, để trở thành công dân của một đất nước, chỉ giản dị đến thế thôi sao? Vâng, ạ. Đôi khi chỉ những điều rất đỗi bình thường - nói nôm na là ai ai cũng ước mơ kiếm được miếng ăn, đủ ăn trên mảnh đất của mình, chứ nào phải tha phương cầu thực tuyết bay buốt theo thân phận dặm trường...

Lại nghĩ, từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên người Việt đã ý thức về cái ăn, lấy miếng ăn làm trọng thông qua câu chuyện chàng hoàng tử Lang Liêu. Chuyện là sau khi phá được giặc Ân, đất nước thái bình, trăm họ yên vui, đời sống sung túc. Sau bao năm trị vì, tuổi đã già, sức khỏe ngày một suy nên vua Hùng muốn tìm người nối ngôi. Điều kiện ngài đưa ra vẫn là món ăn ngon - mà món ăn đó phải thể hiện đạo lý đạo hiếu làm con, đạo lý làm người ắt sẽ được truyền ngôi. Sự thể thế nào, ta đã biết nhưng rõ ràng ẩn trong huyền sử này vẫn là thông điệp: Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm thì trọng trách của người đứng đầu quốc gia, lãnh thổ còn là lo miếng ăn cho dân, không chỉ ăn no mà còn phải ăn ngon. Có phải đây là ngụ ý của sự tích bánh dày, bánh chưng dặn dò đời sau?

Đã “ở”, đã “ăn”, đã an cư lạc nghiệp còn phải “mặc”. Nói nôm na, “ăn ở mặc” làm nên sắc thái, bản sắc văn hoa của một dân tộc. Nay, xin lạm bàn về chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, chỉ mới ra đời từ thập niên 1930 của thế kỷ trước gắn liền với tên tuổi họa sĩ Le Mur. Thuở ấy, 36 phố Hà Nội rộn lên câu vè: “Áo dài Le Mur/ Đi giày cao gót/ Xách bót tơ phơi/ Che dù cánh dơi”… là sành điệu, là thời trang tân thời. Những ngày này, do thương hiệu Ne-Tiger gọi bừa, gọi ẩu áo đã lấy dài Việt Nam gắn mác “phong cách Trung Quốc”. Xằng bậy hết sức. Thiên hạ đã bàn nát nước. Không nhắc nữa.

Thế nhưng vẫn chưa thấy ai nói gì về cái áo dài của Trung Quốc, cụ thể nó ra làm sao? Đôi khi có những câu hỏi, tự mình đặt ra rồi nhẩn nha đi tìm câu trả lời, âu cũng là một cách tự học, Học từ sách. Trong quyển Phục sức Trung Quốc (NXB Truyền bá ngũ châu - 2011) của Hoa Mai có đề cập đến. Hoa Mai là ai? Là “GS, viện trưởng Viện nữ giới học Quốc tế kiêm trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa học trang phục Hoa Mai, trường Đại học Sư phạm Thiên Tân. Từ năm 1993 bà phụ trách chuyên mục Văn hóa trang phục trên tờ Nhân dân nhật báo”. Vài dòng lý lịch để thấy người nghiên cứu không phải tay ngang, tay mơ rồi nói lấy được như... thương hiệu Ne-Tiger.

Căn cứ vào bản dịch của Tống Thị Quỳnh Hoa do NXB TH TP.HCM in năm 2013, ta biết, “Cho tới nay các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 1000 di chỉ từ thời đại đồ đá mới (8000-2000 TCN) ở trên mọi miền đất nước Trung Hoa”. Qua đó, trên những bình gốm có niên đại tương tự có vẽ hình người mặc “áo dài”, được miêu tả như sau: “Khoét lỗ tròn hoặc cắt một đường dài ở khoảng giữa miếng vải có chiều dài bằng hai chiếc áo, khi mặc sẽ chui qua lỗ khoét, sau đó, dùng dây thắt lưng eo lại, trông rất giống kiểu đầm dài thắt eo hiện nay” (tr.8). Cũng theo bà Hoa Mai, trang phục Trung Quốc thời cổ đại về sau cơ bản có hai loại áo là “áo trùm” và “áo dài”.

“Áo trùm và áo dài là loại áo liền từ trên xuống dưới, nhưng khác nhau ở chỗ áo trùm dần dần biến mất, còn áo dài được dùng cho tới thời cận đại - thậm chí cho đến thế kỷ XXI người Trung Quốc còn nhớ tới kiểu dáng của nó - kiểu áo rộng thân áo thẳng, vạt áo lớn quấn chéo sang bên phải” (tr.20). Sự việc rõ ràng,minh bạch đến thế, do chính người Trung Quốc nghiên cứu, chứ nào ai dám bịa ra. Rõ ràng, nó không phải là loại áo dài của người Việt sử dụng mà họa sĩ Le Mur đã cách tân từ áo dài năm thân nhưng may chật hơn, vạt được cắt ngắn hơn, kể cả chất liệu vải, họa tiết, hoa văn được thay đổi cho phù hợp với vóc dáng, màu da, thời tiết trong năm… Nói tắt một lời, trải qua nhiều năm tháng, chiếc áo dài Việt Nam đã có nhiều sự cách tân khác nhau - từ cổ áo, tay áo, vạt áo, thử nghiệm trên nhiều chất liệu vải…; nhất là họa tiết trên hai vạt áo.

Ối dào, chuyện “ăn ở mặc” xét ra không đơn giản chút nào. Một khi đã lấn đất không xong, người ta lại lấn luôn sang lãnh vực văn hóa ấy là lẽ tất nhiên trong mọi âm mưu quỷ quyệt. Thế thì, y nghĩ gì về văn hóa? “Văn hóa một khi đã sâu vào đại chúng cũng tác động như một sức mạnh vật chất”. Câu này đã ghi ở trang đầu mỗi số của tạp chí Tiên phong - Cơ quan Vận động văn hóa mới của Hội Cứu quốc Việt Nam, số 1 ra ngày 10.11.1945.

 

Y nhớ lại và gật gù tâm đắc.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment