Trong mỗi nhà, vị trí nào thân thương, gợi nhớ đến tình cảm êm đềm nhất? Mỗi người có một sự lựa chọn. Với y, vẫn là cái bếp. Nhìn cái bếp, một cảm xúc vời vợi như gió thoảng đến từ cõi dĩ vãng xa xăm: nhớ mẹ. “Ngồi buồn nhớ mẹ ra xưa/ Mẹ nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” là từ bếp đấy chăng? Vâng, có lẽ là thế. Nhìn kìa, lúc người mẹ loay hoay đứng/ ngồi nấu nướng, lúc ấy đứa trẻ lẫm chẫm vừa mới tập đi đã bước đến bấu, níu lấy áo mẹ đòi ẵm bồng. Hình ảnh thân thương này, trong dòng thời gian ngược xuôi tất bật cơm áo hầu hết người lớn đã quên, không còn nhớ đến nữa, họ chỉ nhớ lại khi chăm con nhỏ. À, thì ra, thuở bé xíu mình cũng chẳng khác gì bé nhóc bây giờ. Hình ảnh này, có thể khái quát cho tình cảm mẹ con đấy chăng?
Từ cái bếp, lại nhớ về những bữa ăn sum họp gia đình. Ấm cúng. Đầy ắp tiếng cười nói. “Của không ngon nhà đông con cũng hết”. Cái sự hết ở đây, y lại hiểu theo nghĩa khác là do không gian, không khí và tình cảm nếp nhà, vì thế, mọi người ăn thấy ngon. Đôi khi món ăn ngon đến tự lòng mình do tác động từ ngoại cảnh, từ nội tâm mà có. Không tin ư? “Đầu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Đấy, đầu tôm và ruột bầu là thứ bỏ đi nhưng vẫn tìm thấy cái ngon, chính là từ tình chồng nghĩa vợ đấy thôi.
Ăn trong cái sự lo âu, phập phồng tình toán, cân não ủ ê thì dẫu ăn vàng nuốt ngọc cũng chẳng khác nhai đá. Không tin ư? Cứ hỏi đấng nam nhi si tình chính hiệu dân chơi, chỉ mỗi tội… sợ vợ như sợ cọp, nếu không đố ai có thể sánh nổi, ấy là Thúc Sinh. Rằng ngày lành tháng tốt, trong bữa tiệc ngon lành cành đào, cô vợ sai người ăn kẻ ở dọn lên bữa cơm ê hề thịnh soạn lại bảo cô nhơn tình mèo mỡ của chồng phục vụ đàn ca hát sướng rôm rã ắt Thúc Sinh ăn sẽ ngon? Ừ, thì ngon. Ngon đến độ: “Sinh càng ruột nát tan hồn/ Chén mời phải ngậm bồ hồn ráo ngay”. Thiệt, khổ thân.
Bữa ăn sum họp trong nhà lại khác. Khác hẳn, đến độ sau này, lúc bơ vơ chân trời góc biển, cơm hàng cháo chợ, con người ta lại nhớ. Nhớ như tìm lấy niềm ủi từ ngày tháng êm đềm, nhất là những ngày còn có mẹ. Mẹ quán xuyến, lo toan từng miếng ăn ngon, vỗ về giấc ngủ. Không chỉ có mẹ, còn có cả bà nữa. Với y là bà ngoại, một gương mặt nhân hậu, mỗi đêm dỗ cháu ngủ bao giờ cũng dạy phải đọc lại câu: “Nam mô Quan thế âm Bồ tát cứu khổ cứu nạn”. Y nhớ mãi đến giờ. Người bà của mỗi nhà đã đi vào văn chương chưa nhỉ? Hỏi bằng thừa. Đôi lúc, y lại rưng rưng khi nhớ đến người bà yêu dấu của cô bé bán diêm. Cảm thấy bùi ngùi quá đỗi. Hố mắt cay xè.
“Trong đêm giao thừa, tuyết buốt cóng, lạnh lẽo, em nép vào góc tường tránh rét: Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng là bà em đang mỉm cười với em. Bà ơi! Em bé reo lên, cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với Thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; bà ơi! cháu van bà, bà xin với Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu”. Trong tuyệt vọng, lóe lên niềm hy vọng mong manh nhưng ấm áp biết bao.
Văn chương là điều gì kỳ diệu quá đỗi. Chỉ vài từ, vài chữ nhưng rồi lại là một ám ảnh không nguôi. Thời bé xíu, khoảng năm học cấp hai, y đã từng học thuộc lòng bài giảng văn này, sau này mới biết tác giả là Tô Hoài. Làm sao có thể quên? Quên sao được lúc bà cụ mù lòa mớm cơm cho cháu, nhà văn viết thật khéo, linh động, tưởng chừng như thấy rõ mồm một từng động tác: “Bà lão bỏ bát cơm xuống vỗ tay, làm hiệu cho thằng bé chạy lại. Bà vội quờ tay ra, thì mó thấy nó đang ngồi chồm chỗm ở hai bên cạnh. Bà xóc nó lên, móc ngón tay vào trong miệng nó. Miệng nó còn đầy ứ những cơm nhẽo. Nó không nuốt mà đầy phè cả sang hai bên mép. Bà lẩm bẩm: “Ngậm bung búng thế này, no rồi đây”. Bà nuốt ực miếng cơm bà đang nhai trong miệng. Xong, bà cúi xuống, chúm cheo mồm lại, hút đánh chụt một cái thực mạnh vào mũi thằng bé. Bao nhiêu dãi nhớt nhoe nhoét ở mũi thằng Kê tuột vào cả mồm bà Vạng; bà nhổ toẹt xuống đất. Con mực chạy đến liếm ngồm ngồm. Thằng bé bị bà nó liếm rát cả mũi, khóc tru lên. Nhưng lại tru lên một tiếng như tiếng còi, rồi lại nín ngay”.
Ca ngợi tình yêu thương của bà dành cho cháu, chỉ qua chi tiết này, đắc giá và thừa sức khái, phải không nào? Thật hạnh phúc, may mắn cho bất kỳ đứa trẻ nào thuở trọc lóc bình vôi, nước mũi chảy dãi lòng thòng cũng được như thằng Kê. Cũng như mọi thiên thần bé bỏng khác là được lớn lên từng ngày từ cái bếp trong nhà mình. Cái bếp ấy, ngày xưa mẹ tảo tần nấu ăn nuôi mình, bây giờ vợ mình lại đứng bếp nuôi con. Hạnh phúc mỗi nếp nhà đấy à? Y nghĩ thế. Và suy nghĩ này lại trở về đậm nét vào dịp Tết nhất. Lại nhớ. Nhớ về một cổ tích có thật khiến ta ứa nước mắt: “Ngày xưa, có mẹ”. Ngày Tết có mẹ bao giờ và mãi mãi là ngày Tết tươi đẹp nhất, không chỉ trong ký ức mà nỗi niềm ấy cứ sống mãi theo năm tháng.
Ngày Tết có mẹ, đã xa. Xa lắm rồi. Xa như một cơn gió thổi buốt qua lòng chỉ nghe vọng về tiếng thở dài đìu hiu, may mà còn có con, có vợ, nếu không ta biết bấu víu vào đâu để tìm về ngày cũ? Nhớ mẹ ngày Tết, là lúc lại nhớ về cái bếp. Thời trước người ăn chuẩn bị đón Tết kỹ hơn thời nay. Mấy ngày trước Tết, việc trước nhất là phải lau dọn bàn thờ gia tiên, đồ đồng phải đánh sáng loáng, sạch bong; thức đêm nấu bánh chưng, mổ heo, nấu nước ngũ vị tẩy uế trong nhà; rồi trồng cây nêu... Tết Nguyên đán bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ Trừ tịch - bàn thờ được đặt trước sân nhà với hoa quả, nghi ngút trầm hương thành kính. Về “nguyên tắc” là thế, chứ tự thâm tâm người ta bắt đầu đón Tết từ 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời.
Thiếp hỏi chàng, ông gì chết không chôn
Đem gởi cây cao bóng mát, chuột với chồn không ăn?
Xin thưa, đó là bếp lò bằng đất nung, vốn rất quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Không chỉ là cái bếp lò, nó còn là nơi “ngự trị” của ông Táo, được gọi cái tên như Vua bếp, Thần bếp, Táo công, Táo quân... Mẹ y bảo, ông Táo là người ghi chép mọi chuyện tốt, xấu trong một gia đình để cuối năm cỡi con cá chép bay về trời báo cáo với thiên triều. Rồi bà kể luôn về sự tích: “Thế gian một vợ một chồng/ Nào như Vua bếp hai ông một bà”. Thử hỏi, ai lại không có chuỗi ngày tuổi thơ, đi học về, bụng đói, lùi vài củ khoai trong tro bếp? Ai lại không có chuỗi ngày hoa niên, sáng sớm mùa đông, trước lúc đi học đã ngồi hơ bàn tay bên ánh lửa cháy liu riu? “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm (Bằng Việt). Nhớ quá, phải không bạn mình ơi?
Sực nhớ thời trẻ, đã chừng mươi ra Hà Nội, đi ngang qua khách sạn Hilton, bồ tèo Đoàn Tuấn bảo: “Gọi phố Hỏa Lò, vì ngày xưa nó thuộc thôn Phụ Khánh chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất, các loại hỏa lò bằng đất nung bán khắp kinh kỳ”. Hỏa lò là lò làm bằng đất để đun nấu, vậy, cũng là một cách gọi cái bếp đấy nhỉ? Đi vào miền Nam mến yêu của nước Việt, còn nghe thêm một tên gọi khác: “Bếp cà ràng cào than dúm lửa/ Nhắn chị Hai mày hé cửa anh chun”. Bông lơn mà da diết. Đôi khi chỉ cần ba cục gạch, xếp theo thế chân kiềng người ta cũng có một bếp lò.
Thời buổi này, hầu như các nhà ở thị thành không mấy ai còn dùng đến cái bếp “quê mùa” nữa. Nó đã mất dần theo năm tháng. Trước hết là sự xuất hiện của cái “lò xô” được sử dụng bằng dầu Huê Kỳ, vừa sạch sẽ, vùa tiện lợi, có thể điều chỉnh ngọn lửa theo ý muốn, đỡ gây hỏa hoạn. Bây giờ, lại là bếp gas tiện dụng hơn nhiều, không sợ khói bám tường nhà ốp gạch trắng muốt... Điều này cũng hợp lý thôi. Nhưng liệu cái bếp gas có đủ sức gắn liền với “huyền thoại” tuyệt vời như bếp lò ngày xưa không? Ta không tiếc một bếp lò mất đi trong nhịp sống hiện đại, dù có tiếc cũng không được. Dòng chảy của đời sống cuốn trôi những gì không còn phù hợp, đặng tiếp cận với những gì phù hợp hơn, tiện ích hơn. Nhưng rồi ta bùi ngùi khi nghĩ đến một giá trị tinh thần gắn liền với cái bếp lò cũng nhạt dần chăng? Y nghĩ rằng không.
Mà này, liệu chừng có chủ quan hay không, khi y quả quyết hàm hồ, rằng, đỉnh của đỉnh, đỉnh cao về cái bếp của nước Việt chính là… Là gì? nói toẹt ra luôn, chứ gì cứ lúng ba lúng búng như ngậm hột thị thế kia? Vâng, xin nói, chính là bếp Hoàng Cầm. Có ai cãi gì không? May quá, chẳng ai thèm cãi mà có cãi cũng chẳng sao. Tết nhất đến nơi rồi, cãi cọ làm chi cho rách việc. Lại nhớ, vào tháng 4.2002, nhân vật Martin Yan - người khởi xướng chương trình ẩm thực Yan Can Cook rất nổi tiếng trên thế giới, có buổi họp báo cùng anh em báo chí tại Khách sạn Bông Sen, ngày đó y hỏi đại khái, khi sang Việt Nam, về ẩm thực ông có ước mơ gì? Martin Yan nói ngay một trong những ước mơ của ông là được đi thăm địa đạo Củ Chi để được tận mắt… chứng kiến bếp Hoàng Cầm!
Lan man thêm một chút nữa, Tết mà. Thử hỏi, bếp Hoàng Cầm ra đời vào thời điểm nào? Vào cuối năm 1951, khi Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Để hoàn thành được nhiệm vụ thì một trong những yếu tố đầu tiên là phải tuyệt đối bí mật. Chính trong thời gian này bếp Hoàng Cầm ra đời. Có chi tiết này, chắc ít người biết, vậy hãy nghe anh nuôi Hoàng Cầm kể:
“Một đêm đang nằm nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến cách nấu cám lợn ở quê nhà. Bếp nấu cám lợn ở vùng Nam Hà hồi đó thường là bếp đắp bằng đất, xung quanh để hai lỗ hở nên khi nấu, lửa rất tập trung. Mừng quá, nếu áp dụng kiểu bếp như vậy thì đỡ một phần ánh lửa. Nhưng làm thế nào nấu ban ngày không có khói? Lại suy nghĩ. Tôi chợt nhớ chuyện hun chuột đồng. Muốn hun khói vào nhiều cho chuột sặc, phải khoét cửa lỗ chuột ra vào to thêm để nhét rơm rạ, rồi lấp kín các lỗ phụ để khói lửa vào mạnh hơn. Xuất phát từ suy nghĩ đơn giản đó, tôi mừng quá, vội bỏ hẳn một buổi trưa trốn ra một nơi kín, hì hục đào thử: Kiểu bếp này có đường dẫn khói (như hang chuột). Tôi đốt thử, khói ra mạnh quá. Tôi liền đào thêm hố chứa khói thì thấy khói không ra mạnh nữa. Tôi lại đào đường dẫn khói dài thêm ra. Nhờ vậy, khói chỉ lan trên mặt đất mà không bốc cao. Thấy vậy, tôi vội về cùng bàn với các đồng chí trong tổ nuôi quân. Mỗi người góp thêm một ý, ngay chiều hôm đó, kiểu bếp mới ra đời.
Anh em trong tổ ai cũng phấn khởi. Nhưng khi nấu, ngọn lửa vẫn lùa ra chỗ ngồi. Khói xanh vẫn tỏa đặc trên đường dẫn khói. Có ý kiến đề nghị sửa lại đường dẫn khói: đào hơi dốc lên thì ngọn lửa sẽ hút mạnh về phía trước, lấy thân cây chuối rừng lát đường dẫn khói và phủ một lớp đất mỏng lên thì khói sẽ tỏa bò lan trên mặt đất. Khói giảm hẳn nhưng vẫn còn lộ khá rõ. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, tôi nhớ hồi còn ở nhà khi nấu cơm gặp trời mưa, khói chui qua mái gianh ướt, bốc lên nhè nhẹ như sương mù. Thế là từ đó chúng tôi nghĩ ra cách chống khói bằng cách cứ vẩy nước lên những lớp đất mỏng phủ đường dẫn khói. Để chống ánh lửa, lúc đầu chúng tôi lấy chăn bông quây quanh bếp, sau đó cải tiến bằng cách đào bếp sâu xuống đất, lấy lá gianh lợp kín chỗ ngồi nên khi nấu ánh lửa không lộ...
Từ đó, bếp của chúng tôi có thể đun được cả ngày lẫn đêm. Anh em thương, bệnh binh bữa nào cũng có cơm nước nóng nên ai cũng phấn khởi. Nhiều đồng chí bộ đội hoặc dân công qua lại, mỗi người góp thêm một ý kiến làm cho bếp dần hoàn chỉnh, bảo đảm không lộ lửa khói dù ban ngày hay ban đêm” (Lửa nuôi quân - Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần biên soạn - NXB Quân đội Nhân dân - 2001).
Này bạn mình ơi, nếu thời đi học gặp đề tập làm văn: “Em hãy tả cái bếp nhà em” mà viết lan man, vòng vo tam quốc thế này, cô giáo có lời phê ra làm sao nhỉ? À, cô giáo phê rằng: “Em viết tốt quá. Lớn lên biết đâu sẽ… trở thành nhà văn đấy”.
Vậy à?
Kìa, Tết đến rồi kìa.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|