Đã ai thấy cái quạt kéo chưa?
Đôi khi dù chưa hề thấy, nhưng rồi lại mường tượng nhớ đến. Sở dĩ nhớ đến nó vì… nhớ đến ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Thời còn đi học phổ thông, đọc tạp chí Văn Học ở miền Nam, còn nhớ chi tiết, đại khái, nhà văn Vũ Bằng bật mí thời còn nhỏ, lúc mới 8 tuổi ông Vĩnh đã làm nghề kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp ở đình Yên Phụ (Hà Nội). Chỉ là
kéo quạt nhưng ông Vĩnh đã học lóm, tự học để về sau trở thành nhân vật tài ba lỗi lạc của nước Nam. Nhớ chi tiết này. Lấy làm khâm phục mãi. Thì ra, dù hoàn cảnh nào đi nữa, con người ta vẫn có thể tu dưỡng, rèn luyện thành tài.
Mà cái quạt kéo, nó ra làm sao? Thú thật, y chưa hề thấy bao giờ. Bèn tra cứu sách vở, Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Quạt lớn bằng vải hình chữ nhật, treo trên đầu nhà, kéo dọc bằng dây luồn qua ròng rọc”. Thời buổi này, dù có đốt đuốc, tìm đỏ con mắt cũng chào thua là cái chắc. Máy lạnh, quạt máy đã thông dụng từ thành thị đến nông thôn, từ vùng sâu đến vùng xa, đèo heo hút gió, vậy, cái quạt kéo lùi vào dĩ vãng là cái lẽ tất nhiên.
Nói thế, để thấy rằng, văn minh vật chất của người Việt xưa dần dà về sau càng hiếm hoi dần. Tốt thôi. Phải thế thôi. Ăn theo thuở, ở theo thời. Tuy nhiên, có vật dụng dù trong sinh hoạt đã ít dần, nhưng rồi vẫn còn, còn mãi, một trong những thứ đó là cái mùng. Tự nhiên nhớ đến cái mùng, vì ngày bé đã nghe câu cửa miệng ngộ nghĩnh này, đôi lúc tình cờ nhớ lại là tủm tỉm cười: “Khật khùng lộn mùng em vợ”. Khật khùng là khờ khạo, kém thông minh nhưng cái sự lộn/ nhầm lẫn ở đây thiệt tréo ngoe hết biết. Sao lại lộn, lại nhầm ở chỗ “ác liệt” vậy hở trời? Có lẽ do lúc ấy, anh rể buồn ngủ buồn nghê nên quáng gà hay giả vờ giả vịt? Câu tục ngữ này ý nói, có những người giả ngây giả ngô nhưng lại làm chuyện động trời, chẳng khác gì “Lù đù vác cái lu mà chạy”. Khi lang thang trong thế giới dân ca, ca dao của người miền Nam, có lần y tình cờ tìm được câu này cũng… éo le không kém:
Gió đưa con buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm
Hay quá là hay. Mà cũng cực kỳ láu cá. Nghe đâu, đã có câu hò đối đáp cũng cà rỡn mà vui:
Anh Ba ơi, mùng em rộng nếu thực tình anh muốn ngủ
Để đêm nay em giăng sẵn chờ ai
Em cầm theo một chiếc roi mây
Ai mà không ngủ
Ai mà không ngủ, em ra tay em quất liền
Rõ ràng là sự khỏe khoắn, rất mực yêu đời biết đùa, biết trêu, biết ghẹo cho tươi cái sự đời của những người trên đồng ruộng dưới đồng sâu, mênh mông sông nước… Sau khi ngỏ lời cực kỳ ba trợn ba trạo, có thể anh chàng đó được cho “ngủ nhờ một đêm”? Làm sao có thể biết. Nhưng chắc chắn nhiều người đã từng:
Khoát mùng ra thấy mùng không
Gối loan để đó, lệ hồng tuôn rơi
Sự biệt ly của tình nhân ngãi, nghĩa vợ chồng trong tình huống này dịu vợi khôn cùng. Xao xuyến tâm can giữa người đi kẻ ở. Đọc lên, tự dưng lại thấy rầu rầu…
Đôi lúc không gọi tên sự vật là mùng, vì ta có thể thay thế bằng từ khác. Từ gì? Dễ ẹt/ dễ ợt. Hỏi thế mà cũng hỏi, ngay cả bé nhóc vừa lọt lòng mẹ cũng có thể trả lời ngon lành cành đào vì bản thân nó đã sử dụng, xin thưa chính là màn. Khi nói: “Mắc màn đi ngủ” tức là động tác giăng mùng. Tương tự mùng, màn cũng đi vào lời ăn tiếng nói quen thuộc:
Màn hoa lại giải chiếu hoa
Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son
Giải chiếu cũng là trải chiếu. Phải xứng đôi vừa lứa, chứ nào phải:
Màn treo, chiếu rách cũng treo
Hương xông nghi ngút, củi rều cũng xông
Nói về chuyện ngủ màn, mấy ai được diễm phúc như cô Thúy Kiều?
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn
Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên
Kể ra anh chàng Từ Hải cũng biết chiều chuộng, galant người đẹp. Giường thất bảo là giường gì vậy ta? Thưa, thất bảo là từ dùng chỉ bảy thứ quý dùng để khảm vật dụng, trong đó có giường: san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, vàng bạc, trân châu, lưu ly (Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều). Còn màn bát tiên là loại màng thêu tám vị tiên theo điển tích, điển cố gì gì đó của Trung Quốc. Chỉ lấy làm lạ, phòng the vốn là nơi sinh hoạt chồng - vợ, trai - gái, âm - dương nhưng rồi những lúc “hợp đồng tác chiến”:
Biểu diễn sân quen hay đáo để
Nắn dồi banh mới sướng mê tơi
Người trên ập xuống phều phào thở
Kẻ dưới nâng lên khúc khích cười
(Hương Thủy)
mà cứ phải nhìn thấy bộ mặt nghiêm nghị của bát tiên thêu trên mùng/ màn, liệu… có cụt hứng? Mà này, nếu màn thay mùng thì mùng đôi lúc cũng có thể thay thế cho mồng? Đúng thế.
Có trăng tình phụ lồng đèn
Ba mươi mồng một đi tìm lấy trăng
Trong câu ca dao này, mùng/ mồng hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau. Đã thế, mồng, tùy ngữ cảnh còn gọi là mào, chẳng hạn mào gà/ mồng gà… Kể ra cũng là một sự lý thú trong tiếng Việt. Nói về mùng/ màn, còn có một vật dụng khác thể thay thế chính là nóp.
Hồi nào em nói anh không nghe
Bây giờ anh xách nóp, chèo ghe đi tìm
Căn cứ vào từ sử dụng, câu ca dao này chỉ có thế xuất hiện ở miền Nam. Về cái nóp, theo Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí tiến đức khởi thảo: “Túp con, quay bằng chiếu, bằng cót ở bờ ruộng hay trên thuyền để nằm cho khỏi muỗi”. Cách giải thích này liệu chừng khó có thể hình dung ra cái nóp chăng? Thôi thì, ta hãy nghe thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Phương ngữ Nam bộ là Nam Chi Bùi Thanh Kiên: “Nóp: Tấm đệm xếp đôi, may hai đầu, chừa miệng theo chiều dọc để chui vào khi muốn ngủ”. Vinh dự thay, nóp cũng đã đi vào trong ca từ âm nhạc, để rồi hàng triệu người đã hát hào hùng, hát nhiệt tình trong tháng ngày Nam Bộ kháng chiến: “Nóp với giáo mang ngang vai/ nhưng thân trai nào kém oai hùng (Tạ Thanh Sơn).
Thú thật, chỉ khi đọc Sơn Nam, y mới biết rằng ở Nam Bộ còn có kiểu ngủ độc đáo là hoàn toàn không có mùng, nóp gì cả. Lạ chưa? Lạ và khâm phục tài trí sáng tạo của người Việt khi khẩn hoang, mưu sinh tại vùng mới phương Nam đầu thế kỷ XX hoặc sớm nhiều hơn nữa.
Trong tác phẩm Văn minh miệt vườn (NXB Văn Hóa tái bản - 1992) Sơn Nam cho biết: “Nhổ bàng là nghề dễ kiếm tiền nhưng quá khổ cực. Họ chống chiếc xuồng độc mộc vào vùng đất hoang, giữa bờ biển và vùng Thất Sơn, xa nhà hàng chín mười cây số ngàn, nơi đất thấp nước phèn, bốn phía đìu hiu không nhà cửa, không cây cao bóng mát, không đất gò, gió thổi triền miên qua vùng đồng cỏ tạo nên bản nhạc lạ thường, qua ngày đêm. Người đi nhổ bàng mang theo chút ít gạo, muối, củi. Họ nhảy xuống vùng đất hoang, nước ngập ngang gối. Nhổ được là bó lại, bỏ tại chỗ rồi tiếp tục di chuyển. Cọng bàng mọc cao hơn đầu người, muỗi bay ào ào. Muốn nhổ được năm bảy chục bó bàng, phải chịu cực năm ba ngày để tìm nơi có bàng tốt. Trên vùng đất thấp đầy muỗi mòng ấy, đôi ba đêm liên tiếp người nhổ bàng cứ thức vì không chỗ ngủ, vì không tài nào ngủ khi muỗi quá nhiều. Chiếc xuồng nhỏ không đủ rộng để nằm (nếu dùng xuống to thì khó di chuyển nơi cỏ và bàng mọc mịt mùng) đành ngủ theo lối khắc khổ, gọi khôi hài là ngủ mùng gió và ngủ mùng nước”.
Qua miêu tả của ông, cứ nghĩ để có thể ngủ trong hoàn cảnh khắc nghiệt này, những người đi nhổ bàng đích thị là… nghệ sĩ làm xiếc cực kỳ nhanh nhẹn, từng động tác phải nhanh, gọn, quyết đoán, nếu chậm, muỗi ùa lại xơi tái thì khốn: ‘“Ngủ mùng gió” là cứ đứng trên chiếc xuồng độc mộc, dùng sào mà chống thật nhanh để cho muỗi bay theo không kịp. Rồi thì ngồi xuống, gối đầu vào lái xuồng, lim dim. Lát sau, muỗi bu lại, cứ đứng dậy và tiếp tục chống xuồng, chống tới, chống lui, như mũi tên xẹt qua xẹt lại trên đồng cỏ để chờ khi trời sáng. Ban ngày, ít muỗi hơn nhưng không ai ngủ được vì thiếu bóng mát, không căn chòi hoặc gốc cây to nào ở gần cả”’.
Còn ngủ mùng nước thì sao? ‘“Ngủ mùng nước” là nghiêng xuồng cho nước tràn vào gần ngập be, thêm chút nữa là chìm. Người nhổ bàng cứ nằm trong xuồng, nước bao phủ tứ phía, đầu gối lên mũi hoặc lái xuồng. Ngâm mình trong nước lạnh suốt đêm là sự thách thức gay go, dễ bị cảm mạo, đòi hỏi một sức khỏe phi thường”’ (tr.169-170).
Sứ mệnh của văn chương chữ nghĩa là thế, chỉ đôi từ dùng miêu tả lại cách ngủ của tiền nhân nhưng trong lòng lại dội lên một niềm thương cảm sâu sắc. Qua đó, càng thêm yêu, thêm quý mảnh đất cha ông để lại. Tình cảm da diết ấy thức tỉnh trong lòng, tưởng rằng lại có chiều sâu hơn hàng ngàn câu nói suông rổn rảng mỹ từ hếnh hoáng mà sáo rỗng.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|