LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.9.2019

 

Leo_dua._Oger


 

Hổm rày, mưa gió thất thường. Nằm nhà đọc sách. Vẫn là cái thú. Chắc rằng, ai cũng còn nhớ đến một kỷ niệm thiệt đáng yêu của tuổi hoa niên: Đã khuya, ba mẹ bảo tắt đèn đi ngủ, tất nhiên vâng lời. Thế nhưng lúc chui vào mùng liền trùm kín chăn mền, giả bộ ngủ nhưng thật ra nhằm che ánh sáng vì đã láu cá bật cái đèn pin. Ánh sáng lướt qua từng con chữ. Vẫn đọc truyện ngon ơ. Thời còn trẻ, y không khoái đọc truyện cười. Đời đang vui, đang nhộn, cần quái gì phải đọc thêm các câu chuyện tiếu lâm, trào phúng nữa. Đến tuổi trung niên lại càng không, vì lúc muốn cười, chẳng cần tìm đâu xa, cứ tự cười mình cũng đã khối chuyện. Đến khi về hưu ở độ tuổi chớm già, bạn bè ít gặp, lại chăm con nhỏ đến độ phờ phạc. Rã rời râu ria rậm rì rậm rạp thì mới khoái đọc truyện cười. Cười rù rì. Cười réo rắt. Miễn là cười.

 

Hoay loay mãi trên kệ sách, chưa vớ được quyển nào ưng ý, tự dưng y lại nhớ đến Sơn Nam - nhà văn số một về đề tài khẩn hoang của Nam bộ. Có lần sau khi đã uống ngất ngư và ba chai “bia lên cơn” nhãn hiệu Chương Dương, Hải Âu, Con Cọp bỗng ông cao hứng kể chuyện cười. Đại khái, thời khẩn hoang phương Nam tính tình người dân đôn hậu, chất phác lắm. Sống nghĩa tình, sớm hôm tối lửa tắt lửa có nhau.

 

Ngày kia, anh chàng nông dân nọ đào được mớ khoai lang, đặt trước xuồng rồi chèo dọc dòng kênh tặng bà con chòm xóm. Khi nghe anh ta gọi í a í ới, ông tía bảo cô con gái chừng 15, 16 tuổi xách rổ ra bến lấy vài củ khoai về nấu ăn chơi. Do anh chàng chèo xuồng mặc quần xà lỏn, ống rộng, ngồi co chân hớ hênh nên cháu gái thấy hai “quả trứng” đu đưa tòng teng. Cô thiệt thà nói ngay: “Chời ơi, tưởng gì! Thứ củ đó ở nhà, ở nhà… tía cháu, anh cháu cũng có rồi”. Anh chàng nọ giật mình, duỗi chân ra rồi chỉ phía trước: “Cháu à, lấy mấy củ ở trước xuồng kìa”. Thì ra thế. Cô chọn vài củ, cám ơn rồi gật gù: “À, mấy củ này thì được, chắc là ngon”.

 

Tiếng Việt có câu tục ngữ Xấu dây tốt củ/ Xấu dây mẩy củ. Củ ở đây là củ nào? Với mẩu chuyện kể của Sơn Nam có thể hiểu theo cả hai nghĩa. Rằng, có những kẻ trông hom hem, yếu nhớt, gầy gò, gầy nhẳng, cà ạch cà đụi nhưng lúc “chiến đấu” lại cực kỳ hoành tráng, vô cùng oanh liệt, trăm trận trăm thắng cũng nhờ do “tốt củ”.

 

Với cái củ đó, ta thử đọc lại tuồng hài nổi tiếng Tiên Bửu (Nhà in Thương nghiệp Imprimerie Commerciale - Sài Gòn, 1904), dừng lại ở đoạn già dê Lão Trượng đã ngoài 70 lại “thả thính” cô em Tiên Bửu. Lão rù rỉ rù rì như rót mật vào tai: “Mười lăm mười sáu đương xuân/ Thấy bậu còn nhỏ, biểu đừng cũng ve”. Ve là ve vãn, tán tĩnh, cua, gò, o. Nói vậy mà nghe lọt lỗ tai à?  Tiên Bửu liền đáp: “Mười lăm mười sáu còn non/ Tôi không có muốn ông còn hàm râu”; “Ông già tôi chẳng muốn đâu/ Ông đừng cắc cớ cạo râu đau hàm”. Bị chê già, già không nên nết, già lựu đạn, già dê xồm, Lão Trượng bèn chống chế: “Già thời già mặt già mày/ Tay chân già hết, củ rày còn non”.

 

Thiệt hết biết.

 

Thú vị còn ở chỗ đôi khi với sự tinh nghịch, tếu táo người ta không gọi củ mà lại là cột, cùng một âm “cờ”. Không tin à? Ta hãy đọc tiếp vở tuồng, khi nghe nhắc đến củ một cách sổ sàng, ba trợn, cà chớn cà cháo, không nên thân nên nết, trắng trợn quá, Tiên Bửu bèn bảo: “Chồng con chi nữa rầy rà/ Vai mang chuối hột, áo dà đi tu”; “Dốc lòng lên núi Thiên Thai/ Nâu sồng áo bả ăn chay tu trì”. Với áo nâu sồng ấy, những ai mê Truyện Kiều ắt còn nhớ đến câu cực hay: “Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng/ Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”.

 

Dù Tiên Bửu đã nói thế, nhưng Lão Trượng vẫn mồm mép tép nhảy: “Tu đâu cho bằng tu đây/ Tu chùa một cột đá xây hai hàng”. Nói thô tục mà thanh đấy nhỉ? Tiên Bửu phản ứng ra làm sao? Không riêng gì miền Nam, tính cách của người phụ nữ nước Nam nói chung, khi cần thiết, một khi đã bị đẩy vào thế bí, bí rị bà rì thì họ cũng “đanh đá cá cày” cực kỳ quyết liệt, đối phương knockout là cái chắc: “Tôi tu lên núi non bà/ Để chùa một cột mẹ già ông tu”. Đấy, đau hơn hoạn phải không Lão Trượng?

 

Mà thôi, chuyện của thiên hạ, bàn thêm làm chi.

 

Hãy trở về với “Xấu dây tốt củ”. Anh Hoàng Tuấn Công lý giải rành mạch: “Xấu dây tốt củ" là kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá năng suất, hiệu quả của cây trồng lấy củ qua quan sát thân lá thời kỳ sắp cho thu hoạch; cũng là kinh nghiệm chăm bón, cân đối chất dinh dưỡng cho cây chứ không phải nhận xét chung về mọi thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Mặt khác, "xấu dây mẩy củ" không chỉ đúng với khoai lang mà còn đúng với nhiều loại cây lấy củ khác như lạc, khoai tây, khoai sọ, sắn (củ mì), gừng, nghệ, v.v…”.

 

Củ có nhiều loại củ, chẳng hạn củ co. Một bài vè Nam bộ cho biết lúc thất bát mất mùa:“Dòm kẻ nghèo bữa đói bữa no/ Nhờ bông súng, móc củ co mà còn dễ thở”. Xét ra còn đỡ tình cảnh người nghèo ngoài Bắc. Đọc phóng sự của Ngô Tất Tố về bữa ăn ngày nước lụt tự dưng thương cảm khôn xiết. Làm gì có củ co mà ăn, họ ăn… đất sét trắng. Phết mỏng ra, thổi lửa nướng chín. Rồi ăn. Lại nữa, “Mới đầu là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được”. Ngô Tất Tố nhận xét: “Nhìn gần lại, thì thoáng ngửi một mùi nằng nặng, khăn khẳn, như mùi thối tai. Tôi nín thở”.

 

Thế mà phải ăn. Ăn cho no, phải ăn. Tự như cái thời hai triệu người chét đói, nhà văn Tô Hoài viết trong hồi ức Hà Nội 1946, cho biết còn phải ăn tiệt cả củ chuối. Với củ chuối, lâu nay vẫn thường nghe nói đến thành ngữ “Lục lăng củ chuối”. Có thể hiểu nôm na là nhằm chỉ kẻ ngang bướng trổ trời, cứng đầu cứng cổ, hư thân mất nết, khó dạy dỗ, có khuyên có răn, có dạy có dỗ chẳng khác gì nước đổ đầu vịt, tai như tai trâu, chẳng nên tích sự gì. Thật ra oan cho củ chuối quá đi mất, câu chính hiệu con nai vàng, nguyên bản thứ thiệt phải là “lục lang củ trối”. Củ trối là củ gì? Nghe lại tai quá. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Rể cái lớn ở dưới sâu. Nguyên củ cái lâu năm ở sâu, khó  bấng, khó đào. Bấng cho được củ trối thì là lấy cho hết gốc, làm cho hết cái khó”. Trải qua năm tháng, từ củ trối không còn ai nhớ đến nghĩa của nó nữa, vì thế, mới nói trại qua củ chuối là vậy.

 

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó trong ngữ cảnh nào đó thì hiện nay, củ chuối không được hiểu theo nghĩa của củ trối như đã hiểu. Chẳng hạn, một người lên mặt phê phán người khác: “Ối dào, cái thằng đó đấu óc củ chuối”. Thì củ chuối lại hiểu là quê mùa, không lanh lợi, chậm hiểu, dốt nát chẳng khác gì: “Ối dào, cái thằng đó đầu óc bã đậu”. Cách chê bai này xem ra còn chấp nhận được, chứ trên mạng xã hội mà đã rủa nhau, giới trẻ còn dùng cụm từ ác liệt hơn nhiều: “Ối dào, cái thằng đó não đặt dưới mông”. Nghe ra ác quá.

 

Còn lục lăng thì sao? Quyển tự vị trên cũng cho biết: “Cây tròn mà có khía; cây bền chắc; đứa ngang tàng không biết phép”. Sự kết hợp giữa “lục lăng” và “củ trối” xét ra rất ư đẹp đôi, không chê vào đâu được, vì thế mới ra đời câu thành ngữ trên.

 

Về chuyện ăn,vào thời khẩn hoang ở miền Nam, tác giả Hương rừng Cà Mau còn kể chuyện này. Nghe tức cười. Chẳng rõ thực hay bịa nữa. Không sao, miễn nghe vui vui, ngồ ngộ là thích. Chuyện rằng, ngày kia, ông Trùm Pho cùng vài người bạn dắt chó vào rừng, đi săn. Xế chiều, họ săn được con mển. Bụng đang đói bèn làm thịt nhậu chơi. Sẵn có gói muối ớt đem theo, họ lấy ra đặt ngay trên cát. Thịt nướng đến đâu, chấm muối ớt ăn tới đó, lại “khà” thêm hớp rượu thiệt “hết sẩy con bà Bảy”. Cả bọn ăn gần hết con mển là đà say mềm, ngủ đẫy luôn một giấc. Đến lúc tỉnh dậy, xem lại thì muối ớt vẫn còn nguyên, bên cạnh đó, cát bị khoét xuống một lỗ to bằng… cái thúng! Té ra, vì say quá nên cả bọn chấm thịt mển xuống cát mà ngỡ đang chấm muối!

 

Khà khà, nhà văn Sơn Nam hư cấu đó chăng?

 

Mà đã nói đến thời cư dân Ngũ Quảng - tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi vì nghèo đói, vì lưu đày phải vào khai hoang lập ấp tại vùng đất mà danh thần Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) nhận xét: “Tàn hà đái thấp/ Chiết liễu triêm nê” - tạm dịch: “Sen tàn nơi ẩm thấp, khí hậu độc địa, nhánh cây bần gãy rụng xuống bùn” thì phải nói đến cọp. “Hò ơ! Đất lạ muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội lềnh bềnh tợ bánh canh/ Lưu dân cất chòi đi mở cõi/ Cọp gầm lay động bóng trăng xanh”. Thơ của y đó, hay chửa?

 

Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam có đôi lần viết về chuyện đánh cọp. Đọc lên du dương, nghe sướng tai lắm. Nhưng mẩu chuyện này mới là “phong cách” bác Ba Phi. Ông kể rằng, có anh chàng nọ mới rạng ngày đã đi ra ruộng. Trên đường lờ mờ sáng, chợt thấy con cọp ngồi chống tó phía trước, chỉ cách một sải tay, anh ta sợ khiếp vía đến nổi không nhắc chân lên nổi. Phen này “ngủm củ tỏi” là cái chắc. Anh ta bèn lấy hết thần lực lột cái khăn bị trên đầu rồi chắp hai tay, quỳ xuống mà xá lấy xá để. Dè đâu, con cọp “hộc” lên một tiếng vang động, co chân… chạy tuốt vào rừng! “Cọp đánh nhau với người nhiều trận nên nó cũng hiểu các thế võ, nhưng gặp cái thế “chắp tay quỳ lạy”, nó ngỡ độc chiêu bí hiểm nên co chân chạy bén gót là phải thôi!”. Nói xong, ông cười khà khà. Y cũng hứng chí cười khà khà. Chuyện cười là phải thế. Bịa mà thật. Thật mà bịa. Chẳng ai hơi đâu bắt bẽ cái tính logic của nó.

 

Rồi một khi đi vào miền Nam mến yêu của nước Việt, ai lại không từng nghe nói đến bưởi Năm Roi. Cơn cớ làm sao có cái tên ấn tượng này? Theo lời kể của Sơn Nam, ban đầu ông Thái Văn Chanh đem một giống bưởi Biên Hòa về trồng tại Cần Thơ. Nhờ phù sa sông Hậu màu mỡ nên cây tươi tốt cho trái to, ngon ngọt khác thường. Nhiều người đến mua, xin chiết nhánh về trồng, ông Chanh nói đùa: “Tôi dư tiền xài, không bán, hễ ai chịu nằm xuống cho tôi đánh đủ năm roi thì tặng lập tức”. Từ phát ngôn đó, loại bưởi này “chết tên” Năm Roi. Y kinh ngạc, ngạc nhiên đến độ phải tự trấn an bằng cách nốc cạn ly “bia lên cơn” đặng thốt ra câu hỏi: “Ối chà chà, cách giải thích này là bịa hay thật?”. Gặng hỏi thêm, ông già Sơn Nam chỉ nheo mắt cười cười như thể đang lẫm nhẫm cậu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: “Tin thì tin, không tin thì thôi”

 

Chuyện tin hay không có quan trọng gì đâu. Xét nét, khó tính quá làm chi. Nhìn sự việc nhẹ nhàng, nghe chuyện cười hóm hĩnh vẫn còn thấy khoái âu cũng là một cách để vui sống.

 

Đúng quá đi chứ?

 

L.M.Q 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment