THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: LỜI TỰA "HÁT CÂU ĐỒNG DAO" của nhà thơ TRẦN THANH BÌNH

LÊ MINH QUỐC: LỜI TỰA "HÁT CÂU ĐỒNG DAO" của nhà thơ TRẦN THANH BÌNH

385467093_7311085168920699_7885813688309696362_n
LÊ MINH QUỐC: LỜI TỰA "HÁT CÂU ĐỒNG DAO" của nhà thơ TRẦN THANH BÌNH
"Nhà thơ Trần Thanh Bình - hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, không phải là người xa lạ trong trường văn trận bút. Những tập thơ của chị đã xuất bản như Mùa sang, Mùa đông trong em, Anh đến…, và gần đây nhất là Lập trình tia nắng mai đã ít nhiều nói đến nổ lực của chị trong công việc làm thơ. Tôi  suy nghĩ đến hai từ “lập trình”, xét ra có gì đó có thể tạo ra sự chú ý của người đọc.
Mỗi tập thơ là một quá trình nhằm hoàn thiện bản lĩnh thơ.
Một khi viết thơ dành cho đối tượng người lớn, nhà thơ có thể tung tẩy câu chữ, nhịp điệu từ hình thức đến nội dung. Muốn thể nghiệm gì, cứ việc, nào ai cấm cản gì đâu, thậm chí còn có những tiếng vỗ tay nữa. Thế nhưng viết thơ cho thiếu nhi lại khác. Khác lắm. Khi đó, ngay trong bản thân nhà thơ còn là nhà giáo, nhà mô phạm nữa. Tôi nghĩ, trẻ con khi tiếp nhận bất kỳ thể loại văn học nghệ thuật nào, kể cả thơ thì đầu óc non nớt ấy chưa có sự chọn lọc, vì thế nhà thơ cần phải cẩn trọng câu chữ là thế. Bài thơ thiếu nhi viết ra, ai là người tiếp cận trước nhất, nếu không là con em trong nhà mình? Vậy nên, sự cẩn trọng ấy không thừa.
Thơ thiếu nhi khó viết lắm, nếu nhà thơ không quay trở về sống chan hòa trong thế giới ấy để lắng nghe tiếng nói, tiếng lòng rất thật của con trẻ. Một khi đã xa thế giới thần tiên ấy, mấy ai có thể “dọn lòng” để có thể? Có thể “thanh lọc” lòng mình để có thể? Không phải ngẫu nhiên, từ nhiều năm nay đã có nhiều tác phẩm văn học đình đám, công chúng quan tâm yêu thích thế nhưng những trang viết dành cho thiếu nhi - nhất là thơ thì vẫn chưa nhiều. Vì lẽ đó, tôi chú tâm khi nhận đọc bản thảo tập Hát câu đồng dao của nhà thơ Trần Thanh Bình.
Qua tập thơ này, bước đầu tác giả đã có những tìm tòi trong hình ảnh, câu chữ lẫn nhịp đi của các câu thơ. Cần viết dung dị để trẻ em dễ đọc, qua đó, có thể ghi lại trong trí nhớ. Đôi khi những câu chuyện ngắn, giản dị lại có sức bền hơn những “triết lý” dài dòng mà vụn vặt đã có nhiều người mắc phải, vì họ nghĩ rằng, có như thế mới đạt đến tính giáo dục. Không đâu. Tôi thích “hoạt cảnh” vào lúc trời rét, bà đan cho cháu đôi vớ (tất), bé mang vào ấm chân, thế nhưng:
Bé lại thương cho cún
Không tất, có lạnh chân?
Làm sao, làm sao nhỉ
À! Lấy rơm bện dần
Đôi tất rơm xinh xắn
Cún ơi, mau mang vào
Trời đang vào mùa rét
Bạn, tớ ấm như nhau…
Ai lại không cảm động? Lòng yêu thương con vật trong nhà, đọc qua, ta ắt nhớ. Và đây, lúc “Em tan học, bước nhịp nhàng thong dong”, nhà thơ không tiếp tục miêu tả tâm trạng hân hoan ấy, lại bất ngờ rẽ sang:
Thương cho cái vạc lội sông
Cái cò bắt tép, nặng lòng nuôi con
Sự “trái ngược” ấy cũng nhằm tạo nên cảm xúc cho liên tưởng của thơ, thì ra, mình vẫn còn sung sướng lắm, vì ngay sau đó là gì?
Cơm chiều mẹ sắp dọn ra
Một ngày hạnh phúc cả nhà cùng vui…
Rồi lúc tập viết, khi viết đến mẫu tự Ô, bé đã nghĩ đến:
Mẹ đi mưa nắng dãi dầu
Ô che râm mát nhịp cầu tháng năm
Liên tưởng này hoàn toàn hợp lý và cũng “trẻ con” một cách ngộ nghĩnh nữa. Tôi còn thích cách Trần Thanh Bình kể lại “Trò chơi của nắng”. Bạn đọc bài thơ ấy xem sao?
Ban ngày, mẹ cõng lên nương
Ơi bạn nắng cứ vấn vương sân nhà
Chiều tà, nắng trốn vào hoa
Đêm về, nắng lại chan hòa sương đêm
Mỗi sớm mai, mặt trời lên
Nắng quay trở lại nõn mềm nắng tơ
Em vào lớp học cùng cô
Ngoài sân, nắng nghịch vẩn vơ nô đùa
Buồn ghê, những lúc trời mưa
Nắng đi đâu vậy, sao chưa quay về?
Có thể ghi nhận, đây là bài thơ hay. Dường như khi làm thơ dành cho con trẻ, bao giờ người lớn cũng có ý muốn gửi gắm lời nhắn nhủ nào đó. Một trong những bài thơ như thế của Trần Thanh Bình, tôi chú ý đến tứ thơ:
Học dây bầu dây bí
Quấn quýt chung một giàn
Học hoa trái thơm thảo
Đến mùa lại chín vàng
Cuối cùng, đoạn kết có sức khái quát chung:
Bao nhiêu điều phải học
Từ thiên nhiên quanh nhà
Biết nghĩ suy, quan sát
Bài học sẽ tìm ra…
Vâng, đúng là thế. Tập thơ Hát câu đồng dao hầu hết đều có sự sâu lắng ấy. Mỗi bài thơ tựa như bông hoa xinh xắn. Như đã nói, “Mỗi tập thơ là một quá trình nhằm hoàn thiện bản lĩnh thơ”, thì ở tập thơ này có thể đánh dấu cho bước đường viết thơ cho thiếu nhi của nhà thơ Trần Thanh Bình. Vì lẽ đó, tôi vui mừng giới thiệu Hát câu đồng dao đến công chúng yêu thơ, nhất là lúc hiện nay vẫn chưa có nhiều tác giả thơ sáng tác cho các em.
LÊ MINH QUỐC
(Phú Nhuận, 15.7.2022)
Nguồn: "Hát câu đồng giao" của Trần Thanh Bình.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com