1.
Khi đến với thơ, con người ta có thể thử sức mình qua nhiều thể loại, đế tài, bút pháp khác nhau. Tuy nhiên, không dễ dàng nhất là lúc bước vào thế giới của con trẻ - một thế giới trong trẻo, hồn nhiên, vô tư buộc chúng ta phải “dọn lòng” thì may ra mới có thể hòa nhập vào trong đó.
Nếu viết cho đối tượng người lớn, các nhà văn, nhà thơ hoàn toàn có quyền trình bày quan điểm về cuộc đời, thể nghiệm bút pháp, làm xiếc với con chữ, thậm chí có thể trút vào đó mọi hằn học, cay cú cho “đã nư”, không sao cả, bởi đối tượng người đọc thừa sức nhận biết đúng sai, đồng tình hoặc phản bác. Nếu viết cho trẻ em thì không thể, vì rằng, ngoài vai trò của người cầm bút thì nhà văn, nhà thơ ấy còn phải là nhà giáo dục nữa. Một nhà giáo dục chọn hình thức thơ, văn để chuyển tải những nội dung hướng thiện, do đó, tôi quan niệm phải “dọn lòng” là thế. Phải dọn lấy mọi hắc ám, góc nhìn xám xịt ra khỏi lòng mình thì mới có thể làm bạn với trẻ thơ.
Vi lẽ đó, viết cho thiếu nhi luôn là một “thử thách” với người cầm bút.
2.
Đọc tập thơ Từ vườn hoa nhà em (NXB Văn Học - 2024) của nhà thơ Trần Hà Yên, vui thay, tôi đã thấy chị hết sức có ý thức khi thủ thỉ, lúc tâm tình, khi trò chuyện, lúc hóa thân vào nhân vật con trẻ. Nhờ vậy, cái nhìn của chị trong trẻo, đôi lúc dí dỏm và khéo léo lồng vào đó những bài học cần thiết. Tôi thích hình ảnh Anh xe múc - một công nhân làm việc xúc đất cát giữa trưa nắng gắt, không chỉ dừng lại ở miêu tả, chị đã đưa đến một bất ngờ:
Giữa chang chang nắng cháy
Mũ không đội trên đầu
Tí nghe lời mẹ bảo:
Nhường anh chiếc mũ nâu
Rõ ràng là một tinh thần “mình vì mọi người”, chỉ một dộng tác nhỏ lại đáng yêu biết bao. Tôi thích nét bất ngờ trong câu chuyện Chiếc bình bị vỡ, là anh em Tý cùng chơi đuổi bắt, bất ngờ đụng phải chiếc bình pha lê khiến nó vỡ toang. Khi người cha hỏi lý do tại sao như vậy, nhà thơ kết rất… trẻ con. Chỉ có trẻ con mới trả lời thế này:
Chiều về thấy vậy bố hỏi:
-Sao bình bị thế này?
Anh Hai ngập ngừng nhìn bố:
Tí thưa: -Tại nó bị say!
Hình dung ra hoạt cảnh này, ta thầy gì? Tôi đoán chắc là ông bố ắt cười phì vì không chỉ ông mà ngay cả chúng ta cũng không thể lường đến một câu trả lời… éo le đến thế. Thú thật khi đọc bài thơ này của Trần Hà Yên, từ câu trả lời ngộ nghĩnh này, tôi lại liên tưởng đến bài thơ Thương ông của Tú Mỡ. Rằng, do ông bị đau chân nên bé Việt dìu ông bước lên bậc thềm, đã thế, còn dặn ông: “Đôi mắt sáng trong/ Việt ta thủ thỉ:/ “Ông đau lắm nhỉ?/ Khi nào ông đau/ Ông nhớ lấy câu/ Bố cháu vẫn dạy/ Nhắc đi nhắc lại:/ - Không đau! Không đau!/ Dù đau đến đâu/ Khỏi ngay lập tức”. Đó chính là thơ viết cho trẻ con. Chỉ trẻ con mới có được cách nói hết sức đáng yêu như từ chiếc bình vỡ do bị say đến câu “thần chú” không đau, không đau.
Không chỉ tình huống tức cười này, tôi tin mọi người cũng tủm tỉm cười lúc Sún yêu thể thao. Dù biết tập thể thao tốt cho sức khỏe nhưng rồi như mọi đứa bé khác, Sún cũng mè nheo, làm nũng… cực kỳ chí lý:
Mồ hôi tuôn nhể nhại
Lại khát nước nữa rồi
Bố ơi, con nghỉ nhé
Tập rồi… còn phải chơi
Lý lẽ của con trẻ đấy, không yêu sao được? Đọc kỹ tập thơ này của nhà thơ Trần Hà Yên, tôi nhận một trong những điểm đáng yêu khác nữa là khi chị bày tỏ cảm xúc về sự san sẻ, biết quan tâm cho nhau. Chẳng hạn, ngày nọ Tũn làm thợ xây, bé sẽ xây những gì nhỉ?
À, ra rồi… Tũn nhớ
Chú Vàng có nhà đâu?
Cứ bậc thềm, cửa ngõ
Chú nằm cùng đêm thâu
Vậy, xây cái nhà cho chú chó là hợp lý quá, phải không nào? Tũn bắt tay vào làm ngay, âu cũng là một cách bày tỏ lòng thương yêu với vật nuôi trong nhà. Cuối cùng, qua cách viết của tác giả, bé Tũn nhận ra một điều thật hiễn nhiên:
Nhưng mà Tũn quên mất
Vàng có cần nhà đâu
Vào ra canh giữ cửa
Cho mọi người ngủ sâu
Do lúc xây nhà, bé Tũn mới nhận ra một điều bình thường mà lâu nay không nghĩ đến về chú Vàng. Qua cách trình bày này, tác giả nhẹ nhàng đưa vào trong thơ một tình huống rất đỗi yêu thương giữa người và vật. Những vần thơ trong trẻo này, còn lần lượt mở ra trước mắt chúng ta nhiều tình huống, nhiều câu chuyện, có thể đó là lúc cô bé giúp bà cụ không khi đèn xanh, là Nghé con học nhạc, là lời tâm tình cùng chị Hằng đêm Trung thu v.v… Nhà thơ Trần Hà Yên đã nỗ lực từ câu chữ đến vần điệu nhằm gần gũi với thế giới của trẻ thơ. Điều này, thật hết sức đáng quý cho một tâm hồn trong trẻo khi dành mọi cảm xúc cho con trẻ.
3.
Đối với tôi, trong thị trường sách hiện nay, một khi được đọc các tác phẩm dành cho lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lòng tôi bao giờ cũng dạt dào sự cảm thông và đồng điệu. Vì rằng, hơn bao giờ hết thiết tưởng các bậc phụ huynh chúng ta đang cần và rất cần những tác phẩm văn học dành cho đối tượng này.
Mà, kỳ lạ khi các em được hưởng thụ những áng văn thơ viết về mình/ viết cho mình thì đó cũng là lúc người lớn chúng ta phải “dọn mình” thì mới có thể. Sực nhớ, trong tập sách Lượng thông tin và nhũng kỹ sự tâm hồn ấy (NXB Tác phẩm mới - 1978), nhà thơ Xuân Diệu hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Cái thế giới ấy là bắt đầu cho cả thế giới; tuy nhiên mỗi tâm hồn của con người phải nhâp môn, phải giác ngộ về thế giới trẻ con kỳ diệu ấy, nếu không, nếu không thì vẫn cứ đứng ở ngoài”.
Từ ý kiến xác đáng này, soi rọi lại tập thơ Từ vườn hoa nhà em của nhà thơ Trần Hà Yên, tôi cảm nhận chị không “đứng ở ngoài”, đã hòa nhập vào trong thế giới đó.
L.M.Q
(nguồn: Từ vườn hoa nhà em (NXB Văn Học - 2024)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|