THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: HỘI THƠ TRƯỜNG DUY TÂN - Thơ và Quê hương giàu đẹp

LÊ MINH QUỐC: HỘI THƠ TRƯỜNG DUY TÂN - Thơ và Quê hương giàu đẹp

hIOI_THO_duy_tan_THO-VA-QUE-HUONG-GIAU-DEP

 

 

TỰA

LÊ MINH QUỐC

1.

Phải thú thật một điều không giấu giếm, khi đọc tập Thơ và Quê hương giàu đẹp, trong lòng tôi bỗng dưng có điều gì có xao xuyến và xúc động.

Xao xuyến bởi năm tháng hoa niên của thời mới tập tễnh làm thơ đã ùa về mơn trớn trong trí nhớ. Xúc động vì tôi đã tìm thấy một khoảng đời tuổi trẻ của mình qua những vần thơ ấy. Nhớ lại đi. Tôi nhớ lại ngày ấy, hầu như các trường trung học, đại học, kể cả các nhà văn hóa Thanh Niên, Lao Động, các quận huyện cũng đều có câu lạc bộ sáng tác thơ văn. Rồi, báo chí cũng không đúng ngoài cuộc như báo Mực Tím có Bút nhóm Vòm Me Xanh, tập san Áo Trắng có Gia đình Áo Trắng… ngay cả Thành Đoàn cũng có đội nhóm Nắng Sân Trường v.v…

Nơi ấy, những “mầm non văn nghệ” có dịp gặp gỡ, trao đổi nhau về sáng tác mới, rồi có lúc các thành viên lại còn tổ chức những chương trình đọc, ngâm thơ trước công chúng nữa. Không khí thân mật và ấm cúng ấy đã sống cùng thế hệ chúng tôi và trải dài theo năm tháng. Nhiều kỷ niệm dễ nhớ lại khó quên. Những vần thơ đầu đời non dại, vụng về mà sau này có dịp đọc lại tưởng chừng như chúng ta có thể hình dung ra cả một vòm trời thơ mộng.

Tiếc thay, dần dà về sau, các đội nhóm ấy không có thế hệ tiếp nối, đã tàn lụi đi.

2.

Ô hay, không đâu, vẫn còn đó, bằng chứng là từ tập thơ này.

Ghen tỵ quá đi thôi, thời ấy, sáng tác mới của chúng tôi nếu được chọn in thành tập, chỉ có thể quay ronéo trên giấy vàng úa. Bạn không tin à? Cứ tìm lại các ấn phẩm thơ văn câu lạc bộ thời ấy ắt rõ. Rõ ràng, so với tập thơ này đã là “một trời một vực” vể hình thức in ấn. Hơn cả thế nữa, sáng tác thơ của các bạn lại còn được in từ Nhà xuất bản, phát hành rộng rãi, thậm chí còn vào cả thư viện, còn thời chúng tôi… đừng có mơ, chỉ “lưu hành nội bộ” là cùng.

Xem ra, dù hình thức có khác trước nhưng thế hệ chúng tôi và các bạn cùng có mẫu số chung: yêu thơ, và viết những vần thơ từ lòng mình.

Chúng ta đều may mắn là đã có người đi trước đứng ra lập “sân chơi” để các thành viên cùng có dịp sinh hoạt và sáng tác. Trường hợp của các bạn, Tiến sĩ, Luật gia, nhà giáo Nguyễn Thị Sơn “bật mí” chân tình, đó chính là: “Với sự khởi xướng của Nhà giáo Nguyễn Đình Đại - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Liên cấp Duy Tân”.

Sáng kiến này rất đáng ghi nhận, vì phương thức sinh hoạt sáng tác như thế này, hiện nay đã trở nên hiếm hoi dần. Theo tôi, ý nghĩa tích cực này được xem như sự nhẫn nại, bền lòng tiếp tục thắp lên ngọn lửa trong tâm thức thế hệ sinh viên học sinh về tình yêu sáng tác thơ. Những tác giả được chọn trong tập thơ này, có tên tuổi quen, có tên tuổi mới, tất cả đã tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh nhiều sắc màu cảm xúc với tên gọi “Hội thơ trường Duy Tân”.

3.

Tuy nhiên, còn có một điều nữa cần nhấn mạnh, qua tập thơ tao nhã này, chúng ta đã gặp được gương mặt thơ thuộc nhiều thế hệ. Trong đó, có những bậc cao niên, đã từng hoạt động trong nhiều ngành nghề, giữ cương vị, trọng trách khác nhau. Nay, đến với thơ, họ vẫn giữ được cảm xúc xao xuyến bật ra từ tâm can, từ tấm lòng chân thật: “Tĩnh tại bởi thoát xa/ Những chuyện đời vụn vặt/ Có lúc muộn phiền ta/ Nhòa vầng trăng trước mắt/ Đam mê với tiếng đàn/ Vang dội tự tâm hồn/ Chạm vào miền sâu lắng/ Lồng lộng lúc hoàng hôn”. Tâm thế của TS.Nguyễn Sĩ Lộc đã nói hộ cho nhiều người.

Tôi nhớ đến Anh Tài Nguyên với tiếng gọi da diết: “Em gái ơi phong phanh tà áo mỏng/ Đi về đâu khi mưa táp ngang đời/ Mưa rát mặt mưa luồn vào thân ngọc/ Khác chi nào một chiếc lá đang bơi”. Số phận như chiếc lá trong gió mưa đã gợi lên nhiều thương cảm. Là Đoàn Nho, lời tự sự ấp úng như chàng trai mới lớn thật đáng yêu: “Trả lại em chút dửng dưng/ Chỉ mong giữ lấy xin đừng đem cho/ Dửng dưng xưa chẳng phải lo/ Giấu mà không kín giả đò rằng quên”. Với từ “giả đò”, ai lại không nhớ đến câu ca dao:

Đưa tay mà bứt ngọn ngò

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

Đáng yêu lắm. Là Nguyễn Văn Kích lúc quay trở về với tình cảm lứa đôi trong khoảnh khắc xa cách: “Mưa rừng như thủy triều tuôn/ Mưa sao cuốn được nỗi buồn nhớ em/ Làn hương vóc dáng êm đềm/ Nụ cười răng khuyết đưa duyên với tình/ Ngắm mưa như thấy bên mình/ Có em bên cạnh tâm tình lứa đôi”. Dù trích dẫn nhưng đây đã là tứ thơ hoàn chỉnh. Riêng tôi gật gù thêm chút nữa với từ “răng khuyết” nghe ngồ ngộ, là lạ, phải chăng tác giả muốn nói đến “răng khểnh” đó chăng?

Là Đặng Quốc Dũng với nỗi nhớ miên man, tâm hồn bật ra câu thơ dễ thương vì nguyên cớ đáng yêu không kém: “Chiều Chủ nhật đầu Xuân/ Trời Hà Thành se lạnh/ Hoa Đào vẫn ngủ Đông/ Bỗng có người gõ cửa/ Tặng vần thơ ấm nồng/ Từ Sài gòn tráng lệ/ Gửi chút nắng miền trong/ Cho hoa Đào chớm nở/ Tô thắm cả Cộng đồng/ Có ai vào trong đó/ Xin gửi tặng bông Hồng”. Tôi tò mò tự hỏi, ai đã tặng tác giả “vần thơ ấm nồng”? Hãy chú ý ở câu cuối ắt có câu trả lời. Thơ là đây chứ gì nữa, “ý tại ngôn ngoại” kín đáo và thâm trầm. Tựa như tâm tình của Hoàng Quang Nguyên: “  Tiếng ngọt thêu tình còn lẩn khuất/ Lời thanh dệt nghĩa vẫn vương gài/ Người xa đã chẵn mười thu nhỉ/ Cũng bấy nhiêu đông, vẫn nhớ người”...

Điều này, ta còn thấy qua thơ của GS TS Chu Hồng Thanh: “Chờ người, chẳng thấy người đâu/ Mênh mông chỉ thấy biển sâu vô hồn/ Mặt trời nhạt nắng vàng ươn/ Hoang mang mây chẳng biết buồn hay vui?”. Một câu hỏi tường chừng như bâng quơ nhưng rồi, một khi đã “chờ người”, nói như thi sĩ Hồ Dếnh, lúc ấy: “Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?”.  Thì ra cả hai cùng một tâm trạng đấy thôi.

Ở các bậc cao niên, ta còn thấy tấm lòng của họ không chỉ nhìn vào nội tâm mà còn hướng ra với thế giới chung quang, từ đó, là những vần thơ thấm đẫm lòng nhân ái. Là Huỳnh Văn Chính bày tỏ nỗi niềm: “Thương trẻ mồ côi lìa cha mẹ/ Tội già cô độc mất người thân/ Mong Xuân mang lại niềm vui mới/ Cuộc sống yên bình Xuân mãi Xuân”.

Mùa Xuân ấy, từ góc  góc nhìn Nguyễn Văn Ích đã khái quát nỗ lực phi thường: “Một đất nước/ Sau mấy ngàn năm/ Đi đâu ta cùng thấy/ Những con người đã hy sinh xương máu/ Cho núi cao, sông dài, biển rộng/ Mênh mông đất nước ta/ Những con người tiếp tục hóa thân cho dáng hình đất nước”. Có thể nói, dù đã đến lúc có thể nghĩ ngơi nhưng rồi những con người đã từng có sống tận hiến cho cuộc đời, nay họ vẫn còn tiếp tục hành trình mới, có thể là suy nghĩ như Lê Bách khi quan tâm đến thời sự cụ thể: “Tóm lại “CẦN CÓ ÁO MỚI”/ “ÁO CŨ” lỗi thời, phải thay/ Trung ương cùng với thành phố/ Gỡ rối cho Thủ Đức ngay”.

Tôi hiểu đây là tiếng lòng của những người luôn giữ lấy tin yêu của chính mình đã có từ thời trai trẻ, với luật sư Nguyễn Minh Tâm là bộc bạch chân thành: Áo lính đã cởi lâu rồi/ Không làm quan, chỉ lần hồi làm dân/ Trái tim dẫu nợ chồng nần/ Vẫn còn sắc đỏ thanh tân một thời / Sinh, lão, bệnh, tử trên đời/ Sang năm lão bảy mươi rồi, có sao/ Vẫn như người lính năm nào/ Cho dù xương cốt mòn hao tháng ngày”…Thật đáng yêu. Những tâm hồn ấy truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần lạc quan, và hẳn chúng ta tâm đắc với suy nghĩ của Đoàn Hữu Thuấn: “Đừng thở dài hãy vươn lên mà sống/ Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”.

Qua những vần thơ của các bậc cao niên, tôi nghiệm ra rằng, sự thanh tân trong tâm hồn của họ vẫn tràn trề sức sống, và cũng đang đồng hành lớp người trẻ hơn. Không gì khác đâu. Nếu có khác chăng, vẫn là lúc họ còn hướng đến niềm vui sống an nhiên, như nhà giáo Nguyễn Thị Sơn tâm niệm:

Lắng đọng tâm thân một chữ buông

Hồn như thoát nhẹ hòa thanh chuông

Buông rơi ngọc sản không còn tiếc

Buông bỏ hồng trần chẳng mộng vương

Vướng bận hư danh thêm tức phận

Tranh dành lợi lộc giảm sinh đường

Ngày mai thức dậy nhìn trời sáng

Ngắm hạt sương mai hưởng ánh dương

Những vần thơ này, nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Tĩnh tại biết bao nhiêu.

4.

Nhìn ở đội ngũ của những gương thơ góp mặt trong tập Thơ và Quê hương giàu đẹp, thêm một điều cũng cần nhắc đến: chúng ta còn gặp những tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc. Đó là Nguyễn Hữu Hồng Minh lúc nghĩ về nghiệp cầm bút: “Anh con mọt phù du/ Ăn tin tức trên bàn phím/ Một ngày lơ cơm/ Có nghĩa anh sẽ chết”. Là Nguyễn Tiến Thanh với tiếng thơ gợi về một trắc ẩn sâu thẳm trong lòng: “Người ngồi một góc mùa thu/ Bàn ăn trải lá, menu nắng vàng/ Hồ đầy ly cốc thời gian/ Khởi lên đại tiệc giữa thành phố mây/ Ngậm ngùi nếm những tàn phai/ Làm sao quên được món khai vị này?/ Tan ra đầu lưỡi hương đầy / Gắp chiều phong tỏa, chấm ngày cách ly”. Câu cuối, kiệm lời nhưng rồi câu chữ ấy đã khiến ta có gì đó gần như nhói lòng về ngày tháng đại dịch vừa trải qua…

Và, tất nhiên, ở những tác giả này sắc màu về tình yêu cũng là một cảm hứng của thơ, có thể đó là lúc Lê Tiến Vượng kể lại câu chuyện: “Có cô em, chả lấy chồng/Để hoa phượng vĩ, cứ nồng nã rơi /Tiếng ve rát một khoảng trời/ Có trang lưu bút viết rồi giấu đi”; hoặc Lê Nhật Thanh nhớ lại lúc: “Anh tìm em lên đến tận rừng xanh/ Gửi cho em tấm lòng thành anh đó/ Muốn cùng em dạo vòng quanh bãi cỏ/ Tặng hoa hồng, nói nhỏ mãi yêu em...”. Là nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến với những câu “thi trung hữu họa” cực kỳ ấn tượng:

Bỗng dưng một cánh chuồn chuồn

Lấy của tôi một nỗi buồn bay đi

Để cho hoa lá ùa về,

Để tôi lạc giữa bốn bề là tôi...

Tuổi thơ ơi, tuổi thơ ơi

Sao tôi gọi mãi mà người không thưa?

Xin người một chút xa xưa...

Sao tôi chỉ nhận nắng mưa bây giờ?...

Bỗng dưng một cánh chuồn chuồn

Trao cho tôi một nỗi buồn trong veo...

Có một điều cũng khá thú vị, khi trong tập thơ này, đã lâu lắm rồi, tôi mới thấy có người sử dụng lối thơ “triệt hạ” (còn gọi “tiệt hạ”), tức là sau mỗi câu đều chấm lửng (…), khiến ta cứ nghĩ câu thơ chưa dứt nhưng thật ra ta vẫn rõ nghĩa. Đó là Tươi Blue Nguyên với các câu như: “Một thuở chung tình đâu cứ ngỡ…/ Một giây bạc nghĩa mới thành ra…/ Một đời tích đức ai mà chẳng... / Một kiếp tu nhân chắc chắn là...”. Kể ra cũng một sắc màu lạ tô điểm cho vườn thơ thêm đa dạng.

5.

Khi viết đôi dòng làm “nhịp cầu tri âm” giữa các tác giả nhiều thế hệ trong tập Thơ và Quê hương giàu đẹp với bạn đọc, điều tôi mong mỏi nhất: Biết đâu trong số các bạn đang là sinh viên học sinh, sau này, sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Được thêm một thế hệ nữa sẽ tiếp nối thế hệ chúng tôi - thế hệ đã từng có những bước đi đầu đời như Hội thơ trường Duy Tân ngày nay, thì rằng thưa, bấy giờ ta mới thấy sáng kiến khởi xướng của Nhà giáo Nguyễn Đình Đại quan trọng và ý nghĩa biết dường nào.

Xin chúc mừng và chúng ta tin tưởng, cùng mong chờ về một Mùa gặt mới.

Từ “bệ phóng” là tập thơ này. Ắt có. Sẽ đến.

L.M.Q

(nguồn: Thơ và Quê hương giàu đẹp, nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn - 2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com