THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: TỰA THƠ NGÔ NGUYỆT HỮU

LÊ MINH QUỐC: TỰA THƠ NGÔ NGUYỆT HỮU

 

screenshot_1699631440_20231110225113

 

Có những câu thơ, tự nhiên trong một phút chốc nào đó tự dưng ùa vài tâm tưởng. Khắc sâu trí nhớ. Không hề cố ý. Tự dưng mà có. Không hẹn mà đến. Vì thế, khi đọc, người ta không thể tìm đâu ra dấu vết của sắp xếp. Mà, các con chữ ấy, tự nó đã chọn vị trí thích hợp nhất trong mỗi câu thơ. Trước đây, với thể thơ lục bát, tôi bàng hoàng khi chạm đến ma lực của Hồ Dzếnh:

Khi vàng đứng bóng im trưa

Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường

Một ám ảnh. Một nỗi nhớ. Và, bây giờ, tôi đã gặp ở Ngô Nguyệt Hữu:

Giả vui nên nắng phải vàng,

Chứ lòng nắng vỡ trăm ngàn vết thương 

Nói về nắng, nhưng là một cách kín đáo nói về tâm thế của mình. Vết thương lòng. Vời vợi. Buồn tênh. Lặng yên, tĩnh lặng, ta nghe trong đó có tiếng thở dài…

Ngô Nguyệt Hữu là một người yêu chữ. Nâng niu lấy chữ. Lấy đó, làm chất liệu trình bày lòng mình trong cõi sống. Đời sống này, có gì vui? Có gì buồn?

Có đêm, con mơ

Giật mình bật khóc,

Câu thơ lẻ loi,

Buồn đau chân tóc.

Sao lại chân tóc? Thì kìa, “Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc/ Chán cả giang hồ, hết cả ngông”. Câu thơ ấy, cụ Tản Đà tặng cho nhiều thế thệ “đầu xanh tuổi trẻ”, trong đó, có tôi và chúng ta, có Ngô Nguyệt Hữu. Phải là một sự già dặn, đã không trẻ nữa, con người ta mới có thể cảm nhận thời gian vụt vèo, rơi tuột chính từ chân tóc đã không xanh nữa, bắt đầu “muối tiêu chanh”, hoa râm lốm đốm bạc.

Khi đọc thơ của Ngô Nguyệt Hữu, tôi luôn có cảm giác như bất ngờ, tựa một người đang mải mê đi giữa dòng đời, đột nhiên từ phía sau, có ai đó bước tới đập vào vai. Giật thót cả người. Ấy là thơ. Thơ đã đến trùng trủng điêp điệp chăng? Không, đôi khi chỉ một chữ/ đôi chữ:

Tự giờ cho đến già nua,

Ta mang ký ức vẽ bùa mà đeo

Tôi dừng lại với từ “vẽ bùa”. Một từ cũ, cần hiểu theo nghĩa mới của thời @ này. Không là tấm bùa cụ thể mà chính là một “lá chắn” yên bình đã xuất hiện, để ta nương vào đó, vịn vào đó mà đi qua tháng ngày sắp tới. Tháng gày sắp tới thế nào? Không cần thiết phải biết, dù thế nào, ta cũng đã có một bề dày của ký ức. Nói cách khác, đó chính là hành trang. Nhẹ nhàng xiết bao. Tự tin xiết bao.

Với một tâm thế hết sức phóng khoáng lẫn phiêu bồng lãng đãng, người ta mới có thể trầm ngâm. Rồi tự hỏi. Tự vấn. Thốt ra:

Tôi về, hỏi ngọn gió xa

Mải vui có nhớ quê nhà hay không?

Sao lại hỏi ngọn gió? Gió phiêu du. Làm sao hỏi gió? Phải chăng, đó là lúc Ngô Nguyệt Hữu đang trải qua tâm trạng bẽ bàng của Kim Trọng về thăm lại nơi lưu dấu Lãm Thúy xa xưa, chỉ thấy: “Đầy vườn cỏ mọc lau thưa/ Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời”? Hiện thực đã phản bội ký ức. Mới buồn. Mới ngậm ngùi. Mới hỏi.

Tôi ngờ, có thể lắm.

Vì rằng, nếu đã chung chiếu với Ngô Nguyệt Hữu lúc có men ngất ngưỡng, bia rót tràn sông, chuốc rượu đẫm núi, bạn sẽ thầy trước mắt mình là gương mặt tròn như ông địa, tươi hồng roi rói, nói cười rổn rãng, hoạt ngôn thông minh, lập luận lém lỉnh…

Tưởng là thế. Chỉ là thế.

Nhưng kìa, chỉ trong một khoảnh khắc, nhiều khoảnh khắc, nếu chú ý ta sẽ thấy con người ấy lại bỗng nhiên trầm tư lạ lùng. Chỉ còn lại một gương mặt đăm chiêu, tư lự nhìn vào đâu đó. Nhìn vào khoảng không. Như thể đang sống trong hồn cốt cô độc của gã Trương Chi: “Ngồi đây ta gõ ván thuyền/ Ta ca trái đất còn riêng ta” (Văn Cao). Ngô Nguyệt Hữu không ca. Không hát. Không ca. Lúc ấy, Ngô Nguyệt Hữu đã đi vào một thế giới khác. Anh lặng lẽ chuồi theo hàng triệu âm thanh dẫu ồn ào, hoạt cảnh dẫu náo nhiệt để bước vào cõi của riêng mình. Để dọn lòng cho thơ bước tới: 

Mình buồn, tự tựa mình thôi

Để cho chiếc bóng nói lời ủi an...

Con người ấy - một đời sống nội tâm đơn độc,  có ai thấu cảm?  

L.M.Q

(nguồn: Tập thơ của Lê Thiếu Nhơn, Ngô Nguyệt Hữu, Trần Hoàng Nhân - NXB Đà Nẵng -2023)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com