THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập "Người hát rong" của QUỲNH TIÊN

LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập "Người hát rong" của QUỲNH TIÊN

385314294_7323709864324896_4374744307819404145_n
LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập "Người hát rong" của QUỲNH TIÊN.
QUỲNH TIÊN - NGƯỜI LỮ HÀNH DẠO BƯỚC VỚI THI CA
1
 Thơ?
Tự bản thân thể loại này, có một điều gì đó hết sức lạ lùng, nếu không muốn nói là “huyền bí”. Tôi biết trong cõi trần gian này, có nhiều người tìm đến với thơ như một sự giãi bày tâm trạng, dưới một hình thức khác. Thay vì cất lên tiếng nói, ghi lại bằng những dòng văn xuôi, bỗng dưng trong lòng họ lại cất lên nhịp điệu du dương rất đỗi nhịp nhàng. Lúc ấy, dù không hẹn hò nhưng thơ đã đến và dẫn họ đi trong cảm xúc ngây ngất, dịu vợi nhất.
Tác giả Bùi Quỳnh Tiên là một thí dụ.
2.
Khi đọc tập thơ Người hát rong, tôi nghĩ gì?
Với những người đã sống một đời bằng các con chữ, nói cách khác, chữ nuôi sống và dẫn đi qua nhọc nhằn đời sống thì bao giở họ cũng cẩn trọng với từng chữ thơ. Tôi cũng thế. Khi thoáng đọc, đọc lướt qua, tôi nhủ thầm, chắc phải dụng công chỉnh sửa lại. Để làm gì? Ít ra cũng phải có vần, có nhịp như mọi bài thơ khác. Nhưng rồi, khi đọc lại lần nữa, tôi nghĩ không nên “thô bạo” như thế, bởi dù có thiện ý đi nữa nhưng biết đâu sẽ làm mất đi cảm xúc tươi non ban đầu của tác giả? Nghĩ thế, tôi lặng lẽ đọc. Lặng lẽ cảm nhận. Và đọc từng câu thơ như vốn có.
"Dẫu quá mùa yêu tóc bạc màu
Đôi tay không trẻ để ôm lâu
Không còn nhịp nhảy theo chân sáo
Thả hồn thác chảy chạm tim nhau".
Âm điệu thất ngôn của khổ thơ này khiến tôi xao xuyến khi nghĩ đến cảm xúc “chạm tim nhau”. Lứa tuổi nào cũng có cách bày tỏ nỗi lòng mình về tình yêu. Với chị, là cung bậc tình cảm của một người thơ với nhiều sắc màu:
'Ta thực lòng yêu....
70 năm tròn trịa
Đủ gam màu
Đủ nát nhàu
thăng hoa
Sắc cạnh pha lê, lưu ly hay ngọc bích
Cứa ngọt ngào khe khẽ rưng rưng".
Dù màu sắc ấy thể hiện qua nhiều giai điệu khác nhau, nhưng vẫn là một nồng nàn yêu dấu, có lúc đau đáu về một khoảng trời trong sáng:
"Hẹn hò xưa
quên lối cũ mưa rơi.
Ai còn giữ
cánh hồng trong trang sách.
Giữa sân trường
trao vội lá thư xanh.
Để đêm về
trăng soi từng dòng chữ.
Lặng lẽ cười
lặng lẽ khép mi cong".
Cô gái trong thơ, qua hình dung của tôi có nét gì đó rất… tiểu thơ. Nhẹ nhàng quá đỗi. Những câu thơ này là một sự tìm về tình yêu ngày tháng cũ. Dạt dào nhớ. Da diết yêu. Có thể lớp trẻ bây giờ cách tỏ tình đã khác, yêu đã khác nhưng tâm trạng cũng như xưa:
"Vắng em cà phê bay cánh mỏng
Hương trầm tan nhẹ tựa sương thưa
Thơm tho phảng phất hương con gái
Ký ức xa rồi hỡi dáng xưa".
Chính sự gợi nhớ ấy đã khiến hồn thơ của chị đằm thắm, và, người đọc chan chứa đồng cảm. Tôi thích những câu thơ, không đâu, chính là tiếng lòng của một người tưởng chừng đi qua cõi trần bằng đôi cánh bay lên, thốt ra lời thì thầm như mơn trớn, như tình tự:
'Quỳnh ơi
hứng giọt rượu đào nửa đêm
Se lòng
réo rắt say mềm
Quỳnh cong
cánh mỏng chở niềm ưu tư
Ai về
ghé lại bến xưa
Cạn ly
trả khúc đêm mưa tì bà".
Có lúc tôi lại mường tượng ra tâm cảnh của những ai đã từng trải qua ngày tháng “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” như một thơ Kiều. Tri âm xiết bao. Người tình ấy đã là một tri kỷ, có thế, mới vọng về những câu thơ da diết:
"Tháng ba...
Một mình trong vườn khuya
Em nhớ tiếng ghi ta độc thoại
Thoảng mùi hương ngọc lan
Em say cả không gian...
Có anh và tiếng đàn
Réo rắt bổng trầm quyến rũ
gọi mời.... trăng ơi".
Đọc chậm những bài thơ trong Người hát rong, lạ thay, dù thế nào ta cũng nghe âm vang đâu đó tiếng “ơi…”. Ơi của tình gần. Ơi của tình xa. Làm nên những bài thơ này chính là tiếng nói thầm, vang vọng từ trong sâu thẳm cõi thơ, cõi lòng. Vì lẽ đó, nhịp thơ bay đi như làn gió, như hương quỳnh thanh thoát, nhẹ nhàng…
3.
Bùi Quỳnh Tiên không dụng ý làm thơ. Thơ đã đến với chị tự lòng mình. Vì lẽ, cảm xúc trong thơ dịu vợi. Chân tình. Bay bướm. Khi đọc thơ của một người, ta có thể nhìn tâm thế của một người. Với tôi, với chúng ta vẫn là sự đồng cảm mà chi đã bộc bạch chân thành:
"Ta chỉ muốn một đời là lữ thứ
Đâu dám làm thi sĩ
những mỹ từ hào nhoáng của thế nhân
Ta chỉ dám ngửa bàn tay xin mưa móc
Tri kỷ cho người và mãi hát rong thôi".
Cầm lấy tiếng hát của người hát rong đi qua thời gian, chị đã hát bằng tất cả đắm say, và, tôi tin rằng vẫn còn ngân nga, âm vang mãi, một khi ta đã nghe tiếng hát ấy. Hát lên, reo lên, lắng lại những câu thơ tự lòng, đó chính là tâm thế của “Người lữ hành dạo bước với thi ca”: Bùi Quỳnh Tiên.
L.M.Q
(1.8.2023)
(nguồn: Tập thơ Người hát rong của Quỳnh Tiên).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com