THƠ Suy nghĩ về Thơ

LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập thơ PHAN BÍCH THIỆN

THƠ PHAN BÍCH THIỆN


1.
     “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”. Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng cho rằng, làm thơ là một sự phi thường. Khi người phụ nữ làm thơ, sự phi thường ấy tăng lên gấp bội lần. Bởi khi thả hồn theo những cảm xúc dạt dào như sóng biển, như gió núi, họ phải ngoảnh lại phía sau với bao hệ lụy của cõi nhân sinh. Mà cũng phải thôi. Thiên chức làm vợ, làm mẹ không cho phép họ có thể đánh đu tót vời cùng bể dâu của những câu thơ.
    Cầm trên tay tập thơ Cánh chim Lạc Việt của nhà thơ nữ Phan Bích Thiện, đôi lần tôi cũng ngoảnh lại phía sau. Để làm gì? Để quan sát một chân dung thơ trong đời thật này. Chị đã có hai tập thơ đã in và hiện nay đang sống ở một nơi tôi chưa hề đặt chân đến: Hunggảy. Tuy thế, thơ chị đến với tôi gần. Gần lắm bởi tình cảm của người làm thơ vẫn dành cho quê nhà đau đáu một nỗi niềm:
Về cây bàng mỗi mùa thay áo
Đỏ rực khoảng trời trước cửa nhà em
Tiếng tàu điện leng keng trong đêm
Sáng sớm mặt hồ sương giăng mờ phủ
      Câu thơ nhiều hình ảnh như vẽ lên trong mắt ta một Hà Nội xa và gần. Xa như một tầm tay và gần như ký ức chưa phai nhòa kỷ niệm cũ. “Bàng nhớ ai đỏ lá khi mùa đông đến?”. Một câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ, nhưng sẽ không là câu hỏi ấy nếu trong lòng không gợn sóng một niềm yêu dấu...

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc viết Bạt tập thơ NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Bạt

tari-cam-R

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc viết Tựa tập thơ NGUYỄN NGỌC MAI


   MỘT HỒN THƠ NHÂN HẬU

iotSuongMatTroi
   Cách đây chừng dăm năm, trong Ngày Thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nhìn thấy một cô bé xinh xắn ngồi chăm chú theo dõi các nhà thơ bước lên sân khấu giao lưu cùng công chúng. Sáng hôm sau, cô bé ấy đến tòa soạn báo Phụ Nữ và đưa cho tôi xem những bài thơ mới viết. Đó là nhà thơ trẻ Nguyễn Ngọc Mai. Tưởng là nữ sinh. Nhưng không phải. Mai đã có công ăn việc làm ổn định và nhất là công việc ấy không liên quan gì đến... thơ. Vậy đó, cái trò chơi đánh đu với thơ thật oái oăm. Có người những tưởng có thể dan díu với thơ suốt cả đời nhưng nửa chừng xuân lại “gãy cành thiên hương”. Có người nghĩ mình không thể mất ngủ vì thơ nhưng rồi số phận lại khác hẳn. Mai là mẫu người thứ hai.
   Có lần Mai tâm sự: “Ngay từ nhỏ em đã thích thơ T.T.Kh, những câu thơ não ruột của Hai sắc hoa ti gôn là ám ảnh trong một thời gian dài...”. Thầy Thích Nhất Hạnh kể, thuở nhỏ khi đọc đến câu thơ Kiều “Phận sao phận bạc như vôi” thì bao giờ bà nội của thầy cũng bảo đổi “phận” thành “phấn”. Đọc trớ đi vì sợ câu thơ ấy “vận” vào mình. Tôi giật mình. Nếu làm thơ là một sự dự báo cho chính mình, thì đọc thơ cũng thế. Nó “vận” vào người chứ không đùa. Nghĩ mà sợ.
    Nói như thế để thấy Mai đến với thơ như một căn duyên đã có. Có thể “hạt giống thơ” đã tiềm tàng đâu đó trong tâm hồn trong trẻo và độ lượng của Mai, đến một ngày, nẩy mầm xanh. Thơ ra đời. Giọt sương mặt trời là tập thơ đầu tay của Mai. Những bài thơ trong tập thơ này không chạy theo mode thời thời thượng của anh em viết trẻ. Mai vẫn trung thành với cấu tứ truyền thống. Nhưng không vì thế mà không mới mẻ, không đóng góp thêm một tiếng nói cho nền thơ đương đại. Nói về tính cách của người phụ nữ, mấy ai dám thổ lộ một cách quyết liệt và chân thành như:
   Em rất muốn giã từ thời con gái
   Muốn là người tri kỷ của anh thôi
   Người đàn bà anh thường mơ ân ái
   Sống bên anh cho đến cuối cuộc đời
   (Người đàn bà của anh)
   Thì ra, tính cách người phụ nữ thời đại computer này, ít ra ở Mai cũng rất dữ dội, quyết đoán. Nhìn về cỏ, Mai đã nhìn bằng một “cái nhìn khác” láu lỉnh và tinh nghịch:
   Tơ mềm
   như cỏ
   trên da
   Sợi dài sợi ngắn mượt mà như nhung

   Điểm tô
   đôi mảnh
   trơn hồng
   Quanh năm gò biếc dù không nắng trời
Đọc lại lần nữa, ta không thể ghìm được một tiếng cười sảng khoái sắp bật ra trên môi. Tương tự, khi diễn tả về cảnh Leo núi, Mai đã thành công trong sự vận dụng “nội công” để tạo sự đa nghĩa:
   Mõm đá toen hoen cỏ phún đầy
   Sương chiều ươn ướt lá nhòe cây
   Tiều phu vác củi leo triền dốc
   Rớt xuống khe sâu một khúc dài

  Đu đưa mõm đá mình vặn vẹo
  Ngất ngưỡng đầu trần lỏng lẻo vai
  Trèo lên tuột xuống đôi ba bận
  Tê hết hai chân, mỏi cả tay !
  Sự đa nghĩa của bài thơ này ẩn náu trong tâm hồn rất đỗi nhẹ nhàng và bao dung lạ thường. Ít ai biết rằng, một trong những niềm vui của Mai là được làm từ thiện, làm mọi điều nhỏ nhặt để đem lại niềm vui cho trẻ thơ bất hạnh:
   Đêm rét lạnh chiếc áo em mỏng quá
   Tôi mong thầm trời ấm lại đừng mưa
   Bàn tay non chai sần theo tiếng gõ
   Bút xanh em chưa chấm mực bao giờ
  Chính lòng nhân ai đã đem lại cảm xúc cho hồn thơ của Mai. Trong tập thơ này, Mai đã dành nhiều trang viết về mẹ, về cha. Trong đó, có những vần thơ xao xuyến lòng người mà Mai đã nói hộ cho nhiều người:
   Như cánh chim lạc loài miền đất lạ   
   Chốn thị thành lòng khắc khoải nhớ quê
   Mẹ có biết sau mỗi lần vấp ngã
   Con mong về bên Mẹ để nương che
   Ai trong đời mà không một lần thốt lên như thế? Những bài thơ tự sự của Mai cũng là những bài thơ hay, cấu tứ chắc, gọn và có sức khái quát. Nhìn Mưa cõi nhân gian, Mai viết:
  Mưa hay nước mắt của trời
   Khóc cho sáng mạnh hồn người bóng râm
   Sợ mưa -vốn tính người phàm
  Thế nên nhân loại mãi làm khổ nhau
   Ẩn giấu trong trong nhìn tâm sự, nhiều nỗi niềm đấy chứ? Và cũng có lần Mai đã Tự hỏi:
  Tóc thề rũ xuống bờ vai
   Ướp hương trời đất làm say lòng người
   Phải chăng kiếp trước vong lời
   Kiếp này đành chịu mồ côi… ái tình ?
   Nghe mà ứa nước mắt. Những bài thơ trong tập Giọt sương mặt trời sẽ dẫn ta đi vào trong một tâm hồn nhiều xúc cảm. Từ đó ta hiểu hơn một hồn thơ nhân hậu có tên là Nguyễn Ngọc Mai.

LÊ MINH QUỐC
Sài Gòn, tháng 5. 2008

(Nguồn: tập thơ  Giọt  sương mặt trời của Nguyễn Ngọc Mai)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc viết Bạt tập thơ BÙI THANH TUẤN

Bạt

biafinalRjpg

  Cái cõi nhân gian này, dù rộng lớn đến chín nghìn thế giới như Phật đã bảo, nhưng thật ra lại nhỏ bé vô cùng. Dù có đi tận cùng trái đất đất thì cuối cùng ta gặp gì? “Tôi đi về cuối chân trời/ Ở nơi đó mắt sẽ cười với môi/ Ở nơi tôi gặp lại tôi.../” Ta lại gặp chính ta. Đi, cũng có nghĩa là về. Trong ly biệt đã có hội ngộ. Trong nước mắt đã lấp lánh nụ cười. Trong hoan lạc đã nẩy mầm đau khổ. Trong hạnh phúc đã là tình phụ. Có lúc ta tự hỏi: “em vẽ được không những nhịp đập bối rối/ giọt máu buồn chảy rực rỡ hôm nay?”. Câu hỏi ấy là dấu ấn trong tâm thức của một người không còn trẻ. Râu đã mọc. Và đuôi mắt đã bắt đầu hằn những vết cày hoang dã của thời gian khắc nghiệt đi qua ngày tháng... “Đi đâu cũng thấy quay về/ Đi loanh quanh giữa bốn bề nhân gian…”. Dằn vặt. Suy ngẫm. Chất vấn. Đó là những chất liệu cần cho thơ và cho Đời. Đời của một thi sĩ.
   Đó là bản ngã của một năng lượng đã tự ý thức.
   Trong cuộc chơi với thi ca không bao giờ mở ra những cuộc vui trọn vẹn. Đừng chờ đợi. Tôi hình dung ra đó là con đường mà Thúy Kiều đã đi trong mười lăm năm đoạn trường nức nở “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Bắt trắc. Tất nhiên. Nhưng rồi, một ma lực từ cõi xa xăm réo gọi từ trong tiềm thức, hắn lại lên đường ăn nằm với Thơ. “Ta về từ vô vọng/ gặp trên những nẻo đường/ những dối lừa, phản trắc / ta lấy đó mà thương”. Chấp nhận. Đó là số phận. Số phận của thi sĩ.
   Một tập thơ. Một ngàn  tập thơ. Một câu thơ. Thì cũng thế. Số phận đã đóng đinh trên cây thập giá Đời. Nếu quả thật như thế sẽ là một cuộc lang chạ đến cuối đời với Thơ. Còn gì nữa không? Lang chạ với chính mình. “trái đất lại về tròn khi lực hút kết thúc/ một đường bay trong mơ”.
   Đời sống đơn giản mà cũng lạ lùng đến vô cùng.
   Với tập thơ của Tuấn, tôi đã nhìn ra một gương mặt của thơ hôm nay.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Tập thơ Phiên bản in năm 2008 của Bùi Thanh Tuấn)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Lê Minh Quốc viết Tựa tập thơ HOÀNG NGUYÊN VŨ

TA CHỢT NHẬN RA MÌNH HÓA SÓNG BAO GIỜ...

Khi làm thơ, anh đứng ở đâu trong cái cõi nhân sinh ta bà này? Anh tựa vào đâu để viết những câu thơ máu thịt? Cõi nhân sinh dẫu đầy yêu thương, nhưng cũng không ít tị hiềm, bắt trắc. Tựa vào đâu cũng là chông chênh và gẫy đổ. Làm thơ ư? Anh quay về với chính bản thể của anh,  may ra, có thể tìm được những câu thơ trong sạch. Tâm hồn nhà thơ là một sự trong sạch như chính tuổi thơ của mỗi một đời người. Những câu thơ của Hoàng Nguyên Vũ là một sự độc thoại, một cuộc trở về bản thể của chính anh. Những câu thơ có sức ám ảnh và nhằm truyền đạt đến người đọc một tín hiệu. Đó là tín hiệu của thời gian đã trở thành quá vãng. Vì thế, trong những câu thơ ấy thấp thoáng sự tiếc nuối và ngậm ngùi lặng lẽ...

Một ngày kia, gió mùa tràn về, anh giật mình tự nhủ:
  Ta đã đi quá xa những gì ta có
  Ta đã không còn ấm nhau từng hơi thở
  Sao lại là hơi thở kia chứ? Thở là một lẽ tự nhiên, không ý thức, nhưng với Vũ là một ám ảnh không nguôi:
  Em có còn đi về, phố Nguyễn Du
  Gầy cả hàng cây, gầy cả từng hơi thở
  Còn gì buồn hơn không? Cay đắng hơn không? Cái giây phút độc thoại ấy đã cho phép soi rọi lại chính mình và tự hỏi:
  Anh tìm gì giữa tám tiếng một ngày với những người không quen và không nên quen
  Giữa ngôi nhà độc thân với chiếc máy vi tính và những cuộc trò chuyện không đầu không cuối?
  Không những thế, có lúc anh lại nhìn ra một sự kỳ lạ:
  Chỉ có anh và cơn mưa hốc hác
  Lạnh tanh tiếng khóc bạc màu
  Đó là những câu thơ hay. Gợi cảm và còn ở lâu trong trí nhớ người đọc. Đó là những câu thơ viết bằng tâm cảm của một họa sĩ đang tung tẩy hình tượng với sắc màu. Sự tung tẩy phóng khoáng ấy có lúc anh lại “gặt” được những câu thơ lung linh, ấm áp:
  Người vẫn tươi như nụ gió sang mùa
  Ta thèm nghe tiếng chim mùa làm tổ
  Cái nhìn ấy, cái mơ ước ấy thật ra cũng chỉ là sự hoài niệm của thời gian quá vãng. Ấy cũng là lúc Vũ đã không còn trẻ. Đã không còn mơ mộng. Đã không còn ngây ngô trước cái cõi đời này, mà bắt đầu chuẩn bị bước vào một hành trình mới. Một hành trình anh bắt đầu đi qua với tâm trạng:
  Thương con đường và bước chân không mới
  Thương dáng mình liêu xiêu
  Nhưng rồi, dù biết thế, người ta cũng phải đi cho hết cả một kiếp nhân sinh. Lầm lủi đi. Không tuyên ngôn. Chỉ có những câu thơ dẫn dắt... Tôi sực nhớ đến tình yêu của Vũ! Những câu thơ hay nhất trong tập thơ này, có được, tôi ngờ rằng cũng từ cuộc tình đã xa khuất của Vũ. Trong đớn đau, trong phiền muộn ấy anh đã viết câu thơ khiến tôi đã giật mình:
 Có một ngày em không mở cửa
 Cây sầu đông trước sân nhà quên đắng
 Câu thơ không đủ gọi nắng
 Tôi trở về khoát áo sầu đông
Và Hà Nội? Hà Nội trong thơ Vũ mà một khắc khoải đến run người:
Hai mươi mùa mắt biếc
Hà Nội rêu ướt những hàng mi
Từng đọc thơ của nhiều nhà thơ, tôi nhận thấy, có những câu thơ bộc lộ sự cố gắng, nhưng càng cố gắng thì càng điệu đàng; có câu thơ viết “dễ như không”, nhưng lại ẩn chứa sự sâu sắc, thâm trầm. Tôi thích câu thơ của Vũ như:
  Giã từ nhé ngày tôi trộn tôi với gió
  Thổi hoài thổi hoài manh áo thiếu nữ
  Mà không biết mình đang heo may
  Viết tự nhiên mà đầy tâm trạng. Tôi tin rằng, làm thơ là tâm trạng, một tâm trạng không thể sẻ chia. Nhưng tâm trạng ấy có đủ sức để còn có thể đánh đu trên sợi dây của của thơ, của một kiếp người hay không còn là chuyện khác. Tài năng ư? Đành rồi. “Trời cho” ư? Đành rồi. Nhưng làm thơ là số phận. Nếu không có số phận, anh sẽ nửa chừng rẽ sang một ngả khác. Đừng cầu mong một sự yên bình,lặng lẽ. Khi Vũ  viết:
  Muốn lặng im cho hết đời giông bão
  Vũ ạ! Muốn là muốn thế thôi. Cuộc đời này, sự sống này chẳng cho phép ai muốn một điều gì cả. Sự lập trình đã có sẵn trong tâm hồn của người làm thơ, không thể thoát ra khỏi nó. Tôi chỉ cầu mong cho, từ tập thơ đầu tay này về sau, hãy tự ý thức:
  Ta chợt nhận ra mình hóa sóng bao giờ...
Tôi tin ở Vũ. Vì thế mới viết những dòng tự sự này, như một lời giới thiệu một cây bút mới đến với công chúng yêu thơ của thời đại computer. Một thời đại mà người yêu thơ, đọc thơ, sống chết với thơ, không vụ lợi vì thơ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.


LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Tập thơ đầu tay của Hoàng Nguyên Vũ)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

NGUYỄN THÁI DƯƠNG - Hạt bụi thơ

 

Loáng một cái mà đã nửa đời người. Thế hệ làm thơ trưởng thành sau 1975 của chúng tôi đã bước qua tuổi 50. Chao ôi! Xuân xanh trái chín cái nỗi gì nữa ở tuổi này? Già rồi chăng? Vì thế trong bài thơ khai bút của đầu năm 2008, từ rét buốt của gió sóng bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng), tôi nhắn qua điện thoại cho nhà thơ Nguyễn Thái Dương: “Chân trời trắng ngọn cỏ lau/ Ngày vui qua vội, chiêm bao nhạt nhòa/ Tưởng rằng mới khóc oa oa/ Xuân xanh Mậu Tý đã là 50”. Không ngờ chỉ một vài phút sau, anh nhắn lại, cũng bằng thơ: “Mới vừa nửa thế kỷ thôi/ Đang vui sao lại đứng, ngồi đăm chiêu?/ Mắt còn sớm, tóc chưa chiều/ Lòng hừng đông giữa thương yêu sông Hàn/ Cớ gì thi sĩ hoang mang/ Rằng “vui qua vội” buồn đang loang vào?/ Tiếng oa oa thật ngọt ngào/ Vang lên hóa giải biết bao nỗi niềm”.

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 8 trong tổng số 8

Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com