Đã lâu lắm rồi, mỗi lần nhớ lại, bao giờ tôi cũng có cảm giác như trở về thế giới cổ tích. Chan chứa yêu thương. Chất ngất nỗi niềm. Ấy là một trưa thanh vắng, con hẻm nhỏ đang yên tĩnh, tôi có cảm giác như nhìn thấy câu thơ của Hồ Dzếnh từ dĩ vãng đã bước vào hiện tại: “Khi vàng đứng bóng im trưa/ Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường”, lúc ấy, ngay trong căn nhà của mình, lạ chưa, tôi đã nghe tiếng tập đánh vần.
Ơ hay, trong nhà chỉ có hai mẹ con, vậy, âm thanh ấy từ đâu? Nhón chân bước đến phòng ngủ của mẹ, nhìn vào trong, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ mỉnh ngoài 80 xuân, đang nằm vắt chân chữ ngũ, tay cầm quyển sách và ê a đọc tửng chữ như trẻ nhỏ.
Dám nói rằng, trong đời người, hễ một khi nghe tiếng đánh vần ấy, rất tự nhiên, trong lòng lại dội về biết bao cảm xúc trong trẻo êm đềm.
Ơn trời, sau khi mẹ tôi mất, tôi lại có cơ may được nghe tiếng tập đánh vần, từ con mình, từ một niềm mong mỏi mà tôi đã tự nhủ: “Biết vui là vui - lẽ đời giản dị / Cha già con cọc là ngọc cuối đời”.Vậy nên, trong hành trình nuôi con, chắc chắn các bậc phụ huynh đều đồng thuận rằng, từ các lớp Mầm, Chồi, Lá cho đến ngày con đánh vần rồi biết đọc được từng chữ là cột mốc hết sức quan trọng - đánh dấu ngày con mình đã bước vào một chặng đường mới.
Tôi đang sống trong tháng ngày này. Các bỉm sữa cũng đang sống trong tháng ngày này. Này bạn, có lẽ không một ca sĩ nào trên trần gian này, dù tầm cỡ thế nào, dù cất lên tiếng hát đã khiến hàng triệu con người đắm say lại có thể sánh bằng tiếng tập đọc của con mình. Tôi có cảm giác như nghe được tiếng chim chóc hoan ca được lồng vào trong giọng nói của con trẻ, vì lẽ đó, tôi mới cảm nhận: Ơ kìa, sẻ sẻ, bồ câu
Ríu ran như bắt nhịp cầu thân thương
Âm thanh ấy vừa non nớt, vừa ngập ngừng, chưa tròn vành rõ chữ nhưng rõ ràng là các bé đã có thể nhìn vào chữ để đọc, chứ không phải đọc theo ba mẹ hoặc cô giáo. Một khi biết đọc chữ, trí não con người ta mới vỡ ra trí khôn, mới tiếp nhận được những gì tri thức chung mà nhân loại đã chung tay gìn giữ dưới hình thức các con chữ. Nay, con trẻ nhà mình đã được trang bị những gì cần thiết để bước vào thế giới kỳ diệu ấy, há chẳng phải là một dấu ấn đáng nhớ nhất đó sao?
Với tôi, ngày có con, có lúc nhớ đến tiếng tập đọc của mẹ mình, tôi lại viết những câu thơ theo nhịp đồng dao nhằm hướng đến ngày bé nhóc ngồi lật trang vở mới, nhìn vào từng mẫu tự: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè tập đọc/ Mỗi ngày bé học/ Đánh vần ê, a/ A bờ A ba/ Thiệt là dễ nhớ/ Không cần nhìn vở:/ E mờ E me/ Lúc khóc oe oe/ Mẹ cho bú sữa/ Dỗ dành bé ngủ/ Có mẹ với ba/ A bờ A ba/ Ba thương bé lắm”. Nếu ai đó, đặt câu hỏi, trong cuộc đời này, đâu là điều thư giãn khiến con người ta thật sự hạnh phúc và rất đỗi tĩnh tâm. Tùy tâm trạng, tùy hoàn cảnh mà mỗi người có lựa chọn miễn hài lòng. Khó có thể khuyên ai phải nên thế này thế kia. Thế nhưng, tôi đồ rằng, với những ai đang chăm con nhỏ, họ sẽ nghĩ đến một điều mà tôi đang nghĩ đến. Nói thế, liệu có chủ quan không?
Thì đây, lý lẽ của tôi vẫn dựa vào cảm xúc của những lần nghe con tập đọc. Tâm lý này diễn ra bởi các bậc phụ huynh luôn trông ngóng, con mình về sau phải hơn mình, “con hơn cha là nhà có phúc”. Cái phúc ấy, không phải giàu có hơn, nhà cao cửa rộng hơn, hơn về tiền tài danh vọng mà ít ra con mình cũng phải được thiên hạ nhìn nhận có học thức.
Điều này quan trọng lắm, nhất là trong tâm thức ngàn đời của người Việt. Cái sự mình sợ, mình nể, mình quý là đối với người có học, chứ không phải dành cho hạng trọc phú, lắm của nhiều tiền nhưng ất ơ chữ nghĩa. Vì lẽ đó, dù giàu dù nghèo, dù kiết xác mồng tơi, dù thế nào đi nữa thì cha mẹ nào cũng dồn hết tài lực, tâm trí cho con ăn học đến nơi đến chốn. Mục đích của sự học có nhiều, nhưng trước mắt con hướng tới niềm mong mỏi: “Con mình cũng được bằng người. Cụ Phan Châu Trinh hoàn toàn có lý khi chỉ ra rằng: “Chi bằng học”, là lấy cái học làm mục tiêu trước nhất trong công cuộc xây dựng con người.
Một khi chia sẻ điều này, tôi nghĩ các bậc phụ huynh ắt gật gù tán thành. Vậy nên, khi con mình bước vào lớp Một, biết đọc chữ là họ đã sung sướng lắm. Trở lại với câu hỏi: “đâu là điều thư giãn khiến con người ta thật sự hạnh phúc và rất đỗi tĩnh tâm?”, xin nhắc lại vẫn là lúc nghe và nhìn con mình tập đọc. Họ thật sự hạnh phúc và tĩnh tâm bởi ngay lúc đó, họ được bước vào thế giới tuổi thơ của họ đã xa lắc xa lơ, nay quay trở về trong căn nhà của mình, được đồng hành theo con:
Cùng tập đánh vần ê a tập viết
Tươi lại trang đời lẫn trang vở thơm tho…
Lúc ấy, trong sâu thẳm lòng họ lại nhớ về tháng ngày ấu thơ còn có ba mẹ, mà, kỳ diệu thay, chính khi con tập đánh vần lại nhắc nhớ, chớ quên:
Tập đánh vần theo con
Bi bô từng mẫu tự
A, B, C, D, Đ…
Ráp lại thành từng chữ
Chữ mẹ đánh vần sao?
Mờ e ME nặng MẸ
Mẹ mang nặng đẻ đau
Ơn sâu như trời bể
Mẹ ru, bồng, ẵm, bế
Lại mớm sữa… ngọt ngào
Năm canh chầy thức đủ
Nghĩa mẹ tựa non cao
Khi viết những câu thơ này, tôi nhìn con mình đang tập đánh vần từ “mẹ”, và tôi lại nhớ đến lúc mẹ tôi ê a từng mẫu tự vào lúc: “: “Khi vàng đứng bóng im trưa/ Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường. Hành trình đời người đã bắt đầu. Mùa thơm gió mới, giai điệu líu lo…
L.M.Q
(nguồn: báo Phụ Nữ TP HCM - ngày 14.8.2024).
Tiếp theo > |
---|