TẾT VIỆT - KÝ ỨC TRONG TÔI
LÊ MINH QUỐC
Sáng mồng Một Tết, đã thấy nhánh cây trước sân nhà xòe lộc xanh. Cúc đã vàng. Thời trẻ, trong thơ tôi ngợp bóng vàng cúc trắng. Mẹ tôi lại khác, thích hoa vạn thọ. Có lần, ngày sắp Tết, tôi mua về hai chậu vạn thọ, mẹ tôi nói: “Hôm qua đi chợ thấy có mấy chậu hoa mồng gà đẹp ghê”.
còn “nhà quê” nữa. Vậy mà mẹ tôi lại thích. Cũng như suốt đời thích nước mắm Nam Ô và bánh tráng nướng. Tôi nghiệm ra một điều, người Quảng Nam đi xa có lẽ nỗi tương tư sậu đậm nhất của họ trong “nghệ thuật ẩm thực” chính là cái bánh tráng nướng! Mẹ tôi mỗi chiều bẻ bánh tráng nhai rộp rộp cứ như trẻ con thời @ nhai “sinh gum” vậy!
Nhớ lại đi, ngày còn bé xíu, ai lại không trải qua một cảm giác rất Tết. Rằng, cả đêm giao thừa trong lòng thấp thỏm không yên. Không dám chợp mắt. Dưới gối là bộ quần áo mới kẻng, xếp cẩn thận, nằm gối đầu lên để nó thẳng thớm. Sợ ngủ quên ghê. Tết đến mà mình không biết à? Uổng lắm. Cứ thắc thỏm không yên. Thế mà ngủ quên béng lúc nào không hay. Rạng sáng đã nghe mẹ gọi: “Tết đến rồi!”. Anh em lật đật ngồi dậy. Ủa Tết đến rồi à? Chà! Tết!
“Mẹ ơi! Tết đến rồi hả mẹ?”
Mừng quá xá là mừng. Tôi đứng soi gương và diện bộ quần áo mới. Tủm tỉm cười một mình. Lấy một chút nước lạnh thoa lên mái tóc, chảy rẽ hai bên. Bảnh tỏn như người lớn. Sau đó, anh em chúng tôi phụ mẹ bưng bê thức ăn cúng đặt trên bàn thờ ông bà. Chà, ngày đó, trong ba ngày Tết là mâm cao cỗ đầy. Thử hỏi, vì sao mâm cơm cúng ngày Tết, giỗ của người Việt, không nhà nào giống nhà nào? Bởi ấy là ngày con cái cúng cho ông bà, tổ tiên, cha mẹ mình mà lúc sinh thời Người thích, chứ không nhất thiết phải theo một “bài bản” quy định rạch ròi nào cả. Đây là sự uyển chuyển, linh hoạt của văn hóa Việt.
Có lần trò chuyện với nhà văn Sơn Nam, ông khề khà rằng, đại khái, ở vùng đất phương Nam ít gia đình còn lưu giữ gia phả. Do đa phần là dân lưu tán từ nơi xa đến, không là người quyết chí phiêu lưu cũng là tội đồ; không dân đinh, khố rách áo ôm cũng là người trốn tránh truy nã của triều đình v.v… vì thế họ phải thay tên đổi họ và chẳng mấy ai lưu giữ gia phả, viết gia phả làm gì. Không khéo chính quyền sở tại phát giác ra gốc gác của mình thì khốn. Rách việc.
Vậy nhưng họ vẫn có cách liên lạc mật thiết với dòng tộc, gốc tích của mình một cách kín đáo mà người ngoài không thể biết được. Chẳng han, họ quy ước là dịp giỗ, Tết trên mâm cúng phải có con cái tràu hoặc món ăn gì đó. Nếu là người cùng dòng họ, khi ngồi vào ngồi ăn ắt sẽ biết gia chủ ấy có quan hệ ruột thịt với mình hay không dù cả hai không thân thiết gì, chỉ là bạn bè láng giềng sơ ngộ…
Ngày đó, ông bà ngoại tôi còn sống, sáng mồng Một Tết năm nào cũng lên nhà của ông bà.
Ngày đó, ba tôi chở mẹ tôi đi trên chiếc xe vespa, những đứa em nhỏ như Tí, Tẹo được ngồi ké theo. Còn bọn tôi thì đi bộ. Từ nhà tôi lên nhà ông ngoại chỉ chừng vài trăm mét, nhưng có khi đi cả buổi chưa tới. Nếu cô bé quàng khăn đỏ trong chuyện cổ tích, từ nhà đi băng qua rừng đến thăm bà lúc ốm, nó đã gặp con sói quỷ quyệt. láu cá nhưng có gương mặt rất đỗi hiền từ và luôn dụ khị thì tôi cũng thế. Đó là trò chơi bầu tôm cua cá dọc đường đi. Tôi còn nhớ có hai nơi xôm tụ nhất là trước chùa Tỉnh Hội (Đà Nẵng) và trong chợ Mả Vôi.“Có cô gái Đồ Long xóc bầu tôm cá, xóc ba cái ra ba con gà trống mái, chung hết tiền, chạy trốn liền”. Còn tôi, chẳng mấy thắng được xu nào. Trong lòng dù tự dặn phải nhanh chân đến nhà ông bà để được nhận tiền lì xì từ các dì, các cậu. Ấy vậy mà! Lúc đứng lên thì đã sạch túi! Chẳng sao, phải ba chân bốn cẳng chạy về nhà ông ngoại thôi.
Trời, ngày ấy, sao mà vui. Con cháu lũ lượt xếp hàng trước sân và chờ ông bà ngoại mừng tuổi. Rồi mở ra khoe với nhau. Vui ơi là vui. Cảm giác Tết, trong đời ai cũng có. Ông bà ngoại tôi không nhiều chữ nhưng lại ứng xử lịch lãm không thua gì các ông nghè, ông cử. Không riêng gì ba ngày Tết, mà bất kỳ lúc nào, thời gian nào bà cũng không bao giờ cho chúng tôi nói những từ gợi lên cái ác, cái xấu. Suy nghĩ kỹ về điều này, ta sẽ hiểu rõ hơn về triết lý sống của người Việt. Triết lý ấy gần gũi lắm với nhân sinh quan của Đạo Phật và các tôn giáo chân chính khác.
Cảm giác Tết hồi họp nhất và rạo rực nhất bao giờ cũng là những ngày trước Tết. Từ 23 tháng chạp - ngày đưa ông Táo về Trời. đã là lúc con người ta thu xếp lại tâm hồn mình để đón Tết. Ngày ấy, đứa trẻ nào lại không thích được mẹ dẫn đi chợ Tết? Niềm sung sướng ấy như ngọn lửa bền qua năm tháng. Càng xa rời tuổi thơ, càng nhớ và đôi lúc nằm vắt tay lên trán, nhớ lại và gặm nhắm niềm vui ấy để yêu lấy cái hiện tại nhọc nhằn này. Với tôi là chợ Cồn.
Không ven sông cỏ ướt
Sao lại gọi Chợ Cồn ?
Mời bà con mua “gộ”
Tiếng rao nghe rất ngon
Nước mắm Nam Ô thơm
Khiến tôi thèm điếc mũi
Dù có đọc làu làu hàng trăm, hàng chục quyển từ điển nhưng chưa một lần bước chân vào chợ, người ấy cũng chỉ mọt sách, vẫn chưa được tận hưởng mùi và vị của của đời sống. Chợ là quyển tù điển vĩ đại nhất của mọi quyển từ điển. Nơi ấy, ta có thể sờ, ngắm nhìn, ngửi, nếm… các sự vật cứng đờ trên từng trang sách. Bà ngoại tôi, mẹ tôi bán hàng ở chợ Cồn nên thỉnh thoảng tôi được ra chợ. Sung sướng nhất là dạo chơi trong chợ ngày Tết.
Phong bì Tết đỏ hoe
Bánh thuốc rê Cẩm Lệ
Hoa vạn thọ tròn xoe
Sao lại nhiều đến thế ?
Cái gì trong mắt mình cũng lạ lẫm, hấp dẫn và thích thú. Sau này, lớn lên, đi đó đây thấy cái này lạ, cái kia hay nhưng cũng chẳng đọng lại trong óc bao nhiêu. Cũng như sau này, được ăn món Tây, Tầu, Âu, Á nhưng cái cảm nhận về món ăn ngày Tết của mẹ bao giờ cũng nhất, ngon nhất trên đời và mãi mãi không quên… Chợt nhớ mẹ quá chừng. Tết ngày nay, cái sự ăn không còn xem trọng nữa. Với tôi, chẳng có gì là ngon ngoài món ăn mẹ nấu cho mỗi ngày và nhất là lúc ấu thời.
L.M.Q
( nguổn: Giai phẩm Xuân 2024 DOANH NHÂN SÀI GÒN)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|