THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tuổi Trẻ Cười “bà đỡ” “mát tay” của tôi

LÊ MINH QUỐC: Tuổi Trẻ Cười “bà đỡ” “mát tay” của tôi

 

IMG_20240101_071401

 

Trước khi vào câu chuyện, xin thử hỏi “bà đỡ” là gì? Hiểu nôm na “đỡ” trong ngữ cảnh này, chính là đỡ đẻ. Bà đỡ là người đàn bà giúp cho “bà bầu” thuận buồm xuôi gió, mẹ tròn con vuông lúc “vượt  cạn”/ “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ngày trước, còn dùng từ khác, thí dụ “bà mụ/ mụ bà/ bà sinh/ bà đẻ/ bà mụ vườn”, không những thế, do quan niệm “Người chửa cửa mả” là có thể găp tình huống cực xấu nhưng cũng yên tâm vì ngoài “bà đỡ” họ còn tin có bà thần khuất mày khuất mặt luôn phù hộ, bảo hộ cho phụ nữ lúc sinh nở, gọi là “bà chúa thai sinh”.

Còn “mát tay” là thế nào?

Là cũng trường hợp đó, sự vật/ sự việc đó, nếu mình gặp, nhờ cậy người khác thì tanh bành té bẹ, tè he hột dưa, từa lưa bông bí, hư bột hư đường, xôi hỏng bỏng không; thế nhưng nếu đưa qua tay người này thì đầu xuôi đuôi lọt, ngon cơm ngọt canh, ngon lành cành đào, dạt dào mãn nguyện…

Vậy, khi nói Báo Tuổi Trẻ Cười (TTC) là “bà đỡ” “mát tay” của tôi”, ủa, hóa ra, tôi là “đàn ông mang bầu”, mà tòa báo lại là nhà hộ sinh/ nhả bảo sinh/ nhà sanh? Không. Nào ai dám đùa như thế. Nhưng nói như thế không sai, vì “bà đỡ” còn hiểu theo nghĩa: “Cái đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thực hiện một công việc gì đó” - theo Đại từ điển tiếng Việt (1999). Còn “mát tay”, tự điển này cũng cho biết: “Hợp với, dường như có sụ ứng nghiệm nào đó, nên dễ đạt kết quả tốt đẹp”.

Khi đến với Báo TTC, có thể nói, tôi là một trong những người may mắn “hợp tạng/ hợp cạ/ hợp gu”, do đó, mới có thể “se duyên kết tóc” lâu dài. Còn nhớ, ngày 4.4.1994, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Nhà văn trẻ lần IV tại Hà Nội, trở về sau khi tham dự, tôi gửi trực tiếp anh Nam Đồng - phụ trách TTC bài “Tiếng cười dân gian ở trường viết văn Nguyễn Du”. Đọc xong, anh cho in luôn. Từ đó, tôi chính thức “bén rễ” nơi này. Nhờ đó, vài năm sau, từ các bài viết in trên TTC, tôi có được tập sách đã nhiều lần tái bản Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại (NXB Trẻ -1996).

Đối với tôi, không chỉ nhà báo Nam Đồng “mát tay” mà còn phải, dứt khoát phải, nhất định phải nhắc đến nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng. Khoảng tháng 8.2015, anh đảm nhận vai trò “chủ xị” tờ TTC, bấy giờ chúng tôi có gặp nhau lai rai tại quán nọ. Câu chuyện tâm tình cực kỳ hào hứng, “nổ như bắp rang” với vai trò chủ động, cởi mở, “chiêu hiền đãi sĩ” của anh. Từ ngày đó đến nay, báo TTC đã dành tình cảm cho tôi “hết sẩy con bà bảy”, nói như ca dao Việt Nam: “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”. Thật ra, báo TTC là “mâm vàng”, nói thế là cực kỳ chính xác rồi, còn tôi chưa phải “đũa vàng”, chỉ “đũa tre” nhưng may mắn đã lọt vào “mắt xanh” của anh Nguyễn Văn Tiến Hùng.

Như một “định mệnh”, từ số 531 ra ngày 15.9.2015, chuyên mục “Lắt léo chữ nghĩa” vinh dự bắt đầu đồng hành cùng bạn đọc TTC. Càng đi đường dài, đôi lúc nhìn lại, thú thật, tôi càng thấm thía câu thơ Truyện Kiều: “Sớm đào tối mận lân la/ Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”. Quả thật là thế. Khi nhận lời với anh Tiến Hùng, sự hiểu biết của tôi về tiếng Việt hầu như không đáng kể, chỉ mới biết đọc, biết viết tiếng Việt như mọi người. Nếu chỉ như thế, cộng thêm chừng hơn 20 năm rèn luyện chữ nghĩa trong nghề báo, lẫn làm thơ, viết sách ắt cũng chẳng nên “cơm cháo” gì.

Vậy, phải làm sao?

Khi cộng tác với TTC, tôi đã tự ý thức phải “nâng mình lên”, có nhiều cách nhưng quan trọng nhất vẫn là tự học, từ nhiều nguồn khác nhau. Cứ thế, mỗi bài viết cho chuyên mục này là lúc tôi học thêm những vốn từ mà trước đây mình chưa hiểu, chưa tường tận. Có lẽ chẳng ai biết, chính TTC đã “định hướng” cho tội cách viết vì khi bàn về tiếng Việt, về ngôn ngữ học, nếu viết theo lối “chuyên môn”, “sách vở” “hàm lâm” ắt kén người đọc, không phù hợp đối tượng của TTC. Thế thì, viết thế nào? Các viết viết trên trang “Lắt léo chữ nghĩa” là câu trả lời.

Thú thật, trước đây có thời gian, bản thân tôi rất muốn dọ hỏi đồng nghiệp TTC nhận xét thế nào về chất lượng của chuyên mục này, nhưng rồi trộm nghĩ: “Không khéo gây khó cho nhau trong xãe giao, chẳng lẽ buộc họ phải khen chứ chắc gì họ nghĩ như thế?”. Đến một ngày kia, khi qua báo Tuổi Trẻ họp mặt liên loan dành cho cựu phóng viên, tình cờ tôi gặp anh Thế Chữ. Sau ba điều bốn chuyện, anh liền “bập” vào chuyên mục này và khen nức nở, còn nhớ, lúc ấy anh tỏ ra đắc ý về bài tôi bàn về câu thơ của vua Lê Thánh Tôn:

Lèo ăn gió, dầu dùi thẳng

Cánh phơi mây, mặc lộng khơi

Sau khi phân tích rành mạch, tôi kết luận: “Vậy nên, phải có dấu phết (,) giữa dùi và thẳng mới rõ nghĩa: người đi thuyền hoàn toàn chủ động theo ý thích, dầu/ dù “lèo dùi” (dây dùn, không săn, không thẳng) hay “lèo thẳng” đi nữa cũng không sao vì “lèo” đã “ăn gió”, no gió, căng gió. Tiếc rằng, do không nắm rõ ngữ nghĩa trên nên các bản in đều ghi liền mạch “dùi thẳng”. Hơn nữa hai câu thơ trên đối xứng từng chữ, vậy phải “dùi” và “thẳng” mới đối được với “lộng” và “khơi”, hai từ tách biệt. Thành ngữ có câu: “Vào lộng ra khơi” là vậy”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều phản hồi từ bạn đọc. Có thể nói, sự ưng ý của anh Thế Chữ và sau này, còn thêm nhiều đồng nghiệp khác về các bài đã in trên TTC càng khiến tôi vững tin. Không phải ngẫu nhiên, từ những gì đã đăng trên chuyên mục này, NXB Trẻ đã in thành tập sách Lắt léo tiếng Việt (2017), kế tiếp NXB TH TP.HCM in thêm bộ Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, 3 tập (2021). Và, tất nhiên chưa dừng lại ở đây.

Có thể nói, với người viết chuyên nghiệp, họ thường cộng tác nhiều báo. Có nơi, chỉ sau vài ba bài là đã đôi bên đã “ô-rờ-voa” không hẹn ngày “tái nạm”; có nơi, từ năm này qua tháng nọ đã gắn bó như răng với môi, như hình với bóng. Phải nói rất thật từ lòng mình, trong lòng tôi bao giờ cũng nghĩ về tờ TTC bằng sự biết ơn. Tôi nghĩ, sự biết ơn này không riêng gì cá nhân tôi mà ngay cả các anh Đồ Bì, Lê Hoàng, Hoàng Thiếu Phủ, Nguyễn Tài… và nhiều tên tuổi nữa cũng không khác. Vì rằng, đó chính là “bệ phóng” đầu tiên và chính thức đã tạo cho họ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, ở thể loại văn chương trào phúng. Nói cách khác, kể từ khi tờ TTC ra đời, chính nơi ấy đã tạo điều kiện “hết cỡ thợ mộc” để thành phố này và cả nước, có được đội ngũ viết văn cười hết sức sáng giá. Gần đây, còn có thêm nhiều người khác nữa. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp Jesse Peterson - một ngưởi Canada viết trào phúng bằng tiếng Việt được in thành sách cũng từ “cái nôi” TTC.

Và tôi, một cộng tác viên lâu năm của TTC đã may mắn được gặp gỡ, cộng tác với các “bà đỡ” cực kỳ “mát tay”. Đời người, có cơ hội thế này, rất quý.

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 1.1.2024)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com