MƯỜI LĂM PHÚT NỮA GẶP MÙA XUÂN
LÊ MINH QUỐC
Giữa khuya trăng lặn về doanh trại
Chấp chới trời cao tiếng gà rừng
Chờ bình minh cuộn tròn trong giấc ngủ
Anh nuôi vo gạo bước qua sân
Hình ảnh này, vẫn còn đằm thắm, không phai trong trí nhớ của tôi khi nhớ về thế hệ của mình thời trai trẻ. Khoảnh khắc ấy, bình yên lạ lùng. Đã có thể nằm duỗi chân trên chiếc võng đang đong đưa tòng teng. Hít thật sâu và thở. Mắt ngước nhìn lấy những vì sao li ti nhỏ xíu trên vòm trời xa tít. Hương rừng về khuya dường như cũng nhẹ nhàng hơn, thoang thoảng phiêu du đâu đó. Thời đó. những người lính trong tiểu đội tôi đang trong tuổi ăn, tuổi ngủ. Hễ nằm xuống là ngủ như chết. Nhiều hôm đánh nhau ì ầm trên chốt, có ai ngủ được đâu. Những người lính đi qua cuộc chiến tranh bằng con mắt thức trắng đêm như thế, chỉ riêng điều đó thôi ta cũng cảm thấy thương yêu biết chừng nào. Lúc nào cũng thèm ngủ. Thế nhưng đêm nay, lại khác.
Ngày mai Tết đến.
Một cái Tết hoàn toàn khác với mọi cái Tết mà tôi đã đón nhận trong đời. Tết ở chiến trường K. Thật kỳ lạ, dù ở đâu đi nữa nhưng hễ nghe đồng đội thì thầm: “Sắp Tết rồi”, bỗng dưng tôi lại nôn nao và có chút gì đó xao xuyến. Nếu ở quê nhà, giờ này mình đang làm gì nhỉ? Câu hỏi ấy, không chỉ môt lần, sau này nữa, hễ gần đến Tết lại vọng về như một lời thầm nhắc, nào có phải riêng tôi, hỏi ra mới biết trong đơn vị mình thì ai cũng thế. Cái Tết năm ấy như thế nào nhỉ?
Gạo ít thì mình đã hái măng
Đôi giày há mõm có lạnh chân
Nửa khuya thức dậy ăn cháo khỉ
Lòng bồn chồn đợi lệnh hành quân
Lúc ấy, chúng tôi đóng quân ở Choansan. Xa tít trong rừng sâu, từ hậu cứ chưa thể vận chuyển nhu yếu phẩm. Chẳng lẽ đón Tết vẫn như mọi ngày? Tôi còn nhớ như in câu nói đại đội trưởng đã lệnh cho các trung đội cử người vào rừng… hái măng. Ấy cũng là lần đầu tôi biết đến từ “cải thiện”, tức là tìm kiếm thêm thức ăn bổ sung vào bữa ăn hằng ngày cho ngon hơn, “tươi” hơn.
Đại khái, buổi sáng, tổ nuôi quân gùi lên chốt cho mỗi người lính một cục cơm. Buổi trưa lại gánh cơm lên, cơm được để rời gọi là cơm nóng. Lính ăn phần cơm nóng, còn cục cơm vắt để dành cho buổi chiều. Những hôm nào trận đánh kéo dài, nuôi quân không thể mang cơm lên được, lính phải ăn cơm sấy. Đó là cơm khô đựng trong bịch ni lông, người lính đổ nước bi đông vào đó và đợi từng hạt cơm nở ra để ăn. Còn về phần thực phẩm cũng chẳng có gì nhiều lắm đâu. Một lon thịt hộp dành cho nửa đại đội. Một lon sữa dành cho bảy người. Một gói thuốc Nông Nghiệp dành cho hai người. Chính vì eo hẹp như vậy nên món ăn dành cho người lính suốt thời gian ở chốt là muối mè hoặc một lon thịt nấu với hai lít nước để chia đều cho mọi người. Còn rau xanh thì quý hơn vàng. Có rau hay không còn tùy thuộc vào tài đi hái, tìm kiếm của tổ nuôi quân.
Thế là dịp Tết năm đó, dù đã ở doanh trại dã chiến nhưng chúng tôi cũng phải “cải thiện”. Tết mà. Toàn bộ măng tươi hái được chế biến rất ngon. Ngon nhất là anh nuôi hào phóng cho thêm nhiều lạng thịt hộp, chứ không nấu theo tiêu chuẩn mỗi ngày. Đón Giao thừa còn là lúc “Nửa khuya thức dậy ăn cháo khỉ”. Cả đơn vị vui như ngày hội. Được ăn Tết trước, bởi sau đó, có lệnh hành quân. Hành quân xuyên đêm và lúc rang sáng ngày mồng Một Tết cũng là lúc tất cả đội hình ẩn mình sau ụ mối, gốc cây. Lặng im phăng phắt. Chờ lệnh đồng loạt nổ súng.
Khi đang sống trong tâm trạng của ngày mồng Một Tết lại hồi hộp. Nín thở. Nheo mắt. Và siết cò. Tiếng nổ rền vang. Với tôi, sau này là một ám ảnh. Một ấn tượng. Khó phai. Còn nhớ, sau hơn năm năm ở chiến trường K, được phục viên trở về quê nhà xẩy ra chuyện mà mẹ tôi ngay sau khi chứng kiến đã cười ầm lên rồi bà len lén lấy tay lau nước mắt. Rằng, vào dịp cận Tết năm nọ, ngay sát nhà tôi có tổ chức đám cưới, đang ngon giấc ngủ trưa bỗng tôi giật thót người khi nghe tiếng pháo nổ đì đùng. Với thói quen của ngày tháng ở chiến trường, theo phản xạ, từ giường cao, tôi đã… lăn ngay xuống đất.
Những cái Tết đi qua đời lính, dù chỉ ít ỏi trong các cái Tết của đời người, nhưng rồi, tôi và đồng đội vẫn còn nhớ nguyên vẹn. Làm sao có thể quên cái Tết mà chúng tôi đã làm chiếc bánh chưng rất độc đáo. Sau này, nhớ lại, trong lòng tôi luôn cảm động một cách chân thành. Lúc ấy, dù đóng quân xa tít tận khu Đông Bắc tại Anlungveng nhưng ai nấy cũng ao ước “phải có bánh chưng”. Trong cái khó ló cái khôn. Tổ nuôi quân đại đội tôi cũng nấu cơm như mọi ngày, sau đó, lấy cơm nóng bỏ vào khăn tay rồi nhồi đi, nhồi lại nhiều lần, từng hạt quyện vào nhau, gói lại bằng lá, lấy lạt tre cột lại để trở thành chiếc bánh thật vuông vức. Bên trong từng chiếc “bánh chưng” này vẫn có “nhưn” đấy, thay vì miếng thịt mỡ béo ngậy là tán đường thốt nốt ngọt lịm.
Vào thời điểm Giao thừa, những chiếc “bánh chưng” ấy đã được tập trung ở căn nhà thùng của đại đội trưởng, chúng tôi đặt trên bàn tre, phía sau có treo lá cờ Tổ quốc. Mọi người cùng trang nghiêm chờ đón Giao thừa với tất cả niềm hạnh phúc nhất. Lúc ấy, chúng tôi cảm gác Tổ quốc thật gần khi được nghe chương trình vui xuân đón Tết của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ cái radio của đại đội trưởng. Nay, tôi vẫn luôn còn nhớ về giây phút thiêng liêng ấy, bất chấp dòng chảy lãng quên của thời gian.
Những cái Tết trong đời chiến, những ai đã trải qua ắt khắc sâu trong tâm tưởng, bởi lẽ đó chính là một phần máu thịt tuổi trẻ của chính mình. Thỉnh thoảng, sau này, khi đi vào chợ Tết, dạo Đường hoa mùa xuân trong náo nhiệt, vui tươi của phố xá bình yên nhưng rồi đôi lúc cựa quậy trong ký ức vẫn là nỗi nhớ:
nhà dã chiến lợp lá tranh Danrek
gió nóng ran hơi thở của rừng
gió hầm hập đi qua vùng nhiệt đới
lửa cháy rừng hun hút phía sau lưng
chúng tôi đón mùa xuân
rủ nhau đi tắm suối
nước cạn rồi
gió thổi xoáy tung lên cát bụi
nước ở đâu để được uống phập phồng?
mồ hôi chảy ròng ròng
một ngàn lần
quý giá...
Dấu ấn này, làm sao có thể quên? Xuân về Tết đến, dịp ấy, ước ao chi cần được vẫy vùng trong dòng nước mát rười rượi, ôi chao, sung sướng biết bao nhiêu. Phải nói thật một điều, bây giờ kể lại có lẽ nhiều người sẽ không tin. Không sao cả, tôi vẫn kể thật với lòng mình. Có cái Tết, khi đơn vị đóng trong phum của dân, ngày Tết đến, dân yêu thương bộ đội tình nguyện đã mang đến tặng cho rất nhiều quà. Nào gà qué, gạo nếp, cá tươi… để “con-tốp Việt Nam lò-o” (bộ đội Việt Nam tốt) ăn Tết ngon lành, để “cải thiện” ăn Tết thật “tươi”. Nhưng rồi, chúng tôi đành từ chối, biết làm sao được khi mà từ khi bước sang đất K thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi luôn được quán triệt chỉ được sử dụng ba thứ: Khí trời, nuóc và củi.
Lại có mùa xuân, chúng tôi ăn Tết với Tết của người dân. Vui quá là vui. Nếu đọc kỹ câu thơ cuối trong khổ thơ này, bạn sẽ hình dung ra phần nào chân dung của thế hệ chúng tôi ngày ấy:
Trống rôm vông đang giục bước chân
Mười lăm phút nữa gặp mùa xuân
Gió đưa về vị đường thốt nốt
Nhắc thì thầm ta sắp vào phum
Chim puk reo trên quê hương Chùa Tháp
Người lính đi mấy thuở ngang tàng
Chợt hồn nhiên chỉnh tề quân phục
Vào phum bạn gái sẽ nhìn ngang...
Bài thơ này, viết tại Ka-đạ trên đất K vào mùa xuân, năm đó, tôi tròn 20 xuân. Và lúc ấy, tôi bắt đầu biết đến sự rung động đầu đời…
L.M.Q
(nguồn: Giai phẩm Xuân 2024 Quân Đội Nhân Dân)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|