THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: TRẦU CAU- ĐẠO LÝ NGƯỜI VIỆT Đầu xuân, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” có sao không? Càng vui chứ sao. Vậy, xin hỏi tác phẩm Lĩnh Nam chích quái xuất hiện từ lúc nào, tác giả là ai? Một câu hỏi khó nhai lắm đây. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ X

LÊ MINH QUỐC: TRẦU CAU- ĐẠO LÝ NGƯỜI VIỆT Đầu xuân, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” có sao không? Càng vui chứ sao. Vậy, xin hỏi tác phẩm Lĩnh Nam chích quái xuất hiện từ lúc nào, tác giả là ai? Một câu hỏi khó nhai lắm đây. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ X

473588470_9739168336112358_4823690571348348420_n

 

LÊ MINH QUỐC: TRẦU CAU - ĐẠO LÝ NGƯỜI VIỆT

Đầu xuân, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” có sao không? Càng vui chứ sao.

Vậy, xin hỏi tác phẩm Lĩnh Nam chích quái xuất hiện từ lúc nào, tác giả là ai? Một câu hỏi khó nhai lắm đây. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ XV, Hoàng Giáp Vũ Quỳnh (1453-1516) đã hiệu đính bộ sách này và cũng đặt câu hỏi như chúng ta vừa nêu ra. Ông cảm thán trong lời tựa: “Ôi, việc lạ ở Lĩnh Nam nhiều lắm. Các câu chuyện xẩy ra không cho khắc vào đá, in vào sách mà đã ghi vào lòng dân, lưu truyền nơi bia miệng, từ em bé đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều ca tụng, hoặc mến mộ, hoặc lấy đó làm răn. Thế thì chúng cũng liên quan đến cương thường, mở mang phong hóa đầu phải là ít”.

Một trong những cổ tích của người Việt cổ trong Lĩnh Nam chích quái, có Truyện cây cau (Tân Lang truyện).

Có lẽ không cần phải tóm lược lại nội dung, tôi tin mọi người đều đã nhớ và có thể kể lại vanh vách. Thế thì, bạn tâm đắc với chi tiết nào? Xin thưa, ở thời vua Hùng Vương dựng nước, có hai anh em Tân và Lang giống nhau như tạc, như in, như đúc, như hai giọt nước. Làm sao người ngoài có thể phân biệt? Bằng cách nào? Chi tiết này, rất hay khiến ta càng thấm thía hơn ý nghĩa của bữa ăn gia đình: Ngày nọ cô gái tuổi trăng tròn mời hai anh em đến nhà dùng bữa: “Cô gái bày cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để quan sát anh em họ. Thấy người em nhường cho anh ăn trước, cô gái bèn đem sự thực trình bày với cha mẹ, xin gả mình cho người anh”.

Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng đã phản ánh phong tục, tập quán cùa người Việt cổ, để rồi mãi về sau này, khi vào bữa cơm gia đình thì các thành viên bao giờ cũng chờ bậc trưởng thượng cầm đũa thì mới dám làm theo. Sở dĩ nhắc lại để thấy rằng, câu chuyện về cây cau là của người Việt đã xuất hiện từ thời thượng cổ, chứ không phải “nguỵ tạo” sau này. Vậy nên, từ muôn đời nay hễ mỗi lần đến dịp trọng đại, phải có trầu cau là do đâu? Cứ theo như Lĩnh Nam chính quái là sau khi chết người em hóa thành “cái cây mọc ở nơi cửa suối”, người anh thành “một phiến đá cuộn lấy gốc cây”, người vợ hóa thành “một dây leo cuốn quanh phiến đá, lá có vị thơm cay”.

Rõ rảng cả ba nhưng là một, mạo muội nghĩ xa một chút là chi tiết này có “dự báo” gì về ba miền Bắc-Trung-Nam sau này không? Tức là dù ba miền nhưng cũng là một khối thống nhất mà không ai, không gì có thể chia rẽ, chia cắt. Với suy nghĩ này, ta càng cảm thấy ấm lòng và càng yêu mến nhiều hơn nữa chuyện trầu cau, thật thế, không phải bây giờ mà ngay thời vua Hùng: “Bấy giờ, những người đi qua đến đều thắp hương vái lạy, ca ngợi tình anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa của họ”.

Lời bình có ý nghĩa sâu sắc nhất về truyện trầu cau, tôi chọn lấy câu văn này bởi đã góp phần giải thích về lề thói ăn trầu của người Việt xưa. Không những thế, vẫn còn lời nhắn nhủ: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Hình ảnh quen thuộc này cũng đã đi vào văn chương, chẳng hạn, nhà văn Tô Nguyệt Đình người miền Nam đã miêu tả động tác ăn trầu của bà Phán, sau khi lạy Phật xong: “Bà Phán mới ngồi xề lại chiếc ghế dựa, mở ô lấy một lá trầu vàng, bệt vôi bỏ vô miệng nhai nhóc nhách. Bà lại lấy miếng cau tươi mà chị ở bổ sẵn, một cọng vỏ giấy rồi bỏ vô miệng nhai luôn. Nước bã trầu đỏ ối chảy ra hai bên mép, bá Phán cầm ống nhổ bằng đồng bóng lộn nhổ vào một bệt bã trầu, đoạn lấy cái khăn trên vai xuống chùi miệng. Bà vớ lấy một cục thuốc bằng hai ngón tay cái để trên môi xỉa qua xỉa lại”.

Một khi xác định từ sinh hoạt hằng ngày, qua đó đã chứng minh văn hóa Việt là một khối thống nhất, tương đồng trong dị biệt, thế thì, việc ăn trầu không hề riêng biệt vùng miền. Ngày còn nhỏ, tôi còn thấy trong đám giỗ, hội hè, ngày Tết ngày nhất bao giờ trong nhà cũng có cơi trầu. Đàn ông ăn trầu, đàn bà cũng ăn trầu. Vừa nhai trầu, vừa trò chuyện vui vẻ, khi cần nhổ thì cái ống nhổ đã đặt sẵn dưới sạ, phảng, gường đang ngồi,  rõ ràng cũng y chang như bà Phán đó thôi.

Vậy, xin giải thích thêm đôi nét, từ đoạn văn trên để nhìn thấy cách ăn trầu ở miền Nam cũng giống người Quảng Nam. Khi bà Phán “mở ô” thì ô ở đây là ô trầu, hộp đựng trầu, còn có thể đựng trong cái cơi, vì thế mới có câu ca dao: “Đàn ông nông nổi giếng thơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Thơi là “Sâu hoăm hoắm. Thường nói về giếng sâu” - Việt Nam tự điển (1931) giải thích; còn cơi thì ngược lại là nông choèn choẹt. Đây là cách nói ngược, tréo ngoe cỡ như: “Thật thà như thể lái trâu/ Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Tiếng Việt mình đó, cách diễn đạt “tưởng dzậy mà hổng phải dzậy” mới quái làm sao.

Lúc bà Phán lấy “một cọng vỏ giấy rồi bỏ vô miệng nhai luôn”. Vỏ này là vỏ cây chay, người ta đã đập cho tơi thành sợi, có thế thì mới thêm đậm đà hương vị, càng ngon, bởi lẽ: “Ăn trầu mà có vỏ chay / Vôi kia có nhạt cũng cay được mồm (ca dao), tức là một phần phụ trợ cho độ nồng của vôi. Còn khi “Bà vớ lấy một cục thuốc bằng hai ngón tay cái để trên môi xỉa qua xỉa lại”, hình ảnh này tôi cũng đã thấy ở bà mẹ Quảng Nam, tức là thuốc lá như Cẩm Lệ chẳng hạn để chà qua chà lại hàm răng nhằm loại bỏ xác trầu bám chân răng. Kể ra ăn trầu cũng cần có “bài bản”, chứ nào phải cứ bỏ miếng trầu vào mồm là nhai ngồm ngoàm, ngấu nghiến. Nếu thế, còn gì là… phong cách ăn trầu.

Một khi đã biết sự tích về “tình anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”, ta càng thấm thía vì sao trong cách lễ vật dâng lên bàn thờ ông bà ông vải, đám cưới, đám hỏi, giỗ quẩy v.v… bao giờ cũng có trầu cau. Từ đó mới nhìn thấy rằng, người Việt mình không thể “mất gốc”, nếu vẫn giữ lấy “đất lề quê thói” tốt đẹp lưu truyền từ ngàn xưa.

Trong đó có câu chuyện xẩy ra từ thời vua Hùng đã trải qua hơn bốn ngàn năm, trải qua binh đao chiến tranh, loạn lạc, đồng hóa của ngoại xâm… nhưng rồi câu chyuện về tiết nghĩa vợ chồng, tình máu mủ ruột thịt vẫn còn đó, vẫn còn biểu hiện qua cạu chuyện trầu cau. Đạo lý của người Việt mình. Ngàn đời vẫn còn. Ngàn đời không mất. Nói nhu Hoàng giáp  Vũ Quỳnh chính là “sự liên quan đến cương thường, mở mang phong hóa đầu phải là ít”.

L.M.Q

(nguồn: tạp chí Văn hóa Quảng Nam Xuân 2025)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com