Cá trong lờ đỏ hoe con mắt
Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô
Ai cũng thừa biết tỏng câu ca dao này ám chỉ cho trường hợp cực kỳ tréo ngoe, tỷ như cô nọ/ chàng kia sau khi đã yên bề gia thất, năm tháng chung sống với nhau, có những không ít lần giông tố, mưa bão ầm ầm, cơm không lành canh không ngọt, chì chiết lẫn nhau, họ cảm thấy mất tự do, bị bó buộc bởi biết bao trách nhiệm lẫn nghĩa vụ, mệt đứ đừ, bức bách lắm, lúc ấy tâm trạng của họ thế nào nhỉ? Tôi nghĩ, trong đầu họ nung nấu ưóc mơ như nàng cung phi trong Cung oán ngâm khúc:
Đang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra
Phải thoát ra cái sự gò bó ấy. Đừng có mơ. Cái sợi dây tơ hồng ấy, nói theo ngôn ngữ hiện đại chính là tờ “Giấy chứng nhận kết hôn” đã được đóng dấu mộc tươi son. Muốn mà được à? Không dễ dáng đâu. Thiệt éo le. Trong khi đó, lúc mình như con cá đang ngắc ngoải trong lờ, những muốn thoát ra nhưng chỉ có thể ngửa mặt lên trời, than vãn như tự an ủi: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn còn đâu?”, vậy mà có kẻ lại “trẻ người non dạ” lại muốn chui vào. Thế mới là đời.
Mà, cái thời “oanh liệt” đó là gì?
Dám nói rằng, một khi đã rơi trong hoàn cảnh tù túng ấy, hàng tỷ người như một đều nhớ và tiếc nuối về cái thời son rỗi, còn đơn thân độc mã. Lúc ấy, sống như thế mới là sống. Muốn là được. Thí dụ, dù công việc đang bề bộn, ngập đầu ngập cổ nhưng nếu muốn vẫn có thế xách ba lô làm một chuyến viễn du thư giãn cho khoan khoái cái sự đời. Há chẳng sướng sao? Dù áo quẩn, giày dép đã xếp chật tủ, nhưng nếu cần vẫn có thể ném ra một số tiền mua lấy ngay, chẳng ai dám ngăn cản là tiêu xài hoang phí. Há chẳng sướng sao? Rồi, có những lúc vui chơi với bạn bè “xả láng sáng về sớm”, buổi chiều rời công sở nếu thích thì cứ réo bạn bè tìm quán xá nào đó đặng bia bọt bù khú “buôn dưa lê” đến là thích. Há chẳng sướng sao?
Cái sự sung sướng ấy dần dà trở nên hiếm hoi là khi người ta đã chính thức “ăn đời ở kiếp” với ai đó.
Ủa, vậy hóa ra khi lập gia đình cũng là lúc, thay vì nói như nhà văn Françoise Sagan: “Buồn ơi, chào mi”, họ bắt đầu làm quen với câu: “Tự do, ơi chào mi”? Chẳng phải đang sống trên mây, nói vống lên một cách hài hước, tôi dám nói rằng, một khi đã “yên bề gia thất”, đã “có đôi có đũa”, đã “như chim liền cánh, như cây liền cành” thì con người ta mới bắt đầu ý thức về tự do.
Tự do ở đây là lúc con người ta cảm nhận nhận được giá trị của thời gian lẫn ý nghĩa về đời sống mà mình đã tham dự. Nghe nói thế, ắt bạn sẽ cãi béng ngay: “Ủa, ủa, vậy những ai đang “lính phòng không”, đang “nằm ôm gối chiếc” lại không tự do?”. Vâng, chính xác là thế. Họ chỉ có sự nhàn rỗi của thời gian trong tâm trạng mà chính tôi đã trải qua: “Đi không ai nhớ/ Về chẳng ai mong/ Xa không ai đợi/ Gần chẳng ai trông/ Mình tôi một bóng/ Sống phải phân tâm/ Vừa đóng vai vợ / Lại diễn vai chồng”. Rồi gì nữa: “Từng đêm khuya vắng/ Đẩy cửa vào nhà/ Chỉ con mèo đói/ Mắt ướt ngó ra”. Những ai như thế, chỉ là một sự đơn độc. Ngược lại, có nhiều, rất nhiều người đã lập gia đình lại ca thán: “Biết thế này, hồi đó, ở một mình cho sướng”. Khi thốt lên như thế, họ đã quên rằng, thật sự mình mới đang là người sung sướng đó thôi.
Thì đó, bạn hãy nhìn cánh diều sặc sỡ sắc màu đang bay tung tăng, vi vu trên nền trời xanh thăm thẳm, ngoài gió lộng lại còn có tiếng sáo diều vời vợi yên vui... Ai lại không mơ ước cuộc đời mình được như cánh diều ấy, là được tự do bay nhảy tùy thích. Sướng quá. Trong khi đó, vừa mới dợm chân ra khỏi nhà với lý do hoàn toàn chính đáng, đột nhiên lại nghe câu hỏi cực kỳ “vô duyên”, “lạc quẻ”: “Ơ kìa, đi đâu đó? Đi làm gì? Đi với những ai? Đi bao giờ về?”. Nghe là muốn… cụt hứng.
Ấy là chưa kể, có lúc họ muốn yên tĩnh, đừng ai làm rộn bởi đang tâm trạng, đại loại như “Có những niềm riêng làm sao nói hết/ Như mây như mưa như cát biển khơi” ắt được tự do thả hồn trong cảm giác ấy? Đừng có mơ. Đã nghe tiếng gọi ngậu xị: “Nấu cơm chưa? Ủi quần áo chưa? Đi chợ chưa? Đón con chưa”. Nghe là muốn… cụt hứng. Những lúc tương tự như thế, họ cảm thấy mình thật sự mất tự do ghê gớm, mình không còn là mình nữa. Vậy mà, tại sao hồi đó lại ngốc nghếch… rước thêm, đèo bòng thêm cái :của nợ” này làm gì?
Trả lời như thế nào?
Không rõ người khác thế nào, còn tôi (không riêng gì tôi, nhiều người khác nữa) là ngước mắt nhìn lấy vẻ đẹp của cánh chiều đang bay trên vòm xanh và gật gù: “Sở dĩ cánh diều được như thế là nhờ có sự điều khiển. điều chỉnh của sợi dây từ dưới đất”. Nếu không có sợi dây ấy, cánh diều ấy được tự do đến mức… “mất hút con mẹ hàng lươn”. Nhìn rộng ra, vấn đề tự do trong hôn nhân đôi lứa cũng thế thôi, nghĩa là từ sợi dây đến cánh diều đã có sự thỏa thuận cùng nhau.
Một khi ai cũng làm tròn phận sự trong thỏa thuận ấy, khi được tận hưởng thì người ta mới thấy ý nghĩa đích thực của sự tự do mà mính xứng đáng đươc nhận. Nhận lấy nó sau khi đã chu toàn trách nhiệm lẫn nghĩa vụ của mình theo quy ước cũng vì “vợ chồng con cái”. Nói như thế, vì dưới gầm trời này không bao giờ có sự tự do tuyệt đối, nhất là trong hôn nhân gia đình. Mà, vẻ đẹp của tự do chính là lúc được diễn ra trong khuôn khổ nhất định theo đồng thuận, quy ước chung của chồng lẫn vợ.
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ chủ nhật - 2.6.2024)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|