THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “GÌN VÀNG GIỮ NGỌC” TỪ NẾP NHÀ

LÊ MINH QUỐC: “GÌN VÀNG GIỮ NGỌC” TỪ NẾP NHÀ

D473160269_9713797308649461_2736704374113501309_n

LÊ MINH QUỐC: “GÌN VÀNG GIỮ NGỌC” TỪ NẾP NHÀ

 

Năm 1939, đại chiến thứ 2 bùng nổ. Hầu hết các lưu học sinh ở Pháp không nhận được tiền nhà gửi sang nữa, họ thật sự túng thiếu. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện nhớ lại: “Chỉ có hai cách: một là cố gắng tìm việc làm, tự lo lấy; hai là cúi đầu lên Bộ Thuộc địa xin trợ cấp, muốn tránh nhục phải sống giản dị, chịu khó đi tìm việc làm nuôi thân. Lúc này tôi mới thấy cuộc sống đạm bạc của gia đình đã giúp tôi lựa chọn con đường sống”.

Với người khác rất đỗi bình thường, nhưng trường hợp Nguyễn Khắc Viện khiến ta ngạc nhiên bởi ông xuất thân từ gia đình quan lại, cha là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889- 1954), chứ nào phải “thành phần bần cố nông” nghèo kiết xác mồng tơi. Thế mà, mỗi sáng thức dậy bà mự (mẹ) chỉ cho các con ăn cháo với mấy quả cà, đôi khi có chút cá kho. Học đến khoảng 10 giờ, bụng đói như cào, có lần ông Viện kêu lên: “Mự ơi, cá kho quá mặn!”. Mự bảo: “Mặn thì ăn ít cá, ăn nhiều cơm cháo vào”.

Sở dĩ như thế, bởi cụ Niêm từng dặn vợ: “Bà là nội tướng, bà liệu làm sao cho vừa với đồng tiền lương, chứ tôi không có bổng lộc gì khác đâu. Một số quan lại tham nhũng là do người vợ không cần kiệm. Tôi có giữ được thanh liêm, phần lớn là nhờ bà”. Không những thế, cụ còn viết bài thơ dạy các ccn phải nhớ nằm lòng:

Chớ nên học thói xa hoang

Rượu, bạc, nha phiến tìm đàng tránh xa

Chè xanh cho đến thuốc trà

Cũng đừng mang nghiện rồi mà lụy thân

Chỉ hai chữ Kiệm chữ Cần

Con em ta phải tập dần cho quen

Rồi ra trăm sự đều nên...

Khi đọc lại sử sách nước nhà, tôi nhận ra một điều lấy làm tâm đắc: Các đại quan ngày xưa giữ được đức thanh liêm, làm được nhiều việc ích nước lợi dân, còn do họ giữ một đời sống hết sức cần kiệm. Họ hài lòng với bổng lộc triều đình, chứ không sống xa hoa, phung phí để rồi rồi muốn thỏa mãn nhu cầu đó ắt phải làm việc xằng bậy.

Ít ai biết rằng. ông nội của Tổng Bí thư Trương Chinh là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), đảm đương nhiều trọng trách phò vua giúp nước, tất nhiên thu nhập dư dả, giàu có, thế nhưng sử sách ghi lại cụ “thường đội nón lá, đi giày cũ ra đồng đôn đốc người nhà cấy lúa trồng rau”.

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng dạy con cháu phải sống cần kiệm, tự mình làm ra miếng ăn chứ phải cậy quyền cậy thế của cha ông để bòn rút thiên hạ. Cụ đã mua đất lập ấp ở Tả Hành Thiện và dạy con: “Ta đi làm quan không có tiền của để lại, chỉ có cái ấp này cho chúng con cày cấy trông nom. Trong làng ta những thế gia cự tộc, quen thói xa xỉ nên ta đến ở đây để các con tập việc nông tang cho quen khó nhọc”. Cụ có bài thơ nói lên sự cần kiệm, từ cách sống của nếp nhà:

Lộc trời đổ xuống mưa như mỡ

Lòng đất đùn lên ruộng những mầu.

Phong vị điền gia coi cũng thú,

Mùa nào thức ấy, chuối, cam rau…

Do cần kiệm, toàn bộ tiền để dành được, cụ đã dùng thuê thợ khắc chữ in ấn rất nhiều sách quý của tiền nhân để lại cho đời sau. Sở dĩ như thế bởi cụ đã nhìn thấy cái lẽ oái oăm ở đời: “Để của không bằng để sách. Các nhà quan để của cho con, con không chịu học, chỉ tiêu xài phung phí, mấy lúc mà hết. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, cả đến bờ ao, lòng ao cũng toàn lát cối đá. Ông ta bảo, để ruộng về sau dễ bán cả mẫu, để cối đá phải bán từng cái một, lâu dài hơn. Gần đây hỏi thăm thì cối đá đã bán gần hết. Lại một quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng bán cả nhà lẫn đất rồi”.

Quan niệm về sự cần kiệm ở người xưa, ta thấy không phải lời nói suông mà thể hiện qua việc làm cụ thể. Chẳng hạn, sử chép về hành trạng của Tiến sỉ Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719): “Năm 1698, khi đi Bắc sứ xong, nhân một hôm về thăm nhà, thấy phu nhân mới làm thêm hai gian nhà mới, ông ra ý không bằng lòng: ‘Nhà ta vốn học trò, được đầy đủ đến nay là quá lắm rồi, làm gì phải to tát đẹp đẽ thế kia?’”. Trong khi đó, “Hồi ông làm Tham tụng, đôi khi thong thả việc triều chính, về quê chơi, thường cho mời tất cả người làng già trẻ đến nhà ăn trầu uống nước, rồi ân cần hỏi han về công việc, lại tự xuất tiền ra cúng hai ngôi đình và cấp ruộng để chi về việc tế thần”.

Qua đó, ta thấy ý nghĩa của sự cần kiệm không chỉ để giữ tính thanh liêm cho mình, làm gương cho con cái noi theo mà còn hướng đến sự cao cả đóng góp cho cộng đồng. Trộm nghĩ, cái nhà nguy nga ấy không thể trường tồn theo năm tháng, nhưng việc nghĩa của ông thực hiện từ tàik sản của mình do cần kiệm mà có đã để lại tiếng thơm ở đời

Lại nữa, do mình gương mẫu, “cần, kiệm, liêm, chính” thì vợ con mới không dám làm điều xằng bậy. Chẳng hạn, trường hợp của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ là người làm việc quan “thẳng như mực tàu”, chứ không bao giờ “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Vì thế, nhân lúc ông công cán nơi xa, có kẻ lén lút đem tiền bạc đến đút lót “cửa sau”, vợ ông biết tính chồng liền bảo: “Chồng ta nhận bổng lộc của vua bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không nề hà đòi hỏi nhưng nhờ cần kiệm nhà ta đủ sống. Ta không vì biếu xén này mà hại thanh danh của chồng ta”. Nếu Ngô Thì Sĩ sống xa hoa, tham nhũng không biết bao nhiêu là đủ thì của đút lót này vợ ông có từ chối?

Ý thúc cần kiệm này hình thành từ đâu?

Có nhiều câu phân tích, trả lời, tuy nhiên, trước hết tôi vẫn nghĩ về nếp nhà, từ truyền thống của đạo lý “cha truyền con nói”. Chẳng hạn, cụ Hoàng Diêu từ Quảng Nam ra Hà Nội làm Tổng đốc, vốn là người con chí hiếu nên nhân mừng thọ mẹ, ông gửi về quê tặng hai sấp lụa mới. Với chúng ta ngày nay, hết sức bình thường nhưng ngày ấy chuyện gì xẩy ra? Ba mẹ của ông đã đốt hai tấm lụa ra tro gửi trả lại con trai và kèm theo nhành dâu, tượng trưng cho cây roi.

Tương tự, ở Bến Tre, bà mẹ Lê Thị Mẫn (1786-1866) cũng dạy con nghiêm khắc như vậy. Lúc con trai làm Án sát Nam Định nhân tết Nguyên đán, nhờ người đem về biếu mẹ một hộp trà ướp sen, mấy vóc lụa Hà Đông. Nhận quà, bà cũng đem lụa đốt thành tro, gói lại rồi nhờ người đem quà chuyển trả lại. Câu chuyện này, không là giai thoại, chính vua Tự Đức đã phong bức biển có 4 chữ vàng: “Hảo nghĩa khả phong” nhằm biểu dương.

Hành động của hai bà mẹ này cùng ngụ ý dặn dò con ra làm quan phải giữ lòng trong sạch, liêm khiết; không phải vòi vỉnh, nhận của đút lót, vun vén cho gia đình; ở nhà tự lo toan được, con không phải bận tâm, dành tâm trí lo cho dân, cho nước. Hành động quyết liệt này là sự răn đe, lời răn dạy nghiêm khắc của mẹ dành cho con đã làm nên đạo đức mỗi nếp nhà.

Trở lại với trường hợp Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, trong nhà ông có treo tấm biển “Tứ tôn châm”. Nguyên là  khoa thi Tiến sĩ, vua Thành Thái có gặp gỡ các tân khoa và đề nghị mỗi người hãy góp kế sách phục hưng quốc gia, bấy giờ, ông Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm phóng bút (bản dịch Trần Đại Vinh):

Tôn trọng giống nòi, ắt đại hòa hợp,

Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan.

Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh,

Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong.

Đầu xuân 2025, khi bàn về quan niệm của người xưa về đức cần kiệm, thiết nghĩ bài “Tứ tôn châm” vẫn còn nhắc nhở chúng ta ý thức “gìn vàng giữ ngọc” về   đức tính này khi đặt trong lợi ích của quốc gia.

L.M.Q

(nguồn: Người Lao Động Xuân 2025)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com