Một trong những phép ứng xử của người Việt có câu: “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Nước hai là nước đôi, là nói lập lờ không dứt khoát, có tính mơ hồ, hiểu thế này cũng lọt, hiểu thế kia cũng xuôi. Người Việt còn áp dụng trong nghệ thuật cười. Cái sự cười tinh tế, lấp la lấp lững này, theo tôi là “cười nước đôi”.
Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, đoàn sứ giả phương Bắc đến chiêm bái chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, nhìn thấy bức tượng Thiên thủ thiên nhãn (Nghìn tay nghìn mắt), họ bèn ra vế đối lỡm, cực kỳ ô uế chốn thiền môn: “Thiên thủ thiên nhãn hà thiên môn” (Ngìn tay nghìn mắt sao không nghìn cửa). Cửa ở đây là ám chỉ, ngầm hiểu chỉ “cái ấy”, do đó, với vế này họ bật cười khanh khách, ngạo mạn vì những tưởng người nước Nam muối mặt chịu đòn, sẽ bí rị bà rì không sao đối lại nổi.
Nào ngờ, khi tiếng cười vừa dứt, có vị sư đối lại: “Nhất tâm nhất đạo phụng nhất sứ” (Một lòng một đường phụng sứ thần). Thế là ai nấy tủm tỉm cười, cười mãi, riêng các sứ giả ngơ ngác, chẳng hiểu cơ sự ra làm sao cả. Đơn giản, ta hiểu đạo là đường, dù nghìn tay nghìn mắt cũng chỉ có một đường tức… đường ruột để tiện dâng lên sứ thần đấy thôi! Với lối cười này, hiểu sao thì hiểu, không hiểu thì chẳng sao nhưng đã hiểu làm sao sửng cồ bắt bẻ, lộ mặt phản ứng?
Trong giai thoại văn chương Việt Nam, có nhiều bậc tài tử văn hay chữ tốt đã sử dụng lối “cười nước đôi” qua những vần thơ lấp lửng khiến người trong cuộc nếu cười chỉ cười gượng, cười gạo còn người ngoài thì… cười tẹt ga! Chẳng hạn, Cao Bá Quát biết chuyện tay lý trưởng nọ đã ăn xén tiền dân làng lúc làm tượng đôi voi dựng ở đình làng, ông bèn đề ngay bài thơ: “Khen ai khéo khéo đắp đôi voi/ Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi/ Chỉ có cái kia sao chẳng thấy/ Hay là thầy lý bớt đi rồi”. Cái kia là cái gì? Hiểu sao thì hiểu. Tùy.
Như ta đã biết, ngày nay có những kẻ cực nhố, cực nhăng là khi đến viếng nơi danh lam thắng cảnh, họ thường ghi tên, ký tên mình tại danh thắng đó như một cách… lưu danh thiên cổ! Bẩn mắt lắm. Ngày xưa, cũng thế, bà Hồ Xuân Hương xếp chúng vào hạng “phường lòi tói”; và mắng đích đáng: “Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền/ Cũng đòi học nói nói không nên/ Ai về nhắn nhủ phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền”, hỡi ôi, khi đến chơi chùa Non Nước (Ninh Bình) có ông quan to lại điên rồ cho đục dấu chân của mình lưu lại. Thế là nhà thơ Tản Đà bèn xỏ ngọt: “Năm ngoái năm xưa đục mấy vần/ Năm nay quan lại đục hai chân/ Khen cho đá cũng bền gan thật/ Đứng mãi cho quan đục mấy lần”. “Khen cho đá” nhưng lại đá xéo qua người là ở từ đục, không chỉ đục đá mà còn hàm nghĩa đục khoét, ngay cả đá, cứng như đá mà ngài còn đục được thì… Một lối cười thâm hậu lắm.
Với lối “cười nước đôi” này, do hiểu lấp lửng, tùy góc nhìn nên người bị cười còn “có cửa” để biện minh, thanh minh mà không xấu mặt. Rằng, có nhà thơ nọ đi nói chuyện về văn chương chữ nghĩa, lần nọ người ta có mời bánh bao thì ông thật lòng ăn, chứ không làm khách. Trên bàn có những bốn cái bánh bao dành cho bốn người, mấy người kia giữ kẽ nên không đụng đến, còn ông tì tì chén luôn hai cái.
Người bạn ngồi cạnh bèn cười cà khịa: “Nào có ra gì cái bánh bao/ Mà ông bạn mình đáng khen sao/ Người ta một cái, ông hai cái/ Thơ chửa ra cho, bánh đã vào”. Dù nói “đáng khen sao” nhưng lại là chê đấy chứ? Hiểu thế, nhà thơ bèn chữa thẹn cực duyên: “Dù chẳng ra gì cái bánh bao/ Người ta mời, mình lại chê sao/ Thế là hai cái thành… bốn cái/ Muốn có thơ ra cho, bánh phải vào” rồi… chén luôn hai cái còn lại! Thế là ai nấy đều cười cái rần vui vẻ.
Với lối cười này, nếu một khi đã nói toạc móng heo, nói thẳng ruột ngựa khiến người kia đùng đùng nổi giận thì sao? Thì đây, lại có câu lém lỉnh: “Quân tử nhất ngôn, quân tử dại; quân tử nói lại, quân tử khôn”. Cái sự khôn ngoan “nói lại” ấy đã có hiệu quả ở chỗ là nhận về tiếng cười xòa, hỉ hả, reo cười, không ai mắc lòng ai.
Có giai thoại liên quan đến hai nhân vật cười khét tiếng Hà Thành đầu thế kỷ XX là Tú Xuất luôn cặp kè với Ba Giai - mà dân gian có câu: “Hễ ai mà nói dối ai/ Thì mồng một Tết, Ba Giai đến nhà”. Mồng một Tết của ngày đầu năm thiêng liêng là thế, thế mà hai lão nghịch ngợm như quỷ sứ này đến nhà thì chỉ có nước “rông” cả năm. À, không vào nhà ai thì ta đi viếng cảnh chùa vậy. Khi đến nơi, tức cảnh sinh tình họ liền… phóng bút đề thơ trêu sư thầy: “Qua chốn thiền môn biết một thầy/ Trốn sưu, trốn thuế đến nơi đây/ Bao nhiêu oản chuối đều xơi sạch/ Thật khỉ già lam mới thế này”.
Thừa biết tỏng lối cười ngang ngược, vô thiên vô pháp này, sư thầy không thèm giận, không thèm chấp mà sử dụng chiêu “sửa lưng” rất khéo là… làm theo câu nói dân gian: “Ăn xôi chùa ngọng miệng”. Vậy, liền sai chú tiểu đem xôi oản ra mời như không có chuyện gì xẩy ra. Ăn xong, cảm kích trước tấm lòng hỉ xả, độ lượng của sư thầy, Ba Giai - Tú Xuất bèn sửa lại bài thơ như sau: ““Qua chốn thiền môn biết một thầy/ Tránh niềm tục lụy đến nơi đây/ Bao nhiêu oản chuối đều phân phát/ Đắc đạo từ bi mới thế này”. Bài thơ này, họ đọc oang oang - khách thập phương lẫn sư thầy đều khen hay và cùng cười rôm rã trong ngày xuân nắng mới…
T.N
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 1.12.2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|