THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Trào lộng để… cười

TIỂU NHỊ: Trào lộng để… cười



trao-long-de-cuoi-1-R

 

Nói gì thì nói, người Việt vốn lạc quan, rất lạc quan dù trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể tìm mọi cách để cười một phát cho sướng cái sự đời. Há chẳng phải thú vị hơn ngồi ì ra đó than nghèo kể khổ? Nghệ thuật cười theo lối này, theo tôi là người trong cuộc đã chọn lối nói sang chảnh, “chảnh như con cái cảnh” không chỉ tự an ủi, trào lộng mà còn ẩn trong đó sự ngạo đời nữa. Liệu chừng, có phải đây là lối cười theo phép “thắng lợi tinh thần” chăng?

Ngày xưa, có ông thi sĩ tự trào “Một phường rách rưới con như bố”, thế thì ngày xuân ngày Tết trong nhà cũng kiết xác mồng tơi, ấy thế, ông lại khoe có món mứt độc đáo không “đụng hàng”: “Sắm sửa năm nay khéo thực là/ Một mâm mứt rận mới bày ra/ Xanh đồng thắng lại đen rưng rức/ Áo đụp bò ra béo thực thà”. Sở dĩ nó gây cười vì xưa nay, chưa ai lấy rận đem làm mứt cả, đã thế tác giả còn hiên ngang thách nó còn ngon hơn kẹo của chú khách Triều Châu, bánh bà Hạnh Tụ; chưa hết, sang năm sẽ mở luôn cửa hàng mứt rận nhưng có “cải tiến” nâng cao chất lượng: “Lại tưới thêm vào chút nước hoa”. Tay đầu bếp trứ danh toàn cầu là Yan Can Cook, nếu biết ắt gật gù… khâm phục (!?) chứ gì?

Vâng, dù trong hoàn cảnh cùng cực thế nào, người ta cũng hiên ngang nhìn nhận lạc quan cốt tạo ra tiếng cười cho chính mình. Vì lẽ đó, dù vui xuân đón Tết chẳng bày biện gì, mà này, đừng thấy thế mà khinh thường đấy nhá. Chẳng qua, “Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy/ Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu/ Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy/ Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu”. Ấy là do… “tác động khách quan” đẩy đưa, chứ “Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo”. Người ưỡn ngực vừa thốt ra câu tự tin ấy, chính là thi sĩ bậc nhất trào phúng Tú Xương.

Thôi thì, năm mới năm me, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, dẫu không có xu teng nào đi nữa cũng chẳng gì phải ão não buồn phiền, ra Giêng ngày rộng tháng dài ta “cày” tiếp, lo gì. Còn bây giờ cứ trào lộng, cứ vui, cứ cười chứ nào thua kém gì ai? Nghĩ thế, tôi chép lại vài câu thơ đã in trong tập Chuyện khôi hài của ông Trương Vĩnh Ký (in năm 1882) tặng bạn đọc TTC. Rằng: “Bữa ba ngày Tết rất thung dung” vì, “Nem ngoài hàng thịt không lo gói/ Bánh gửi các nhà khỏi mượn bung/ Nêu bữa ba mươi đà kẻ cặm/ Pháo nhờ hàng xóm đã nghe chung”.

Có nhà thơ nọ, nhìn thấy gia cảnh của mình: “Nửa mảnh vườn hoang, hoa vẫn nở/ Ba gian nhà trống nguyệt thường kề”, lấy làm thú vị, đã “hồ hởi phấn khởi”, dù đất chó ăn đá gà ăn sỏi nhưng hoa vẫn nở; nhà rông rênh trống huơ trống hoác nhưng bù lại được ngắm nghía, cận kề ánh trăng. Thú quá, phải không? Tuy nhiên, trong cái sự nói chảnh/ sang chảnh này càng tạo ra hiệu quả cao hơn nếu lồng vào đó cái nhìn theo hướng trào lộng. Chẳng hạn, thuở hàn vi, còn nghèo mạt rệp nhưng ông Nguyễn Công Trứ vẫn vắt chân chữ ngũ ngâm thơ sang sảng: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Nghe sảng khoái lạ lùng.

Có lẽ minh quân Lê Thánh Tôn là người lạc quan nhất nước Nam chăng? Nếu quả thật ngài là tác giả của những bài thơ “khẩu khí” đế vương được lưu truyền xưa nay. Thì cứ xem đấy, chẳng hạn, ai đời chỉ cái nón chẳng đáng giá gì nhưng ngài lại nhìn thấy: “Vành vạnh đường bằng vầng nhật nguyệt/ Vần vần mấy tựa tán công hầu/ Trùm mặt ngọc, làn hương đượm/ Dạo đường hoa, bóng ác thâu”. Oách thiệt, đúng là vật dụng của nhà vua nhà chúa chứ chẳng đùa, chẳng bù cho cái nón trong đời thật của mấy anh phu xe ngày trước.

Khi đọc Tôi kéo xe của nhà văn Tam Lang, ta phì cười vì không ngờ,  dù nghèo, chỉ có cái nón là quý (vì xe phải thuê của cai thầu) nhưng phu xe cũng vẫn lạc quan lắm lắm. Hãy nghe anh ta “phân tích” đâu ra đó, đố mà cãi: “Cái nón cu li xe có ba đồng xu mà dùng được nhiều việc hơn cái ô trắng đồng hai. Nó là lá mà nó tốt bằng mười vải ấy chứ lại! Mùa nắng thì chụp lên đầu, có gió thì che diêm để hút thuốc lào, mỏi thì lót xuống đít mà ngồi, khát không có hàng nước thì hứng nước máy. Lại còn lúc ngồi ngủ ở xe thì úp lên mặt cho khỏi ruồi nó bu lại; lúc nóng thì làm quạt, quạt; quần áo không kịp về nhà giặt, giặt ở đường, vắt áo thật ráo nước rồi tãi lên đầu vừa đi vừa phơi; mà túng nữa lại còn làm cả cái rổ đựng đồ mua chợ cho mẹ đĩ”. Vậy nên, trong cái sự nghèo với cái nón ấy nhưng qua cách diễn tả của anh phu xe, ta thấy rõ sự hài lòng, không than phiền.

Anh phu xe ngày xưa mà còn tếu vậy, chẳng lẽ đám hậu sinh chúng ta lại thua ư? Sao ta không cười lên cho rom rã cái sự đời?

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - số tân niên 1.2.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com