Riêng tại Bến Tre, xưa nay vẫn còn lưu truyền câu cửa miệng “Nói láo như cháu ông Me”. Qua dấu vết này, trước mắt ta có thể xác định nghệ thuật cười của ông Ó là sử dụng thủ pháp quen thuộc trong nghệ thuật cười của người Việt: bịa chuyện, nói khoác, nói trạng, nói phét/ phét lác… nhằm tạo ra tiếng cười. Dù biết chuyện đó không có thật, chỉ là bịa nhưng lại “như thật” do cách kể có duyên lại pha trò nên thiên hạ cười như nắc nẻ cho vui sau ngày lao động mệt nhọc.
Lưu giữ lại tiếng cười tiêu biểu của ông Ó, công đầu thuộc về nhà văn Bùi Quang Nho (1857-1926)n khi viết quyển Truyện ông Ó, nếu không, hành trạng của nhân vật độc đáo này biết đâu đã vùi sâu dưới lớp sóng thời gian, nay mấy ai còn nhớ đến? Truyện ông Ó in năm 1913 tại nhà in Huỳnh Kim Danh (Sài Gòn) gồm 17 trang, khổ giấy 0,22x0,15 cm, giá bán một cắc (0$10).
Trong lời Tựa, ông Bùi Quang Nho cho biết: “Tại xóm Dưa bấy giờ thuộc làng Hội Phước, tông Minh Đạt, hạt Bến Tre nguyên chỗ đó là rừng vông, thiên hạ khai phá ra mà trồng tỉa như là dưa, cải, bầu, bí, khổ qua nói tắt là các thứ hàng bông tới nay thành danh gọi là xóm Dưa. Khi ấy có hai người kia tuổi trên năm mươi mà không con tới đó ruồng rừng đặng mà trồng tỉa, vợ thì nuôi heo vịt gà bởi ở gần rừng có nhiều ó biển thường xuống bắt gà vịt của hai vợ chồng người này nên người chồng làm bẫy mà đánh, bắt được nhiều con ó, hễ bắt được thì mang ra chợ bán nên con nít đặt ông ấy là ông Ó”.
Tương truyền có lần ông Ó được vời ra kinh đô Huế để “nói láo” cho các quan đại thần nghe chơi! Lúc “quy cố hương” ông đem theo một ít dây khoai lang. Trên dọc đường đi hễ mỗi lần nghỉ chân, ông lại chọn nhà của người giàu lại địa phương xin nước tưới dây khoai lang. Thấy ông gìn giữ nó như giữ báu vật, mọi người lấy làm lạ, hỏi thì ông đáp:
- Thứ khoai này, trồng trong vườn ngụ uyển. Tôi có người anh em giữ vườn cho nhà vua nên lén đem cho tôi ít sợ dây đây làm giống, khoai này khác hơn khoai ta, trồng nó phải có giàn như giàn bầu, củ nó thòng xuống như trái bầu, cứ vậy mà ăn củ suốt năm.
Chỉ mới nghe nói thế, dù vô lý nhưng hễ cái gì của nhà vua cũng là tuyệt hảo nên ai nấy đều nài nỉ mua lại! Nhờ thế, ông đã kiếm được khá bộn tiền đủ lộ phí về đến Bến Tre. Mẩu chuyện cười này nhằm đả kích vào cái thói mê muội đến mù quáng nên bị ông Ó xí gạt là vậy. Bị ông xí gạt nhiều lần nhưng thiên hạ vẫn không giận, vẫn cười trừ, theo Bùi Quang Nho sở dĩ như vậy “vì ổng hay nói láo thường, nên ai gặp cũng nói không sợ mích lòng”. Nói láo đạt đến “trình độ” đó ắt không phải tầm thường. Mà cái sự nói láo của ông Ó, có những mẫu chuyện nói dóc không kém gì bác Ba Phi.
Rằng, có lần ông Ó gặp bọn thợ săn, khoe mình có con chó săn thiện chiến, đẻ cả bày con. Họ năn nỉ mua lấy một lấy một con, ông Ó gật đầu. Cả bọn theo ông Ó về nhà, chỉ thấy một con chó cái ốm nhom, ốm nhách, lòi cả xương xườn, đầu đầy những ghẻ chốc, họ bảo là chó cỏ chứ không phải chó săn! Ông Ó bèn trả lời có duyên ra phết:
“Các người thấy nó xấu tướng, các người nói vậy. Để tôi thuật chuyện nó bắt heo lăn chai cho mấy người nghe. Năm ngoái cũng lối tháng này, khi nó có chửa lứa trước gần ngày, gần lúc người lối xóm tôi họ rủ đi săn, mỗi người cũng đem theo một con chó. Con chó của tôi đây lúc đó nó đi à ễnh mà cũng đi theo. Khi vô tới rừng, mấy con chó kia chạy vô trước, bữa đó gặp con heo rừng lớn hết sức, nó đánh mấy con chó kia, con thì rách ruột, con thì chết tươi tại chỗ. Khi ấy con heo đánh một cái, chó tôi bể đầu văng ra xa lắc, tôi thấy vậy nóng ruột, kéo bướng nó ra khỏi rừng, thời may con heo đã mệt rồi nên nó không theo chúng tôi nữa.
Ra được bình yên, khi ấy tôi thấy con chó tôi tuy trọng bịnh mà coi bộ còn tỉnh, nên tôi hái lá giác rừng, tôi nhai với vôi ăn trầu, lấy dây choại bó lại cho nó, một lát coi hết chảy máu. Lúc ấy chúng tôi cũng đã khỏe rồi, mấy người kia rủ nhau trở vô trong rừng kiếm thây mấy con chó họ bị heo đánh đó. Chó tôi thấy họ đi, nó cũng chạy theo, chẳng ngờ con heo nó vừa khỏe một chút liền đứng dậy rượt theo thợ săn. Ai nấy đều thất kinh, kẻ thì mác thông, người thì lao phóng, đỡ gạt với nó mà chạy…
Không dè con chó tôi nó chuyển bụng đẻ ra sáu con, mẹ con nó đeo theo sau con heo… Thợ săn mảng lo chạy một một đỗi xa xa, thấy con heo không theo nữa nên họ trở lại thì thấy con heo ngồi đó mà cự với mẹ con chó của tôi. Thợ săn thấy vậy lướt vô đâm chết được con heo. Khi đó coi lại mới hay rằng trong lúc nó rượt thợ săn, nó bị mấy mẹ con chó ở sau cắn nó đứt nhượng nên đi không được.
Con chó tôi, từ khi bị heo đánh bể đầu, chỗ vít tuy lành rồi, mà nó sanh ghẻ hoài nên ai nấy cũng chê nó là chó có ghẻ”.
Nghệ thuật tạo ra tiếng cười, mục đích là nhằm… gây cười nhưng qua đó, ta còn thấy được dấu vết sinh hoạt một thời như dắt chó đi săn heo rừng, đan lọp bắt cá, làm rẫy, làm ruộng, chống cọp dữ v.v… thuở còn khai hoang, vỡ đất, lập làng, lập ấp… Một khi đã vui, đã chơi, đã thân thiện thì “xả láng sáng về sớm”, không câu nệ dẫu thật thật đùa đùa, bị xí gạt cũng không ngoài mục đích “mua vui” cùng nhau. Tiếng cười này tiêu biểu cho tích cách “khó khăn khắc phục” của người Việt nói chung - thể hiện tinh thần lạc quan lướt qua mọi gian khó để vui sống.
L.M.Q
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 1.11.2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|