Chuyện cười kiểu: “Nói dốc như bác Ba Phi” rất nổi tiếng. Kể đến đâu, người nghe khoái chí cười rần rần tới đó. Tuy nhiên, lại có một thủ pháp gây cười ấy nhưng khác, mới nghe đoạn đầu, người ta đỏ mặt tía tai vì tức, vì giận nhưng đến lúc kết thúc lại cười xòa, vui vẻ. “Ngón nghề” này có thể nói là do người kể đã giấu cái “bí mật” đến phút chót mới bất ngờ “bật mí”. Có thể xem đây cũng một thủ pháp gây cười đặc trưng của người Việt.
Ở ngoài Bắc có ông Nguyễn Quý Tân (1814-1858), dân gian thường gọi Nghè Tân, là người hay chữ, giỏi về thơ trào phúng. Ngày nọ, có người bạn đồng liêu đã nhiều tuổi mới sinh được con trai, mừng lắm. Trong bữa tiệc thôi nôi cho con, người bạn mời ông đến dự chung vui. Sau lúc rượu tiệc no say, ông cao hứng viết bài thơ tặng gia chủ. Thơ rằng:
Mừng ông nay mới đẻ con trai
Thực giống con nhà, chẳng giống ai
Mong cho mau lớn mà ăn cướp
Viết đến đó, ông gác bút, nằng nặc bỏ đi về, năn nỉ thế nào cũng không ở lại. Gia chủ bực bội lắm, ấm ức lắm nhưng biết làm thế nào khi ông là bậc đại khoa, là bạn chí cốt thân thiết nhưng lại đang trong cơn say quắc cần câu. Chơi với nhau kiểu nay, chỉ còn có nước “cạch” mặt ra. Gia chủ cáu tiết lắm lắm. Nào ngờ, sáng hôm sau, ông Nghè Tân lại sang chơi nhà bạn, bấy giờ mới viết tiếp câu thứ 4:
Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài
Đọc câu này, gia chủ hể hả, sung sướng bật lên tiếng cười sảng khoái. Thế là họ lại… lai rai nhậu tiếp, cực kỳ tâm đắc!
Với nghệ thuật cười theo lối này, lịch sử Việt Nam còn truyền lại một giai thoại liên quan cực hay, dí dỏm. Có lẽ do các nhà nho thích đùa bịa ra mua vui, nhưng cũng là một cách nhằm ca ngợi minh vương Lê Thánh Tôn. Lần nọ, Trạng lường Lương Thế Vinh phù giá nhà vua du thuyền trên sông. Biết trạng giỏi bơi lội nên ngài giả vờ say rượu, đẩy trạng rơi tõm xuống sông để mua vui. Không ngờ một lát sau không thấy trạng trồi lên, nhà vua đâm ra hoảng. Không lẽ vì trò đùa của mình mà giết hại một người tài đức? Ngài lập tức sai lính nhảy xuống sông, rồi bủa cả lưới để tìm trạng nhưng bặt tăm.
Khi bị nhà vua đẩy ngã xuống sông, Lương Thế Vinh vội bơi một mạch rất xa rồi ẩn náu trong lùm cây. Đợi đến lúc vua tôi đều thất vọng lo lắng, ông mới trồi đầu lên và leo lên thuyền. Vua Lê Thánh Tông mừng rỡ hỏi thế nẩy giờ ở đâu, trạng quỳ xuống tâu: “Thần xuống nước thì gặp cụ Khuất Nguyên, cụ hỏi thần xuống đây làm gì, thần đáp là chán đời muốn chết”. Cụ liền bảo: “Tao gặp vua nhu nhược, vô đạo nên mới nhảy xuống sông tự vẩn. Đúng là chán đời muốn chết”.
Chỉ nói đến đó, trạng im bặt. Ai nấy thất kinh hồn vía, vì lời nói xiên xỏ này ắt trạng không còn chỗ đội mão. Thoáng thấy nhà vua cũng sa sầm nét mặt, cần phải tháo “ngòi nổ” ngay, lập tức ông trạng tài hoa mà lém lỉnh mới tâu tiếp: “Vừa nói đến đó, cụ Khuất Nguyên liền mắng thần: “Còn mày, mày gặp minh quân, hưởng ơn mưa móc của minh quân sao lại dại dột làm cái trò này”? Thần nghe vậy nên mới quay về đây ạ!”.
Nghe lời nịnh khéo đến thế, nhà vua liền bật lên tiếng cười khoái trá dù biết trạng nói đùa nhưng câu đùa thật khéo lại thông minh. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy, biết đâu nhà vua đang suy nghĩ về điều mà ông trạng giỏi toán đang khuyên mình: “Phải giữ trọn đạo làm vua, xứng đáng là bậc minh quân trị nước”. Trong sử sách nước nhà, thật hiếm giai thoại nào ca ngợi nhà vua khôn khéo như vậy.
Đôi khi thủ pháp gây cười lối này được sử dụng ngược lại, tức là mở đầu thì rõ ràng trang nghiêm, nghiêm túc nhưng lúc “chốt hạ” lại bất ngờ lái qua bỡn cợt, tinh nghịch cũng không ngoài mục đích gây cười. Rằng ở làng Quỳ Chử (Thanh Hóa) có người đàn bà vì thương xót xót chồng cỡi hạc quy tiên mà đêm ngày ủ ê khóc lóc. Bà con xóm giềng vỗ về mãi cũng không nguôi. Có người vốn tinh nghịch bèn an ủi bà bằng bài văn tế thống thiết. Nghe đến đâu, đọc đến đâu cảm động đến đó, nào là “Hỡi ôi, chín khúc lòng đau/ Hai hàng nước mắt”, rồi: “Đạo vợ chồng chỉ non thề bể mấy lời vàng đá hóa ra không” v.v… Những tưởng bài văn tế theo mạch sướt mướt này, nào ngờ ở đoạn cuối:
Tưởng những lúc đục lỗ: toác toạc toàng toang
Nhớ những khi lắp hang: khìn khin khín khịt
Tưởng những lúc dựng cột, đồ bày ra tất
Nhớ những khi lắp trụ, chốt đúng vào vam
Thương rất thương, tham quá tham
Thiếp bảo một hai, chàng làm năm bảy
Chàng ra đi mãi mãi
Thiếp trông theo nào thấy đâu nào…
Kỳ lạ thay, từ đó trở đi người đàn bà góa chồng thôi khóc lóc, đã thế, mỗi lần nhớ lại là cứ… tủm tỉm cười. Bà con chòm xóm cũng cười, ngâm nga mãi…
T.N
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.10.2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|