THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Nghe nhà thơ kể chuyện… cười

TIỂU NHỊ: Nghe nhà thơ kể chuyện… cười

 

NGHE-NHA-TGHO-KE-CHUYEN-CUOI

Nghe nhà thơ Viễn Phương kể chuyện… cười

TIỂU NHỊ

Thời nhà thơ Viễn Phương còn sống, tôi thường gặp ông tại 81 Trần Quốc Thảo - cơ quan của Liên hiệp cac1m Hội văn học TP.HCM. Nhìn chung, ông là người đôn hậu, dễ mến, ít nói nhưng hay tủm tỉm cười, dễ gần gũi. Có gần gũi mới biết ông cực kỳ hóm hĩnh, có cả kho chuyện cười rặt sắc màu Nam Bộ. Đôi lúc anh em trẻ chúng tôi được ngồi chung uống trà, nếu cao hứng ông lại kể nghe chơi vài mẩu chuyện cười. Người nghe khó có thể biết thật hay… bịa - một thủ pháp gây cười thú vị.

Đã có ai biết nghệ thuật bắt cá chốt ở Châu Đốc, An Giang chưa? Chưa à? Nhà thơ Viễn Phương thủ thỉ: “Dễ ẹt. Trưa, trời nắng gắt, đẩy xuồng vô cái lùm cây bóng mát. Lấy chiếc chiếu trùm lên đầu. cho mặt nước sẫm tối lại. Xong bốc một nắm cám cầm dạo dạo trên mặt nước, cá chốt nó bu lại rỉa lềnh. Cá chốt có râu dài. Cám nổi lêu bêu. Cá thò đầu lên rỉa cám, râu ria chìa lên trời, cứ nắm râu thảy vô xuồng. Nhanh tay làm một hơi, cả yến cá. Cá chốt kho tiêu là hạng nhất, còn mắm cá chốt là “hết xẩy” nghe”.

Lại nữa, có bao giờ người ta nuôi heo theo cái kiểu độc đáo này chưa? Tức là nuôi heo bằng… phân trâu. Nhà thơ Viễn Phương kể, đại khái, ban đầu cứ pha 1 phần phân trâu với 9 phần tấm cám, sau đó cứ trộn tấm cám ít dần. Heo ăn riết rồi quen. “Tới chừng 9 phần phân trâu, 1 phần tấm cám thì không cần trộn nữa, heo nó chạy theo trâu luôn. Trâu cho ra bao nhiêu, nó thầu hết bấy nhiêu. Trơn lông, mướt da, lớn sơn sởn, khỏi cần nuôi nấng chăm sóc gì gì hết nữa. Cứ một con trâu nuôi một con heo”.

Nghe cứ như giỡn chơi. Có thể nói đây là kiểu cười nói trạng, cực hóm của người miền Nam. Khó có thể biết thật hay bịa, nhưng nghe ra cũng có lý lắm chứ? Và mẩu chuyện trồng… măng chuối cũng khéo là thú vị.

Bấy giờ, bọn trẻ chúng tôi chỉ có biết đến măng tre, măng le, chứ chưa biết măng chuối nên càng tò mò tợn, lần ấy, ông kể: “Chọn cây chuối nào mới nhú lên mặt đất mà mập mạp. Lấy cái tỉn nước mắm rửa sạch úp đậy lên trên. Đóng trụ bốn phía rồi lấy dây ràng cho chặt. Cây chuối con nó lên, không có ánh mặt trời, không có nắng, nó non chong. Tốt quá. Không có chỗ phát triển nó cuộn tròn trong cái tỉn. Tới ngày tháng, đập cái tỉn ra, có một củ măng chuối, cuộn trong đó, non chong, ngọt xớt, ăn như cổ hủ dừa, ngon hơn súp-lơ, ngon hơn bắp cải Đà Lạt nhiều”. Phải công nhận … nghe có lý thiệt nhưng liệu có đáng tin không? Tin hay không thì tùy mọi người, biết đâu sau khi đọc bài báo này có tay đầu bếp nào đó làm thử chăng?

Đôi khi, nếu cao hứng, người miền Nam cũng nghĩ ra cách đùa tinh nghịch “bá cháy con bọ chét”, cam đoan không “đụng hàng” lại rất “được việc”. Rằng ở quê ông, từ thời xửa thời xưa đã có cây cầu đúc, mỗi chiều nam thanh nữ tú dạo chơi, tụ tập hóng mát, lại có người bán khô cá đuối, xi rô, nước đá… nhộn nhịp, đông ken. Chiều kia, có anh chàng nọ đi tới đầu cầu, tóc tai rũ rượi, vừa đi vừa sụt sịt khóc, dậm chân la lớn: “Trời ơi, khổ thân tôi lắm nè trời. Tại sao em thề thốt sống cùng tôi tới bạc đầu mà bây giờ nỡ bỏ tôi đi”. Nghe tiếng khóc, mọi người bắt dầu chú ý, anh ta di dần dến giữa cầu lại than thở tiếp: “Em để tôi một thân một mình bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Làm sao tôi sống nè trời. Đau lòng xót dạ lắm bà con ơi”. Chưa hết,  anh ta lại còn ngâm thơ não ruột bùi ngùi: “Thôi sống làm chi biệt ly quân tử/ Chết cho rồi dặng chữ hiển vang”.

Vừa dứt câu thơ, anh ta… nhảy ùm xuống sông. Báo hại, ai nấy hoảng hốt la trời kêu đất: “Bớ người ta, có người nhảy sông tự vận nè”. Nhiều  người không cởi quần áo, lập tức nhảy theo đặng cứu cho kịp thời, náo động cả một khúc sông; kẻ lặn, người mò inh ỏi cả lên. Kết cục thế nào? Khi nghe chúng tôi hỏi, nhà thơ Viễn Phương tủm tỉm: “Bỗng phía giữa sông bong bóng nước trào lên ùn ục… rồi cái đầu bù xù lú lên… miệng ngoác ra cười, la lớn: “Mát quá trời đất quỷ thần ơi! Tắm mát quá ông làng ông địa ơi! Bà con cô bác, nội ngoại ơi! Đã quá! Mát quá!”.

Một kết thúc bất ngờ đã tạo ra đồng loạt tiếng cười cũng… bất ngờ. Thú vị là thế. Ông còn kể thời chiến đấu ở rừng phải di chuyển nhiều nơi, có lúc đi theo vài anh em giao liên. Bữa đó, đã khuya lắm rồi, vừa đói, vừa buồn ngủ nên ai nấy vừa đi vừa ngáp dài. Họ đòi giao liên cho nghỉ lại, ngày mai đi tiếp. Nghe lao xao, ông Hai giao liên cứ lầm lủi đi trước dẫn đoàn, lát sau, day về phía sau, ông truyền lệnh:

- Chuẩn bị lội nước. Nước tới ngực nghen.

Nhà thơ Viễn Phương kể: “Được cái tối trời, đoàn không có đàn bà con gái nên cũng đơn giản, khỏi phải che chắn gì, chỉ có việc cởi quần cột ngang cổ là xong. Khổ nổi, trời mưa gió lạnh, thêm cỏ tranh bén như dao cứa nó cứa trầy xể hết. Phải bụm cho kỹ. Đi năm phút rồi mười phút vẫn chưa tới suối. Rồi mười lăm phút. Lạnh teo hết. Một ông đổ quạu phát la:

- Suối đâu mà đi nãy giờ chưa tới?

Rồi hai ba ông la tiếp:

- Sông suối gì mà đi hoài không thấy tới?”.

Tiếng la ó mỗi lúc một nhiều. Cậu giao liên làm  bộ chưng hửng, cự lại: “Suối ở đâu mà lội! Ai biểu cởi quần hồi nào? Lệnh ai truyền có ký tên không?”. Thế là cả đoàn lại nhao nhao cãi cọ, cậu giao liên liền la lên: “Thôi im lặng. Đừng có kêu biệt kích”. Mọi người lại im khe, lục tục mặc quần, vừa lẩm bẩm, bực bội rủa cái tên ó đâm đã ra lệnh ba trợn. Bấy giờ, ông Hai mới quay lại tỉnh bơ:

- Hết buồn ngủ chưa mậy!”.

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.2.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com