Trong nghệ thuật cười của người Việt, muốn gì thì muốn, nói gì nói, phải có thêm tiếng “đế”. Việt Nam tự điển (Khai Trí XB năm của Lê Văn Đức giải thích là “Ấn mạnh, đánh, châm chọc, khiêu kích”. Tùy theo ngữ cảnh mà tiếng đế được áp dụng để tăng thêm phần hiệu quả gây cười.
Chẳng hạn, có anh chàng dù mít đặc nhưng lại khoái nói chữ, một hôm nói rổn rảng: “Trời sinh thánh ế”. Mặc kệ hắn ta chứ can cớ gì đến mình nhưng nghe ngứa tai quá, người kia bèn đế vào: “Trời sinh thánh đế”. Giật mình, biết nói sai, hắn ta liền chống chế: “Ai chả biết đế với vương nhưng không ai hỏi đến thì chẳng sưng ế ra là gì?”. Cách trả lời ấy lém lỉnh nhưng phải có người đế vào như cái cớ để nó bật ra và người nghe thấy buồn cười. Lại có anh chàng câu được con cá to nhưng tham lam, chỉ đớp một mình, bỏ mặc vợ con. Người hàng xóm trông thấy bèn đế luôn: “Ăn một mình, không mời ai à?”. Câu hỏi này thừa, vì thấy rõ ràng đã thấy một mình một mâm nhưng đó là cách buộc hắn ta phải lên tiếng: “Chẳng lẽ mời… cả làng?”.
Cách sử dụng tiếng đế dù nhằm mục đích châm chọc, “sửa lưng” gần như cà khịa, nói đía nhưng sắc thái của sự chủ đích ám chỉ rất mờ, không rõ nét, không dễ nhận ra. Thủ pháp khéo léo này phổ biến, thông dụng đến độ trong làng chèo đã sử dụng rất hiệu quả khi muốn làm nổi bật tính cách nhân vật - thường là các vai hề, lão say, thầy bói, thằng mõ, lính hầu... Trong quyển Hề chèo (NXB Văn Hóa - 1977), nhà nghiên cứu Hà Văn Cầu ghi nhận rất chính xác về tiếng đế: “có vai trò rất đặc biệt, có giá trị như một nhân vật, đồng thời có giá trị như một phát ngôn của công chúng” (tr.XXXVII). Nói như thế vì tiếng đế ấy là từ phía sau cánh gà, sau hậu trường, nhân vật không xuất hiện trên sân khấu.
Như ta đã biết, một trong những đặc tính cốt lõi nhất của người Việt chính là sự hài hước. Chèo cũng thế. Dù vở diễn bi, sụt sùi nước mắt ngắn dài nhưng bao giờ cũng có thêm pha diễn đối đáp hài hước. Mà tạo điều kiện cho các lối diễn của vai hề thêm đặc sắc, có cơ hội “làm bàn” ắt không thể thiếu tiếng đế. Trong vở Trương Viên có cảnh Trương Viên bảo lính hầu đi tìm con hát về hát xướng cho đỡ buồn, lính hầu: “Thưa thầy, ở ngoài chợ có hai mẹ con bà lão xẩm. Cô con mù mà lại trông được ạ”. Lập tức có tiếng đế: “Sao mù lại trông được?”. Lính hầu: “Trông được là ưa nhìn đấy chứ!” - tức là lính hầu được dịp trả lời khiến ai nấy cũng phì cười.
Nhờ có tiếng đế, câu chuyện thêm duyên là vậy. Lão say trong vở Kim Nham nói sổng: “Lão say! Nhà ai có ao thì khiêng ao về, không lão ngã ướt ao”. Tiếng đế: “Ướt áo”. Lão say: “Nhà ai có bờ thì khiêng bờ về, không lão ngã gãy bờ”. Tiếng đế: “Gãy lưng cụ đấy”. Lão say: “Lão say, lão nhớ trong Tam bổ…”. Tiếng đế: “Tam quốc cụ ơi”. Lão say: “Cuốc không bổ thì để cuốc han, cuốc rỉ à?”. Càng nói. Lão càng bộc lộ cái say là chính là do tiếng đế “mồi” thêm.
Có lão thầy bói huyên hoang: “Số này quanh năm tai nạn, đến khi nào chết mới hết. Thôi nhá! Không đúng thì bà cứ tìm vào nhà tôi đập tráp tôi đi”. Câu chuyện sẽ không nhộn lên, nếu thiếu tiếng đế: “Nhà thầy ở đâu?”. Thầy bói: “Nhà tôi ở ngã ba có cái biển đấy”. Tiếng đế: “Biển gì?”. Thầy bói: “Biển Cấm phóng uế”. Cái cười nằm ở câu trả lời là nhờ dẫn dắt của tiếng đế đó thôi.
Thêm mẩu chuyện đối đáp ở nhà quan cũng khéo là duyên. Khán thủ bảo: “Này anh em, có quan huyện mới về trị nhậm huyện nhà, mình là người sở tại phải kiếm con lợn mỏng tai, dài đuôi…”. Tiếng đế vọng lên mang sắc thái của tiếng đía: “Thế là con chuột rồi”. Khán thủ: “Ở nhà các ông các bà thì nó là con chuột, ở nhà tôi nó là con lợn”. Tiếng đế vẫn tiếp tục gài thêm: “Nó là con chuột” nhằm “lót đường” cho khán thủ đá cú giò lái tuyệt đẹp: “Mau lên nào! Tôi kiếm con lợn làm cái lễ lên hầu quan, không ông ấy đánh cho tuột bong bóng chứ bỡn à!”. Quan không những bị chửi xéo mà còn cho ăn thịt chuột hay thịt lợn? Ai nghĩ sao thì nghĩ, khó có thể bắt bẽ.
Hoặc trong vở Lưu Bình - Dương Lễ lúc thầy trò chia tay nhau, hề phân chia đồ đạc băng cách nói chữ: “Đây: Trúc trợ nhất song là đũa tre một đôi, sò nhất chích là thìa con hến một chiếc, cẩm phương y là cái khố tải vuông ban ngày làm áo, tối lại là chăn, Còn đây là ngũ nghè”. Hề cũng hay chữ ra phết, sử dụng tiếng Hán làu làu nào thua kém gì thầy. Nhưng rồi bỗng có tiếng đế hỏi tỉnh bơ, không châm chích, bỡn cợt: “Ngũ nghè là cái gì?”. Vậy, bây giờ mới là lúc gây cười: “Ngũ nghè là năm miếu, năm miếu là niêu mắm”. Tương tự, trong vở Chu Mãi Thần, thằng Chóp bảo buổi sáng cho Thiệt Thê ăn tạm cơm cà. “Thôi cũng được. Thế còn buổi chiều?”. Thằng Chóp: “Món cá cừ”. Tiếng đế: “Cá cừ là cá gì?”. Thằng Chóp: “Cá cừ là cứ cà”. Vậy thì, ở đây, cái lối gây cười còn là sử dụng nói lái nữa.
Không chỉ có thế, trong vở Từ Thức, hề miêu tả cô Giáng Hương: “Hai tay có tả hổ, hữu long/ Cái ngực có hai đống thần đồng/ Đấy thực đất oa kiềm, nhũ đột/ Bác có biết nhũ là cái gì không?”. Từ Thức: “Nhũ thì nghĩa là vú”. Hề: “Thôi, vứt đi rồi. Thấy bảo ông học nhiều lắm, thế mà bảo nhũ là vú”. Tiếng đế: “Thế gọi là gì?”. Hề: “Gọi là bàn bốc. Thế tôi hỏi bác, cái lúc bác gần cô tôi, bác không bốc thì bác lấy đũa gắp à?”. Nghe ra chí lý thiệt.
Mới đây thôi, do có công việc quan trọng cần kíp nên anh A phải nhờ anh B giúp đưa đến tư gia bộ trưởng nọ. Trên đường đi qua trò chuyện, anh B luôn miệng khoe mình là người nhà, có quan hệ ruột thịt thậm chí là vai trên trong quan hệ dòng tộc nên mọi việc ắt suông sẻ. Câu chuyện chỉ đến đó nhưng ta sẽ bật cười là do vợ anh A buộc miệng: “Thế bộ trưởng gọi anh bằng gì?”. Câu hỏi bật ra tụ nhiên như là thủ pháp của tiếng đế, tức chỉ hỏi chứ không mang sắc màu châm chọc hay tọc mạch, kiểm tra gì cả. Do bị hỏi bất ngờ, không lường trước nên anh B trả lời theo quán tính: “Gọi bằng… thằng”!
Vậy, “xong phim”!
T.N
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.9.2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|