1.
Dám nói rằng, dù ở độ tuổi nào, đang sống tại quê nhà hay phiêu bạt chân trời góc biển nào hễ từ khoảnh khắc đón Tết Tây, lúc mà, kìa bạn mình ơi, năm mới bắt đầu sang trang mới, tờ lịch đã mới cho những ngày đầu tiên của năm mới đang đến, lập tức từ sâu thẳm lòng mình lại vọng lên tiếng gọi thầm: “Về quê ăn Tết”. Bốn từ ấy âm vang, da diết đủ sức gợi lên cảm giác vùa nôn nao vừa rộn ràng, vừa thơ mộng vừa da diết, và chính nó như khói trầm lãng đãng gợi nhớ về mùi vị lẫn tình cảm tươi đẹp nhất.
Vì lẽ đó, từ người lính ở chiến trường K vai mang chiếc ba lô vào lập nghiệp tại Sài Gòn nghĩa tình ấm áp, bao giờ cũng như bao giờ, hễ đã chiều 30 Tết ta, tôi lại có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, chen chúc trong dòng người tấp nập, vội vã để về lại quê tình xứ Quảng. Ngồi trên tầng không, cánh bay lướt gió, yên tĩnh một chỗ ngồi, tôi lại nhớ về phong vị của chiếc bánh tổ, nhớ đến bãi sông lau sậy, chậu vạn thọ vàng nghệ, tiếng hô bài chòi, bãi bờ sóng vỗ, Ngũ Hành Sơn như bàn tay năm ngón vút lên tận trời xanh… Chỉ nghĩ thế, tự dưng môi đã run, tim đập mạnh và há miệng kêu lên: “Tết! Tết ơi!”.
Về quê ăn Tết cũng là lúc tôi nạp lại năng lượng tươi trẻ, phóng khoáng, yêu đời sau tháng ngày tất bật mưu sinh tại Sài Gòn tấp nập ngựa xe, ồn ào náo động. Về là thư giãn. Về là nghĩ ngơi. Về là tận hưởng không gian và khí trời của vùng đất mà mình đã chôn nhau cắt rốn. Về là quay về năm tháng hoa niên và tận hưởng niềm vui êm đềm: “Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa/ Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần/ Nền nhà còn đó dấu chân/ Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời”. Và ngủ đẫy giấc trong căn nhà tuổi nhỏ xa xưa. Hạnh phúc ư? Đôi lúc giản dị như vậy, lấy làm hài lòng.
Ấy vậy mà, mới đây thôi. Rất mới đây thôi, bạn mình ơi, tôi lại không “về quê ăn Tết”. Ở lại với Sài Gòn. Ăn Tết Sài Gòn. Cơn cớ ra làm sao?
2.
Phải nói rằng, lần đầu tiên ăn Tết xa quê, với tôi là một ấn tượng khó quên. Quên làm sao được, từ đây, mình đã khác. Khác thế nào? Thử hỏi, có phải con người ta bao giờ cũng một hình một bóng? Vâng, mỗi người chỉ một bóng. Không phải đâu. Đến một lúc nào đó, ta nhận ra rằng, hình và bóng của chính mình còn tồn tại ở người khác nữa. Là ai? Nếu không phải là con của mình đấy ư? Tôi đã thấy. Tôi đã nghe. Và tôi đã nguyện cầu: “Dạ thưa ơn nghĩa nghìn sau/ Có trong nhau có trong nhau một người/ Chân trời cỏ biếc đang tươi/ Từng ngày chờ đợi tiếng cười măng non”.
Nói cách khác, đó chính là những ngày: “Môi hôn ghé xuống môi hôn/ Ôm lấy trái đất vuông tròn trong tay/ Mỗi ngày cúi xuống nghiêng tai/ Lắng nghe nhịp thở đất đai nẩy mầm”. Đó chính là Tết. Từng ngày Tết. Một cảm giác tinh khôi, mới mẻ mà mãi đến lúc “lục thập”, tôi mới nhận ra. Có muộn màng lắm không? Không hề. Đã bước chân đi thì vạn dặm đường xa cũng đến. Chẳng gì âu lo, Chẳng gì nôn nóng.
Với tôi, từ lần đầu ăn Tết với Sài Gòn cũng là lúc: “Quay về yêu dấu non tơ/ Bắt đầu tập nói u ơ mỗi ngày/ Xòe bàn tay, ngửa bàn tay/ Đón lấy ân sủng sum vầy núi non”. Ân sủng này là của mọi người, chứ nào của riêng ai. Chỉ cần nghe tiếng nói u ơ ấy: “Bập bà bập bẹ vang ngân/ Chập chà chập chững là xuân vào nhà”. Chỉ cần thế, đã xuân, đã Tết. Có những điều thiêng liêng và sâu xa nhưng sự biểu hiện chỉ đơn giản đến thế. Sao? Tại Sao, bây giờ tôi mới nhận ra?
Có những câu hỏi, tự nó đã là câu trả lời. Kỳ lạ quá đi thôi, ăn Tết tại Sài Gòn nhưng tôi lại có cảm giác của ngày xửa ngày xưa mà ông Đoàn Văn Cừ đã nói hộ lòng mình: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân”. Đó là ấn tượng trước nhất, khó quên nhất của tôi khi ăn Tết tại Sài Gòn. Ngày xưa, dịp Tết nhất mẹ dẫn mình về thăm ngoại, thì nay, mình lại ẵm bồng con gái về thăm ngoại của con. Niềm vui tuổi nhỏ của chính mình, bây giờ mình lại nhìn thấy qua con của mình.
Há chẳng phải là một sự tiếp, chứ là gì nữa?
Mà Tết Sài Gòn như thế nào? Phải “chịu” cái ca từ cực kỳ tinh tế của Trịnh Công Sơn: “Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay. Có mùa thu nào đang ở lại. Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối”. Đúng thế, bạn mình ơi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận có một chút mùa thu trong sắc xuân ở phương Nam này. Gió thu lẫn trong nắng mới. Nắng tơ non đầu mùa. Mây thu chìm trong không gian thoáng đãng. Tạo nên một cảm giác dễ chịu đến rạo rực, nao lòng. Những ngày Tết đường phố vắng hơn mọi ngày, bấy giờ, mới thấy một sự bình yên, dịu vợi đến ấm lòng. Và hạnh phúc thay, tôi đã được ẵm bồng mùa xuân bằng thiên thần bé bỏng trong tay.
3.
Ngày trước, lúc về quê ăn Tết còn đơn thân độc mã, một mình một ngựa, niềm vui của Tết khác bây giờ. Khác ghê gớm lắm.
Có lẽ do đã từng ngạc nhiên về một sự cảm nhận đột ngột nào đó, đã khác trước nên ông Hàn Mặc Tử mới thốt lên sung sướng, tự nhủ: “Chàng ơi! Chàng ơi, sự lạ đêm qua/ Mùa xuân tới, mà không ai biết cả...”. Đúng là thế. Có những sự việc rất đỗi bình thường như vòng quay thời tiết, cứ xuân thu lại nhị kỳ, cứ đến hẹn lại lên, chỉ “bình thường như cân đường, hộp sữa”, vậy mà do đâu chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được sự kỳ thú, mới mẻ dù đã từng trải qua, đã từng tận hưởng? Với Hàn Mặc Tử khoảnh khắc ấy là gì? “Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc/ Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác/ Rất phương phi trên hết cả anh hoa/ Xuân ra đời! Điềm ngọc ấm như ngà/ Thơ có tuổi và chiêm bao có tích/ Và tâm tư có một điều rất thích”.
Này bạn mình ơi, còn tôi bây giờ, mới đây thôi đã chính thức được ăn Tết tại Sài Gòn. Tết của mái ấm. Tết của tình yêu bé bỏng thiên thần. Và từ đó, tôi chính thức bắt đầu nhận ý nghĩa của ngày Tết đã dành cho mình: “Ép nhong nhong/ Cưỡi con ngựa hồng/ Tết đến lượn vòng trên cánh hoa thơm/ Kìa, ong theo bướm rập rờn/ Tết dẫn xuân mới bay vờn nắng mai/ Tiếng chim reo, lá hoa cười/ Em diện áo mới hồng tươi sắc hồng…”. Và chính từ từ Sài Gòn này, đã tạo cho tôi một dấu ấn không phai trong đời là biết cảm nhận về tết qua lẽ sống thiêng liêng đầu đời: “Tết ngon ngon lộc biếc/ Nằm trong vòng tay ba/ Ngọt ngon hơi thở mẹ/ Cười, khóc rộn cả nhà…”.
Từ đây, cố lên. Q ơi cố lên. Cánh tay phải vững chãi đặng che chở mầm hoa xuân đang lớn từng ngày. Bàn chân phải vững vàng đặng đồng hành cùng mùa xuân đang tiếp nối mãi… Cố lên Q ơi.
Dạ, vâng.
L.M.Q
(nguồn: Báo Người Lao Động XUÂN 2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|