THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: MẠNH DẠN YÊU THÊM LẦN NỮA

LÊ MINH QUỐC: MẠNH DẠN YÊU THÊM LẦN NỮA

MANH-DAN-YEU-THEM-LAN-NUA-1R


Giữa thiên thanh bạch nhật, đang đi giữa phố nhưng tôi lại tưởng ngủ mê. Tôi không thể tin vào mắt mình nữa: “Có phải người ngồi uống cà phê vừa gọi mình là Thương đó không?”. Cô ta chứ còn ai nữa, cái nốt ruồi duyên dưới cằm rõ mồn một, làm sao có thể nhầm. Thế là tôi dừng xe và mạnh dạn bước vào quán. Không thể ngờ, từ một người không mấy “xuất sắc” trong việc ăn diện thời trang, thậm chí “quê mùa” nữa là khác nhưng nay cô đã “lột xác”. Trông khỏe khoắn, xinh tươi, mơn mởn không thua gì các diễn viên, người mẫu.

Nhờ vào “sức mạnh” nào thần kỳ vậy ta?

Sau một hồi hỏi han, trò chuyện cô bạn tôi tâm sự đã… ly dị chồng! Trời đất, thông thường sau vụ chia tay, dù lỗi về phần ai chưa biết, hầu hết người ta phải buồn thảm, rầu rĩ mới “phải đạo” chứ? Sao cô ta lại phơn phớn thế kia? Nghe tôi nói úp mở, xa gần như dò hỏi, Thương phá lên cười: “Anh chẳng biết gì sất. Thế này nhé”.

Qua lời kể, Thương cho biết những ngày ra tòa phân xử, hòa giải, cô suy sụp tinh thần dữ lắm. Ăn không ngon, ngủ không yên đến lúc phải nhập viện vì kiệt sức. Hốc hác, gầy còm như cò ma. Trong lúc bạn bè, người thân lo lắng, cô lại thấp thỏm hy vọng người chồng sẽ “nghĩ lại”. Dù gì, cả hai đã có con, có những ngày tháng mặn nồng, hạnh phúc. Vậy, lúc cô nhập viện ắt anh ta cũng thương tình ghé thăm, chăm sóc, an ủi đôi câu chứ? Biết đâu, sau đó, mọi việc sẽ thay đổi.

Hơn nữa, sống ở đời, không còn tình vẫn còn nghĩa. Nghĩ vậy, nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng vậy. Mọi tin nhắn, điện thoại của cô đều bị anh ta phủ phàng “quăng cục lơ”. Hết hy vọng níu kéo nữa rồi. Lẽ ra, phải “làm lại cuộc đời”, Thương lại bỏ bê, không thèm quan tâm gì đến sức khỏe, bề ngoài của mình. Cho đến một ngày, người chị kết nghĩa mắng rằng: “Ngốc quá đi mất. Em hành xác để làm gì? Mình không thương lấy mình, ai thương mình?”.

Nghĩ ra cũng phải, dần dần Thương thay đổi suy nghĩ. Cô chấp nhận đối diện sự thật. Sau “giã từ dĩ vãng”, từ đó, cô sống tích cực hơn, biết sống cho mình. Nhờ thế, cô mạnh dạn mở lòng khi gặp cơ hội. Không cần hỏi han gì thêm, nhìn thái độ, phong cách, diện mạo và hiểu suy nghĩ của Thương, tôi biết cô đang yêu và đang sống những ngày tháng tuyệt vời.

Trường hợp của Thương thú vị quá. Ít ra, cuối cùng cô cũng tìm được niềm vui mới. Trong khi đó, tôi biết có không ít người, sau khi chia tay, họ có tâm lý như chim sợ cành cong. Do đó, họ sống khép kín, không mở lòng và từ chối mọi lời tỏ tình. Về chuyện này, khi nhắc đến Vũ, ai cũng cảm thấy ái ngại. Lúc “tan đàn xẻ nghé”, một mình anh ở lại trong căn nhà cũ, dù không rộng rãi gì nhưng cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Bạn bè thấy anh vò võ đơn độc cũng tội nghiệp nên mai mối người “nâng khăn sửa túi”.

Mọi tác động hỗ trợ đó, Vũ không màng đến, anh bảo: “Ly dị một lần đã ngất ngư rồi. Thêm lần nữa, sức đâu mà chịu nổi”. Thế nhưng, sau giờ làm việc anh “thừa sức” lê la hết quán này sang quán khác, cứ như thể ngựa sút dây cương. Từ một người chỉnh chu, thanh lịch, có trách nhiệm nơi công sở, Vũ trở thành con người khác. Hắn ta ăn mặc lôi thôi, nhậu nhẹt triền miên như một cách tự hành hạ, làm xấu lấy mình.

Nhân chuyện này, tôi nhớ đến từ thời tôi có bé. Ngày đó, thím Tư sát cạnh nhà tôi bị chồng ruồng rãy, mèo mỡ lăng nhăng khiến trong nhà lục đục xào xáo mãi. Thím dù làm lớn chuyện, đánh ghen, bỏ bê nhà cửa, con cái thì chú Xí vẫn “bay nhảy” như thường. Mỗi ngày, trông thím Tư xuống sắc, tiều tụy thấy rõ. Gọi thím qua nhà, không biết mẹ tôi khuyên bảo thế nào mà sau đó thím Tư thay đổi hẳn. Thím ăn mặc đẹp, se sua chưng diện, tung tăng dung dẻ với chị em bạn, chứ không còn ủ rủ ngồi nhà chờ chồng, than khóc hằng đêm nữa.

Sau đó, mọi việc thế nào?

Nhiều người lâu nay cứ tưởng “một nửa” chỉ hàng quá “đát”, hàng cũ có bỏ xó cũng không ai thèm nghé mắt đến, nhưng qua sự thay đổi đột ngột, họ mới giật mình. Rồi họ ồ lên ngạc nhiên: “Thì ra, người vợ/chồng  cũng “không phải dạng vừa đâu”. Không khéo kẻ khác nhảy xổm vào thì hỏng”. Thế là họ cảm thấy âu lo, phải tự thay đổi tính cách. Trường hợp của thím Tư như tôi biết rõ, không ngờ, sau đó chú Xí lại ghen ngược, càng ra sức giữ gìn, chìu chuộng vợ.

Một trăm người làm đám cưới, lúc đeo nhẫn cưới cho nhau, cả trăm người như một đều nghĩ: “Trăm năm hạnh phúc”. Sự chia lìa, đổ vỡ không hề thoáng qua qua đầu. Nhưng rồi, có thể sau đó, mọi việc có thể sẽ khác đi. Vấn đề đặt ra: “Cánh cửa này đóng lại ắt sẽ mở ra cánh cửa khác”. Tùy theo mỗi tình huống cụ thể, người trong cuộc sẽ biết cách mở cánh cửa mới. Cách mở ấy thế nào? Theo tôi, có lẽ “nguyên tắc” trước nhất, cần thiết nhất là phải biết thương lấy mình để chủ động tìm phép ứng xử phù hợp.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 15.8.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com