THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Một bó lý” không bằng “một tí tình”

LÊ MINH QUỐC: “Một bó lý” không bằng “một tí tình”

 

motbolykhongbang-1-ti-tinh

 

Đọc thành ngữ, tục ngữ, tôi rất thích câu: “Một bó lý không bằng một tí tình”. Đây cũng là một trong những phép ứng xử của người Việt. Có những việc, nếu xét về lý phải xử rành mạch, dứt khoát, nhưng chỉ rặt “cái lý” chắc gì đã thỏa đáng? Nói thế, không phải tâm lý của người “ba phải”, “nước đôi” mà đàng sau sự việc đó, nếu soi rọi từ góc độ nhân văn, biết đâu còn có thể châm chước, linh loạt bởi “cái tình”? Do đó, không phải ngẫu nhiên, ông bà ta còn bảo, khi đánh giá, kết luận một vấn đề cần phải đạt hai yếu tố: “Thấu tình, đạt lý”.

Sự khôn ngoan, tinh tế này, dù thời nào, sắc tộc nào, con người ta cũng cần suy ngẫm.

Mới đây, cộng đồng mạng đã share đến “chóng mặt” câu một câu chuyện có thật tại Indonesia. Với tư cách một nhà báo, khi tiếp nhận thông tin cần phải có sự kiểm chứng đa chiều, riêng trường hợp này, dù không thực hiện các thao tác cần thiết nhưng tôi vẫn tin là thật.

Nếu ở thời đại computer, mọi giá trị tốt đẹp như từng xuất hiện  trong các câu chuyện cổ tích lại biến mất, ta còn biết tin vào gì để sống? Sống, trong chừng mực nào đó, tự sâu thẳm tâm hồn, mỗi người vẫn còn tin đâu đó dưới gầm trời này, dù thế nào đi nữa rồi cũng có lúc: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” (Truyện Kiều). Tin vào điều tốt đẹp, viên mãn sẽ là điều có thật.

Bây giờ, mời bạn cùng tôi, đọc lại một câu chuyện đã xẩy ra tại Indonesia, cứ ngỡ như cổ tích:

“Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói. Dù vậy, ông chủ vườn trồng sắn vẫn buộc bà ta cũng bị xử nghiêm minh như những người khác.

Vị thẩm phán thở dài: “Xin lỗi, thưa bà...”. Ông ngưng giây lát rồi nghiêm khắc bảo: “Pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của pháp luật nên phải xử theo luật định. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah. Nếu bà không có tiền bồi thường, tòa xử bà phải ngồi tù 2 năm rưỡi”.

Bà cụ run run, rướm nước mắt. Thế rồi, ông thẩm phán lại nói tiếp:

- Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.

Nói xong, ông đưa mũ của mình cho cô thư ký: “Cô hãy cầm cái mũ này đi khắp phòng và thu tiền. Số tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”. Cuối cùng, bà cụ nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên tòa”.

Câu chuyện này, ai ai cũng đều nhận ra ý nghĩa sâu sắc ở chỗ: Mỗi chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh, vị thẩm phán khi để phán xét không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim.

Có những tình huống, cứ tưởng rằng mọi tính toán cân, đong, đo, đếm chi li là chính xác; cộng, trừ, nhân, chia là cho ra kết quả rành mạch, “không thể trật”. Nhưng rồi, trong phép ứng xử đôi lúc “nguyên tắc” ấy, “công thức” ấy, “quy tắc” ấy cũng cần vận dụng thêm cả sự ngoại lệ. Ngoại lệ ấy, xét ở góc độ nhân văn chính là cái tình được đặt trong tổng thể của sự việc.

Đã từ lâu lắm rồi, tôi đã đọc đâu đó một mẩu chuyện. Đọc rồi, khó quên. Và chính nó đã giúp cho tôi (và có lẽ thêm những ai khác nữa, nếu đã đọc) ắt giật mình. Như nhiều câu chuyện cổ tích khác, tiếc rằng, không rõ tác giả là ai để ta thốt lên lời cảm ơn. Cảm ơn người viết đã nghĩ ra tình huống khá phổ biến, nếu không thực hiện như nhân vật trong chuyện đó, không khéo chúng ta có thể mắc phải sai lầm:

“Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá phan bua: “Tôi xin lỗi, năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài”. Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận”. Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống:

- Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng thật bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.

Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông. Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người ruột thịt rồi!”. Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng”.

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai và nói: “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói”. Với câu nói ấy, vị samurai đã trả lời thế nào? Chuyện đó, ta hãy để sau. Nếu bạn cho phép được bình luận gì đó, tôi mạo muội nghĩ rằng, trong cả hai trường hợp trên, xét về lý thì vị samurai dễ dàng thực hiện theo sự mách bảo của lý trí. Một khi mắc nợ, ắt phải trả nợ. Một khi, ngoại tình, ắt phải chịu tội. Dù rằng, cách xử lý trên, luật pháp không cho phép, không chấp nhận nhưng đó là yếu tố giảm nhẹ tội nhằm bào chữa lúc bị cáo ra tòa.

May quá là may, trước lúc “ra tay”, vị samurai biết “nghĩ lại”, nhờ đó, yếu tố tình cảm mới dâng lên để đè nén lại cơn giận dữ. Lúc ấy, lý trí đã nhanh chóng “đi chỗ khác chơi”, nó không còn có cơ hội thể hiện bằng hành động. Chỉ trong một tích tắc, sự việc đang trầm trọng đến mức chỉ 1 giây nữa thôi sẽ chuyển sang gam màu xám xịt, chết chóc, đau đớn, thù hận… Vậy mà, tất cả đều được hóa giải rất hiệu quả.

Nhờ sự hóa giải kỳ diệu ấy, sau khi nghe câu nói của người đánh cá, vị samuara đã nói: “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi. Ngươi đã trả nợ rồi”.

L.M.Q

nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 448 ngày 20.8.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com