THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

LÊ MINH QUỐC: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

 

chothaysong-ca-ma-nga-tay-cheo-1R

 


Trái khoái quá. Tất nhiên. Nhiều người sẽ thốt lên khi biết câu chuyện này: Lâu nay, mọi việc trong nhà từ chi tiêu chợ búa, mua sắm vật dụng đến tiền học hành lo cho con… anh A đều một tay cáng đáng. Không chê vào đâu được. Làm được thế ắt hoàn thành vẽ vang nhiệm vụ làm chồng, trách nhiệm làm cha. Do đó, anh A tự cho mình cái quyền đối với vợ con lúc nào cũng “chảnh như con cá cảnh”.

Ra khỏi nhà nhà thì thôi, chứ vác xác về thì mười đêm như chục, lúc nào cũng nồng nặc hơi men. Say quá, lủi vào giường ngáy pho pho. Nếu nửa tỉnh nửa say, lại giở trò hoạnh họe này nọ, “Chửi chó mắng mèo”, “Đá thúng đụng nia” khiến vợ con chết khiếp. Cứ như thể ngầm bảo, nếu không có anh ta, nhà này chỉ có nước ăn cám. Lấy được người kiếm ra tiền, lo toan chu đáo cho vợ con? Vậy còn than phiền, đòi hỏi gì nữa?

Ấy thế, thật trái khoái, khi hay tin thu nhập của chồng không còn lãnh ở mức như trước, trong khi người chồng buồn xo, lo lắng thì người vợ lại… mừng ra mặt! Nhiều người ngạc nhiên quá, trong đó có tôi bèn tò mò hỏi cơn cớ vì sao? Chị cười tỉnh rụi: “Chà, chẳng biết thế nào mới gọi là giàu? Tớ nghĩ chỉ cần đủ ăn đủ mặc, có dư thừa chút đỉnh là được. Anh xã nhà mình từ khi tụt thu nhập lại tốt”.

Ủa, tốt à? Tôi lùng bùng lỗ tai, chẳng hiểu ất giáp gì cả. Chị giải thích, đại khái, trước kia tan sở, chỉ cần nghe bạn bè í ới: “Ai kêu tui đó”, lập tức “Có tui đây”. Nay, do kiếm tiền không dễ dàng nên anh A buộc lòng phải bỏ dần các khoản nhậu say bét nhè, tiêu xài bạt mạng. Vậy không tốt cho sức khỏe là gì? Hơn nữa trước kia công việc nhiều, phải làm nhiều thì thu nhập mới cao; còn bây giờ, mọi thứ chỉ ít đi nhưng bù lại người chồng có thời gian dành cho vợ con nhiều hơn.

Ngẫm ra thấy chí lý.

Mất cái này ắt nhận được cái khác. Điều mà vợ con anh A thích thú, vui sướng nhất vẫn chính là thời gian người chồng dành cho họ. Sự cố nào cũng có “cái hay” của nó, nếu có cách giải quyết theo hướng tích cực. Và qua đó, ta thấy rằng, chẳng có tình huống nào là “ngõ cụt”, là đẩy con người ta vào “chỗ chết” đến mức phải tuyệt vọng.

Mà này bạn ơi, tréo ngoe quá đi thôi. Có phải đôi lúc do gặp sự cố nào đó, con người ta mới khám phá ra hết tài năng, khả năng của mình?

Tôi có người thân rất nổi tiếng trong giới kinh doanh nhà hàng. Số phận anh thay đổi kỳ lạ, không hề do trúng số độc đắc mà chính vì… vỡ nợ! Trước đây, mọi việc trong nhà đều do người vợ quán xuyến, còn anh chỉ cà nhỏng vui chơi. Hằng ngày, ngửa tay “nhận lương” vợ,  rồi anh mải mê theo bạn bè với cái thú chơi chim, cá cảnh, gà đá... Dù nhà không giàu có nhưng lúc thả hồn tiếng chim hót, ngắm cá tung tăng bơi lội, nhìn gà xòe lông, với anh, đó mới là thú vui tao nhã, là lẽ sống ở đời.

Bỗng một ngày, anh bị lôi tụt trở về với đời thường: con nợ ùn ùn kéo tới nhà đòi nợ! Do bể hụi, làm ăn thua lỗ nên vợ anh nợ nần chồng chất. Vậy phải làm thế nào? Trước tình huống thê thảm này, có lúc anh nghĩ chỉ còn cách dẫn vợ con đi trốn, chứ làm sao xoay xở ra số tiền lớn mà vợ đã vay nợ?

Lúc bi đát nhất, anh suy nghĩ nhiều về “bửu bối” của nghề gia truyền nấu thức ăn món Bắc mà bố mẹ đã truyền lại. Thế là anh bàn với vợ “xắn tay áo” làm lại cuộc đời. Do chí thú làm ăn, sáng mắt ra từ sự cố khủng khiếp đó, nay vợ chồng anh thuộc vào hạng giàu có. Không chỉ trả xong nợ, họ còn dành dụm được một số vốn lớn. Thế đấy, cuộc đời đôi lúc diễn ra trái khoáy thật.

Có lẽ nhiều người cũng nghĩ rằng, nếu An Tiêm không bị vua Hùng Vương đày ra đảo hoang, làm sao chàng có thể tìm ra giống dưa hấu? Như ta đã biết, lúc ra đảo, nhìn bãi cát hoang vu mịt mù, núi non chon von, trơ trọi không một bóng người, vợ An Tiêm tủi thân, nức nở gục vào vai chồng: “Chúng ta đành chết mất ở đây thôi”. An Tiêm ôm con, dỗ vợ: “Trời cao có mắt. Người có tâm, có chí thì trời chẳng phụ. Không việc gì phải lo âu”.

Suốt một thời gian dài, do khéo tay và quyết tâm phải sống, An Tiêm ngày ngày vào rừng đốn cây đẵn gỗ dựng chỗ trú thân, che sương che gió. Ở đảo có suối nước nên không sợ thiếu nước; sống ở biển, không sợ thiếu muối; rau rừng lại nhiều… Từng ngày, vợ chồng An Tiêm ăn uống tằn tiện với số lương thực được đem theo nhưng rồi cũng cạn dần. Người vợ lo sợ đến nhuốm bệnh, chàng an ủi: “Ta cứ làm hết sức  mình. Than khóc liệu có ích gì?”.

Với thái độ điềm tĩnh, tự tin ấy, ngày ngày An Tiêm lại đi vào rừng tìm thức ăn đem về nuôi vợ con. Ngày kia, chàng ngước mắt lên trời thấy một đàn quạ bay rợp trời rồi sà xuống bãi cát nơi xa. Chàng tò mò cứ theo hướng ấy mà tìm tới. Khi đi đến nơi, chàng ngạc nhiên thấy ngổn ngang các nhánh dây xanh rờn nằm sà dưới bãi cát, lại có quả xanh tròn lẵn. Trông như quả bầu, quả bí ở quê nhà. Không biết là quả gì, có ăn được không? Chàng lặng lẽ đứng quan sát và lấy làm ngạc nhiên khi thấy quạ, chim tranh nhau giành những quả xanh mà mổ lấy mổ để. Chúng vừa mổ vừa kêu ríu ran vui nhộn lắm.

- À, chim ăn được ắt người cũng ăn được.

Nghĩ thế, An Tiêm chạy đến ăn thử. Khi cầm gươm xẻ dọc quả dưa ra, chàng thấy ruột đỏ, có hạt đen nhánh và ăn thử. Chao ôi! Dưa ngọt, mát như đường. Ăn đến đâu thấy mát cả ruột đến đó. Hương vị thanh lại ngọt dịu. Mồ hôi toát ra thấm cả lưng, khỏe cả người. Trong lòng mừng vui tột cùng, biết là trời đã cứu mình, An Tiêm vác những quả còn nguyên vẹn về rồi hào hứng bảo vợ:

- Này mình, ăn thử quả dưa này xem sao? Tôi ăn rồi, thấy ngon lắm.

Người vợ ngần ngại một chốc, rồi ăn thử. Càng ăn càng thấy trong người khỏe dần nên mừng lắm reo lên:

- Chàng ơi! Đúng là trời cao có mắt.

Câu nói ấy, chẳng hề “duy tâm” một chút nào. Chính nó đã phản ánh tâm thức của người Việt luôn cân nhắc những việc sẽ làm. Gieo nhân gì gặt quả nấy. Khi gặp sự cố nào đó, nếu tự nhủ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, cứ mạnh dạn chấp nhận và tận tâm tận lực thay đổi, không buông xuôi ắt có lúc đời mình “lật sang trang mới” cũng tốt đẹp như thường…

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 449 ngày 27.8.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com