THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ai ơi công đức làm đầu

LÊ MINH QUỐC: Ai ơi công đức làm đầu

 

aicocongduc-lam-dau-1R

 

 

Nhiều người thích sưu tập sách cũ. Tôi cũng có nhiều sách cũ nhưng không phải là người chơi sách. Vừa rồi, tình cờ tôi có mua được quyển sách giáo khoa Đức dục lớp Nhất in năm 1962 tại Sài Gòn, “Soạn theo chương trình mới của Bộ Quốc gia Giáo dục”. Thích quá, tôi có đưa lên trang Facebook cá nhân một vài chuyện kể, bài giảng đã in trong sách. Điều khiến tôi ngạc nhiên, dù sách dành cho học trò thò lò mũi xanh, mặt búng ra sữa, ăn chưa no lo chưa tới, nói nôm na là sách dành cho con nít, thế nhưng tại sao nhiều người vẫn like? Được nhiều người comment, yêu thích nhất là một trong những mẩu chuyện như sau:

“Hôm nay, Thiện đến trường với vẻ mặt hớn hở hơn thường lệ. Thiện luôn mồm khoe với bạn hữu tấm giấy bạc năm chục đồng mới tinh của ba Thiện vừa thưởng cho vì tháng này Thiện đứng nhất lớp. Thiện lại có sẵn chương trình giải trí ngày mai là ngày nghỉ: Thiện sẽ xem chiếu bóng, viếng vườn Bách thú.

Giờ học đã điểm. Thiện vào lớp. Buổi học bắt đầu. Trái với thường lệ, thầy không giảng bài mà cũng không kiểm tra bài. Thấy rút một tờ giấy in ra khỏi cặp da. Thầy ngó xuống chúng tôi rồi trịnh trọng đọc:

Lời kêu gọi của Ủy ban Cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn,

Thưa quý đồng bào,

Vừa rồi một cuộc hỏa hoạn đã xẩy ra ở Xóm Mới, thiêu hủy cả ngàn căn nhà làm cho rất nhiều đồng bào phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Chúng tôi được phép thành lập một Ủy ban để mở cuộc lạc quyên. Chúng tôi sẵn sàng nhận tặng phẩm để chuyển đến nạn nhân.

Đọc xong, thầy chúng tôi còn tiếp:

- Này các con! Đã đến lúc các con thực hành các bài luân lý đã học. Thầy mong rằng các con không một ai từ chối sự đóng góp của mình vào công cuộc từ thiện này. Quà của các con dù lớn, dù nhỏ cũng thể hiện được tấm lòng bác ái của các con.
Nghe xong, Thiện ra vẻ suy nghĩ lắm. Thiện mân mê tờ giấy bạc trong tay, Thiện vẫn còn do dự. Bỗng nhiên, Thiện đứng lên lễ phép thưa:

- Thưa thầy, con vừa được thưởng năm chục đồng. Con định đi xem chớp bóng. Nhưng thôi, con xin biếu cho các nạn nhân.

Thầy khẽ gật đầu, mỉm cười vuốt đầu Thiện:

- Thiện! Con ngoan lắm.

Cả lớp vỗ tay hoan nghênh nghĩa cử của Thiện”.

Nhằm giúp cho học sinh mau thuộc bài, nắm vững ý chính, cuối bài còn có phần “Toát yếu - Giúp nạn nhân bị hỏa hoạn: Nạn nhân hỏa hoạn bị thiếu thốn, khổ sở bất ngờ. Chỉ trong phút chốc cơ nghiệp ra tro, có khi thiệt hại đến sinh mạng nữa. Chúng ta có bổn phận giúp đỡ cho họ có nơi tạm trú, có cơm ăn, áo mặc, đồ dùng, rồi giúp họ có phương tiện để xây cất lại nhà cửa và tiếp tục cuộc mưu sinh hàng ngày”.
 

Một bạn đọc comment: “Em là sinh viên tỉnh vào Sài Gòn học tập, em rất thích cách ứng xử và tính cách của người dân nơi này. Trước đây, em nghĩ tính cách đó hình thành nhờ sự trù phú của vùng đất nhưng nay, chỉ một trang sách Đức dục lớp Nhất đã làm thay đổi lớn trong suy nghĩ của em. Có phải nền giáo dục nhân bản, tiên tiến góp phần lớn tạo ra những người Sài Gòn?”.

Với ý kiến này, tôi nghĩ đúng mà vẫn chưa đủ. Sự hình thành nhân cách, tính cách của con người, luôn gắn liền với giáo dục. Không riêng gì người Sài Gòn, bất kỳ ai dù sinh sống ở địa phương nào cũng đều có tấm lòng hào hiệp, nghĩa cử như em Thiện. Nói cách khác, đó chính là lòng vị tha “lá lành đùm lá rách”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”, “thấy người hoạn nạn thì thương”… đã trở thành nếp sống văn hóa của người Việt.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo, với tôi, còn là những ngày lũ lụt miền Trung. Từ lời kêu gọi của tòa báo, chính quyền, đoàn thể ngay sau đó đã có nhiều, rất nhiều tấm lòng thiện nguyện đến chung tay, chia sẻ “của ít lòng nhiều”. Bấy giờ, tôi còn nhớ từ người đạp xích lô, xem ôm, bán vé số đến các mẹ, các chị cũng đều mang quà đến cứu trợ. Ai có gì tặng nấy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhằm thuận lợi cho việc ra đến nơi lũ lụt trao nhanh chóng đến từng người, từng nhà, lập tức đã có các mẹ, các cô tự nguyện dành thời gian, công sức cùng chúng tôi phân chia cụ thể, đâu ra đó từng phần quà riêng biệt.

Từ đó, tôi nhận ra rằng, lòng thiện luôn có sẵn trong mỗi con người. Khi cần, họ sẵn sàng thể hiện tùy theo khả năng nhằm giúp đỡ cho những ai đang có hoàn cảnh ngặt nghèo.

Đừng nói đâu xa, đồng nghiệp của tôi, sau khi về hưu, nhiều người lại bận rộn hơn trước. Bởi lẽ, họ đứng ra kêu gọi tinh thần “nhường cơm xẻ áo” giúp người nghèo có cái ăn cái mặc, giúp trẻ em tiếp tục đến trường v.v… Những việc làm ấy, không hề “khua chiêng gõ mõ” đánh trống ầm ĩ, chỉ lặng lẽ, âm thầm, miễn sao trao quà đúng người, không thất thoát tiền của đã quy tụ từ tấm lòng nhân ái khắp nơi.

Trong cuộc sống hiện nay, có những thông tin tối tăm, đôi lúc khiến ta bi quan, nhưng rồi nhìn đâu đó vẫn thấy sự ấm lòng, chan chứa tình người. Những việc làm từ thiện bất vụ lợi, không nhằm mục đích “đánh bóng”, P.R tên tuổi là những đóm lửa, dù nhỏ nhoi nhưng vẫn đủ sức để ta tin cậy và thốt lên: “Lòng tốt vẫn còn đây”. Lòng tốt ấy, tôi nghĩ rằng, tự lúc sinh ra đã có, nhưng nó còn phải được nhắc nhở, vun vén, gìn giữ và phát huy từ nền tảng của sự giáo dục nữa. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ đến bài thuộc học thời còn đi học: “Vì xã hội mở đường kinh tế/ Cứu đồng bào tìm kế sinh nhai/ Cứu người nghèo khó, mồ côi/ Mở nhà y tế, dựng nơi chẩn bần/ Ấy “mạnh nước, giàu dân” ở đó/ Cùng giống nòi giúp đỡ cho nhau/ Ai ơi công đức làm đầu/ Non sông đỡ gánh, hoàn cầu chen vai”.

Từ câu chuyện của em Thiện trong sách giáo khoa Đức dục lớp Nhất, tôi xin phép kể lại một kỷ niệm cũ lúc học Trường Nam Tiểu học ở Đà Nẵng. Sau khi kể xong, thầy giáo đã đặt câu hỏi và chúng tôi cùng đồng thanh trả lời giống nhau. Thầy khen chúng tôi có suy nghĩ đúng.

Chuyện rằng: Ngày nọ, có người cha đem về nhà bốn quả đào. Mấy đứa con của ông thích lắm, ước gì được ăn. Người cha lấy quả to nhất tặng vợ, còn lại phân phát cho các con. Tối đến cơm nước xong, sau khi ông hỏi lại, người con đầu trả lời: “Trái của con ngon lắm. Con cất kỹ cái hột để trồng một cây đào”. Người con thứ hai cho biết: “Còn con, con ăn ngay lúc cha vừa cho và quăng cái hột đi rồi”. “Còn cậu út thì sao?”. Nghe cha hỏi, cậu ngập ngừng một lát rồi nói: “Thưa cha, con đã đem trái đào cho anh Hiền, con bác Tư trong xóm, vì ảnh đang đau ốm”. Nghe các con trả lời xong, người cha hỏi tiếp: “Vậy theo các con, ai là người sử dụng trái đào có ích nhất”.

Đó cũng chính là câu hỏi mà thầy giáo đặt ra cho chúng tôi. Cả lớp ồn ào như ong vỡ tổ, sau một hồi tranh cãi ì sèo, chúng tôi thống nhất cùng chọn một câu trả lời chung: “Thưa thầy, chính là người con út ạ”.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 444 ngày 16.7.2016)

Ghi chú: Từ "Nhiều người thích sưu tập"... đến "như em Thiện" bị biên tập bỏ. (?)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com