“Anh ơi, em lo quá. Hic, hic… Nếu chẳng may. Em làm sao sống nổi?”. Cô vợ khóc tấm tức như đúa trẻ bị mắng oan. Bực không chịu nổi. Chuyện chưa có gì mà đã bù lu bù loa như nhà sắp cháy đến nơi. Tâm tính gì bi quan, yếu đuối quá vậy trời? Phải mắng cho một câu, chứ lèo nhèo mãi chẳng giải quyết được gì, chỉ khiến “người ta” thêm rối trí. Người chồng bèn nghiêm giọng: “Có im ngay đi không? Chuyện bé xé ra to. Ai chịu nổi?”.
Ơ hay, mẹ lo cho con là thường tình, hơn nữa, sự việc đang “nghiêm trọng” nhưng hỡi ôi! Người đâu “sắt đá”, “vô trách nhiệm”, chẳng yêu thương, quan tâm gì đến con cái? Lâp tức, nỗi bực dọc ấy thể hiện hùng hồn qua câu hỏi sắc lẹm: “Anh còn nói vậy à? Tôi biết ngay mà…”.
Biết cái gì? Người vợ chưa nói hết câu, đột nhiên giữa trời xanh mây trắng bỗng dưng mây đen xám xịt ùn ùn kéo tới, báo hiệu sắp nổ ra sấm sét!
Chà, chuyện gì mà căng đến thế?
Chuyện là, vợ chồng anh Hòe đưa con nhập viện. Bác sĩ bảo, bệnh của cháu cần phải phẫu thuật gấp, không nên đắn đo, chần chừ. Vốn là nơi quen biết với bác sĩ chuyên khoa nên anh yên tâm. Hơn nữa, ca mổ này chỉ chừng nửa giờ là xong. “Còn nhanh hơn họp giao ban đầu tuần ở cơ quan”, một bác sĩ nói đùa. Ấy thế, vợ Hòe lại lo sót vó, cứ như thể sắp tiễn đưa chàng Kinh Kha lên đường qua sông Dịch! Sau khi mọi việc ổn định, đâu vào đó, cô vợ mới thở phào: “Đừng giận cưng nhá, cái tính em nó thế”.
Không ít đấng mày râu gặp phải tình huống như bạn tôi: Ngày mới cưới nhau, Diện cảm thấy ở trong nhà chỉ có mình là số dzách, vì bất kỳ việc gì anh cũng phải “ra tay”. Phải thế chứ, đã “đàn ông đàn ang” phải xứng đáng “trụ cột” của gia đình. “Anh ơi, con ốm”, “Có anh”; “Anh ơi, hết gas”, “Có anh” v.v… Sự đối đáp ấy hài hòa, ngọt lịm cứ như “tân cổ giao duyên”. Nghe sướng cả tai.
Nhưng rồi, dần dần, Diện cảm thấy bực bội, dù chẳng hề dám nói ra. Ai đời, chồng mới dẫn con gái út về quê thăm nội, chỉ mới vài ngày mà đã réo rắt điện thoại. Người vợ ở nhà một mình à? Không, còn có thằng con đầu, nó cũng lớn tồng ngồng, khôn ngoan, lanh lợi ra phết nhưng ngày nào cũng nghe qua nhì nhằng, léo nhéo: “Anh ơi, ở nhà không anh, em sợ”. “Anh ơi, nhỡ ăn trộm vào nhà thì sao?”. Cứ “Anh ơi, anh à” mãi, nghe phát mệt. Thử hỏi, nghe mãi những câu “ấm ớ” đó, làm sao yên tâm, còn đâu hứng thú lúc về quê nữa?
Có phải đó là sự yếu đuối hay thói quen đã dựa dẫm vào “một nửa”? Khó có thể phân biệt rạch ròi. Thật ra, có những tình huống mà người trong cuộc cần phải mạnh mẽ, xem nó “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Có như thế mới khiến “nửa kia” yên tâm, cùng bàn cách vượt qua nghịch cảnh. Nếu không, từ việc nhỏ như ngón tay lại trở nên to đùng như trái núi án ngữ ngay trước mặt.
Mấy hôm nay, những dịp gặp bạn bè định kỳ vào sáng chủ nhật, bọn tôi không thấy vợ chồng Dung có mặt. Có lẽ, họ bận bịu hay tếch đi chơi xa chăng? Sau nhiều lần, tôi thử điện thoại thì nghe Dung thông báo: “Ông xã nhà mình vừa nghỉ ở công ty rồi”. Bất ngờ ghê, tôi bèn hỏi: “Thế nay chồng Dung xin việc ở đâu?”. Bỗng điện thoại cắt cái rụp. Đó là điều chưa bao giờ xẩy ra trong tình bạn giữa tôi và vợ chồng Dung. Ngạc nhiên quá, tôi vội ghé lại nhà bạn, nhờ vậy mới biết “nội tình” của họ lâu nay.
Rằng. sau khi nghỉ việc ở công ty, tự dưng chồng Dung thay đổi tâm tính. Do không lường trước sự tinh giảm biên chế nên anh ta cảm thấy hụt hẫng. Với nhiều người, không làm việc này, kiếm tìm việc kia, đơn giản thôi mà. Thế mà người chồng lại trở nên bi quan, yếu đuối. Tâm trạng đó thể hiện qua những câu hỏi, đại loại như: “Này em, liệu chừng tháng tới, mình có đủ tiền trả thuê nhà?”, “Đủ, anh khéo lo xa”, “Vậy, có đủ lo cho hai đứa nhóc tiếp tục ăn học?”, “Chuyện nhỏ thôi, anh ơi”. Vẫn chưa yên tâm, im lặng giây lát, lại hỏi: “Lương em có đủ dành dụm trả lãi ngân hàng hàng tháng không?”. Những câu hỏi đại loại như thế, ban đầu, nói thật, Dung cũng cảm vui vui vì nó thể hiện trách nhiệm của người chồng.
Khổ nổi, vì sự lo lắng ấy người chồng đâm ra bịnh luôn, không còn hăng hái vác đơn đi xin việc làm mới như các đồng nghiệp khác. Và ngay cả bản thân người vợ cũng cảm thấy như đang bắt đầu gánh lấy một trọng trách nặng nề, mệt mỏi. Mà cũng do nghe chồng cứ nhắc đi, nhắc lại khiến Dung lờ mờ nhận ra: “Chỉ mới xẩy ra việc bé tẹo thế này anh ta đã hoảng hốt lên rồi. Nếu chẳng may xẩy ra sự cố còn hơn cả thế nữa, vậy phải làm sao?”.
Sống trên đời, nói đi cũng phải nói lại, sự lo lắng trước một tình huống nào đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu qua đó lại thể hiện sự yếu đuối, bi quan một cách quá đáng thì không nên, cần phải biết kiềm chế, giữ lại trong lòng. Vì tâm lý, tâm trạng bất ổn của mình nếu thể hiện “quá hớp” ra bên ngoài, còn có ảnh hưởng đến tâm lý “nửa kia”.
Vẫn biết chẳng ai luôn luôn “mạnh mẽ” trước mọi tình huống, nhưng có những lúc, nếu cần thì phải “cứng rắn” hơn. Có như thế, nói mới là nguồn động viên tích cực để cùng “một nửa” giải quyết vấn đề khó khăn.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 22.8.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|