“Anh ơi là anh, làm ơn thay ngay bộ quần áo này. Không, một, hai, ba gì cả. Thay ra ngay, bộ anh muốn bôi xấu mặt em đấy à?”. Cô vợ dùng dằng, giận dỗi la toáng lên khi thấy ông chồng từ trong nhà bước ra sân. Hổm rày họ giận nhau, chẳng ai chịu “xuống nước” làm lành. Nhưng hôm nay phải tạm thời “đình chiến”. Chẳng lẽ, đi dự dám cưới mà chồng một nơi, vợ một nẻo? Thiên hạ cười cho. Dù không thích cũng phải chung xe, chồng đâu vợ đó. Tuy nhiên, vì còn ấm ức, bực bội nên người chồng mới thể hiện thái độ “bất hợp tác” bằng cách ăn mặc chẳng ra làm sao! Việc làm này cố tình, có chủ đích vì dù gì đi thì nữa người ta cũng xì xào, chê trách.
Với họ, đây cũng là một trong những cách ngấm ngầm “tố cáo” mình bị vợ/chồng đối xử ất ơ! Dù chẳng hề tâm sự, thở than một lời nhưng nhìn qua cách họ thể hiện bề ngoài, thiên hạ cũng có thể đoán biết phần nào. Thế là “đạt yêu cầu” rồi. Vậy lần sau, “người trong cuộc” phải tự giác sửa chữa, thay đổi đấy nhé. Nếu không, lúc đó “xấu mặt” thì ráng mà chịu.
Câu chuyện đi ăn đám cưới vừa kể trên là của Tiễn, bạn tôi vừa “bật mí”. Đại khái, đã có nhiều lần Tiễn yêu cầu vợ đưa tiền mua cái Ipad nhưng cô ứ chịu. Cô lấy cớ chồng suốt ngày làm việc ở công sở, về nhà chỉ chúi mũi vào truyền hình, đọc sách vậy có cần thiết không? Trước lý lẽ ấy, Tiễn ngậm tăm như nhưng ức lắm. Do ức mà không cãi lại được nên lúc có dịp liền “thể hiện thái độ” là vậy.
Ban đầu, khi nghe chuyện này, tôi cứ tưởng phản ứng đó trẻ con, chỉ cá biệt. Nhưng rồi, qua thăm dò của nhiều người, thì không hẳn. Có anh chàng nọ những lúc “xông pha chiến đấu” thường bị vợ chê dỡ ẹt, chưa ra quân mà đã giương cờ trắng đầu hàng. Biết thân biết phận, anh ta lên một danh sách dài dằng dặc thức ăn, thức uống thuộc loại “thần dược” để vợ mua về tẩm bổ.
Tất nhiên, cô gật đầu cái rụp. Nhưng rồi do công việc lu bu quá nên lúc nhớ lúc quên, vì thế chàng ta cáu. Cáu mà không dám nhắc nhở vợ nhiều lần, hóa ra tự thừa nhận mình thật sự “trên bảo dưới không nghe”? Sức mấy.
Rồi dịp nọ, vợ chồng họ đi ăn đám cưới tại một nhà hàng sang trọng. Thực đơn có món tôm càng xanh xào hẹ, hàu sống… Vậy là người chồng cứ tì tì cắm mặt mà ăn, chẳng thèm quan tâm đến mọi người cùng bàn. Cô vợ sượng trân, liên tục cấu nhéo ra dấu chồng chầm chậm lại, ăn uống gì mà cứ hùng hục. Ngượng chết đi được. Người chồng vẫn cứ thản nhiên như không. Phải chăng anh ta “đói ăn khát uống”? Hoàn toàn không, chỉ là một cách bày cố tình bày tỏ sự ấm ức đấy thôi. Lâu nay, “người ta” đã bảo mua những thứ rất “sung” mà vợ có quan tâm gì đâu! Vậy nay có dịp, ăn liên tù tì cho bõ tức là vậy.
Có trường hợp chỉ quan sát qua cách người chồng ăn mặc, xài tiền, phát ngôn… thiên hạ có thể đánh giá được người vợ hoặc ngược lại. Sự đánh giá ấy, lắm lúc trật lấc nhưng không thể trách được.
Tôi quen vợ chồng người bạn là chủ một tiệm may mặc quần áo khá nổi tiếng. Tay nghề của họ khiến không ít ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu, doanh nhân thành đạt… tin cậy tìm đến. Bản thân cô vợ ăn mặc thì trời ơi, “hết chỗ chê”. “Chuẩn” đến độ không gì phải “chỉnh” nữa. Ngược lại, người chồng lại bê bối hết sức. Anh ta ăn mặc luộm thuộm, bèo nhèo như người đang làm thuê.
Nhìn thấy sự trái ngược ấy, mọi người kháo nhau chắc chắn hai người không hạnh phúc, thậm chí đang ly thân (!?). Sở dĩ đoán già đoán non vì chẳng ai có thể lý giải vì sao lại có sự tréo ngoe đến thế? Trúng trật ra sao chưa biết, nhưng tự dưng bạn bè của chồng đâm ra chẳng có cảm tình gì với cô vợ. Họ chê cô ta không biết chăm sóc, làm “đẹp mặt” cho chồng! Ngược lại, bạn bè của cô vợ lại trách người chồng làm “xấu mặt” vợ!
Khi kể lại những chuyện này, có chuyên gia tâm lý cho rằng, sở dĩ người vợ/chồng làm thế, có thể vì bị lấn lướt, ăn hiếp quá. Chẳng biết “vùng lên” ra làm sao họ nên sử dụng cách đó như một cách ngụ ý nhắc nhở “một nửa” phải thay đổi tâm tính.
Đôi khi sự thay đổi tâm tình cũng có thay đổi. Này nhá, trong nhà tôi, Thịnh là rể út, lâu nay do nể bạn nên không văng mặt trong cuộc nhậu. Cô Hiền - em tôi ngăn cản, khóc lên khóc xuống nhiều lần, tìm mọi cách “dạy chồng” nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”. Đột nhiên, thời gian gần đây ai nấy ngạc nhiên khi thấy Thịnh hoàn toàn thay đổi. Nhờ đâu? Thịnh kể: “Quái lắm anh. Hễ sau mỗi lần em vi phạm, vợ chồng đi chung đến nơi đông người thì cái mặt Hiền lại chình ình như đưa đám. Không nói không rằng một câu. Bạn bè có hỏi han cũng chỉ ư hử vài câu rồi im bặt. Cứ im thin thít như thịt nấu đông. Không thèm hé răng nói một câu. Hỏi anh, có “quê mặt” em không?”.
Lâu nay, ai cũng đồng tình với quan niệm: Ở nhà thế nào không rõ nhưng xuất hiện nơi đám đông, cả hai phải tương xứng nhau, từ hình thức thể hiện bề ngoài. Do đó, có người đã sử dụng “chiêu” nhằm làm xấu mặt "nửa kia". Vậy “chiêu” này có phải “tuyệt chiêu” hay không? Tôi không dám kết luận, chỉ xin đừng quên, một khi cố tình làm xấu mặt “nửa kia” ắt cũng cũng là lúc có tác động ngược lại về phía mình. Vì lẽ đó, sự cân nhắc bao giờ cũng là điều phải nghĩ đến trước nhất.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|