THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: “RÁCH VIỆC” VÌ SO SÁNH

Lê Minh Quốc: “RÁCH VIỆC” VÌ SO SÁNH

rach-viec-vi-so-sanh-1R

 

Đi làm về, vừa ngồi bịch xuống ghế, khác hẳn mọi ngày, cô vợ hỏi một câu như đang “đố vui có thưởng”: “Anh có biết chuyện gì chưa?”. Ối dào, trên đời này, mỗi ngày có biết bao nhiêu thông tin, hỏi thế, nào khác gì đánh đố? Người chồng bèn cười xòa: “Em vừa trúng số độc đắc ấy à? Tuyệt vời! Phải thế chứ, vợ chồng mình “ở hiền” ắt “gặp lành”. Sướng thế”.

Câu nói đùa này, ngay lập tức nhận ngay cái nguýt dài: “Anh chẳng tâm lý gì sất. Có biết ngày mai là ngày gì không? Ngày chủ nhật đấy!”. Ơ hay, thì đã sao? Nào ngờ, cô vợ thở dài: “Bạn bè em rủ nhau đi nghỉ mát đấy. Nếu anh cũng tài giỏi như chồng người ta thì đâu đến nỗi”. Câu nói lấp lửng ấy, khiến người chồng sựng lại giây lát rồi cũng… thở dài!

Sở dĩ hay so sánh vì họ nghĩ rằng, nếu người vợ/chồng cũng tài ba, giỏi giang như thiên hạ ắt cuộc sống tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, họ lại quên rằng, “điểm xuất phát”, hoàn cảnh của mỗi nhà không nhau, do đó, mọi việc khó có thể diễn ra như ý. Anh Hoan, bạn học với tôi thời sinh viên được nhiều người khen vì có ý chí “vượt lên chính mình”. Từ quê lên thành phố ăn học, do nhà nghèo nên anh vừa đi học vừa dạy kèm, thậm chí còn phục vụ ở quán ăn để có tiền mua sách vở, giáo trình. Ai nấy phục lắm, dù thiếu thốn nhưng vẫn giỏi nhất lớp. Vì lẽ đó, bạn Thúy gật đầu trước lời tỏ tình của Hoan. Họ làm đám cưới, sau khi tốt nghiệp.

Thỉnh thoảng bạn bè gặp nhau, Hoan lại hỏi: “Có việc gì làm không? Giới thiệu cho tớ”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa, bộ cậu nghỉ ở công ty cũ rồi à? Uổng thế. Lương tháng của cậu “ngon cơm ngọt canh” lắm kia mà”. Hoan nhăn mặt: “Chẳng phải. Tớ muốn kiếm thêm tiền nhiều hơn nữa”. Qua một hồi tâm tình, Hoan cho biết phải “cày” thêm vì “nhột” trước những câu nói “bâng quơ” của vợ. Lần nọ, cả hai đưa nhau đi ăn đám cưới. Lúc về, bạn bè chào hỏi rồi chia tay. Nhìn thấy trong đám bạn cũ, có người đi về bằng xe hơi, cô vợ nhìn theo, bảo với Hoan: “Nếu anh làm ăn “ngon lành” như người ta…”. Nghe “tái tê” quá đi chứ? Chưa hết, lại có những lúc đi tân gia, đến nhà bạn bè, cô vợ lại kề tai Hoan nói nhỏ: “Bao giờ nhà mình sắm cái màn hình cong “xịn” cỡ đó, hả anh?”.

Những ước mơ đó, đành rằng, chẳng có gì sai trái, nếu sắm được thì tốt quá. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, khi nghe những lời phát ngôn ấy, không ít người cảm thấy bị áp lực nặng nề. Chẳng phải họ làm biếng, chay lười, bỏ bê công việc nhưng khổ nỗi đồng lương chỉ có thế. Vậy phải làm sao đây?

Dạo nọ, bạn bè tôi mỗi lúc nhận được điện thoại của Uyên là giật thót người. Hoặc tắt ngúm hoặc cứ mặc kệ nó ò ý e đến lúc nào ngưng đổ chuông thì thôi. Chẳng ai thích phải nghe những lời mời mọc, nì nài, năn nỉ, kêu gọi cùng góp vốn cho một dự án “khủng”. Sở dĩ bạn bè né tránh, một phần do không có nhu cầu, nhưng cái chính là họ không tin tưởng vào “chuyên môn” của Uyên. Ai đời một người chỉ buôn bán nhỏ lại có khả năng, vốn liếng đầu tư vào bất động sản như các đại gia?

Cuối cùng, mọi việc đã diễn ra thế nào?

Căn nhà vợ chồng Uyên đang ở đã cầm cố ngân hàng, chưa rõ bao giờ mới có thể lấy lại “sổ đỏ”. Nợ như chúa chổm. Tội nghiệp quá. Bọn tôi lấy làm lạ, vì sao đang yên ấm, ổn định, bạn mình lại lao vào lãnh vực không mấy am hiểu? Vì cơn cớ gì vậy? Ai nấy “bật ngửa”, không tin vào lỗ tai mình khi nghe Uyên tâm sự. Đại khái, không chỉ một mà nhiều lần, người chồng nói xa, nói gần: “Em có còn nhớ Kiên không?”. Ai thì có thể không, chứ người này cô “rành sáu câu vọng cổ” vì anh ta vốn người yêu cũ. Rồi sao nữa? Người chồng túc tắc, chậm rãi như đang nói bâng quơ, chẳng ám chỉ gì đến ai: “Anh biết quá đi chứ, Kiên chẳng có tài cán gì. Hắn ta “chuột sa hũ nếp” là nhờ vợ. Chà, cô ấy mới ghê gớm. Đi đông đi tây như đi chợ. Giỏi giang bằng trời”.

Trước mặt vợ, lại đi khen vợ của người yêu cũ, chẳng phải nói “xóc hông” là gì? Tự ái của Uyên nổi lên đùng đùng. Khổ nổi, lâu nay vợ chồng làm ăn “đầu tắt mặt tối”, thu nhập chỉ đến thế làm sao bằng như người ta? Mà khi nói thế tức người chồng so sánh mình thua tài, thua trí cô kia chứ gì? Nghĩ vậy, Uyên quyết một phen “vùng lên” để đổi đời, để cho bõ cái sự “xem thường” của chồng là vậy.

Với những tình huống tương tự, nếu cả vợ lẫn chồng cùng có suy nghĩ: “đèn nhà ai nấy sáng” thì mọi việc đã khác. Chuyện nhà mình khả năng đến đâu mình biết. Dẫu có đôi lúc nghĩ ngợi xa gần, thèm muốn được như họ cũng nên giữ trong lòng. Chẳng việc gì phải ngốc nghếch huỵch toẹt, ồn ào so sánh họ với người chồng/vợ của mình làm gì cho “rách việc”.

Người xưa có một câu cực kỳ chí lý: “Liệu cơm gắp mắm”. Đã vợ chồng với nhau, lời dặn dò ấy lại càng thiết thực. Hơn ai hết, người trong cuộc phải thấu hiểu hoàn cảnh nhà mình. Nếu không tế nhị, thỉnh thoảng lại so sánh, dẫu vô ý hoặc “nói cho sướng miệng” nhưng không khéo “nửa kia” đâm ra chạnh lòng. Để thỏa mãn nhu cầu, đòi hỏi của “một nửa”, có người đã lao vào công việc không thuộc sở trường. Kết quả đâu chưa thấy nhưng hệ lụy, rắc rối đã sờ sờ ngay trước mắt. Tệ hại hơn trước nhiều lắm.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 25.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com