Có đôi lúc, ta cảm thấy cuộc đời này đáng chán. Chẳng cái gì ra cái gi. Số phận hẩm hiu. Sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Thiên hạ làm cái gì cũng hanh thông, tốt đẹp; còn mình cứ trật duột mãi. Tưởng rằng với nỗ lực đó, ắt phải gặt hái một mùa vàng rực rỡ; không ngờ, vào phút chót lại có sự trục trặc. Chán là thế. Mệt mỏi là thế.
Với tình huống này, có người cảm thấy bình thường, tự an ủi: “Ồ, chẳng sao. “Có còn hơn không”. Còn hơn chẳng có gì sất. Lần sau, biết đâu sự may mắn sẽ mỉm cười”. Ngẫm nghĩ xong, họ cất tiếng cười vang và xem như không còn gì đáng bận tâm. Ngược lại, có người luôn hướng đến sự toàn bích. Mọi việc phải hoàn hảo “hết chỗ chê”. Họ quan niệm rằng, đã không “ra tay” thì thôi, chứ đã đầu tư công sức, tài chánh vào đó chỉ có “từ thắng đến thắng”, “trên cả tuyệt vời”.
Đành rằng, hướng đến sự thành công “trăm phần trăm”, tâm nguyện ấy cần hoan nghênh nhưng cũng phải tỉnh táo nhận ra đó là điều khó xẩy ra. Nếu không thế, làm gì có câu “lực bất tòng tâm”? Tự thâm tâm, ai cũng muốn “số đỏ” dành cho mình luôn “nguyên chất”, không hề pha tạp thêm một sắc nào khác, dù chỉ một giọt xám xịt. Hỡi ôi! Trên đời này làm gì có sự tuyệt đối? Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài nữa kia mà. Trong số chẳn còn có số lẻ, trong âm còn có dương và ngược lại v.v…
Có như thế, mới là sự vận động bình thường của mọi sự vật trong vũ trụ. Đã suy rồi thịnh và ngược lại. Nhiều người lại không nghĩ thế. Một khi gặp điều không ưng ý, họ lại tự dằn vặt làm khổ lấy chính mình, chẳng thà vậy, cũng chẳng sao. Thế nhưng, con người ta không ai sống lẻ loi, trơ trọi một mình, phải có sự nương nhờ qua lại. Gần đây, tôi nghe nói đến thuật ngữ “Hiệu ứng cánh bướm” (Butterfly effect). Với sự nhận thức cạn hẹp, tôi hiểu biết nôm na rằng, các nhà khí tượng học cùng giải quyết câu hỏi: “Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?” nói cách khác: “Hễ khi con bướm vỗ cánh ở bên này đại dương thì bên kia đại dương dậy sóng?”.
Không dám bàn đến triết lý sâu xa này, tôi chỉ trộm nghĩ đến sự tương tác, tác động qua lại giữa các sự vật. Đại khái, tâm lý thất vọng, buồn bã của mình còn có ảnh hưởng đến người chung quanh nữa. Đó mới là điều đáng nói. Vậy làm sao thoát ra khỏi ý niệm về sự tuyệt đối, từ đó, biết chấp nhận mọi sắc màu hiển nhiên để vui sống? Việc làm này, không chỉ cho mình mà còn vì người khác nữa.
Lúc trà dư tửu hậu, một nhà giáo vốn là chỗ thân thiết, anh có kể tôi nghe câu chuyện: Ngày xửa, ngày xưa, có ông bố gọi hai người con lại và bảo: “Dãy núi trước nhà ta, ở đó, có những viên ngọc “tuyệt thế mỹ ngọc”. Các con hãy đi tìm. Nếu tìm không được chớ có về nhà”. Hai người con vui vẻ lên đường. Họ hẹn nhau đúng ngày này, năm sau thì cùng quay về nhà.
Sau một thời gian cật lực tìm kiếm, người con cả chỉ tìm được những viên ngọc bình thường, dù thế, anh ta vẫn cất giữ. Chẳng nề hà. Miễn nó là ngọc. Đúng ngày đã hẹn, người anh rủ người em quay về nhà, nhưng người em trả lời: “Những thứ ngọc anh tìm được không phải là “tuyệt thế mỹ ngọc”, bố sẽ không hài lòng. Còn em, em sẽ tiếp tục đi tìm. Và chắc chắn sẽ tìm được”.
Không còn cách nào khác, người anh đành quay về một mình. Với số ngọc đó, người cha bảo: “Chỉ cần gia công thêm, chúng sẽ trở thành những viên ngọc quý hiếm. Rồi con sẽ trở nên giàu có”. Vâng lời dạy của cha, người con làm theo và mở cửa hàng bán ngọc. Nhờ đó, anh ta đổi đời. Trong khi đó, nhiều năm trôi qua người em vẫn chưa về. Đến lúc người cha ốm nặng, người anh quyết định lên núi tìm em để báo tin. Thế nhưng, người cha ngăn cản: “Em của con sẽ không quay lại nữa đâu. Nếu may mắn, nó sẽ hiểu được rằng sự hoàn mỹ không bao giờ tồn tại. Bằng không, nó phải trả giá bằng cả cuộc đời”. Giây lát sau, ông nói thêm: “Trên thế gian này không có gì là tuyệt đối. Nếu bỏ cả đời đi tìm, chỉ là sự lãng phí thời gian một cách ngốc nghếch”.
Nếu ý thức được điều hiển nhiên này, mỗi chúng sẽ có cách nhìn nhận phù hợp với sự việc xẩy ra dù chưa như ý.
Thử hỏi, sống trên đời, ai lại không đau khổ thống thiết, buồn bã u sầu lúc chứng kiến đấng sinh thành sẽ qua đời? Trong tình cảm mỗi người, tình cảm tột cùng đối chữ hiếu là lẽ tất nhiên. Do đó, ai ai cũng muốn nhờ cậy đến sự can thiệp của y học kéo dài thêm thời gian sống cho người ruột thịt mà mình yêu thương nhất.
Dăm năm trước đây, tôi có vào bệnh viện thăm vị giáo sư khả kính. Từ gia đình đến các môn đệ đều cố gắng mọi cách giành giật người bệnh ra khỏi bàn tay hắc ám của tử thần đang chờ chực. Cuộc chạy đua quyết liệt vô cùng. Những lúc nhìn thấy mọi biểu hiện trên nét mặt, thân xác người bệnh, tôi cũng cảm thấy đau đớn khôn xiết. Phải là sự chịu đựng ghê gớm. Lúc tỉnh táo đôi chút, vị giáo sư bày tỏ muốn được sớm “ra đi”, không thể chịu đựng được nữa. Nhưng rồi, vì sự yêu thương nên chẳng ai chấp nhận nguyện vọng ấy. Vẫn tiếp tục kéo dài điều trị với suy nghĩ “còn nước còn tát”.
Vị giáo sư chịu đựng đớn đau dai dẳng, kéo dài nhiều ngày là vì ai? Vì người đang khỏe mạnh đấy chứ. Bây giờ, nghĩ lại mới thấy rằng ngày đó, mọi người chúng tôi quá sức ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, chứ không vì người bệnh. Sự ích kỷ ấy xuất phát từ quan niệm muốn đạt đến sự tuyệt đối, hoàn hảo. Than ôi, suy nghĩ ấy có là ảo tưởng? Câu hỏi này không phải tiêu cực, buông xuôi mà phải biết nhìn nhận sự việc vốn thế. Đến một lúc nào đó phải biết chấp nhận để có giải pháp tốt hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam rằng, thơ văn đời Lý - Trần là một trong những dòng chảy uyên thâm, đỉnh cao văn hóa của dân tộc Việt. Nhận định ấy không sai. Và tôi, trong bài viết này, xin được chia sẻ bài thơ của thiền sư Vạn Hạnh: “Thân như bóng chớp, có rồi không/ Cây cối xuân tươi, thu não nùng/ Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”. Bản dịch này của nhà văn Ngô Tất Tố dịch và ông có bình như sau: “Bài này ý nói cõi đời này không có gì là vĩnh viễn, thân của người đời cũng như bóng chớp, có rồi lại biến thành không, các thứ cây cối, mùa xuân tươi, mùa thu lại khô. Vận của cõi đời có lúc thịnh, lúc suy nhưng đừng sợ hãi, cũng như giọt sương đọng trên ngọn cây vậy”.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 445 ngày 23.7.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|