“Ăn mừng đi! Khui sâm-banh cho rôm rã, đãi tiệc ở nhà hàng 5 sao, anh em, bồ tèo phải mời thật đông cho xôm tụ”. Phải thế mới oách xà lách. Được lên chức, ai không mừng?
Chức gì thì được, chứ trong trường hợp oái oăm này, chị Hằng lại thở ngắn than dài, thỉnh thoảng lại tặc lưỡi: “Cớ sự làm sao tại ra cái nông nổi này”. Nhiều ngày liền chị vẫn còn hoa mày chóng mặt, tưởng câu chuyện đùa của ngày Cá tháng Tư. Không hề, cậu con trai yêu quý cúi gầm mặt, ngập ngừng thông báo cái tin động trời ấy vào một ngày đẹp trời. Trời thì đẹp, nhưng lòng chị lại ngổn ngang trăm mối tơ vò một màu xám xịt.
Sau khi chia tay chồng, chị nhất quyết không “đi bước nữa”, mải mê làm ăn, kiếm thật nhiều tiền như một cách bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cảm. Những ngày đi sớm về muộn, toàn tâm toàn ý với các vụ ký hợp đồng, kinh doanh xa gần nên chị ít có thời gian ngó ngàng đến con. Chị cứ nghĩ, con trai đã lớn, tự nó ý thức được việc tốt xấu nên làm, nên tránh. Hơn nữa, nhiều năm liền, nó học hành giỏi giang nên chị cũng yên tâm.
Chiều hôm nọ, cậu con trai gọi điện thoại hẹn mẹ về nhà sớm, có việc cần bàn gấp. Chị thu xếp công việc ngay, với chị, yêu cầu của con bao giờ cũng ưu tiên hàng đầu. Lúc ấy, nó mới bảo: “Mẹ đi với chung với con”. “Đi đâu?”. Hỏi dăm lần bảy lượt, nó vẫn không trả lời, chỉ có nét mặt là đăm chiêu, tư lự. Dù không biết rõ sự tình thế nào, chị vẫn làm theo ý con. Trên đường đi, chị nhẹ nhàng, khéo léo gợi chuyện nhưng vẫn không moi được thông tin gì thêm. Cậu con trai yêu quý “ăn chưa no, lo chưa tới” chở chị một phát đến… bệnh viện phụ sản. Đi thăm ai đây? Chị đoán già donan1 non trường hợp của một vài người thân thiết, nhưng vẫn bí rị. “Chà, con trai mình cũng đáo để thật. Nó muốn tạo cho mẹ một sự bất ngờ đây mà”.
Bất ngờ gì?
Bước vào phòng, nhìn thấy cô gái quen quen. “À, nhớ rồi, con bé này là bạn học của con mình đây mà, thỉnh thoảng nó có đến nhà”. Nó đang nằm ôm đứa con đỏ hỏn, chị ngớ người không tin vào mắt mình nữa: “Mình có nhầm người không?”. Trả lời cho suy nghĩ vừa thoáng qua là câu nói chậm rãi: “Mẹ, cháu nội của mẹ đó”. Trời, chị muốn ngất luôn, tự dưng lại lên chức… bà nội một cách “ngang xương” thế này?
“Phải làm gì bây giờ?”, không riêng gì chị Hằng mà nhiều phụ huynh đã đối mặt trước tình huống dở khóc, dở cười này. Lại nữa, chuyện vợ chồng anh Lâm - bạn chí thân của tôi lúc lên chức ông bà ngoại còn ôm thêm “cục tức” to tổ chảng. Dù vậy, họ vẫn phải cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Sau khi biết cô gái bé bỏng là Tứ đang yêu đương với người đàn ông đã vợ, cả nhà Lâm đều phản đối. Bố mẹ răn đe, la mắng con gái, theo dõi từng “đường đi nước bước”- bằng mọi cách phải cắt đứt mối quan hệ tréo ngoe này. Dù Tứ đã ngoài 20 nhưng trong mắt vợ chồng Lâm vẫn là đứa trẻ dại, vì thế, họ cấm đoán rất quyệt liệt. Không những thế, anh chị em trong nhà cũng phản đối và mai mối cho cậu trai khác, con nhà tử tế, chưa bị ràng buộc gì. Việc gì phải yêu người đàn ông đã vợ con đùm đề cho nhọc thân?
Thế nhưng, cuộc đời cũng có những trường lợp kỳ quặc, người ta không chọn lối quang đãng mà cứ thích chui vào bụi rậm, đường đi khó khăn. Do cả nhà sử dụng biện pháp cứng rắn ấy nên Tứ cảm thấy hoàn toàn bị cô lập. Người mà cô thương yêu đố dám béng mảng đến thăm nhà, dù ngày Tết nhất đi nữa. Sống trong tình trạng bị “bế môn tỏa cảng”, Tứ hoàn toàn cô độc, khó có thể tâm sự với ai khác. Do đó, vô hình chung chàng trai có vợ lại trở thành điểm tựa, là người mà cô có thể chia sẻ mọi suy nghĩ lúc bức xúc nhất. Chẳng khó khăn gì, chỉ với cái điện thoại cầm tay là có thể “kết nối” mọi lúc, mọi nơi.
Nhưng rồi, cả nhà sửng sốt khi phát hiện cái bụng của Tứ ngày một to thè lè. “Phải làm gì bây giờ?”, vợ chồng Lâm cay đắng hỏi nhau. Cuối cùng, khi nhìn thấy con gái đang trong thế “liệt vị”, cả hai đành phải xuống nước tìm đến “tác giả” của cái bào thai mà họ ghét cay ghét đắng. Cuối cùng sự việc sử lý ra làm sao? Tôi không rõ lắm, chỉ biết đích xác rằng, hiện nay, Tứ đang vò võ ôm con một mình vì “chồng” vẫn chưa ly dị được vợ cũ. “Người ta lên chức ông bà nội/ngoại thì hãnh diện, vui sướng, đãi tiệc khoe rình rang chứ đâu như vợ chồng tớ”, nghe câu thở dài buồn nẫu ruột ấy, ai cũng ái ngại.
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái, các nhà tâm lý nói cực chuẩn, đó là cả một nghệ thuật, một kỹ năng rất cần thiết mà không phải ai cũng biết. Với câu chuyện vừa rồi, anh Lâm có lần kể, ngày trước Tứ tâm sự với mẹ nó: “Anh ấy thương con lắm, lo cho con từng ly từng chút một. Ảnh nói đang làm giấy ly dị vợ, chứ không phải thuộc “loại bắt cá hai tay”. Con lớn rồi, chứ còn còn nhỏ dại gì đâu mà bố mẹ cứ lo xa?”. Nếu ngày lúc đó, vợ chồng anh “tâm lý” hơn, đặt mình vào trong hoàn cảnh của con ắt có cách giải quyết khác, hiệu quả hơn. Biện pháp “ngăn sông cấm chợ” một cách triệt để mà không có sự phân tích đúng sai, phải trái v.v.. chỉ đẩy con mình đi xa hơn mà thôi.
Thật đúng khi quan niệm rằng, hằng ngày, vợ chồng con cái cần dành chút thời gian cùng ăn cơm, trao đổi tâm tình, vui chơi với nhau. Làm sao để quan hệ giữa cha mẹ và con cái không có khoảng cách quá xa, mà dần chuyển thành quan hệ bạn bè, cộng sự, cùng gắn bó chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Nhờ vậy, mới có thể phòng ngừa được “sự cố” lên chức một cách lãng xẹt, khi đó các bậc làm cha mẹ giật mình nhìn lại, tìm cách chấn chỉnh thì mọi việc đã muộn rồi.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 11.1.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|