Đọc thơ cũng là một cách thư giản. Nếu hội họa có sắc màu. Những sắc màu ấy tạo nên một không gian huyền hoặc thì thơ chỉ có chữ. Những con chữ mỏng manh, yếu đuối, mảnh khảnh nhưng đủ sức an ủi và chia sẻ nỗi niềm của con người. Tôi tưởng tượng đến một người suốt ngày vùi đầu vào công việc. Công việc cao như núi. Công việc ngập đầu. Bất chợt, nếu anh ta nghe đâu đó vọng đến câu thơ “Bạch vân thiên tải không du du” (Thôi Hiệu). Ủa! “Ngàn năm mây trắng trên đầu còn bay” kia mà.
Thì lúc ấy, hẳn anh ta sẽ ngửng đầu nhìn qua khung cửa sổ để tận hưởng vẻ đẹp của bạch vân mây trắng mà lâu nay đã không còn đi về trong trí nhớ. Đời sống là vậy. Có những điều rất đổi bình thường, nhưng rồi đến một lúc có thời gian tận hưởng thì nó lại đem đến cho ta một niềm vui, một hứng khởi mới.
Còn gì bận rộn hơn cái thời đại computer này? Khi mà mỗi phút anh đi, mỗi giây anh nghỉ không hề có thiên nhiên tham dự? Thì, sáng mở mắt ra đã bắt đầu cho một sự vội vã. Không kịp nhìn giọt sương trên bờ cỏ ven tường, không kịp nhìn nắng mới đang mơn trớn phía ngoài cửa. Không còn kịp nữa rồi. Vội vã điểm tâm. Vội vã đưa con đến trường. Vội vã vào cơ quan. Vội vã với điện thoại cầm tay. Vội vã với những con số. Vội vã với những kế hoạch. Vội vã diễn ra trong một không gian khô cứng bốn bức vách bê tông cốt thép. Không gian ấy khô cứng với hơi lạnh từ máy lạnh. Lạnh lùng như mùa đông. Lạnh lùng như công việc. Mệt mỏi. Lúc mệt mỏi nhất cũng là lúc anh sẽ phát hiện ra một điều kỳ diệu đến bất ngờ.
Thì đây, tôi có một nguời bạn gái làm việc cho một công ty nước ngoài, tận lầu 8 của một cao ốc. Thiên nhiên không lọt vào nơi ấy. Nơi ấy thời tiết của bốn mùa cũng không thể lọt vào. Chỉ là máy lạnh và ánh sáng từ ánh đèn lạnh lùng tỏa sáng. Bất chợt một buổi chiều, chị ngừng việc, đứng dậy, bước đến cửa sổ và vén rèm để nhìn ra ngoài. Trời ơi! “Mưa!”. Chị reo lên như một phát hiện lần đầu tiên bắt gặp trong đời. “Mưa! Mưa! Mưa!”.
Những giọt mưa đan chéo trên vòm cây đang biếc nõn lá xanh. Mưa đang vỗ vào mặt kính gương trong suốt như một lời mời gọi. Lời mời gọi của cái thuở xuân thì con gái thường rủ nhau đội mưa chiều tan trường về... Lời mời gọi của tháng ngày hoa mộng cuộc tình vừa chớm nở như câu thơ dịu vợi của Huy Cận: “Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi / m muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ / Tương tư hướng lạc, phương mờ / Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe/ Gió về, lòng rộng không che/ Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư”. Thiên nhiên đem lại cho chị một sự thân thiện, vậy mà lâu nay chị lại quên. Không phải chị vô tình, mà do công việc cuốn chị trôi qua ngày tháng...
Nếu chị, dù là một doanh nhân nhưng có tâm hồn của một nghệ sĩ, tôi tin rằng chị sẽ ghi được những dòng cảm tưởng kỳ diệu vừa đến trong lúc ngắm mưa, sau một thời gian dài nhọc nhằn cùng công việc. Mưa nắng là chuyện của trời đất. Nếu tĩnh tâm thì ta cũng sẽ tìm được trong nắng, trong mưa những điều rất đỗi lạ lùng.
Thử hỏi, trên đời này có “nắng thủy tinh” không? Ta hãy nghe nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn kể về “loại” nắng ấy như đang tự tình với người tình: “Ở Huế mùa hạ thường có những cơn mưa bất chợt. Có khi vào buổi sáng, thường là vào buổi chiều. Một thứ chiều chưa chiều lắm, mưa chưa kịp tạnh hẳn, nắng đã đột ngột bừng lên, sáng bằng một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, như những mảng thủy tinh long lanh trong vườn qua những kẻ lá, qua những khoảng cách chật hẹp giữa những hàng cây. Không ai đã đặt tên cho cái màu nắng ấy. Cả tôi cũng vậy. Chính bản thân nắng ấy có tên là nắng thủy tinh. Cái tên cúng cơm của một thứ tinh thể vô nhiễm ở một phút giây màu nhiệm khi được lọt lòng từ thiên nhiên”.
Nhưng “nắng thủy tinh” không chỉ có ở Huế, không chỉ ở ca từ Trịnh Công Sơn, nó có khắp trong cõi trời đất này, có tự trong lòng mình. Và mưa cũng thế thôi. Hạnh phúc không xa ngoài tầm tay của mọi người. Đôi khi nó chỉ đơn giản như lúc tĩnh tâm để ngắm mưa. Ai ngắm mưa, nhìn nắng cũng hạnh phúc như vậy sao? Không! Tại sao lại không? Nghịch lý quá đi thôi. Thì đây, xin bình tĩnh.
Này bạn, xin hãy cùng tôi lan man dông dài một chút. Lịch triều hiến chương loại chí là sách bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Tác giả là nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840). Để hoàn thành bộ sách vĩ đại này, ông đã mất mười năm. Mười năm ông trốn vào trong núi, xa lánh bạn bè, xa lánh mọi thú vui để lao tâm khổ tứ rèn bút. Thậm chí lúc bạn bè, người tình đến thăm thì ông cũng lấy nghệ bôi đầy người, giả ốm để tránh tiếp khách. Nghĩa là từng ngày, từng ngày ông chỉ vùi đầu vào công việc đang đeo đuổi.
Rồi một ngày kia, sau khi hoàn thành công việc, ông thong dong bước ra khỏi núi. Nhìn lên đỉnh núi, ông đã rú lên kinh ngạc khi thấy trên đầu mình là một vầng trăng vầng vặc sáng. Một ánh sáng diệu kỳ, lộng lẫy như không có thật ở trên đời. Sao lâu nay, đã lâu lắm rồi mình không phát hiện ra? Thưa, có những điều rất đỗi bình thường, ai nhìn thấy cũng bình thường, nhưng nó chỉ đem lại vẻ đẹp cho những ai biết tận hiến sức mình cho công việc một cách tích cực.
Nếu cô bạn của tôi không quý thời gian, không chìm vào công việc thì những giọt mưa ban chiều trên đường phố Sài Gòn sẽ không đem lại cho chị một cảm giác trẻ thơ vô nhiễm như thế. Và với nhà bác học Phan Huy Chú cũng thế. Ông đã “sở hữu” một vầng trăng đẹp mà không ai có được bởi đơn giản, vì đã tận hiến thời gian cho công việc.
Sực nhớ đến một mẩu chuyện mà tôi đã đọc thời đi học. Đọc thuở học trò bàn tay còn lấm lem dấu mực, hiểu theo một kiểu; nay ngọn gió thời gian đã cày nát trên gương mặt và để lại những dấu bầm trên quầng mắt như vết cắn, lại hiểu khác. Hiểu như thế nào? Câu chuyện như thế này. Một người đàn ông băng qua cánh đồng gặp con cọp. Cọp rượt đuổi. Chạy thục mạng. Chạy đến một vực sâu, anh nắm được một rễ nho và chuẩn bị đu qua bên kia. Nhưng bên kia cũng có một con cọp khác. Sợ hãi, nhìn xuống vực thẳm lại thấy một con cọp đang quắt mắt nhìn anh. Giúp anh chỉ có rễ nho. Đó cũng là lúc con hai con chuột đang gặm rễ nho. Rễ nho đang mòn dần... Bất giác anh thấy một trái dâu thơm đang gần đó. Làm gì bây giờ? Một tay nắm dây nho, một tay anh hái trái dâu. Ôi! Trái dâu mới ngon ngọt làm sao!
Lúc ấy, hẵn anh nghe trong gió vọng về câu thơ “Bạch vân thiên tải không du du” chăng?
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 426 ngày 9.1.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|