THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ghép đôi tuổi tác “so le”

LÊ MINH QUỐC: Ghép đôi tuổi tác “so le”

 

ghep-doi-tuoi-tac-so-le

 

Ai cũng nói, anh bạn tôi tốt số. Sau khi anh ly dị, vò võ ngày đêm “phòng không bóng chiếc”, cửa nhà rộng thênh thang nhưng lạnh lẽo lắm. Bếp núc chẳng bao giờ đỏ lửa. Thương tình, bạn bè mai mối để có người tâm sự đêm hôm, lúc ốm đau, khi bệnh hoạn.... Ban đầu, anh từ chối bai bãi vì chỉ hai bố con là đủ, cần gì phải thêm người nữa, biết đâu cuộc sống hằng ngày lại xáo trộn. Ý định là thế, nhưng rồi anh quay ngoắt “180 độ” vì được “se duyên” với cô gái chỉ mới chừng mười tám, đôi mươi.

Ở tuổi đã ngoài “ngũ thập”, anh tâm sự: “Nói thật với cậu, có nằm mơ tớ cũng không ngờ “hên” đến thế. Thì ra, đàn ông đàn ang lúc nào cũng “có giá” nhỉ?”. Nói xong, anh cười khà khà như vừa trúng số. Ngày rước dâu, tôi cũng có mặt với tư cách đại diện cho nhà trai. Điều khiến tôi và nhiều người ái ngại khi nhìn thấy độ tuổi chú rể ngang ngửa với bố vợ. Mà hai gương mặt cũng… già chát như nhau.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi nhận được tin nhắn của vợ anh hẹn gặp riêng. Vốn lo xa, tránh hiểu nhầm không cần thiết, ngày đó, tôi dẫn theo cô người yêu nữa. Không ngờ, trước mặt tôi là một hình ảnh tiều tụy, không còn chút xíu nào của cái sự mơn mởn như sen hồng khoe sắc thắm của ngày hợp hôn. Cô òa khóc: “Em quyết định ly dị, anh chị à! Trước đây, qua mai mối, em nghĩ, cưới người “cứng” tuổi thì hôn hôn nhân bền vững hơn, ai ngờ…”. Chà, sao lại thế nhỉ? Như thấu hiểu nỗi thắc mắc ấy, cô tâm sự tiếp: “Người đàn ông lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm đường đời, từng trải cuộc sống và công ăn việc cũng đã ổn định. Hơn nữa, do một lần gẫy đổ nên họ biết trân trọng những gì đang có, chứ không nhăng nhố “đứng núi này trông núi nọ” như bọn trẻ ranh ba lăng nhăng”.

“Chỉ vậy thôi à?”. Cô im lặng một lát rồi nói nhát gừng, ấp úng: “Xem anh chị như người nhà, em mới nói thật. Cưới một người như thế, trước hết, không phải lo lắng chuyện nhà cửa, kinh tế ổn định, đỡ vất vã hơn. Chứ đám bạn của em, dù yêu nhau thật lòng nhưng cuộc sống thiếu thốn quá, vất vã quá, suốt ngày cãi nhau về chuyện tiền nong rồi cũng chia tay cái rụp. Nhìn cảnh ấy, em ngao ngán quá, nên mới cưới anh Biện là vậy”.

Suy nghĩ ấy, có lý đấy chứ.

Vậy tại sao, cả hai lại không thể chung sống lâu dài?

Qua những lời giãi bày, tôi mới biết là giữa cô và anh bạn tôi có quá nhiều khoảng cách từ tâm lý, nhận thức đến kiến thức, kể cả sinh hoạt giường chiếu cũng “lệch pha” vì chênh nhau tuổi tác. Vốn là nhà thơ, sống bằng nghề viết lách nên anh thích sự lặng lẽ, thậm chí ít ra khỏi nhà càng tốt; còn cô lại muốn “hướng ngoại” với sự trẻ trung, nhộn nhạo, đông đúc mọi người. Thói quen của người đàn ông “cứng” tuổi thường khó thay đổi. Nếu người vợ trẻ muốn mỗi sáng, vợ nắm tay chồng cùng chạy bộ ra công viên: “một, vươn thẳng tay; hai, hít sâu vào; ba, đều đặn thở ra, tay nhẹ nhàng buông xuống” theo tiếng nhạc sôi động thì người chồng lại khoái ngồi lì trong nhà, thích trầm ngâm thưởng thức khói trà bay lãng đãng! Do không “hòa điệu” sở thích hằng ngày, không chóng thì chày, cuộc hôn nhân ấy cũng rạn nứt.

Tâm lý của đàn ông, theo quan sát và những gì đã chứng thực, tôi nhận ra rằng, không chỉ “trâu già khoái cỏ non”, có người còn thích được vợ/ người tình chăm sóc như lo toan đứa trẻ lớn xác. Sự dựa dẫm ấy bắt nguồn từ đâu, trả lời câu hỏi này dành cho các nhà phân tâm học.

Xin kể câu chuyện mà tôi “rành sáu câu vọng cổ”: Sau những phân tích, khuyên can, mắng mỏ nhưng cậu con trai vẫn quyết định đòi cưới cho bằng được cô gái lớn hơn những… tám tuổi. “Cuộc chiến” kéo dài mấy tháng liền, “trời không chịu đất” thì “đất chịu trời”, vợ chồng anh Vấn đành chìu theo ý của con. Tuy thế, anh vớt vát bằng câu tự an ủi: “Vợ lớn tuổi hơn chồng cũng hay. Nó chững chạc, có kinh nghiệm sống thì con trai mình cũng được nhờ”. Lời nói này, chí lý quá đi chứ?

Đúng thế, nhưng thật đáng tiếc, sau khi có hai mặt con, con trai của anh Vấn lại “no xôi chán chè”. Bước ra ngoài đường, vào công sở nhìn thấy các nữ đồng nghiệp cùng trang lứa chưa chồng, họ tươi ngon như chùm dâu chín cũng liếc mắt, cười đùa ùa cợt trẻ trung, thế mà lúc về nhà… Về nhà thì sao? Thì lại nén tiếng thở dài bởi vợ mình “xuống cấp” nhanh quá. Chẳng phải đã yêu thương, không còn mê đắm nhưng khổ nỗi khó có thể dung đăng dung dẽ như trước, vì biết đâu có kẻ xấu mồm nói lén sau lưng: “Ừ, cứ như hai chị em đấy nhỉ”. Chỉ nghĩ đến đó là đã “oải chè đậu”, mất hết tự tin, chi bằng… đi một mình cho khỏe cái thân! Mà lại còn có dịp “đuổi hoa bắt bướm” nữa chứ!

Là bậc làm cha làm mẹ, phải khuyên can thế nào đây? Vợ chồng chị Vấn đứng “cửa giữa” cũng khổ tâm. Còn về chuyện riêng tư của vợ chồng anh Biện, khi tôi dò hỏi, anh chỉ nói đúng một câu: “Khuya nọ, tới lên cơn đau tim đột ngột, tưởng “chầu trời” nhưng lúc ấy, cô ta chẳng hề biết cách xử lý gì cả. Biết trách ai bây giờ? Cô cô ấy còn trẻ quá. Chuyện gì cũng phải hướng dẫn, dạy dỗ từng tí một như như dạy con”. Những tình huống này, trước đây, chẳng ai ngờ có ngày lại xẩy ra trớ trêu đến thế.

Yêu ai, lựa chọn ai là quyền mỗi người. Có những cặp vợ chồng, nếu so về tuổi tác như đôi đũa lệch, nhưng lại hạnh phúc ngời ngời. Tuy nhiên, những lời khuyên của đấng sinh thành không bao giờ thừa, cần biết lắng nghe; hoặc không, tự mình phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ trước khi cùng song ca “như chim liền cánh, như cây liền cành”. Hôn nhân là một thế giới của nhiều câu chuyện, nhiều tình huống sẽ phát sinh trong quá trình chung sống, do đó, tự lường trước những bất cập xẩy ra để có quyết định cuối cùng. Sự chín chắn ấy, dù cưới vợ/chồng dù cùng tuổi hoặc so le cũng là điều cần thiết.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 21.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com