THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Bình an dưới thế cho người thiện tâm

LÊ MINH QUỐC: Bình an dưới thế cho người thiện tâm

 

binhan-duoi-the-cho-nguoithiuen6tam

 

"Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa…”. Tiếng hát ấy cất lên, không dành riêng cho một ai, bởi lẽ, ngay từ lúc chào đời, dù nghèo khó đến độ phải nằm nơi “máng lừa”; hoặc lọt lòng trên gường vàng nệm ngọc đi nữa thì ánh sáng từ nơi sâu thẳm nhất vẫn là sự hướng thiện. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Ngay từ lúc lọt lòng, cái thiện đã hiện hữu. Nghĩ cho cùng, triết lý sống của các màu da trên trái đất này, dù thế nào đi nữa, lòng yêu thương vẫn là điểm sáng mãnh liệt nhất.

Có điều trong cuộc mưu sinh, vật lộn với cơm áo gạo tiền, mệt nhoài với hư danh, không ai khác mà chính chúng ta đây, lại lãng quên, quên đi “báu vật” ấy vẫn tồn tại trong chính bản thể của mình. Vì thế, đôi lúc cũng cần phải có sự việc tồi tệ nào đó xẩy ra, ta mới có dịp thức tỉnh.

Từ thuở bé, khi còn là độc giả của báo Thiếu Nhi do ông Nguyễn Hùng Trương - chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng tại Sài Gòn thập niên 1970, làm chủ nhiệm, tôi đã xúc động với câu chuyện “Tình thương xóa bỏ hận thù”, dịch lại từ tạp chí Reader’s digest:

Vào mùa Giáng sinh năm đó, cháu gái 13 tuổi - con của vị giám đốc ngân hàng về quê thăm bạn. Cháu cùng bạn bè đi trên chiếc xe ngựa chở đầy hoa và cỏ khô. Suốt dọc đường, các cháu ca hát vui nhộn và nghĩ đến lúc nửa khuya được sum vầy ăn lễ “rề-vây-dông” (réveillons). Chẳng may, có chiếc xe tải chạy ngược chiều đã đụng vào xe ngựa, hất tung người xà-ích và đám trẻ xuống đường. Nhìn thấy máu me chết chóc, người tài xế hoảng sợ bèn lái xe chạy trốn.

May thay, lúc ấy, bác sĩ Đôn Am đi ngang qua, ông kêu gọi chủ nhân ngôi nhà, nơi ngay trước chỗ các em bị tai nạn hãy mở cửa để ông đưa vào các cháu vào cấp cứu. “Cứu nhân như cứu hỏa”, không thể chần chừ, vì  bệnh viện cách nơi xẩy ra tai nạn cả hàng chục cây số. Chủ nhân của ngôi nhà đó, nhất định không mở cửa. Ông bảo: “Đây là trường hợp khẩn cấp, không ai có quyền từ chối, hơn nữa tôi chỉ mượn tạm căn nhà trong vài tiếng đồng hồ”.

Giây lát sau, cánh cửa mở ra. Các cháu được đưa vào căn nhà rộng thênh thang. Bác sĩ Đôn Am hết lòng cứu chữa, trong lúc đó, có một thiếu nữ vẫn dửng dưng, đứng khoanh tay nhìn về phía trời xa. Ông bác sĩ bảo Mai - người hầu gái: “Cháu hãy bảo cô ấy phụ tôi một tay, nhanh lên, lấy khăn và nước ấm lau sạch vết thương cho các cháu”. Mai lắp bắp: “Thưa ông, đó là cô Hoa Bích, chủ nhân ngôi nhà này”. Bác sĩ trả lời: “Cô ta cũng có tay, có chân phải không?” rồi nói vọng về phía cô ta: “Tôi đang cần cô giúp cho một tay”. Nghe lời nói tha thiết ấy, dù bực bội nhưng cô cũng làm theo. Và lạ thay, khi chăm sóc, lau vết thương cho các cháu và lúc đến con gái ông chủ ngân hàng, bỗng dưng cô xúc động dữ dội vì ánh mắt ấy nhìn cô trìu mến, tỏ lòng biết ơn và thấm đẫm tình mẫu tử.

Sau khi hoàn tất công việc, bác sĩ Đôn Am với có dịp trò chuyện với cô chủ nhà. Cô phân bua: “Ông biết không, sở dĩ vừa rồi tôi đã có thái độ dửng dưng vì qua bọn trẻ, tôi đã nhìn thấy kẻ thù của tôi”. Vị bác sĩ ngạc nhiên: “Kẻ thù? Tôi không hiểu”. Cô trầm ngâm: “Trước một ngày chuẩn bị làm lễ đính hôn, người sắp cưới lại phản bội tôi, anh ta lấy người bạn tôi, đẹp hơn mà cũng giàu có hơn”. “Người đó là ai?”. Cô đáp: “Là ông chủ ngân hàng hiện nay”.

Hèn gì vừa rồi, cô mới có thái độ đáng ghét ấy. Ngẫm nghĩ một lát, bác sĩ Đôn Am từ tốn: “Cô vừa chăm sóc con gái của một người mà cô đã thù hận. Chắc chắn không riêng gì ông ta mà cha mẹ của các cháu bị nạn cũng đều biết ơn cô, nếu tôi kể cho họ nghe rằng, chính cô là người đã mở cửa nhà và yêu cầu tôi hãy cứu cứu sống chúng. Cô đồng ý chứ?”.

Nhìn các đứa trẻ đang thiêm thiếp ngủ, không còn cất lên tiếng rên kêu đau nữa, cô Hoa Bích cảm động và gật đầu. Ít ai biết, chính từ cái gật đầu ấy cũng là lần đầu tiên, sau khi bị tình phụ, cô đã đón lễ Giáng sinh nhẹ nhàng, hân hoan mà trước đó không hề có. Câu chuyện chỉ có thế. Kết thúc ấy, đã mở ra điều gì? Đó là sự thay đổi nhận thức ở Hoa Bích, không còn chỗ cho lòng thù hận nữa. Nhờ thế, cô đã nhìn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Đành rằng, sự yêu thương sẽ xóa bỏ hận thù, nhưng nếu cái ác khoác bộ mặt nhân hậu của sự bác ái, từ bi thì sao? Truyện ngắn Ông già Noel của bé Joe của nhà văn da đen Mỹ Langston Hughes (1902-1967), nhiều thập kỷ qua đã lay động lòng thổn thức của hàng triệu người đọc là vì lẽ gì?

Chuyện rằng, vừa kết thúc công việc, chị đầu bếp Arcie quay về nhà đưa cậu con trai là bé Joe đi chơi lễ. Trước cửa hàng giảm giá đông đúc người chen chúc, bé Joe được mẹ dặn phải đứng yên một chỗ để cô lấn vào mua hàng. Đứng ngoài trời chờ mẹ, tuyết bay lạnh cóng, nhìn sang bên kia đường thấy có nhiều cửa hàng khác bao nhiêu là đồ chơi đẹp hơn, vui chân bé Joe bước tới, rồi đi xa hơn nữa. Bé reo vui khi thấy mình đứng trước cửa rạp chiếu phim và bước chân vào mà không hề biết nơi ấy không dành cho người da màu. Bé Joe sung sướng khi nhìn thấy ông già Noel và nghĩ rằng, mọi đứa trẻ trong đêm giáng sinh đều được nhận quà.

“Ông Noel cúi xuống cầm lên một chiếc xập xỏa bằng thiết mà người ta thường dùng trong các quán rượu. Ông ta lắc thật mạnh chiếc xập xỏa đó trước mặt Joe. Đó là một trò đùa lạ lùng. Đám người da trắng lớn nhỏ đều cười rộ lên khoái trá. Nhưng Joe không cười được. Nó khiếp hãi nên quay đầu bỏ chạy khỏi rạp ấm áp, lẫn vào đám bộ hành ngoài đường đầy tuyết trắng. Khiếp đảm vì những tiếng cười nhạo, nó bắt đầu khóc hu hu”.

Lúc đó, chị đầu bếp Arcie hớt hải, lo lắng vì mua hàng xong, không tìm thấy Joe. May mắn, chị đã tìm thấy con. Trên đường về, Joe thú thật đã vào rạp chiếu bóng vì có ông ông già Noel. Sau đây là mẩu đối thoại hay nhất trong truyện ngắn trên: “Chị Arcie giảng giải cho con: “Ồ! Đó không phải là ông già Noel đâu. Nếu phải, ông ấy đã đâu đến nỗi đối xử với con một cách tàn tệ như vậy? Nơi đó là hí viện của người da trắng. Mẹ nói cho con biết rồi, và ông ấy chỉ là một người đàn ông da trắng thôi chứ không phải ông già Noel”. Bé Joe tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ, thế hả mẹ”.

Không riêng gì bé Joe, trong cuộc sống đôi khi chúng ta vẫn lầm tưởng như thế. Cái ác, cái xấu đeo bộ mặt của từ tâm, của sự hướng thiện khiến ta đổ vỡ niềm tin vốn có. Thế nhưng, không một sự xảo trá nào có thể tồn tại vĩnh viễn dưới ánh sáng mặt trời. “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” vẫn là điều có thật. Ước mơ ấy có thật, nếu chúng ta chọn lấy một lẽ sống là sống vì niềm vui của kẻ khác.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 424 ngày 19.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com