THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đàn ông là … con gà trống?

LÊ MINH QUỐC: Đàn ông là … con gà trống?


dan-ong-la-con-ga-trong-1R

 

Vào một ngày phơi phới nắng mai, chúng tôi hào hứng rủ nhau vào một quán ăn. Quán sang trọng, bất ngờ khi nhìn thấy trên tường treo đầy…thơ. Những câu thơ đại loại như: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm con gà trống sống đời tự do/Sáng ra thì gáy ó o/ Cả ngày đạp mái không lo trả tiền”, đọc đến đó, có người cười như nắc nẻ. Chưa hết, lại những câu cũng “cà chớn” không kém: “Những con gà trống hoa mơ/ Mải mê đạp mái bạc phơ cả đầu/ Bạc đầu có sá gì đâu/ Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?”. Thứ thật, tôi cảm thấy choáng với “triết lý sống” như trên. Nếu chỉ đọc bỡn cợt lúc trà dư tửu hậu, tha hồ bình luận lúc “chém gió” thì được, chứ ai đời lại giấy trắng mực đen rành rành thế này?

Vậy hóa ra, tôi là mẫu người của cái sự đạo đức, đạo mạo nghiêm chỉnh quá chăng? Không hề, Chẳng phải đâu. “Mất lòng trước, được lòng sau”, phải nói ngay rằng, lâu nay, vẫn có suy nghĩ cho rằng, bản năng tính dục của người đàn ông chẳng khác gì con gà trống! Hơn cả thế, không có cơ hội thì thôi, nếu có, ắt sẽ  “ăn tươi nuốt sống” ngay, không thèm tán tỉnh, ba hoa chích chòe bằng cách cất giọng “ò, ó, o”. Điều đó, có nghĩa, đàn ông vốn “ăn tạp, có là “xơi” ngay tệ hại đến thế sao?

Tùy theo tính cách, nền tảng văn hóa mà mỗi người có cách ứng xử khác nhau trước cái đẹp, nhất là cái đẹp ấy hiện thân từ thân xác của người đàn bà.

Có phải khi đã say bét nhè, say quắc cần câu, Chí Phèo kia mới có thể động tình cùng người đàn ba xấu nhất làng Vũ Đại? Không! Anh ta dù tỉnh táo cũng thế thôi. Đơn giản, chỉ vì trước đó, anh Phèo nhà ta chưa hề được tận hưởng vẽ đẹp mơn mỡn đào tơ của cô nàng như Tây Thi, Điêu Thuyền chẳng hạn. Thế thì, với Thị Nở, trong mắt gã đã là giai nhân tuyệt sắc, dù rằng: “Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người”. Vì thế không phải ngẫu nhiên một nhà hiền triết khẳng định chắc nịch như dao chém chuối: “Trong mắt con cóc đực thì con cóc cái là đẹp nhất”.

Giả sử trước đó đã từng mê mẫn tâm thần với những tuyệt sắc giai nhân cỡ Thần Vệ Nữ, liệu chừng Chí Phèo có hứng tình với Thị Nở không? Câu hỏi trên, trả lời như thế nào? Có lẽ còn tùy thuộc vào tâm tính, bản lĩnh, nhận thức… của từng người đàn ông. Có người lao vào chiếm đoạt, có người hoàn toàn không có một chút cảm giác gì sất; có người hậm hực nuốt nước bọt, thèm thuồng, cứ như “mèo thấy mỡ”; có người lại chẳng gợn lên rung động mảy may nào. Chính vì thế, để có một kết luận cuối cùng, rất khó, vì bản chất vấn đề hoàn toàn mang tính chủ quan.

Một nhà văn nổi tiếng của nước Pháp nói đại khái là, người đàn ông có thể đưa phụ nữ lên” chín tầng mây xanh” bằng những ngôn từ cao sang, trang trọng nhất như ca ngợi một nữ hoàng nhưng sẵn sàng làm tình với họ trên manh chiếu rách. Hóa ra mọi lời lẽ, mọi cách hành xử đều nhằm đạt đến một mục đích duy nhất. Nói như một nhà văn nọ, đàn ông “cần một cái chỗ”, trong khi đó, người đàn bà “cần một lý do”. Trong trường hợp này, đàn ông có khác gì con gà trống? Nhưng bạn cũng đừng quên, có không ít trường hợp ngược lại, vì đây là vấn đề không thể tìm được "mẫu số chung".

Với tôi, tôi rất thích một thứ “triết lý” đơn giản mà chuẩn xác hơn, chẳng rõ ai đó đã đúc kết được bản chất của đàn ông không khác gì… kẻ đi săn. Phải thế chứ. Đi săn là một thú vui, một lối thư giản, dù khi vác súng đi săn, không phải ai cũng "săn" như ai. Kẻ tầm thường là gặp bất kỳ “cái gì” cũng nổ súng. Hành động này xoàng quá, chẳng khác gì một kẻ vừa mới “no xôi chán chè” ở nhà nhà hàng 5 sao nhưng thấy quà vặt cũng cố thử hương vị “là lạ” xem sao. Lại có những kẻ cứ thích món ăn vặt vãnh đâu đó ở góc phố này, đầu hẽm kia dù rằng chẳng hề biết “an toàn thực phẩm” thế nào. Nhưng cũng có kẻ đi săn nhưng “cao cơ”. Có người biết chọn lọc. Thậm chí càng khó tiếp cận “mục tiêu”, càng khó khăn, càng “trày vi tróc vẩy” lại càng gợn lên những cảm xúc hấp dẫn, càng khiến trái tim đập nhịp hăm hở hơn, quyết liệt săn đuổi. Họ mới thật sự những “thợ săn” thứ thiệt.

Cuối cùng, dù là “gà trống” hoặc“thợ săn” thì bao giờ thiết chế xã hội cũng luôn có rào cản để điều chỉnh hành vi của đàn ông, đại loại như dư luận xã hội, đạo đức, nếp nhà, tâm linh v.v… Vượt rào theo cách nào, đến mức độ nào, chấp nhận hậu quả ra sao là tùy thuộc vào các loại đàn ông khác nhau. Cuộc sống là vậy, luôn đa diện, đa sắc.

L.M.Q
(nguồn: Báo PN TP.HCM 13.1.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com