THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hay chi “câu chuyện làm quà”

LÊ MINH QUỐC: Hay chi “câu chuyện làm quà”

hay-chi-cau-chuyen-lam-qua-1R


Có những người không phải xấu tính, trái nết, chỉ có điều, họ có thói quen hay quan tâm, tò mò đến chuyện của thiên hạ. Hễ ai đó vừa xẩy ra chuyện gì, dù lớn dù bé, họ cũng tọc mạch, tò mò, xía mũi tìm hiểu. Thậm chí, chưa rõ ngọn ngành đã tuôn lời bình phẩm…

Sự quan tâm quá lố ấy, đôi khi chẳng phải nhằm hại gì ai mà chỉ là một cách “thu thập thông tin”. Có như thế, khi tán hưu tán vượn, “buôn dưa lê” mới tỏ ra mình thuộc loại “ma xó”, cái gì cũng biết tất. Được như thế, mới chứng tỏ “tay đây” mới là “nhân vật quan trọng”. Nghĩ cho cùng đó là do tâm lý muốn chứng tỏ, muốn thể hiện lúc nào cũng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, bất kỳ chuyện gì đầu làng cuối xóm cũng biết tỏng.

Tâm lý này, tưởng rằng vô thưởng vô phạt, chẳng “chết thằng Tây đen” nào vì chỉ lấy thông tin đó kể lại cho người khác như “câu chuyện  làm quà”. Nhưng rồi lắm lúc lại xẩy ra những tình huống ngoài dự kiến không ngờ đến.

Mới đây thôi, nhóm bạn tôi nhốn nháo, ngạc nhiên khi nghe anh Y báo tin cô X đưa chồng sang Singapore chữa bệnh ung thư vòm họng. Chà, phen này “trời kêu ai nấy dạ”, phải tìm cách an ủi, động viên một câu cho chí tình bạn hữu. Khổ nỗi, điện thoại của vợ chồng X luôn ò í e; gửi tin qua email lại không thấy reply; tìm trên trang Facebook cũng chẳng có thêm thông tin gì mới.

Do không liên lạc được, sốt ruột quá nên nhóm bạn mới gặng hỏi anh Y lần nữa: “Vì sao biết được tin đó?”. Không chần chừ, Y trả lời ngay: “Hôm trước gặp nhau, tâm sự với tớ, chồng X cho biết quyết định bỏ thuốc lá vì sợ ung thư”. Vốn cẩn thận, có người hỏi thêm: “Sao biết chồng X ung thư vòm họng?”. Y cười giòn giã: “Về đọc sách lại đi, nếu không thì hãy hỏi bác sĩ, hút thuốc lá thì có nguy cơ ung thư ở đâu? Hỏi thế cũng hỏi”. Vậy, cái tin này chính xác quá rồi. Không liên được người trong cuộc, vì có lẽ họ cố tình giấu nhẹm, không muốn người thân, bạn bè biết được mà thêm lo lắng.

Rốt cuộc, cụ thể sự tình như thế nào?

Chừng một tuần sau, báo hại vợ chồng X phải điện thoại cho khắp nơi để cải chính cái tin thất thiệt đó. Đúng là chồng X có bỏ thuốc lá, họ có đi Singapore nhưng là du lịch chứ hoàn toàn không dính dáng gì đến vấn đề sức khỏe! Sự “nhiệt tình quá đáng” của anh Y khiến ai nấy đều buồn lòng. Chỉ mới nghe một đôi câu “ba chớp ba nháng” mà đã suy diễn lung tung nên anh bị bạn bè mắng té tát cho cái tội “trù ẻo”.

Mà này, biết thêm chuyện của thiên hạ, ích gì không? Tùy nhìn nhận của mỗi người nhưng sau khi nghe cái tin đó, mỗi người có một cách bình phẩm, đánh giá khác nhau khiến cuộc “buôn dưa lê” càng thêm phần rôm rã. Nói cách khác, lấy chuyện thiên hạ để “bình lựng”, dù chưa hiểu ất giáp gì cả là những người “nhiều chuyện”.

Điển tích “Tăng Sâm giết người” có thể xem như “kinh điển” của thói xấu ấy: Tăng Sâm là học trò xuất sắc của Khổng Tử, đồng thời là học giả nổi tiếng đức độ. Có lần một người cùng tên Tăng Sâm bị bắt vì tội giết người, thay vì phải kiểm chứng thông tin chu đáo, người hàng xóm liền nhanh nhẩu chạy đến gặp mẹ của ông kể lại như “câu chuyện làm quà”: “Bà biết gì chưa? Tăng Sâm vừa bị bắt do tội giết người”. Mẹ của Tăng Sâm rất hiểu con mình, tin chắc rằng Tăng Sâm không giết người nên tiếp tục dệt vải.

Khổ nỗi, tin này “hot” quá, sốt dẻo quá nên vừa nói xong, hắn ta liền vụt chạy kể cho người khác. Phải thế chứ, tin “mới ra lò” còn nóng hổi, phải kể cho người khác nghe nữa, kẻo không “ngứa miệng” lắm. Thế là, đầu làng cuối xóm đồn um lên. Ai cũng tin đó là thật. Lát sau, lại thêm người thứ hai chạy đến nói với mẹ của ông rằng: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm vẫn không tin con mình có thể làm điều ác đức nhưng đã bắt đầu nghi nghi ngờ ngờ. Lát nữa, người thứ ba lại nói: “Tăng Sâm giết người”. Đến lúc này mẹ của Tăng Sâm sợ hãi tin là thật, ngay lập tức bỏ công việc mình đang làm và chạy trốn.

Thế đấy.

Đôi khi nhiều người tự dưng bị “cái vạ” ấy, trách người đã tung tin ư? Đúng rồi, nhưng ngẫm lại họ cũng chẳng có có “ý đồ” gì, chẳng qua chỉ do muốn thể hiện mình là người trước nhất biết tin đó. Làm sao né tránh? Trả lời câu hỏi này, tôi xin kể lại câu chuyện mà thời sinh viên đã nghe thầy Hoàng Như Mai kể.

Lúc ấy, Trường Đại học Tổng Hợp TP.HCM vẫn còn căng-tin ngay trong sân trường. Sau tiết giảng, thầy trò thường ghé qua đó giải lao, có lần thầy kể: Nhà triết học Socrate không chỉ nổi tiếng về sự uyên bác mà còn rất chu đáo, cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin. Câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” đã ít nhiều phản ánh điều đó.

Lần nọ, có người hớt ha hớt hải chạy đến tìm gặp Socrate: “Thưa ngài, tôi muốn kể cho ngài nghe một việc có quan hệ đến người bạn của ngài”. Với người khác ắt nhảy nhổm lên mà hỏi: “Chuyện gì? Chuyện gì? Kể nhanh đi”. Nhưng không, với nhà triết học lại khác, ông từ tốn đáp: “Anh hãy cho tôi biết, câu chuyện anh sắp kể đã đưa ba bộ lọc chưa?”. Nghe lạ tai quá, người này bèn hỏi: “Bộ lọc gì ư? Tôi không hiểu”. Socrate mỉm cười: “Bộ lọc thứ nhất, anh đã tìm hiểu chuyện đó có thật hay không?”. “À, tôi nghe người khác kể lại”. “Nghe người khác kể mà vẫn tin là thật? Thôi, cứ cho là thật. Bộ lọc thứ hai, chuyện anh sắp kể tốt hay xấu?”. Người này luống cuống: “Tôi cứ kể nhưng tùy ngài suy xét”. Socrate nghiêm mặt: “Câu chuyện sắp kể, anh cũng không rõ nội tình của nó, vậy kể ra làm gì? Và đây nữa, bộ lọc thứ ba là chuyện đó có liên quan gì đến tôi không?”. Người này ngậm tăm, không trả lời được. Socrate nói tiếp: “Vậy tôi biết để làm gì? Nếu anh tin lời tôi, nên bắt chước tôi mà đừng nghĩ đến việc ấy nữa”.

Kể xong thầy Hoàng Như Mai cười xòa, đôn hậu: “Vâng, có những chuyện “trời ơi đất hỡi”, không rõ hư thật thế nào, không thuộc về mình, mình có biết cũng chẳng giải quyết, chia sẻ được, vậy bàn tán, bình luận làm gì? Khác gì ôm rơm rặm bụng?”.

Lời khuyên của thầy, chúng tôi vẫn còn nhớ đến nay.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 423 ngày 12.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com