THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chia tay không phải là ngõ cụt

LÊ MINH QUỐC: Chia tay không phải là ngõ cụt


chai-tay-khg-phai-la-ngo-cut

 

Có một sự việc chẳng một ai muốn nó xẩy ra, nhưng rồi biết làm sao được, nhiều người phải chấp nhận: “đường ai nấy đi”. Ngày ấy, khó có thể quên và nó trở thành một vết sẹo khó nguôi ngoai. Có người, vết sẹo ấy liền miệng, thôi sưng tấy; nhưng có người vẫn âm ỉ đau mãi.

Vậy phải làm sao?

Không phải ai cũng có một thái độ dứt khoát. Dù đã biết rõ kết cục nhưng rồi họ vẫn không thể thoát ra được. Tôi có cô bạn thân thiết là Ngọc. Thời sinh viên, cô tươi đẹp, xinh xắn đã khiến không người đeo đuổi, tán tỉnh. Cuối cùng, trong nhóm bạn chỉ có Huấn do kiên trì đeo bám, nhẫn nại, biết galant nên chiếm được trái tim người đẹp. Khổ nổi, động cơ của Huấn trong cuộc “trường kỳ mai phục” không phải từ tình yêu mà do lời thách đố của bạn bè. Ôi! Thời trai trẻ, ai lại không có lúc sốc nổi trẻ con như thế?

Thời gian yêu nhau, Ngọc cho “tạm ứng trước” và có bầu, tình thế ngoài dự kiến này đã buộc Huấn không thể “quất mã truy phong”. Phải cưới. Ăn ở với nhau nhưng Huấn vẫn không thể quên được Hòa, vốn là người yêu từ thời trung học. Dù biết Huấn trong tình trạng “chim vào lồng, cá cắn câu”  nhưng Hòa vẫn “bắn tiếng” chờ đợi! Vì thế, vợ chồng Huấn lục đục, đồng sàng dị mộng, nhìn mặt nhau nhưng đố ai biết ai đang nghĩ gì trong đầu. Chịu hết siết, lúc tức giận Ngọc buột miệng đòi ly dị như một cách “nắn gân”, không ngờ, Huấn vin vào đó như cái phao để thoát ra khỏi cuộc hôn nhân.

Với con người ấy, bạn bè đều khuyên Ngọc quên béng đi vẫn là cách tốt nhất, chẳng việc gì phải níu kéo. Vậy mà, dù ly dị nhưng Ngọc vẫn nhớ, vẫn đau, vẫn giận và… vẫn yêu. Từ đó, cô sống trong tâm trạng như ca từ nọ: “Tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi”.  Nhưng một khi người kia đã “lìa xa” rồi, không níu kéo được thì than thở có ích gì? Khổ nổi người trong cuộc lại không nghĩ thế, họ cứ nuôi hy vọng “biết đâu, có một ngày…”.

Mà dù thừa biết không thể “có một ngày” đó, nhưng sống mãi trong tâm trạng héo hắt, đau buồn nên họ khó có thể “làm lại cuộc đời” và bỏ qua nhiều cơ hội ngay trong tầm tay. Với Ngọc, sau đận ấy, vẫn còn người lui tới nhưng cô chẳng mảy may mở lòng. Đọc truyên ngắn Tâm sự của nước độc của nhà văn Nguyễn Tuân, ta vừa thương vừa giận nhận vật Lãnh Út. Sau khi vợ mất vì tai nạn do đoàn xe hỏa lật úp xuống vực, anh ta bèn lập ấp Mê Thảo như một cách phản kháng lại “văn minh cơ giới”. “Lãnh Út chết vợ trẻ, đâm ra buồn phiền, sao nhãng việc sản xuất, bỏ mặc việc cai trị trong hàng ấp, chỉ ngà ngà uống rượu, lắm lúc say, phạm cả vào điều bạo nghịch làm cho dân ấp ta oán… Cậu Lãnh uống nhiều quá, lắm kỳ hụt cả vào tiền thuế thổ trạch”. Thủy chung với vợ, dù đã khuất là điều đáng trân trọng, nhưng vẫn không thoát ra khỏi nỗi nhớ thương dằng dặc khiến trở thành người điên dại, liệu có nên chăng?

Trường hợp của Lãnh Út không phải ngoại lệ, tuy nhiên vẫn còn có thể cảm thông. Gần đây, dư luận thật sự “choáng” với lắm chiêu trò tai quái của những kẻ cuồng yêu. Một khi đã không thể yêu nhau, chung sống với nhau nữa, giải pháp tốt nhất vẫn “đường ai nấy đi”. Dù có đau, nhưng thời gian chính là liều thuốc kỳ diệu nhất. Mọi van xin, níu kéo hoặc nước mắt, hoặc bạo lực cũng không thể “giải quyết vấn đề”. Thế nhưng lại có kẻ ma mãnh giở trò đê tiện là tung clip của hai người lúc còn mặn nồng lên mạng xã hội. Hành động phạm pháp này họ phải trả giá và không một ai đồng tình. Không thể gọi đó là biểu hiện níu giữ tình yêu mà chính là động cơ trả thù hèn kém.

Đôi khi phải biết chấp nhận, đối mặt với một sự thật dù bẽ bàng đến đâu và điều quan trọng nhất là sau đó phải biết quên đi. Có như thế, con người ta mới bắt đầu vui sống với cuộc tình mới. Nghĩ cho cùng, đó cũng chính là nghị lực sống.

Đến bây giờ, trong đám bạn bè của tôi, ai cũng “chịu” Thùy là người có bản lĩnh. Sau khi thực hiện xong thủ tục ở tòa án, những tưởng chị sẽ buồn phiền, thất chí hoặc căm giận người chồng phụ bạc ấy suốt đời. Nhưng không chị vẫn giữ được sự vui vẻ, thậm chí còn chưng diện, trông trẻ hơn trước nhiều lắm. “Biết ngay mà. Trước đây, Thùy không hề yêu anh ta chứ gì?”. Nghe câu hỏi tọc mạch, tò mò, nửa đùa nửa thật của tôi, chị trả lời tỉnh queo: “Đừng nói thế. Một khi nước đã đổ dưới đất có thể hốt lại được không?”. Tất nhiên là không. Nhờ sự lựa chọn tích cực ấy, chị đã bắt đầu có được những tháng ngày mà chị “bật mí” là vui vẻ, hạnh phúc hơn trước.

Cuộc đời của mỗi người, không dài lắm. Chẳng mấy chốc mà già khú đế, bước qua bên kia dốc cuộc đời. Vậy cứ níu kéo cái đã mất trong lúc thanh xuân để làm gì? Câu hỏi này, hoàn toàn không “thực dụng” mà cực kỳ thiết thực. Chẳng một ai có thể sống mãi với hình bóng cũ đã không còn thuộc về mình.

Một khi cuộc tình đã chấm dứt rồi, cách tốt nhất vẫn là quên đi quá khứ, dù nó có hoa mộng, chan chứa biết bao kỷ niệm đi nữa. Có như thế, con người ta mới có thể đến với cuộc tình mới. Sự lựa chọn tích cực như trường hợp chị Thùy là một thí dụ. Nghĩ cho cùng, không ai yêu thương mình hơn chính mình. Và sự chia tay nào cũng không bao giờ là ngõ cụt, vì từ đó, vẫn còn có nhiều cơ hội khác đang chờ đợi ở phía trước.

L.M.Q
(nguồn TGPN 14.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com