THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đứng ở “phe nào”?

LÊ MINH QUỐC: Đứng ở “phe nào”?

dung-o-phe-nao-1-R

 


Rắc rối thế. Tưởng rằng, đã là vợ/ chồng, cha mẹ/ con cái ắt phải cùng “một phe”. Trong gia đình, một lời phát ngôn của “gia chủ”, chẳng khác gì tướng quân ra lệnh ba quân giữa chốn sa trường, các thành viên phải răm rắp tự giác tuân theo. Trên dưới một lòng. Không có gì phải vương víu, nghĩ ngợi lăn tăn. Về lý thuyết là thế, nhưng “vận dụng thực tiễn” thì chưa chắc, còn có khối chuyện bi hài.

Chẳng hiểu nguyên cớ vì sao, cô nhóc đã vào lớp mẫu giáo, nhất nhất đều bảo “con đứng về phe bố”. Những gì bố sai bảo đều răm rắp tuân theo, trong khi đó những gì dặn dò của mẹ, cháu lại lơ đễnh, không chịu tiếp thu. Có đôi lúc, nhìn thấy con không ngoan, mẹ la rày, cháu lấy làm như oan ức, vùng vằng, không “tâm phục khẩu phục”, đã thế, còn đợi lúc bố đi làm về là “méc” ngay như muốn phân trần vừa bị mẹ ăn hiếp. Thay vì giải thích cho con hiểu, nhiều ông bố chỉ ậm ừ, giả lả cho qua chuyện.

Chà, cứ cái kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gay go quá.

Sau khi nhờ chuyên gia tư vấn, chị Viên mới nhận ra rằng, ngay lúc cháu còn bé,  cả vợ lẫn chồng đều không đồng thuận trong cách dạy con. Hễ con làm nũng, biếng ăn, khóc nhè, không ngoan thì có 2 cách giải quyết: mẹ nghiêm khắc chấn chỉnh; bố cười xòa, nuông chiều. Dần dần cháu nghĩ rằng, chỉ có bố là thương mình nhất. Rồi, sau này khi cậu em út lớn thêm một chút, tự dưng trong nhà chia làm hai phe: con gái về phe bên bố; con trai về phe bên mẹ. Thật ra, với con cái thì bố mẹ nào lại không thương đồng đều và chăm sóc, lo lắng như nhau?

Anh Tùng cùng công ty với tôi mấy hôm nay “méo mặt” vì chuyện chẳng đâu vào đâu. Rằng, cháu út - con gái “rượu” của anh mới vào tiểu học nhưng mẹ cưng quá, yêu quá nên cho đeo lên người đủ thứ vàng vòng. Dù là thứ giả nhưng anh vẫn không đồng tình, vì biết đâu gợi lòng tham của kẻ xấu. Anh ngăn cấm nhưng nào có được, vì mẹ cháu cứ binh con chằm chặp, dựa vào đó, cháu nhất định không nghe theo bố. Mới tuần trước đây thôi, giờ tan trường, vợ chồng anh phải một phen hoảng hốt, thiếu điều điện thoại cho công an vì lúc đến trường đón lại không thấy cháu. Sau một phen xất bất xang bang tìm kiếm, nghẹt thở tưởng chừng như tim rớt ra khỏi ngực thì phát hiện cháu đang đứng khóc hu hu trong nhà vệ sinh. Vàng vòng đeo trên người cháu đã bị kẻ xấu lột sạch!

Nan giải hơn nhiều vẫn là chuyện của vợ chồng. Cô vợ bé bỏng, yêu kiều. Ở nhà thì không sao, nhưng hễ mỗi lúc vợ chồng đưa con cái về thăm ngoại, y như rằng, anh chồng ấy, bị “kể tội” bao nhiêu là thứ chuyện. Ngày kia, về thăm “bà gia”, vợ tôi nửa đùa nửa thật: “Đấy! Má xem, chồng con dạo này trẻ trung, tươi mát như đôi mươi xuân xanh nhẩy. Chắc ảnh có bồ bịch, mèo mỡ nên ngày càng chưng diện tệ?”. Tưởng gì, “bà ngoại cu Tèo” liền nghiêm nét mặt: “Sao lại đứng núi này trông núi nọ?”. Rồi bao nhiêu là lời cảnh báo như chàng rể vừa bị bắt quả tang. Tôi đứng ngẫn tò te, cấm mà cãi!  Chưa hết, một khi không đồng ý việc gì, lập tức “đồng minh” là mẹ vợ lại lừ lừ xuất hiện và ủng hộ hết mình ý kiến của con gái. Bù lại, có những chàng rể khôn ngoan tranh thủ tình cảm với “ông gia”. Khổ nỗi, ông bố vợ cũng giống con rể ở chỗ “cùng hội cùng thuyền” với chàng Thúc Sinh khét tiếng “nể vợ” nên chẳng thể giải quyết được “tình hình”.

“Ai đời, nhà của mình, mình sắp xếp theo “gu” mỹ thuật này, bày biện theo kiểu kia miễn thuận tiện cho sinh hoạt, công việc. Nào ngờ, “bà gia” lại can thiệp ráo trọi”, anh Triều thở dài. Tôi an ủi: “Sao bồ tèo không tranh luận lại?”. Anh cười to như đang diễn tuồng: “Ối! Có mà được à. Tớ vừa có lời thưa, lập tức nghe rổn rảng: “Yên trí đi. Mẹ thay đổi là tốt cho vợ chồng con thôi. Vợ con cũng đồng tình rồi. Đúng vậy không hả Thu Huyền Ngọc Mơ Diễm Mộng?”, Chưa hết, “Bà ngoại nói đúng không cu Tèo?”. Liền nghe những tiếng “dạ” lãnh lót, nhịp nhàng vang lên rền cả gian nhà. “Phe” của “đối phương” hùng mạnh quá, “áp đảo” ngay ý kiến của người chồng! Anh Triều đành ngậm tăm.

Lắm lúc cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhiều đấng mày râu bèn nằm vắt tay lên trán, rồi tặc lưỡi: “Thôi kệ”. Ừ, thì kệ cho nhẹ nhàng cái sự đời, bởi “đa số” luôn thắng “thiểu số”. Mà chắc gì ý kiến của số đông chỉ đúng và trúng. Lắm lúc cũng sai lè ra đấy chứ. Này nhá, do chí thú làm ăn nên vợ chồng chị Yến - bạn tôi có được số được tiền kha khá. Chị dự trù xây dựng lại căn nhà đang ở. Thế nhưng chồng chị quyết đầu tư vào bất động sản, dễ sinh lời lãi nhiều hơn, sau đó, sửa chữa nhà cũng chẳng muộn. Hai vợ chồng “bất đồng quan điểm” trầm trọng.

Để “giải quyết dứt điểm”, chồng chị tìm kiếm thêm “đồng minh” bằng cách “nhỏ to tâm sự” với bố vợ. Lâu nay, nề nếp trong nhà là ý kiến của bố ban ra, con cái không dám cãi. Chị đành răm rắp nhượng bộ. “Phe kia” thắng thế lấy làm vui vẻ lắm: “Đàn ông là phải thế chứ. Phải quyết việc lớn, chứ đàn bà suốt ngày ở trong bếp, biết gì mà bàn với luận”. Bố vợ chàng rể vừa cụng ly, vừa tâm tình cực kỳ “hợp gu”. Vâng, cả hai “ý hiệp tâm đầu” đến độ mỗi lúc đi ngang qua khu đất đã đầu tư, cả hai cùng… thở dài cái sượt! Thị trường đất đóng băng cả chục năm nay, giá bán càng ngày càng tụt mà cái nhà đang trú  ngụ, chưa kịp sửa chữa ngày một xuống cấp trầm trọng.

Đứng ở phe nào? Trong một mái ấm, nghĩ cho cùng, “phe” nào cũng là “phe” của mình miễn xuất phát từ lợi ích chung. Nếu lúc đó, cả nhà chị Yến cùng bàn bạc, thảo luận, cân nhắc, mọi việc đã khác.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 7.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com