THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành

LÊ MINH QUỐC: Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành

 

anngaynoithat

 

Khi con người biết sử dụng tiếng nói, chắc chắn từ đó, các tộc người không chỉ tìm được sự thỏa thuận, có thể thu xếp được những mối hiềm khích, bất hòa mà còn hạn chế được các cuộc giao tranh, đâm chém, chết chóc. Rồi trong mưu sinh hằng ngày, có những ngôn từ được sử dụng nhiều lần cũng không ngoài mục đích đem lại sự thân thiện, hiếu hòa và tạo niềm cảm thông cho nhau. Tuy nhiên, những ngôn từ cực kỳ quan trọng ấy, hiện nay con người ta người ít xử dụng. Đó là những ngôn từ nào?

Tôi âm thầm làm một cuộc “điều tra xã hội học” nho nhỏ trong phạm vi người thân, láng giềng, bạn bè công sở… thử xem sao. Điều thú vị, hầu như các ý kiến đều có “mẫu số chung” là cụm từ: “cám ơn” và “xin lỗi”.

Khi làm ơn cho ai điều gì, tự mình phải biết quên đi, không cầu người ta phải trả ơn nhưng nhận ơn của người khác thì trong lòng phải tự khắc ghi. Lẽ hiển nhiên của cuộc sống vốn thế. Thể hiện lòng biết ơn người khác đôi khi không gì to tát, vượt ngoài khả năng mà chỉ cần thốt ra chân tình hai tiếng “cám ơn”. Ai ai cũng có thể nói được, nhưng rồi đã bao lần ta lại quên?

Có ông bố nhận được món quà xinh xắn của con. Đó là con hạc giấy mà cháu rất thích nhưng do đang bận rộn, ông bố thờ ơ nhận lấy và tiếp tục chúi mũi vào công việc.

Cô bé nghĩ: “Tại sao bố lạnh nhạt, có phải do con hạc không đẹp? Ở trường, cô giáo đã dạy: “Khi nhận quà tặng của ai, phải biết nói lời cảm ơn. Có thế, mới là đứa trẻ ngoan”. Thế thì, bố có ngoan? Hay người lớn không cần ngoan?”. Rõ ràng, thái độ hờ hững, vô tình ấy đã khiến đứa con phân vân, dù ông bố không cố ý.

Trong truyện ngắn Tình điên của nhà văn Khái Hưng, có chi tiết: Sau khi nhân vật Giao dùng mẹo chữa cô Cúc khỏi bệnh điên, ông Tú - bố của cô Cúc cảm động bảo: “Cảm ơn ông, tôi không biết lấy gì trả ơn ông cho xứng đáng. Thực ông đã cải tử hoàn sinh cho cháu. Bệnh cháu mười phần đã khỏi đến quá chín rồi”. Lúc ấy, Giao mỉm cười: “Thưa cụ, có gì mà cụ phải nói đến ơn với huệ? Bổn phận của loài người là phải cứu giúp lẫn nhau, khi mình có thể cứu giúp được”. Vâng,  khi làm một việc tốt là do thôi thúc của lương tâm, chứ không vì lý do gì khác. Nhưng dù sao, khi nhận lại được hai tiếng “cám ơn”, tất trong lòng người làm ơn cũng rộn ràng một niềm vui sướng, hãnh diện.

Chẳng rõ có ai còn nhớ bài tập đọc trong sách Quốc văn giáo khoa thư? Bài ngắn mà chan chứa ý tứ khó quên: “Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đầy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy, mà xe vẫn không thấy chuyển. Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê, thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ. Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng, vì đã giúp được việc cho người”.

Lời cảm ơn ấy, đã khiến các mối quan hệ trở nên thân thiện, nhân ái và thắm đượm tình người. Lời cảm ơn ấy, chẳng khác nào dòng suối mát bất ngờ chảy vào lòng. Tuy nhiên, hãy nhớ lại xem, có lúc đang mải mê phóng xe ngoài phố, nếu quên gạt chống xe, ngay lập tức ta sẽ nghe được lời nhắc nhở. Như quán tính, ta gạt phắt cái chống xe lên rồi lúc ấy, ta đã quên hay nhớ đến hai tiếng “cám ơn”?

Nếu “cám ơn” bày tỏ lòng thành khi nhận sự giúp đỡ từ người khác, thì “xin lỗi” không khác gì một liều thuốc “hạ hỏa” khi ai đó bị ta xúc phạm hoặc làm điều gì đó không đúng. Chà, có phải khi nói “cám ơn”, ta cảm thấy dễ dàng hơn phải thốt ra lời “xin lỗi”? Có những sự việc, dù biết sai lè lè nhưng mấy ai dám tự nhận lỗi?

Trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, hầu như lúc ra đường phố thì ai cũng vội vội vàng vàng. Thật rợn người khi đọc tin nhan nhản trên báo chí rằng, có những vụ va quẹt xe tình cờ nhưng rồi đôi bên lại lao vào nhau ẩu đả, đâm chém, giết nhau dễ như bỡn. Nếu lúc ấy, dù không phải lỗi của mình nhưng vẫn nói lời “xin lỗi”, có lẽ sự việc đã khác.

Lạ thay, lời xin lỗi chân thành không khác gì “thuốc thánh” bởi nó có thể làm lành “vết thương” người khác, do mình gây ra. Mà khi ấy, chính ta đã tự dằn vặt, tự rút ra bài học lần sau trong đối nhân xử thế. Một nhà hiền triết bảo rằng, biết nhận lỗi để lần sau không tái phạm là dấu hiệu của sự trưởng thành. Chúng ta đã thật sự trưởng thành khi bất kỳ tình huống nào cũng đổ vấy lỗi ấy cho người khác?

Ông bà ta dạy: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, không chỉ kinh nghiệm ứng xử mà còn là phép nhiệm màu nhằm đạt đến sự sống vui, sống khỏe. Một khi đã thốt ra cụm từ “cám ơn” & “xin lỗi” cũng là lúc ta mở lòng đón nhận một nguồn năng lượng làm mới lại sự thân thiện trong quan hệ cộng đồng.

Nếu với lời “cám ơn”, ta có thể mỉm cười sung sướng thì với câu “xin lỗi”, ta có thể trút hết gánh nặng âu lo, dằn vặt. Tâm thế nhẹ nhàng ấy, há chẳng phải là nguồn “thực phẩm của tâm hồn” đó sao?



L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 8.11.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com