THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Từ góc nhìn đàn ông

LÊ MINH QUỐC: Từ góc nhìn đàn ông

tugocnhindanongR

 

Bất kỳ thời đại nào, từ Đông sang Tây, trong tâm thức đàn ông, vai trò người phụ nữ luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Chính họ đã là nơi gìn giữ, cưu mang “báu vật” của sự sống tiếp nối đời đời. Xem các tác phẩm tượng của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhiều người giật mình khi nhìn thấy lúc họ mang nặng đẻ đau, không khác gì đang sở hữu hình ảnh trái đất nhỏ nhoi ngay trong bụng. Có lẽ không có hình ảnh nào cao quý hơn, hướng thiện hơn lúc họ đang cưu mang mầm sống. Đành rằng, để có thể hoàn thiện chức năng thiêng liêng ấy, họ cần có sự đóng góp của người đàn ông. Thế nhưng, trong cuộc song hành ấy, họ lại không được đặt ngang hàng mà luôn bị “lép vế”. “Đau đớn thay phận đàn bà” không phải do “đi biển mồ côi một mình” mà chính vì quan niệm lạc hậu từ ngàn xưa vẫn còn rơi rớt lại.

Ngày nay nhân loại đã văn minh, tiến bộ nhiều lắm, tuy nhiên vẫn còn đó tiếng kêu thương gần như tuyệt vọng của nhiều số phận phụ nữ bất hạnh. Vẫn còn đâu đó những cuộc bạo hành khốc liệt mà họ phải cam chịu; vẫn hiện diện quan niệm nữ giới chỉ là phái yếu nên không thể bình đẳng cùng đàn ông trong nhiều quyền lợi khác...

Thật lạ, vẫn hiện diện những người đàn ông khiến ta cảm tưởng như vừa bước ra từ truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài: “Chị Duyện cũng lật đật trở dậy, ôm váy lạch đạch ra ngõ. Duyện quay vào bếp, tìm được con dao phay hồng hộc chạy ra, thì cái sân đã không còn ai. Anh quẳng con dao đánh “choeng” một tiếng xuống đất: “Từ giờ đến chiều ông bắt được đứa nào thì ông giết chết tươi. Ối trời ôi! Chúng mày làm khổ ông! Ông mà đến nỗi thân tàn ma dại thế này, cũng vì chúng mày. Chứ một mình ông đâu đến nỗi”.

Đàn ông có thể sống một mình, không cần phụ nữ ư? Còn lâu!

Nhà văn Anh Virginia Woolf - nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh, một trong những người tiên phong bênh vực nữ quyền, đã nói một câu nổi tiếng: “Với tư cách phụ nữ, tôi không có quê hương mà quê hương của tôi là toàn thế giới”. Trong tầm nhìn ấy, theo bà, vũ khí sắc bén nhất, hiệu nghiệm nhất có tính chất cốt yếu mà nữ giới cần trang bị để thành công khi đấu tranh cho sự bình đẳng giới chính là sự giáo dục. Với tri thức được trang bị hoàn thiện đó, chắc chắn giới mày râu khó có thể “bắt nạt”, xem thường họ dù trong bất kỳ tình huống nào.

Lâu nay, tôi không tán thành quan niệm “mẹ đơn thân”, bởi nghĩ cho cùng đó là nỗi bất hạnh mà người phụ nữ phải gánh lấy. Nhưng ngẫm cho cùng, điều này hoàn toàn không phải do số phận của họ, mà chính từ… đàn ông đấy thôi. Trên cộng đồng mạng, nhiều phụ nữ đã trải lòng tâm sự, không việc gì họ phải vừa nuôi con lại vừa hầu hạ ông chồng, cực nhọc như Ôsin. Nhưng nếu cần, Ôsin ấy lại trở thành cái máy đẻ mà không nhận lại được sự quan tâm, san sớt gánh nặng trong mưu sinh hằng ngày.

Trước những cảnh ngộ oái oăm tương tự đang diễn ra, không ít phụ nữ không thèm lấy chồng. Bằng sự can thiệp, trợ giúp của khoa học kỹ thuật, họ vẫn có thể sinh con mà không phải suốt đời hầu hạ một gã đàn ông vô tích sự. Thiết nghĩ, đã đến lúc đàn ông phải thay đổi nhận thức về vai trò của mình. Vai trò ấy không còn có giá trị tuyệt đối như trước bởi người phụ nữ thế kỷ này đã khác trước nhiều lắm. Họ đã được trang bị nhiều tri thức và nhất là cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn.

Nói thì nói thế, hẳn ta biết rằng, tự trong sâu thẳm, bao giờ người phụ nữ cũng cần sự yêu thương, chia ngọt sẻ bùi cùng “người của mình”. Họ cần có người đàn ông bên cạnh để có thể tựa vai khi mệt mỏi, vấp ngã trên đường đời xuôi ngược. Sự cảm thông ấy không chỉ diễn ra trong ngày dành cho phụ nữ... mà phải là việc làm mỗi ngày của nam giới. Có phải vậy không hỡi cánh đàn ông “vai năm tấc rộng thân mười thước cao”?

L.M.Q
(nguồn: PNCN 19.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com