THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mục hạ vô nhân

LÊ MINH QUỐC: Mục hạ vô nhân

 

hamucvo-nhan-R

 


Có những người khi “lên voi”, gặt hái thành công trên đường đời, bao giờ họ cũng nghĩ mình đang đứng ở vị trí cao nhất. Chẳng hề tĩnh tâm nhìn lại chung quanh, quan tâm đến người khác bởi “cái tôi” đã choáng ngợp tâm trí.... Thậm chí, họ còn có suy nghĩ “mục hạ vô nhân” rất chủ quan - nghĩa là dưới mắt họ không còn ai khác. Tưởng là thế, nhưng sự đời chẳng đơn giản chút nào. Thế rồi, lúc “xuống chó”, lúc thất bại thì họ lại đâm ra hoang mang, muốn buông xuôi mọi thứ miễn tìm được sự bình an. Ít ra đó là sự yên ổn trong tâm hồn, mỗi tối có thể gác tay lên trán đánh một giấc ngon lành như người nông dân sau khi cày xong thửa ruộng.

Ước mơ bình thường ấy, sao bây giờ mới nhận ra? Có muộn màng quá không? Không hề. Trên đời này mọi việc vận hành theo quy luật tự nhiên của nó, nếu biết thức tỉnh, chẳng bao giờ là trễ.

Một trong những ác nghiệp khốn khổ nhất của con người, còn do sự háo thắng, ham muốn không giới hạn. Anh bạn tôi thành đạt trên thương trường nên đã sắm được nhiều tiện nghi, kẻ khác thèm thuồng đến độ nằm mơ cũng không có nổi. Ấy thế, anh vẫn muốn phải hơn người cho xứng “vai vế” đại gia. Đã vợ đẹp, con ngoan nhưng anh còn ham hố cặp kè thêm một, hai “chân dài, váy ngắn” đặng lúc ký hợp đồng, giao tiếp, dự tiệc tùng khiến thiên hạ lác mắt chơi.

Cuối cùng, những cuộc tình lăng nhăng ấy dẫn đến sự xào xáo vợ chồng, những cuộc đánh ghen, những chi trả “tình phí” đã đẩy anh vào ngõ cụt. Anh tâm sự một nỗi niềm mà chính người trong cuộc mới nhận ra: “Lúc thành đạt, nếu không tĩnh tâm thì “cái tôi” trỗi dậy như bản năng.

Cứ nghĩ, “thời” đang của mình, “thế” đang của mình, muốn gì mà không được?”. Vâng, sự háo thắng “hơn thua” ấy đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, thậm chí đâm ra oán ghét luôn cả “cái tôi” một thời hếnh hoáng.

Trong quan hệ xã hội, nếu biết hạn chế lại “cái tôi”, có lẽ mọi người sẽ nhìn nhau, đối xử nhau mỗi ngày sẽ chan chứa tình người hơn. Nếu ai cũng tự nghĩ mình là nhất, là số một thì làm sao tìm được tiếng nói chung khi bàn thảo, hợp tác trong công việc?

Có những người kỳ quặc, thấy ai đó hơn mình một điều gì, thay vì nỗ lực và cố gắng noi gương thì họ cản đường bằng cách “đâm bịch thóc, chọc bị gậy”, rồi “bỏ nhỏ” người này, vu oan cho người kia. Lý luận “cùi bắp” phổ biến vẫn là, đại khái, mình có tài nhưng không được lòng sếp nên sếp không trọng dụng, phân công không đúng sở trường nên mới ì ạch thế này! Còn kẻ kia chắc chắn do nịnh bợ, ton hót nên mới được cấp trên cất nhấc chứ tài cán gì!

Sự tỵ nạnh này vừa trẻ con lại vừa chẳng có một chứng cứ gì bởi làm việc trong một tập thể thì tài năng, khả năng của từng người được ghi nhận từ hiệu quả của công việc cụ thể, chứ không phải “phán” vu vơ như kiểu thầy bói. Ganh ghét thành công của người này; hoặc lấy sự thất bại của người kia làm niềm vui là một thói ích kỷ.

Tôi từng nghe một chuyên gia kinh tế bảo rằng, so với người Nhật, ý thức giúp đỡ dồng nghiệp của người Việt mình còn kém xa lắm. Khi sa xuống hố thay vì tìm cách nâng đỡ nhau, ai cũng có thể lên khỏi hố thì người Việt mình thường chòi đạp kẻ khác, ngoi lên một mình. Ai còn dưới hố cũng mặc kệ. Miễn “được việc” cho mình mà thôi. Lời phê bình khắt khe này cho thấy rằng, một khi đã phát hiện ra sự hạn chế trong tính cách, cần phải thay đổi luôn có ý nghĩa tích cực.

Thiết nghĩ, xuôi ngược trên đường đời, chẳng khác gì mọi người cùng đi qua một chiếc cầu. Có lúc, cả hai hướng chạm mặt nhau, không thể lách qua được, vậy người này phải lùi bước, nhường đường cho người kia chứ? Nhưng rồi, mấy ai có được suy nghĩ nhẹ nhàng ấy? Nếu ai ai cũng chỉ chăm bẳm tranh giành phần thắng về mình, biết đâu sẽ cùng rơi tõm xuống sông suối.

Thời ở bộ đội, nhằm giáo dục anh em tân binh mới nhập ngũ tình đoàn kết, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chính trị viên đơn vị tôi có kể câu chuyện này: Có họa sĩ nọ vẽ hai bức tranh miêu tả Thiên đàng và Địa ngục. Trong hai bức tranh đó, đều có những thực khách ngồi quanh chiếc bàn tròn, toàn là sơn hào mỹ vị, có điều ai nấy cũng đều cầm một đôi đũa rất dài. Điểm khác nhau là gì? Ở nơi Địa ngục, khi gắp thức ăn, họ tự đưa vào miệng mình nhưng do đũa quá dài nên đều chệch ra ngoài. Do đó, cùng được tận hưởng bữa tiệc linh đình nhưng chẳng ai ăn được gì. Ở nơi Thiên đàng lại khác, thay vì tự gắp thức ăn bỏ vào miệng mình, người này gắp đưa vào miệng người đối diện nên ai cũng ăn uống no nê.

Với câu chuyện giản dị này, tôi tin chắc, ai cũng có thể rút ra một kết luận hữu ích cho riêng mình.


L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 15.11.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com