THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lâu nay mình đã thở như thế nào?

LÊ MINH QUỐC: Lâu nay mình đã thở như thế nào?

 

launaydathonhuthenao

 

Quái lạ, có những điều hết sức cần thiết cho sự sống nhưng chẳng ai thèm quan tâm đến; thậm chí, không ít lần người ta quên đi sự tồn tại của nó. Một trong những điều lớn lao ấy chính là hơi thở. Ai đã có một lần kẹt trong thang máy? Lúc ấy, mới cảm nhận trọn vẹn nỗi khủng khiếp của thần chết đang nhích đến dần. Đến dần từng tích tắc. Chỉ tích tắc nữa thôi, lưỡi hái thần chết sẽ gặt lấy linh hồn. Không khí đang mất dần. Không gian đông đặc lại. Và tự nhiên như bản năng, ta hốc há mồm ra thở. Nhưng rồi cũng không thể. Cánh cửa sắt chỉ là vật vô tri không hề chia sẻ âu lo tột cùng ấy. Vẫn đóng kín mít. Không một ngọn gió nào có thể xuyên qua cánh cửa. Thèm được thở như thể đang rơi xuống hun hút vực sâu mà không thể bấu víu vào được sự cứu rỗi nào. Khoảng khắc ấy ghê rợn biết bao.

Vậy mà lúc đang khỏe, đang vui vẻ chẳng mấy ai thèm quan tâm đến hơi thở chút tẹo nào. Thật vậy, trong nhịp sống náo nhiệt, ồn ào, vội vã hầu như chẳng mấy ai có dịp tĩnh tâm đặt câu hỏi: “Lâu nay mình đã thở như thế nào?” Thoạt nghe, ắt nhiều người đã cười ồ lên. Cũng đúng thôi. Ai cũng nghĩ đơn giản, còn sống là còn thở vậy hà cớ gì phải bận tâm?

Thật ra, lâu nay chúng ta đã quên thở. Quên có nghĩa là thở không đúng cách. Hình ảnh của người bận rộn dễ nhận ra trong đời sống công nghiệp hiện đại vẫn là lúc: điện thoại áp vào cả hai tai, một tay cầm bút hý hoáy ghi chép hoặc rê “con chuột”,  mắt dán vào màn hình và cổ thì gật hoặc lắc rồi thỉnh thoảng há mồm ra trao đổi đôi câu. Tâm trí lúc ấy toàn tâm toàn ý giải quyết công việc sao cho nhanh chóng nhất. Thế nhưng, người ấy có thở không? Tất nhiên, chỉ là trong trạng thái “thở không kịp ngáp”.

Dù không được nghe các bác sĩ tư vấn nhưng chắc chắn ai ai cũng biết hơi thở có tầm quan trọng như thế nào với sự sống. Có những người sắp “quy tiên” về cõi trên nhưng rồi, do biết cách làm chủ hơi thở theo đúng phương pháp nên đã sống thọ.Nói như thế, không phải nói cho vui mà có “nhân chứng vật chứng” cụ thể là trường hợp Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Năm 1942, làm việc ở một bệnh viện gần ngoại ô Paris, ông bị bệnh lao. Hồi đó chưa có thuốc chữa như hiện nay nên ông phải lên bàn mổ bảy lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 xương sườn. Vì sức yếu, mỗi lần chỉ cắt hai cái, đợi hai tháng sau mổ ra cắt tiếp 2 cái khác, nhiều lần tưởng nguy hiểm đến tính mạng. Sau này, ông cho biết: “Trong những năm nằm viện, tôi đã có dịp đọc rất nhiều sách, trong đó có sách triết học của Trung Quốc và Ấn Độ. Là người bị giảm nghiêm trọng về sức thở, tôi đặc biệt chú ý đến phần Yoga - Trung Quốc gọi là khí công, trong đó yếu tố rất quan trọng là biết thở cho đúng phương pháp. Tôi đã tìm ra con đường sống cho mình từ đây”.

Phương pháp tập thở của ông gói gọn trong mấy câu vè nôm na , dễ nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”. Rõ ràng, phương pháp thở đúng quy cách rất đơn giản mà hiệu quả cho sức khỏe nhưng  rồi chúng ta có thực hành?

Trong đời sống lúc va chạm nẩy lửa, có người kiềm chế được sóng gió để giữ lại mối quan hệ thân tình; có kẻ điên cuồng đối mặt cuồng phong bão táp khiến rơi vào vòng lao lý. Làm sao có thể tránh khỏi sự đáng tiếc chết người ấy? Kinh nghiệm của không ít người cho biết, những lúc gây cấn ấy hãy làm chủ động điều khiển hơi thở của mình. Sự tĩnh tâm, lắng nghe hơi thở sẽ giúp cho ta dần dần lấy lại bình tâm, sự tĩnh táo để có thể giải quyết vấn đề một cách khôn khéo nhất. Tôi còn nhớ, thời nhỏ đi học, lũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” thường có những cuộc cãi như mổ bò rồi xông vào ẩu đả chẳng ai nhường ai. Thầy giáo bắt chúng tôi ngồi yên trên ghế, đưa cho mỗi đứa một ly nước lạnh và chỉ được uống hết trong vòng mười, mười lăm phút. Lạ thay, lúc uống từng ngụm một, ngồi thở nhẹ nhàng thì chẳng mấy chốc sự bực tức, ganh ghét đã trốn đâu mất biệt.

Kinh nghiệm này, đâu chỉ dành cho trẻ con. Ngay cả người lớn cũng cần đó chứ. Anh bạn tôi được tiếng khen là gia đình hạnh phúc, anh cười khì khì bảo: “Sống chung với nhau, vợ chồng cãi cọ là lẽ thường tình. Có điều lúc giận quá, muốn nói điều gì thì trước hết hãy tập thở như cách bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hướng dẫn”. Và cũng kỳ diệu thay, bản thân tôi có lần thực hiện đã thấy mình trở về với một trạng thái khác, nhờ đó, cách ăn nói cũng khác nhằm hạn chế sự bất hòa đang có nguy cơ sắp… tháo ngòi nổ!

Vậy đó. Ai cũng thở mỗi ngày, thở từng phút, thở từng giây. Nhưng mấy ai tự ý thức phải làm chủ hơi thở của mình? Bài học này, không nhỏ chút nào, phải không bạn?

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 25.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com