THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lãng quên - liều thuốc thần kỳ

LÊ MINH QUỐC: Lãng quên - liều thuốc thần kỳ

lang-quen-RR

 

Còn có sự thất vọng nào khủng khiếp hơn, nếu vào phút chót của sự mỏi mòn chờ đợi, con người ta phải đối đầu với một sự thật mà họ không hề dám nghĩ đến? 

“Thuở đợi chờ ôi thời gian rét lắm” (Huy Cận). Trong đời, ai lại không từng sống trong cảm giác ấy? Lo lắng. Bồn chồn. Rạo rực. Có lẽ, chỉ khi đợi chờ tình nhân bước đến, lúc ấy, trong trái tim mới nghe được nhịp gõ hân hoan từng phút, từng giây; và thậm chí còn chờ mong giây phút ấy trôi qua thật chậm. Thật chậm đặng có thể gặm nhấm cảm giác sung sướng, hồi hộp ấy như chàng thi sĩ Hồ Dzếnh thốt lên nhẹ nhàng: “Tôi khẽ nói: Gớm, sao mà nhớ thế?”. Nỗi nhớ cũng làm thăng hoa đời sống.

Còn người đi xa, thông thường, lúc quy cố hương, cảm giác của họ là mong thời gian trôi thật nhanh để mau chóng được gặp lại tình cảm ấm áp nhất. Trong lúc đó, người ở nhà cũng mong ngóng, trông chờ và trong đầu đã hiện lên biết bao hình ảnh, bao câu nói thương yêu dành cho họ. Nếu người ấy lại không về? Chỉ thoáng nghĩ đến điều hắc ám ấy lập tức từ trong lông ngực đã nhói đau, tưởng chừng nghẹt thở.

Trong thế giới phẳng có những nỗi lo âu của sự chờ đợi, tưởng rằng của ai khác nhưng tự sâu thẳm tâm hồn mình cũng như đang sống với cảm giác ấy. Còn nhớ trước đây, cả thế giới quan tâm, lo lắng đến số phận của những con người trên chuyến bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Cả thế giới thấp thỏm, bàn tán, ngong ngóng thông tin trên các phương tiện truyền thông. Một phần, do chưa ai có thể trả lời câu hỏi tò mò, tại sao lại có thể xẩy ra cớ sự đáng buồn đó; nhưng cái chính vẫn là từ tấm lòng nhân văn khi nghĩ đến số phận của hàng trăm con người đang rơi vào cõi vô định, không còn có cơ hội sống sót. Thân nhân của họ đã sống trong cảm giác âu lo tột cùng, họ luôn nguyện cầu đến một phép lạ thần kỳ có thể đưa người thân quay trở về, chứ không dám nghĩ, dù chỉ trong thoáng chốc một điều tệ hại nhất có thể xẩy ra.

Có lẽ điều đớn đau, trông ngóng tột cùng nhất trên đời vẫn là lúc người mẹ canh khuya thao thức đợi chờ con, vợ chồng đợi nhau, con chờ bố mẹ. Đường bay đang bất trắc, sao giờ này người của mình chưa về, có thể gặp tai nạn gì trên con đường tăm tối kia chăng? Và làm sao có thể chống chọi lại tai ương đè ập xuống đầu? Chỉ nghĩ đến đó, tiếng thở dài đã sườn sượt một nỗi niềm...

Khủng khiếp nhất của sự chờ đợi là lúc giây phút phải đón nhận thông tin xấu nhất, thông tin mà trong đầu họ dù có thoáng đến cũng cố gắng xua đuổi, không dám nghĩ có thật trong đời. Vậy mà, điều đó đã đến. Không bàn cãi, không tranh luận nhằm trả lời câu hỏi tại sao, họ nuốt ngược nước mắt vào lòng; hoặc trào ngược ra khỏi mí để gào lên những tiếng kêu thương và chấp nhận điều tệ hại nhất đã xẩy ra. Cả một bầu trời tăm tối đã ập xuống ngay trước mắt. Cảm giác mất mát của bất cứ ai cũng buồn thảm, cũng nặng như đá tảng đè nặng trong tâm trí lẫn thể xác tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi.

Nhà văn Tô Hoài có truyện ngắn Ông giăng không biết nói dối, đại khái anh chàng kia hay tin người yêu đi lấy chồng, lúc tuyệt vọng đã đến bên cái giếng làng: “Lúc ấy là hai tay gã đã vừa với tới nước và lưng gã đã tuồi xuống khỏi thành đá, mà hai bàn chân không thể là hai cái móc nữa. Thế là gã lăn xuống giếng sâu. Một bàn chân hất rơi theo cả một tảng đá. Hai tiếng, người và đá rơi tũm vào nước, giống như nhau. Róc rách một cái. Rồi im. Cánh đồng mông mênh ánh trăng”. Nếu lúc ấy, chàng trai ấy làm chủ được mình thì đã không kết thúc cuộc đời một cách lãng xẹt. Cái chết ấy vô nghĩa, vì cô ấy  vẫn lên xe hoa như thường.

Lúc ấy, những lời động viên, an ủi, chia sẻ của người xung quanh cần thiết vô cùng cũng tựa như hớp nước trong lành cho kẻ chết khát trên sa mạc. Thế rồi, nghĩ cho cùng, từ suối nguồn sẻ chia ấy, tự mỗi người phải đứng dậy, biết chấp nhận và gượng dậy bước tới. Biết chấp nhận điều bi thảm nhất đang gánh chịu cũng là một bản lĩnh, một thái độ sống. Không ai có thể sống nổi nếu cứ triền miên trong nỗi đớn đau ấy. Phải biết quên. Người thân của mình đã mất, đã không về thì liệu sự thương tiếc có thể cứu rỗi được không? Do không thể cứu rỗi nên phải biết chấp nhận và bắt đầu một hành trình mới.

Nhà văn Cổ Long (1937-1985) tác giả nổi tiếng nhất của trường phái Kiếm hiệp tân phái đã viết hàng triệu con chữ, đã “ra tay” cho hàng ngàn  nhân vật phải chết trong cuộc giang hồ gió tanh mưa máu mà cuối cùng ông tự nhủ: “Bất kể buồn bã đau xót sâu xa tới đâu, ngày dài tháng rộng sẽ làm phai đi, làm quên đi. Quên lãng vốn là bản năng mà nhân loại nhờ vào đó để sinh tồn”. Vâng, tin như thế không phải lạc quan tếu mà chính là liều thuốc thần kỳ nhất thúc giục, nâng đỡ những số phận bất hạnh tiếp tục cuộc sinh tồn. Rồi một trang đời lại mở ra. Ý nghĩa của cuộc sinh tồn chính là ở chỗ hướng tâm trí này, cõi lòng này về phía ngày mai.

Ngày mai còn biết bao nhiêu điều mới lạ, kỳ diệu đang chờ đón.

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 22.11.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com