THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chọn hạt để gieo

LÊ MINH QUỐC: Chọn hạt để gieo


Với kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, hầu như bất kỳ người Việt nào cũng thuộc vài câu. Trong 3.254 câu thơ trầm luân khốc liệt số phận của một kiếp người, nàng Kiều có tám lần gẩy đàn. Lần cuối cùng, là lúc nàng tái ngộ Kim Trọng, đã “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” sau mười năm năm phiêu bạt gió bụi. Lạ thay, lúc ấy: “Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa/ Khúc đâu đàm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?/ Khúc đâu êm ái xuân tình…”.


chonhatdegieo


Nghe tiếng đàn reo vui, ấm áp ấy, ngạc nhiên nhất vẫn là Kim Trọng vì không thể hiểu vì sao tiếng đàn của nàng lại khác trước? Vì sao trong từng cung bậc dặt dìu không còn tiếng nấc, tiếng nghẹn, tiếng khóc, tiếng buồn máu chảy năm đầu ngón tay? Kim Trọng bèn hỏi nàng, tiếng đàn ấy: “Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”. Mọi câu hỏi tương tự, chỉ Thúy Kiều mới có thể trả lời chính xác nhất: “Nàng rằng: Ví chút nghề chơi/ Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”. Ghê gớm chưa? Chính cung đàn “đoạn trường bạc mệnh” như một sự thống khổ đã dằn vặt, đeo đuổi bấy lâu đã ám ảnh lấy nàng. Và nay, nàng đã thoát ra được.

Qua sự đối đáp trên, ta nghiệm ra rằng, các loại hình nghệ thuật đều có sự tác động tiêu cực hoặc tích cực đến nhận thức, tình cảm của con người.

Nghe một bản nhạc não tình, đọc bài thơ buồn bã, trang tiểu thuyết lụy tình cũng có thể khiến người ta chìm đắm trong sự bi thảm, mất dần nhựa sống. Do đó, không phải ngẫu nhiên, nàng Kiều quyết định: “Một phen tri kỷ cùng nhau/ Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa” - tức là từ nay nàng không đàn, không nghe lại cung bậc gió thảm mưa sầu một lần nào nữa bởi sợ nó vận vào người. Rõ ràng, thưởng thức nghệ thuật cũng cần phải có sự lựa chọn là vậy.

Mới đây, thầy thuốc Lương Lễ Hoàng có “tiết lộ” một thông tin thú vị: “Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc”, anh cho rằng đã có công trình nghiên cứu khi đọc thơ cũng chẳng khác đang tập dưỡng sinh, hoàn toàn có lợi cho sức khỏe: “Cho dù không cần đọc đến hết, nhờ đó ăn ngon ngủ yên vì các loại nội tiết tố có công năng giảm đau, an thần, tạo cảm xúc lạc quan như serotonin và endorphin được phóng thích tối đa trong khi các loại nội tiết tố “tham sân si” như dopamine và adrenaline không có cơ hội tác quái. Người đọc thơ nhờ đó có huyết áp ổn định, độ loãng máu lý tưởng, mạch máu không co thắt thái quá…”. Về mặt y học là thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tác động đến ý thức, suy tư lẫn sức khỏe của người đọc vẫn là đọc thơ gì, nội dung thế nào? Đừng quên kinh nghiệm mà chính Kiều đã trả giá: “Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”. Đâu phải, cứ ai đưa gì là đọc, ai mở nhạc gì thì nghe mà trước hết hãy tự hỏi, những nội dung ấy sẽ tác động, ảnh hưởng thế nào đến tâm thức của mình.

Khi đọc, khi nghe, khi thưởng thức nghệ thuật chính là lúc chúng ta dung nạp thực phẩm cho tâm hồn. Nếu lựa chọn không khéo ắt “ngộ độc” như chơi! Không có nhà phong thủy nào ngốc dại đến độ khuyên khách hàng nên chọn màu sơn đen trong phòng ngủ. Sự tăm tối ấy, có lẽ kẻ khỏe mạnh cỡ Hercule dù có trợ lực thêm hàng tấn Viagra thì cũng rơi vào hoàn cảnh éo le “trên bảo dưới không nghe”. Làm sao có thể tạo nên cảm hứng xuân tình trong căn phòng chỉ một màu đen kịt đến lạnh lùng? Làm sao, người ta có thể tìm thấy niềm vui sống nếu trong căn nhà mình chỉ treo những bức tranh chết chóc? Chắc nhiều người chưa quên ca khúc Chủ nhật buồn của nhạc sĩ Hungary Rezso Seress được mệnh danh “bài hát sát nhân” bởi nó đã khiến quá nhiều người bi quan, buồn thảm tự tìm đến cái chết

Nhiều người bảo rằng, khi về nhà tức là trở về với nơi trú ẩn an toàn toàn nhất bởi lúc ấy, họ được bảo vệ bằng tình yêu thương của mọi thành viên. Không chỉ có thế, mà ngay cả trong nhà từ sự bài trí từ tranh ảnh, sắc màu vôi trên tường, các kệ sách hài hòa đến giường chiếu sạch sẽ cũng đem lại niềm hưng phấn yêu đời. Đừng tưởng vật dụng ở nơi mình trú ngụ chỉ là vật vô tri vô giác, không đâu, tự nó trải qua năm tháng đã trở thành những hình ảnh thân thuộc từ trong tiềm thức. Nói như thế để thấy hết sự quan trọng của lúc cần chọn lựa những “thức ăn tinh thần” cho chính mình và người thân của mình. Tâm hồn mỗi người là một mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ mà sự buồn vui có được cũng chính do ta gieo xuống hạt giống gì. Hạt giống bi quan, chán đời, bi lụy, buồn thảm làm sao có thể nẩy nở lên cái mầm yên vui, trong trẻ, phơi phới thanh tân như nắng xuân phơi phới?

“Mỗi ngày tôi tìm một niềm vui”, câu nói ấy nhắc nhở cho chúng ta biết bao điều khi lựa chọn một thái độ sống. Hạt giống tâm hồn của mỗi người bao giờ cũng cần tưới lên những giai điệu, những câu thơ… luôn gợi niềm vui sống ở đời. Đó cũng là lúc mỗi chúng ta tự tìm cách bảo vệ tâm hồn chính mình. Nói cách khác chính là bảo vệ sự lạc quan, yêu đời, yêu người dẫu có vấp phải những gì không hài lòng, nếu có trong ngày. Mà sự không hài lòng ấy làm sao tránh khỏi, chi bằng ta hãy tự “đề kháng” bằng chính hạt giống an lạc đã gieo trồng mỗi ngày ngay trong tâm hồn mình…

 

L.M.Q
(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 11.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com