THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thành trì lòng dân

LÊ MINH QUỐC: Thành trì lòng dân

 

thanhtrilongdan-RR

 

Nhong nhong ngựa ông đã về 

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn

Có lẽ một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất cho tình cảm cá nước quân dân là chiến dịch đánh thành Đông Quan năm 1427 của anh hùng Lê Lợi. Sử chép, lúc ấy nhân dân khắp nơi ùn ùn gánh lương thực ủng hộ nghĩa quân. Người đi như trẩy hội. Ai ai cũng thể hiện tinh thần chung lưng đấu cật với người lính chốn sa trường. Trận tuyến lòng dân đã thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam vừa thiêng liêng vừa cảm động. 60 năm trước, chiến dịch Điện Biên Phủ một lần nữa đã viết thêm trang sử mới của tình cảm dân với quân là một.

Ba tôi kể, những ngày kháng Pháp, mỗi “bộ đội Cụ Hồ” đều có một bà mẹ nuôi. Các bà mẹ ấy chăm sóc chiến sĩ như con ruột của mình. Mãi đến bây giờ trong mối quan hệ gia tộc của gia đình, chúng tôi còn có thêm cả bà mẹ nuôi của ba tôi nữa. Có được tình cảm sâu sắc ấy, khi ra trận, người lính an tâm và biết mình không đơn độc. Mỗi miếng cơm, manh áo gửi ra vùng biên giới, hải đảo xa xôi còn có cả lòng yêu thương, tin cậy của hậu phương nữa.

Trong những ngày này, cả nước không thể bình tâm khi hay tin biển Đông đang dậy sóng. “Chúng ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới”. Mỗi con dân nước Việt lại thao thức với lời dặn dò của ông vua anh hùng Trần Nhân Tông: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”; lại trăn trở với lời dạy của vua Lê Thánh Tông: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông…”. Tinh thần bất khuất và khí khái ấy có được bởi chính nghĩa đứng về phía dân tộc ta. Thật vậy, lịch sử đã chứng minh một chân lý rõ ràng, không thể chối cãi: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.

Hoàng Sa hiện là một huyện của thành phố Đà Nẵng. Chắc chắn báu vật ấy không thể mất vĩnh viễn vào tay kẻ ngoại xâm. Lòng tin này đã được xác tín trong máu thịt từ ngàn đời và nơi ấy đã có những người con ưu tú đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Hơn ai hết, từ nơi đầu sóng ngọn gió, người lính bảo vệ Trường Sa càng vững tay súng bởi biết rằng hậu phương cũng là một trận tuyến. Trận tuyến ấy chính là lòng dân, không gì có thể phá vỡ nổi tình cảm của người dân hướng về tuyến trước.

Đọc sử, ta biết rằng, cuối năm 1406, trước nguy cơ nước nhà bị giặc phương Bắc xâm lấn, nhà Hồ xuống chiếu truyền gọi các quan về triều họp bàn kế hoạch kháng chiến. Có người khuyên nên đánh để trừ mối lo về sau. Có người cho rằng nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng muốn để hoãn binh thì hơn. Khi được Hồ Hán Thương hỏi ý kiến, Tể tướng Hồ Nguyên Trừng đứng dậy, tay nắm chặt quả quyết: “Thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo”. Thượng hoàng Hồ Quý Ly lúc ấy đang ngồi dự họp, nghe lời nói khí khái như thế cảm động lắm.

Hậu phương vững chãi phía sau chính là nguồn đồng viên, nguồn sinh lực lớn lao nhất tiếp sức cho người lính. Một lần nữa, lịch sử đang chứng minh rằng, truyền thống ấy không bao giờ mất. Người lính của chúng ta không bao giờ không đơn độc bởi tin rằng, lòng dân đã thuận thì thành trì ấy sẽ tạo nên một sức mạnh vô song. Điều đơn giản, bất kỳ ai cũng biết là cuộc chiến nào huy động được sức mạnh toàn dân thì chiến thắng là một lẽ hiển nhiên.

 

L.M.Q

(Nguồn: Báo PNCN 11.5.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com