Ngày mới gặp nhau, chị có cảm tình với anh bởi nét mặt ấy thư sinh và “nai” quá. Ai nói câu gì, anh cũng chỉ cười cười hiền lành, tỏ vẻ thân thiện, không biết điều gì thì hỏi, chẳng hề “nanh nọc” theo kiểu “ta đây”. Những lần cả hai thì thầm chuyện trò, trong mỗi câu nói đều anh đều kèm theo viên kẹo ngọt ngào như “Cưng ơi cưng à, nhờ em giải thích anh mới biết đó”. Nghe khoái lắm. Ngược lại, tình cảm của anh dành cho chị cũng chẳng khác gì, chỉ cần nhìn đôi mắt chị chớp chớp e lệ ngước nhìn anh như uống lấy từng lời đã khiến anh tự hào bởi trong mắt chị, chỉ có anh là nhất.
Thế nhưng trong quá trình chung sống, có những tình huống dở khóc dở cười mà thiên hạ thường bảo là “bịt miệng không kịp”.
Bình thường, anh ấy ít nói, có cậy răng cũng chẳng hé nửa lời nhưng khi bè bạn của vợ đến chơi nhà thì mồm mép tép nhảy, liên tu bất tận. Thậm chí những lúc họ bàn về bệnh riêng của nữ giới, anh cũng chen ngang cho bằng được. Nghe anh “tám”, ai nấy thừa biết kiến thức “chuyên môn” của anh chỉ lõm bõm, “đầu cua tai nheo” chẳng đâu vào đâu nên không thèm chấp. Tội nghiệp vợ anh, chỉ biết “sượng trân” nhìn chồng bô bô cả những chuyện hết sức hết sức riêng tư của chị em. “Đó, đó, mấy em thấy anh giỏi không?”. Tất nhiên là giỏi. Giỏi đến độ lúc ấy, cô vợ chỉ muốn chui đầu xuống đất cho xong.
Có những người nói vung tí mẹt mọi lúc, mọi nơi chỉ nhằm khoe mình giỏi giang chẳng thua kém gì ai, chứ không ác ý gì. Thế nhưng, cái kiểu “biết tuốt” ấy đã khiến người chung quanh ngán ngẩm thở dài. Ai đời, trong tiệc đám cưới ngồi chung với những người chỉ sơ giao, đang câu chuyện tán gẫu vô thưởng vô phạt về thời tiết nắng mưa thì anh tranh thủ “cướp diễn đàn” giảng giải vì sao trái đất đang nóng dần lên? Rồi đá luôn qua chuyện phải bảo vệ môi trường, từ lên án lâm tặc đến phải thay đổi chính sách vi mô v.v… Cô vợ ngượng quá, phải kín đáo bấu tay ra hiệu mấy lần nhưng anh vẫn cứ oang oang!
Nực cười hơn là có những người tự cho rằng mọi điều mình nói chưa chắc người kia đã hiểu. Chẳng đâu xa, cứ nhìn vào mái ấm của tôi đây thôi. Không hiểu do ảnh hưởng từ ai, hễ sau mỗi câu nói, “con mèo mướp bé bỏng” luôn kèm theo một câu chắc nịch: “Anh có hiểu không? Anh không hiểu à, em nói lại nhá”. Nghe mà tự ái đùng đùng những muốn tràn lên cổ họng: “Bộ cô tưởng tôi là thằng ngốc sao?”. Thật ra, những cách nói nghe không lọt lổ tai ấy cũng do thói quen thôi. Mà giữa vợ với chồng, có thể nghe riết đâm quen chứ đem câu ấy hỏi người khác ắt họ sẽ tự ái đùng đùngi ngay.
Trong đám bạn bè cùng giới, thiếu gì chuyện phải “nói nhỏ” với nhau. Thật khó chịu khi đang “tám” những chuyện như thế mà có người khác giới cứ kè kè bên cạnh để hóng hốt, thỉnh thoảng lại reo lên: “À, chuyện này anh/em biết, mấy anh/em mà xem. Để làm được việc đó, thì phải cần thế này, thế nọ…”. Cứ thế, họ nói từ kinh nghiệm Đông Tây kim cổ tràng giang đại hải mà chẳng ăn nhập gì dến mối quan tâm chung của mọi người.
Trong cuộc sống, không ít người vô tình quên đi một điều rất đơn giản: Biết lắng nghe cũng là nghệ thuật tạo được sự cảm tình ở người khác. Nhất là trong đời sống vợ chồng, đôi khi cũng cần “giả nai”, biết lắng nghe một chút. Vậy mà lại hay. Còn gì thú vị hơn khi có những việc cỏn con nhưng cô vợ vẫn như “con nai vàng ngơ ngác”, rồi ra điều lắng nghe chăm chú ý kiến của chồng. Sau đó, nếu đúng ý mình bèn khen cho một câu: “Anh giỏi quá, anh tinh tinh tế quá” thế là chồng hỉnh mũi sung sướng suốt cả tháng! Nếu nghe không hợp ý, hợp lý thì mới nói lại như thể động viên chồng nghĩ sâu hơn một chút xem sao. Như vậy thì người chồng nào mà không tự hào? Nghệ thuật sống chung có những phương thức đơn giản mà đâu phải ai cũng biết, cũng “tuân thủ”?
Tâm lý con người ta cũng lạ. Ai cũng muốn được thiên hạ khen là chuyện gì cũng biết, do đó, hễ có cơ hội là họ mặc sức “nhả ngọc phun châu”. Thật ra, khôn ngoan là những ai còn phải biết lắng nghe, biết “giả nai” nữa. Dù biết “một nửa” đang giả bộ nhún mình nhưng ai cũng khoái vì lúc đó ít ra mình còn đóng một vai trò gì đó. Còn nếu, “nửa kia” lúc nào cũng tỏ ra “biết tuốt”,dẫu có đúng đi nữa, thì ta vẫn bực bội, chẳng lẽ mình chỉ là cái bóng thôi sao? Ấy là chưa kể, phải tùy hoàn cảnh mà bày tỏ sự hiểu biết, nếu mở miệng là “oang oang” thì sẽ có lúc “bịt miệng không kịp”!
L.M.Q
(nguồn: TGPN 12.5.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|